BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN SỬU NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC 12 (1481)
82 tấm bia Tiến sĩ tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của di sản văn hóa Việt Nam, là minh chứng sống động về truyền thống hiếu học và tri thức của dân tộc. Ở mặt trước mỗi tấm bia, có khắc chữ ghi lại những sự kiện liên quan đến các khoa thi và tên tuổi của các vị Tiến sĩ đỗ đạt. Đặc biệt, có một số tấm bia được khắc chữ ở cả hai mặt, trong đó có tấm bia Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 (1481).
Mặt trước khắc bài văn bia cho biết khoa thi Hội năm 1481 hơn 2.000 sĩ tử, nhưng chỉ tuyển chọn được 40 người tiếp tục vào kỳ thi Đình. Sau thi Đình, Vua xem quyển thi chọn bài, lấy đỗ được cả ba hạng Tiến sĩ. Trong đó ba người ở hàng Đệ nhất giáp, tám người đỗ Đệ nhị giáp, 29 người Đệ tam giáp.
Nội dung bài văn bia còn cho biết mục đích của việc dựng bia đề danh Tiến sĩ về việc răn dạy kẻ sĩ: “Những người được ghi tên vào đá này, cố nhiên phải lấy đạo nghĩa đức hạnh để tu dưỡng bản thân, phải dùng văn học mà giồi mài tâm tính; làm vị Trạng nguyên chân chính, làm vị Tiến sĩ chân chính, trên không phụ ơn tri ngộ của triều đình, dưới không phụ với sở học thường ngày.”
Mặt sau bia khắc họ tên và chức vụ các vị quan giám khảo của khoa thi. Họ là các quan đại thần trong triều và đều là các bậc đại khoa, hiền tài. Đề điệu là Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Trung quân Đô đốc phủ đường phủ sự, Thái bảo Bình Lạc bá kiêm Tôn nhân phủ Tôn nhân lệnh Trịnh Duy Hiếu; Phụng trực đại phu Hộ bộ Thượng thư Tư chính Thượng khanh Hoàng Nhân Thiêm. Quan Độc Quyển là Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các đại học sĩ Tư chính thượng khanh Thân Nhân Trung; Trung trinh đại phu Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các đại học sĩ Khuông Doãn mỹ Đỗ Nhuận; Triều liệt đại phu Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Sử quan tu soạn Tu Thiện doãn Ngô Sĩ Liên;Hiển cung đại phu Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh. Giám thí là Trung trinh đại phu, Ngự sử đài đô ngự sử Tả Xuân phường Tả Trung doãn Khuông Mỹ doãn Quách Đình Bảo; Binh bộ Tả thị lang Triều liệt đại phu Tu thiện doãn Đào Văn Hiển.
Trải qua hơn 500 năm, bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) không chỉ là một chứng tích lịch sử quý báu, mà còn là biểu tượng cho truyền thống tôn vinh tri thức và đạo đức của dân tộc ta. Qua từng nét chữ khắc trên đá, bia ghi lại không chỉ những thành tựu của các bậc khoa bảng mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước. Đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm của triều đình đối với giáo dục, trọng dụng nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của đất nước thông qua việc xây dựng một nền văn hóa học thuật bền vững, lâu dài. Bia tiến sĩ không chỉ là tài sản của quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ sau về tinh thần học tập, rèn luyện và cống hiến cho dân tộc.
LH
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU QUANG THUẬN 7 (1466)
Bia đề danh Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận 7 (1466) được dựng trong đợt dựng bia đầu tiên vào năm 1484.
Hình dáng bia dẹt, kích thước (154 x 110 x 20) cm. Trán bia được trang trí hình mây thiêng, khánh ngọc. Diềm bia trang trí hoa dây thảo Đường. Nội dung bài ký khắc trên bia là nguồn sử liệu ghi chép lại thông tin về khoa thi, cũng như việc coi trọng giáo dục, tuyển chọn hiền tài của triều đại đương thời, và họ tên, quê quán của 27 Tiến sĩ.
Khoa thi Hội năm 1466 có tới 1100 người tham dự, nhưng triều đình chỉ chọn được 27 người tiếp tục vào kỳ thi Đình. Nhà vua ngự điện Kính Thiên, đích thân ra bài thi. Ngày hôm sau, bài thi của các sĩ tử được dâng lên đọc, nhà vua xem xét, định thứ bậc cao thấp cho 8 người đỗ hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 19 người đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Như vậy khoa này không lấy đỗ được hàng Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ. Người đỗ đầu ở hạng đệ tam là ông Nguyễn Nhân Thiếp khi đó mới 15 tuổi
Sau khi thi đỗ, ông từng giữ các chức Học sĩ Đông các, kiêm Tế tửu Quốc tử giám, rồi trải thăng đến Thượng thư bộ Lại. Năm anh em ông cùng làm quan một thời.
Trên bia khắc rõ họ tên các vị quan giám khảo của khoa thi này, họ đều là các bậc đại khoa đang giữ những chức vụ quan trọng trong triều như: Đề điệu là quyền Thượng thư chính sự viện kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ Nguyễn Như Đổ; Giám thí là Hàn lâm viện đại học sĩ, quyền Ngự sử đài ngự sử đại phu Trần Bàn; quan độc quyền là Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn lâm viện thừa chỉ quyền Hộ bộ hữu thị lang kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ nhập thị kinh diên Nguyễn Cư Đạo, Hàn lâm viện học sĩ hành Hải Tây đạo Tuyên chính sứ ty tham tri kiêm Bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh.
Qua bài văn bia còn cho thấy việc coi trọng người tài của triều đại bấy giờ. Các vị tân khoa sẽ được triều đình bân nhiều ân huệ như lễ xướng danh, quan bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa Đông Hoa để tỏ sự vinh quang, được ban cho áo mũ, yến tiệc, và vinh quy.
Văn bia còn răn dạy về trách nhiệm đạo lý đối với những người kẻ sĩ: “Thế thì những người được ghi tên lên tấm đá này phải nên cảm kích ơn vua, giồi mài danh tiết để lo đền đáp. Còn các sĩ tử ngước mắt nhìn lên cũng sẽ hăng hái lòng trung nghĩa, trau dồi học hành, đức hạnh để mong có ngày hiển dương đắc dụng. Như thế là để đợi chờ bậc tuấn kiệt theo nhau mà đến, kẻ tài năng chân chính xuất hiện tiếp nhau, văn chương đủ để giúp nước, đạo đức đủ để giúp đời”.
Những tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ động viên, khích lệ tinh thần học tập cho kẻ sĩ đương thời mà còn cho các thế hệ của muôn đời sau.
Khu vườn bia Tiến sĩ bên tây
Dãy bia Tiến sĩ bên tây có đặt tấm bia đề danh Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận 7 (1466)
LH
BIA GHI DANH TRẠNG NGUYÊN LƯƠNG THẾ VINH
Bia Tiến sĩ khoa Quí Mùi niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) là một trong mười tấm bia đầu tiên được dựng trong đợt dựng bia năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Bia có hình dáng dẹt, màu ghi đá, có chiều cao 152cm, chiều rộng 119cm, bề dày 17cm. Trán bia hình khung vòm có trang trí mây thiêng hình khánh ngọc. Mây thiêng vốn là một biểu tượng của Đạo giáo. Sự xuất hiện hình mây hình khánh nằm ở trung tâm trán bia cho thấy phần nào mức độ ảnh hưởng của Đạo giáo với bia Tiến sĩ. Ngay phía dưới trán bia là hàng chữ ngang khắc niên đại tổ chức khoa thi Quang Thuận tứ niên Quý Mùi khoa tiến sĩ đề danh kí theo lối chữ triện. Thân bia có hình chữ nhật đặt trên lưng rùa. Đế bia hình rùa có tạo hình tinh tế trong sự đơn giản với mai trơn nhẵn, sống lưng có gờ nhỏ, chân rùa có 5 ngón.
Khoa thi này có tới 1.400 thí sinh, lấy đỗ 44 người. Ngày 16 tháng 2, vua Lê Thánh Tông ngự ở hiên điện, đích thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương, sai Đề điệu là Kiểm hiệu tư đồ Bình chương sự kiêm Đô đốc bình chương sự Đông đạo chư vệ quân Nguyễn Lỗi và Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Niệm. Độc quyển là các ông Tả ty môn hạ sảnh Tả gián nghị đại phu Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch sảnh kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ; Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Tri Đông đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Vĩnh Tích; Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Bá Ký. Cử Chính sự viện Tham nghị chính sự Nguyễn Phục làm Giám thí.
Sau khi dâng quyển lên đọc, đích thân Hoàng thượng xem xét và định thứ bậc cao thấp. Đỗ đầu là Trạng nguyên Lương Thế Vinh (người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Nam định), từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, được coi là thần đồng toán học. Ông làm quan đến chức Thị thư viện Hàn Lâm, có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và giáo dục. Tác phẩm nổi tiếng “Đại thành toán pháp” gắn liền với tên tuổi của Trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Đỗ Bảng nhãn là Nguyễn Đức Trinh – người huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Đặc biệt, đỗ Thám hoa trong khoa thi này là Quách Đình Bảo – người xã Phúc Khê, huyện Thanh Quan, Thái Bình. Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình và đã từng sang sứ nhà Minh. Thám hoa Quách Đình Bảolà một trong mười tám vị minh quân phò tá có công lao lớn thời Lê Sơ, là một trong những danh thần được vua Lê Thánh Tông giao cho việc phụ trách việc dựng bia Tiến sĩ năm 1484.
Ngoài ra, trong 44 vị Tiến sĩ đỗ khoa thi này còn có Tiến sĩ Vũ Hữu – người huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, Hải Dương. Ông có tác phẩm nổi bật để lại cho hậu thế là “Lập thành toán pháp”. Trong danh sách các vị đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân còn có hai vị Tiến sĩ đã từng giữ chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp là: Tiến sĩ Hoàng Bồi và Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính.
Qua bài kí trên bia đã gửi gắm lời khuyên răn đối với những người đỗ đạt: “kẻ sĩ may mắn được ghi danh vào tấm đá này, phải làm cho danh đúng với thực, sửa nết giữ mình”. Hay sự trọng đãi của nhà vua với các vị tân khoa tiến sĩ: “Ngày 22 tháng hai, nhà vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa. Nhà vua còn ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu đối với các các nhà khoa bảng”.
Người được giao nhiệm vụ soạn bài văn bia là Đông các hiệu thư Đào Cử, viết chữ là Nguyễn Tủng và viết chữ triện là Tô Ngại.
An Nhiên
LỜI RĂN DẠY NGƯỜI ĐỖ ĐẠT TRÊN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI 1448
Bia Tiến sĩ khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa 6 (1448) là tấm bia tiến sĩ thứ hai được dựng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bia được đặt dưới tòa đình bia phía tây trong khu vườn bia tiến sĩ.
Bia có hình dáng dẹt, màu ghi đá, có chiều cao 153cm, chiều rộng 111cm, bề dày 19cm. Trán bia trang trí mây vờn ngọc báu, cây thiêng, cỏ lạ (kim ngân). Diềm bia hoa dây thảo Đường. Ngay phía dưới trán bia là hàng chữ ngang khắc niên đại tổ chức khoa thi Thái Hòa lục niên Mậu Thìn khoa tiến sĩ đề danh kí theo lối chữ triện. Đế bia hình rùa có tạo hình tinh tế trong sự đơn giản với đầu tròn, mai trơn nhẵn.
Khoa thi này có tới hơn 750 thí sinh, lấy đỗ 27 người. Ngày 23 tháng 8, vua Lê Nhân Tông đích thân ra đề văn sách. Sai Đặc tiến Nhập nội Tư khấu Đồng Bình chương sự Trịnh Khắc Phục làm Đề điệu, Ngự sử trung Thừa Ngự sử đài Hà Lật làm Giám thí, Môn hạ sảnh Tả ty Tả nạp ngôn Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Mộng Tuân, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ Trình Thuấn Du, Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Tử Tấn làm Độc quyển.
Sau khi dâng quyển lên đọc, đích thân Hoàng thượng xem xét và định thứ bậc cao thấp. Đỗ đầu là Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư người thôn Phù Lương xã Phù Lương huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thi đỗ ông được bổ chức Hàn Lâm trực học sĩ, rồi đổi làm An phủ sứ lộ Tân Hưng. Lê Nghi Dân tiếm ngôi, triều đình cử ông làm Phó sứ sang nhà Minh cầuphong (1-1460), sau thăng đến chức Thượng thư chưỏng lục bộ.
Đỗ Bảng nhãn là Trịnh Thiết Trường người thôn Đông xã Hạnh Phúc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá. Khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) ông cùng hoc trò là Nguyễn Nguyên Chân trước khi đi thi đã quyết chí phải đỗ Cập đệ (hàng Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) nhưng khi yết bảng thấy chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ nên không nhận, xin được thi lại. Khoa 1448 đi thi lại, Thiết Trường quả nhiên đỗ Bảng nhãn. Đỗ Thám hoa trong khoa thi này là Chu Thiêm Uy người thôn Phương Quất, xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, làm quan đến chức An phủ sứ lộ Tân Hưng Hạ.
Qua bài kí trên bia cho thấy lời khuyên răn, nhắc nhở với những người đỗ đạt: “những người hiện đương tại chức, hãy nên nhớ lại ơn lựa chọn của tiên triều, ngẫm tới sự hiển đạt của mình ngày nay, tiết muộn đường dài, hãy thận trọng để khỏi hổ thẹn”.
Người được giao nhiệm vụ soạn bài văn bia là Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận, viết chữ là Nguyễn Tủng và viết chữ triện là Tô Ngại.
An Nhiên
CÙNG TÌM HIỂU TẤM BIA TIẾN SĨ KHOA THI 1475
Bia Tiến sĩ khoa thi Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) là một trong mười tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Bia có hình dáng dẹt, màu ghi đá, có chiều cao 154 cm, chiều rộng 119 cm, bề dày 18 cm. Diềm bia trang trí hoa dây thảo Đường. Ngay phía dưới trán bia là hàng chữ ngang khắc niên đại tổ chức khoa thi Hồng Đức lục niên Ất Mùi khoa tiến sĩ đề danh kí theo lối chữ triện. Đế bia hình rùa có tạo hình tinh tế trong sự đơn giản với đầu tròn, mai trơn nhẵn.
Khoa thi này có tới hơn 3.000 thí sinh, lấy đỗ 43 người. Đến ngày 11 tháng 5, nhà vua “ngự điện Kính Thiên, thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa để chọn thứ bậc”. Đây là khoa thi thứ năm được tổ chức thời vua Lê Thánh Tông. Sau kỳ Điện thí, nhà vua chọn đủ Tam khôi: Trạng nguyên là Vũ Tuấn Chiêu 49 tuổi, ông người huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Nguyên quán xã Cổ Lôi, huyện Tây Chân, nay là thôn Xuân Lôi, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Vũ Tuấn Chiêu sau làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Hiện nay, tại xã Nam Hùng, huyện Nam Trực còn đền thờ ông. Đậu Bảng nhãn là Ông Nghĩa Đạt, người xã Phú Gia, huyện Từ Liêm, nay là thôn Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ông làm quan đến chức Phó Đô ngự sử, từng đi sứ nhà Minh. Thám hoa là Cao Nghĩa, 37 tuổi, người xã Cao Xá, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Thành huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Ông làm đến chức Đông các đại học sĩ.
Đỗ hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 13 người. Đáng chú ý có Tiến sĩ Nguyễn Kim, người tỉnh Bắc Ninh, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân có 27 người, trong đó Tiến sĩ Nguyễn Lê Kính, người tỉnh Bắc Giang từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Bài văn bia do Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn - Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức 3 (năm 1472) soạn. Nội dung cho thấy, việc giáo dục đào tạo nhân tài rất được chú trọng dưới thời vua Lê Thánh Tông: “Hiền tài đối với quốc gia, cũng như nguyên khí con người ta không thể một ngày không có”; “Nhất là việc lập trường học, mở khoa thi, càng để lòng chăm chú hơn”. Văn bia còn nhắc nhở kẻ sĩ, dù là các Tiến sĩ có tên trên bia, hay kẻ sĩ trong thiên hạ về cách sống, cách làm việc, cách cư xử cùng đạo lý, luân thường : “Nay những người thi đỗ đều đã được bổ nhiệm khắp nơi….tất cả đều lo nung nấu lòng ngay, trau dồi tiết lớn, nêu cao thanh danh lừng lẫy, công nghiệp lỗi lạc, ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình cất nhắc, dưới không phụ chí khí hoài bão trong đời. Thảng hoặc có kẻ không được như thế, đời sau sẽ có người chỉ vào tên mà bàn tán rằng : người này trung chính, kẻ kia gian tà; người này thanh liêm giữ mình, người kia tham lam mất chức…ắt không tránh khỏi sự khen chê của người đời. Thế thì tấm đá này dựng lên không chỉ để nêu thanh danh và lưu tiếng tốt, khiến cho người thi đỗ được vẻ vang nhất thời mà thôi đâu, mà thâm ý khuyên răn thực gửi vào trong đó”.
Văn bia còn cho ta biết tên và chức vụ, trách nhiệm các quan chịu trách nhiệm về khoa khi này như: Quan Đề điệu là Thượng tướng quân phò mã đô uý Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc Đoan Vũ bá Trịnh Công Lộ và Lại bộ thượng thư Hoàng Nhân Thiệm; quan Độc quyển là Triều liệt đại phu Hàn lâm viện thị độc kiêm Đông các học sĩ Thân Nhân Trung, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Quách Đình Bảo; quan Giám thí là Thái tử thiếu bảo Ngự sử đài đô ngự sử Trần Phong và Binh khoa đô cấp sự trung Phí Bá Khang.
Phần cuối văn bia còn khắc họ tên người viết chữ, người khắc bia. Bia khoa thi này do Trung thư giám chính tự Thái Thúc Liêm viết chữ, và Mậu lâm lang kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại, người viết chữ Triện. Với bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, họ đã để lại cho đời sau một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là nguồn sử liệu quý giá về nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM ẤT MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC THỨ 6 (1475)
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
VŨ TUẤN CHIÊU |
huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên |
ÔNG NGHĨA ĐẠT |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
CAO QUÝNH |
huyện Đông Thành phủ Diễn Châu |
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 13 người:
PHẠM XÁN |
huyện Đường An phủ Thượng Hồng |
TRẦN THÂM |
huyện Thiện Tài phủ Thuận An |
ỨNG NGẠN LƯỢNG |
huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín |
VƯƠNG HIỂN |
huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách |
NGUYỄN TẤN VĨ |
huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng |
LÊ QUẢNG DU |
huyện Lôi Dương phủ Thiệu Thiên |
PHẠM HƯNG VĂN |
huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng |
ĐỖ TRÍ TRUNG |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
KIỀU PHÚ |
huyện Ninh Sơn phủ Quốc Oai |
NGUYỄN KIM |
huyện Tiên Du phủ Từ Sơn |
ĐỖ TUYỀN |
huyện Phụ Dực phủ Thái Bình |
VŨ MẪN TRÍ |
huyện Kim Thành phủ Kinh Môn |
NGUYỄN TUẤN |
huyện Đông Yên phủ Khoái Châu |
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 27 người:
ĐỖ VINH |
huyện Trường Tân phủ Hạ Hồng |
PHAN PHÚC CẨN |
huyện La Giang phủ Đức Quang |
NGUYỄN DUY TIẾU |
huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng |
NGUYỄN ẤU MIỄN |
huyện Quế Dương phủ Từ Sơn |
NGUYỄN QUAN HIỀN |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
HOÀNG THIỆU |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
ĐỖ TƯƠNG |
huyện Ngọc Sơn phủ Tĩnh Ninh |
NGUYỄN MINH KHANG |
huyện Ngự Thiên phủ Tân Hưng |
NGUYỄN TRINH |
huyện Lập Thạch phủ Tam Đới |
VŨ TRIỆU DUNG |
huyện Phụ Dực phủ Thái Bình |
NGUYỄN CUNG |
huyện Bình Hà phủ Nam Sách |
NGUYỄN ĐẠC |
huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn |
NGUYỄN TĨNH |
huyện Kim Hoa phủ Bắc Giang |
PHAN QUÝ |
huyện Siêu Loại phủ Thuận An |
THÁI THUẬN |
huyện Siêu Loại phủ Thuận An |
NGUYỄN SÙNG NGHÊ |
huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên |
TRẦN MÔ |
huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai |
ĐOÀN MẬU |
huyện An Lão phủ Kinh Môn |
NGUYỄN LI CHÂU |
huyện Yên Lãng phủ Tam Đới |
NGUYỄN LỄ KÍNH |
huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang |
TẠ ĐỨC HẢI |
huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn |
TẠ THÔNG |
huyện Sùng Yên phủ An Bình |
NGUYỄN DƯƠNG HIẾN |
huyện Kim Hoa phủ Bắc Giang |
ĐỖ CHÍNH LẠC |
huyện Đường An phủ Thượng Hồng |
NGÔ LUÂN |
huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn |
NGUYỄN TƯ PHỤ |
huyện Chí Linh phủ Nam Sách |
NGUYỄN TƯ PHÚC |
huyện Lập Thạch phủ Tam Đới |
An Nhiên
TÌM HIỂU VỀ VIỆC KHUYẾN KHÍCH HỌC TẬP, COI TRỌNG HIỀN TÀI QUA BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM 1442
Trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1442 có khắc bài văn bia do Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung biên soạn. Nội dung bài văn bia đã cung cấp cho chúng ta những thông tin về truyền thống coi trọng giáo dục đào tạo và đề cao người tài.
Thời quân chủ ở nước ta, việc mở khoa thi tuyển chọn nhân tài được bắt đầu từ triều Lý. Điều này cho thấy các triều đại đã sớm thấy được tầm quan trọng của nhân tài đối với sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, những người sau khi thi đỗ được hưởng rất nhiều ân điển của triều đình. Đặc biệt, để khuyến khích học tập, coi trọng, đề cao hiền tài, vào ngày rằm tháng tám năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho dựng bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khoa thi đầu tiên được dựng bia là khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại bảo 3 (1442) triều vua Lê Thái Tông.
Bài ký trên bia cung cấp nhiều thông tin quý về khoa thi năm 1442 (thời Vua Lê Thái Tông) như: số lượng người dự thi Hội có 450 người, lấy đỗ được 33 Tiến sĩ (trong đó ba người ở hàng Tam khôi, bảy người đỗ Đệ nhị giáp, 23 người Đệ tam giáp); quan trông thi, chấm thi đều là những đại thần, các nhà khoa bảng như: Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Thượng thư Lê Văn Linh, Trung thư sảnh trung thư thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Quốc Tử Giám bác sĩ Nguyễn Tử Tấn …
Nội dung bài văn bia cho biết sau khi thi đỗ, các Tiến sĩ nhận được rất nhiều ân điển của nhà vua: “xướng danh treo bảng, để tỏ cho kẻ sĩ thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để nêu cao nổi bật trên dân thường, ban áo mũ cân đai để đẹp cách ăn mặc, cho dự yến vườn Quỳnh) để tỏ ơn huệ, cấp ngựa về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu. Kẻ sĩ và dân chúng Trường An đâu đâu cũng tụ tập đến xem, đều ca ngợi thánh thượng chuộng Nho xưa nay hiếm thấy.”.
Bên cạnh đó, nội dung bài ký đã cho thấy rõ tầm quan trọng của hiền tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào, đã được đề cao bởi khoa danh, lại được ban tước trật cao trọng.” cũng như mục đích của việc dựng bia đề danh Tiến sĩ của triều đại đương thời: “Thế thì việc dựng tấm đá này có lợi ích rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng, biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà. Việc lớn mà thánh tổ thần tông đặt ra đâu phải là vô ích. Vậy những ai xem đến tấm bia này cũng nên hiểu ý sâu xa đó.”.
Đến nay đã tròn 560 năm, bia tiến sĩ vẫn còn trường tồn với thời gian. Các vị Tiến sĩ được khắc tên trên tấm bia này đều là những danh nhân có nhiều đóng góp cho nước nhà như: Trạng nguyên Nguyễn Trực, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên. Ông từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám, từng đi sứ nhà Minh, rất được triều đình nhà Minh coi trọng. Bảng nhãn của khoa thi này là Nguyễn Như Đổ, người xã Duyên Hà huyện Thanh Trì, Hà Nội, cũng đã từng là Tế tửu Quốc Tử Giám. Thám hoa Lương Như Hộc, người xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân, tỉnh Hải Dương, (nay là xã Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là người đầu tiên truyền dạy nghề in mộc bản cho dân hai làng Liễu Tràng và Hồng Lục quê ông. Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên, người xã Chúc Sơn, huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một nhà sử học. Ông là người có công lớn trong việc biên soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 bộ. Ông cũng từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Qua những thông tin được khắc ghi trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi 1442, chúng ta phần nào thấy được việc giáo dục, đào tạo nhân tài luôn là điều cần kíp ở mọi thời đại.
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442)
Khách tham quan tìm hiểu bia Tiến sĩ
LH
Ý NGHĨA ĐOẠN TRÍCH VĂN BIA TIẾN SĨ KHOA THI 1631
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho lập bia đá khắc tên các vị Tiến sĩ để vinh danh những người đỗ đạt và giáo dục cho sĩ tử. Đó là một trong những đặc điểm độc đáo của các bài văn bia Tiến sĩ đặt tại Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội.
Trong bài ký của Văn bia Tiến sĩ khoa thi năm 1631 do Mậu lâm lang Hàn lâm viện hiệu thảo Trịnh Cao Đệ soạn cũng nói rõ được đặc điểm độc đáo ấy. Bài ký có đoạn viết “Kẻ sĩ may mắn được khắc tên trên tấm đá này cần phải nêu cao đức liêm khiết, cần mẫn; bịt lấp ngõ tham lam, ganh ghét; lấy lòng trung thờ vua, đem ơn huệ cho dân; ngồi ở triều đình thì giữ công tâm, khiến lũ gian thần rụt cổ; ngoài ra thi hành lương chính để trăm họ thỏa lòng. Được như thế thì trên không phụ ơn triều đình ưu ái, dưới không phụ hoài bão giúp vua lợi dân” .
Thác bản văn bia Tiến sĩ khoa thi năm 1631
(Nguồn ảnh: trang web Thư viện Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Ý nghĩa của đoạn trích đã cho chúng ta thấy trách nhiệm của kẻ sĩ đối với đất nước khi được triều đình trọng dụng. Đó là việc họ phải luôn có ý thức học tập, rèn luyện bản thân, cống hiến cho nước nhà, vì dân vì nước. Sự cống hiến sẽ giúp con người đẩy xa cái tôi cá nhân, sự ích kỉ, tham lam của mình để hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Người sống có trách nhiệm với tổ quốc sẽ là người có tình yêu thương, tính tự giác cao. Họ phải làm sao cho xứng với sự tin tưởng của triều đình và lòng yêu mến của nhân dân.
Những lời văn bia đó không chỉ có giá trị động viên, khuyến khích và giáo dục kẻ sĩ, mà còn có giá trị giáo dục đến tận các thế hệ mai sau. Thế hệ trẻ của dân tộc ta vẫn đang không ngừng tiếp thu tri thức, rèn mài trí tuệ, phẩm hạnh để cống hiến và góp phần vào sự phồn vinh, hưng thịnh của dân tộc.
Bia đề danh Tiến sĩ có ở nhiều nước và một số địa phương ở Việt Nam, nhưng chỉ có ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội mới có bài văn bia cho chúng ta thấy được hết trọng trách của kẻ sĩ đối với quốc gia, với nhân dân. Đó thực sự là những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá mà cha ông ta đã để lại cho muôn đời sau.
AV
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn Miếu –Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chủ biên Ngô Đức Thọ, 2002.
2. Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chủ biên Nguyễn Quang Lộc, Phạm Thị Thúy Hằng, 2000.
ĐỒ ÁN “CHIM HỶ THƯỚC ĐẬU CÀNH MAI” TRÊN BIA TIẾN SĨ
Trên diềm bia tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng 12 (1589) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám có trang trí đồ án “ Chim hỷ thước đậu cành mai”. Theo quan niệm dân gian: “Hoa mai khoe nhị đón điềm tốt, chim khách trên cây báo điềm lành”. Do âm đọc trong tiếng Hán, vui trên khóe mắt (喜 上 眉 梢) nghe giống với âm đọc hỷ thước trên cành mai. Như vậy đồ án “Chim hỷ thước đậu cành mai” có thể hiểu là: Báo điều tốt lành.
Bạn có thể tự tay trải nghiệm in mộc bản hoạ tiết “Chim hỷ thước đậu cành mai” trên giấy dó tại Khu trải nghiệm cùng di sản, nhà Tả vu, khu Điện Đại Thành, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Đừng bỏ lỡ cơ hội mang về nhà bức tranh “Chim hỷ thước đậu cành mai” với ý nghĩa báo điều tốt lành các bạn nhé!
An Nhiên
VÌ SAO BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM LÀ DI SẢN TƯ LIỆU ĐƯỢC GHI VÀO DANH MỤC KÝ ỨC THẾ GIỚI (MEMORY OF THE WORLD) CỦA UNESCO.
Chiều 9/3/2010, tại Macao, Trung Quốc, trong phiên họp toàn thể thường niên Uỷ ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là di sản tư liệu thế giới được đưa vào danh mục Ký ức thế giới (Memory of the World) của UNESCO.
Ngày 25/5/2011, tại thành phố Manchester (Anh), Tổng giám đốc UNESCO - bà Irina Bokova, đã chính thức phê duyệt, đưa 45 di sản tư liệu của nhiều nước trên thế giới, trong đó có bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào danh sách Ký ức thế giới (ghi danh các di sản tư liệu trên toàn thế giới) của UNESCO do Ủy ban Cố vấn quốc tế thuộc Ủy ban Ký ức thế giới đề nghị.
Theo tiêu chí của UNESCO, để được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, di sản đó phải là di sản tư liệu, nghĩa là nó phải là một sản phẩm làm ra có mục đích, chứa đựng thông tin trên vật mang tin. Tư liệu đó phải đảm bảo các tiêu chí như tính xác thực, tính độc đáo và duy nhất, đặc biệt, nó phải có ý nghĩa, giá trị toàn cầu về một lĩnh vực nào đó.
82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di sản tư liệu vì đó là hồ sơ về các khoa thi Tiến sĩ trên đá, được các vị vua triều Lê, Mạc cho dựng từ năm 1484 đến năm 1780; nội dung của văn bia rất phong phú, vật mang tin chính là những tấm đá..
Bia tiến sĩ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đòi hỏi đối với một Ký ức thế giới với những đặc tính sau:
Tính xác thực của tư liệu thể hiện ở các điểm như phải là tài liệu gốc, nguồn gốc, lai lịch của tư liệu phải rõ ràng, không bị sửa chữa …, việc xác định là tư liệu gốc, chân thực đảm bảo để không có bản thứ hai, hoặc bản thứ hai sẽ là bản sao chép. Tiêu chí này là tiền đề, cơ sở để xác định tiêu chí tính độc đáo, không thể thay thế. Bia Tiến sĩ là bản gốc duy nhất được Vua cho dựng ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có lai lịch, nguồn gốc rõ ràng. Việc dựng bia được ghi chép cụ thể trong nhiều sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… Bản thân văn bia cho chúng ta biết về ngày tháng dựng bia, tên và chức vụ người phụng mệnh nhà vua soạn văn bia, người nhuận sắc, cả tên hoặc quê của người đẽo đá, khắc chữ trên bia. Ngoài ra, những nét hoa văn, trang trí trên bia tinh xảo, mang dấu ấn của từng thời kỳ vừa tạo nên nét độc đáo của bia, vừa tạo nên tính chân thực cho bia.
Ý nghĩa quốc tế thể hiện ở tính độc đáo và không thể thay thế. Mặc dù, Trung Quốc có bia ghi danh Tiến sĩ các khoa thi, nhưng Bia Tiến sĩ triều Lê -Mạc là bản duy nhất ở Việt Nam cũng là bản duy nhất trên thế giới có bài ký giàu nội dung, thể hiện nhiều quan điểm độc đáo của triều đại, nó không chỉ có ảnh hưởng đối với xã hội lúc bấy giờ, mà còn nguyên giá trị cho đến nay và mai sau. Nếu chẳng may, một tấm bia bị hủy hoại, nhân loại sẽ mất đi một di sản văn hóa quý giá, một tư liệu quan trọng để tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á- của thế giới. Dù có nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến hiện nay, cũng không thể khôi phục, làm lại được bởi tính lịch sử, tính mỹ thuật và cách thức chế tác, tạo dựng bia. Vì vậy, bia Tiến sĩ là những tư liệu độc đáo và không thể thay thế. Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu phản ánh, giúp tìm hiểu về tiến trình du nhập, thay đổi của Nho giáo ở Việt Nam, về Nho giáo ở ngoài Trung Quốc, cái nôi, trung tâm của nền văn hóa Trung Hoa. Như vậy nó giúp nhân loại hiểu về lịch sử của nền văn hóa nhân loại trong giai đoạn thế kỷ XV-XVIII tại khu vực châu Á.
Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê- Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đáp ứng tất cả các tiêu chí, trong đó đặc biệt nhất là chủ đề của tư liệu và tác động xã hội của những tấm bia mà những di sản tư liệu cùng loại không có.
Bia tiến sĩ đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nổi bật nhất là về lĩnh vực giáo dục và sử dụng nhân tài – sản phẩm của giáo dục. Triết lý, quan điểm giáo dục độc đáo của các triều đại xưa như “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, việc giáo dục không chỉ với những học trò, với những người còn đang đi học, mà việc giáo dục con người là một quá trình, ngay cả sau khi thi đỗ, làm quan - những người đã được coi là thành đạt vẫn còn nguyên giá trị. Các bài văn bia thường nhắc nhở những người thi đỗ là sống sao cho “danh xứng với thực”, là ông “chân trạng nguyên”, không tham ô, ăn hối lộ… Tư tưởng giáo dục, đạo lý này cho đến nay vẫn được nhắc đến thường xuyên không chỉ ở các nước trong khu vực, nó còn là mục tiêu của hầu hết các nước trên thế giới trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý, làm cho đất nước phát triển.
Bia Tiến sĩ có ý nghĩa xã hội to lớn. Việc dựng bia đã khích lệ mọi tầng lớp học tập để được khẳng định, để được phát huy tài năng, để trở thành người có ích, làm vẻ vang cho gia đình, quê hương, đất nước. Bia Tiến sĩ thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó cócác học giả, chính khách cao cấp của Việt Nam và thế giới. Những bài ký trên bia luôn tạo nên sự bất ngờ và thích thú cho những ai tìm hiểu. Và vì vậy, bia Tiến sĩ là những di sản tư liệu quý giá của nhân loại.
LH
LỘ LỘ LIÊN HOA – ĐÀN CÒ VÀ ĐẦM SEN
BỨC TRANH CỦA ƯỚC VỌNG THÀNH ĐẠT TRÊN BIA TIẾN SĨ
Đăng khoa là mốc lớn đánh dấu sự thành đạt, là bước đầu tiên mở ra con đường công danh sự nghiệp của mỗi Nho sinh. Ước vọng cao đẹp có được niềm vui đỗ đạt luôn cháy bỏng với tất cả các thế hệ học trò. Ước vọng này được thể hiện rất sinh động trên đồ án hoa văn “Lộ lộ liên hoa” trang trí bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đồ án “lộ lộ liên hoa” (cò và sen) tả cảnh đàn cò đang bơi lội dưới đầm sen. Đồ án được chạm dưới diềm chân bia tiến sĩ khoa thi Quang Hưng thứ 12 (1589). Đây là dạng tranh hài thành ngụ ý, ẩn dụ cho sự hiển đạt hanh thông, đăng khoa liên tiếp.
Ảnh: Đồ án “Lộ lộ liên hoa” (cò và hoa sen) hoa văn trang trí diềm chân bia Tiến sĩ khoa thi 1589.
Đó thực sự là một bức tranh đồng quê yên bình, tuyệt đẹp, tràn đầy sức sống với cảnh đàn cò đang bơi lội dưới đầm sen. Đàn cò được chạm khắc với nhiều tư thế sinh động rất tự nhiên, có con đang bơi, con đang tìm mồi, có con ngẩng cao đầu dáng thanh thoát nhẹ nhàng… tất cả các động tác đều được biểu cảm rất tinh tế, khéo léo. Những bông hoa sen trong đầm đang nở khoe hương sắc, có bông e ấp dịu dàng được lá sen ôm gọn, quấn quýt, những bông nụ khỏe khoắn vươn cao xen kẽ những lá cỏ mảnh dài duyên dáng. Thiên nhiên trong bức chạm khắc dưới bàn tay và khối óc của người thợ đá hiện lên thật đẹp đẽ và tinh tế.
Du khách tham gia trải nghiệm in tranh họa tiết "Lộ lộ liên hoa" tại Văn Miếu - Miêus Tử Giám
Xưa kia, đỗ đạt (rồi) vinh quy là niềm vui sướng vô bờ bến của các sĩ tử. Đỗ đạt là một bước ngoặt lớn của cuộc đời mỗi người học trò. Sau khi đỗ đạt, cuộc đời họ sẽ mở ra một trang mới tươi sáng chính nhờ công phu học tập thành tài trước đó. Việc đỗ đạt không chỉ mang vinh quang về cho bản thân người đi thi mà còn là niềm tự hào của cả dòng tộc, quê hương. Bia Tiến sĩ trang trọng ghi danh người đỗ đạt, cũng là nơi ca tụng sự học. Các hình ảnh điêu khắc trang trí ở diềm bia, trán bia tiến sĩ đều là những đồ án mỹ thuật suất sắc minh họa cho chủ đề này.
Mỗi chủ đề trang trí thể hiện những ước vọng thành đạt và cả sự hân hoan đối với niềm vui của đất nước khi đạo học được phát triển, khi nhân tài được nở rộ và được trọng dụng. Tất cả đều hướng thiện, khích lệ, động viên rất lớn đối với mỗi người học trò cả xưa kia và cho đến cả mai sau.
AV
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI GIÁP TUẤT NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN 6 (1514)
Bia đề danh tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) hiện lưu giữ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Bia Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đặt tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có chiều cao 159 cm, chiều rộng 110 cm, dày 19 cm. Trán bia trang trí mây cách điệu hình cái khánh. Diềm thân bia trang trí hoa dây. Rùa đội bia đầu tròn, ngẩng cao, mắt tròn, nhỏ, miệng rộng, lưng có gờ ở chính giữa. Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo thể chữ triện: “Hồng Thuận lục niên Quý Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký”.
Trên bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán do Trinh ý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Lại bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên Chính trị Thượng khanh Vũ Duệ vâng sắc soạn. Vũ Duệ (1468 - 1522) đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490). Trong đó có nội dung răn dạy người đỗ đạt: “Trước lo phận sự, sau mới tới tài năng; trước phải trau dồi khí tiết, sau mới tới tài nghệ; trước phải nên đức hạnh, sau mới tới văn chương. Hãy làm mây lành sao tỏ nêu điềm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm của báu cho nước, làm giáo làm gươm để dẹp trừ tiếm loạn, làm bậc tiên giác như cây kỷ cây tử để vững chắc rường cột. Hoặc làm lúa làm gạo, làm vải lụa để giúp dân nghèo, hoặc làm sâm linh kỳ truật để bồi bổ khí mạch quốc gia, khiến cho cuộc trị bình của nước nhà bước lên chốn vẻ vang tươi sáng, đặt thiên hạ vào thế yên như núi Thái Sơn, ngõ hầu trên không phụ thánh đức biểu dương, dưới không phụ với sở học ngày thường. Được thế thì công danh sự nghiệp này sẽ cùng bia đá kia không mục”
Khoa thi Hội này, triều đình giao cho Tá lý Hiệp mưu Kính thận Trinh ý công thần Đặc tiến Khai phủ Kim tử Vinh lộc đại phu Tả Bình chương quân Quốc trọng sự Nhập nội Kiểm hiệu Thượng tướng Thái uý Lượng quốc công Thượng trụ quốc Lê Phụ, Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy, Gia hạnh đại phu Công bộ Hữu Thị lang Khuông mỹ doãn Lê Tán Tương, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá trụ quốc Lê Tung, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư Lễ bá Trụ quốc Nguyễn Bá Thuyên, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Hộ bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Cẩn Lễ nam Chính trị Thượng khanh Đoàn Mậu, Quang nghiệp đại phu Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nhập thi Kinh diên Chính trị khanh Đỗ Nhạc chia giữ các việc.
Khoa thi có tới 5.700 sĩ tử dự thi, qua bốn trường chọn được hạng trúng cách 43 người, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ có: Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn, Thám hoa Hoàng Minh Tá. Trong đó, Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng làm quan đến chức Thị lang. Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn từng được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Thượng thư. Thám hoa Hoàng Minh Tá làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Cuối văn bia còn chép lại họ tên, thông tin của người viết chữ phần bài ký: Trung trinh đại phu Trung thư giám Điển thư Khuông mỹ Thiếu doãn Chu Đình Bảo vâng sắc viết chữ chân, Thông chương đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Tư chính khanh Phạm Đức Mạo vâng sắc viết chữ triện.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) là nguồn sử liệu vô cùng quý giá trong hệ thống 82 bia Tiến sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA GIÁP TUẤT NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN 6 (1514):
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGUYỄN ĐỨC LƯỢNG: người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
NGUYỄN CHIÊU HUẤN: người huyện Yên Phú phủ Từ Sơn.
HOÀNG MINH TÁ: người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 20 người:
NGUYỄN VŨ: người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
NGUYỄN TỰ CƯỜNG: người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
PHẠM CHÍNH NGHỊ: người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
ĐOÀN QUẢNG PHU: người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN NGUYÊN TÁN: người huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng.
PHẠM THỌ CHẤT: người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN ĐÔN CUNG: người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN ĐỐC TÍN: người huyện An Lão phủ Kinh Môn.
NGÔ TÒNG CỦ: người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
NGUYỄN TRỌNG HIỆU: người huyện Siêu Loại phủ Thuận An.
NGUYỄN VĂN KIỆT: người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
LẠI GIA PHÚC: người huyện Phúc Yên phủ An Bình.
NGUYỄN DOÃN KHÂM: người huyện Phụ Dực phủ Thái Bình.
CHỬ SƯ ĐỔNG: người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
HÀ CẢNH ĐẠO: người huyện Siêu Loại phủ Thuận An.
ĐỖ CẢNH: người huyện Phụ Dực phủ Thái Bình.
NGUYỄN CHÍNH TUÂN: người huyện Sơn Vi phủ Lâm Thao.
NGUYỄN ĐẠM: người huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng.
LÊ THỜI BẬT: người huyện Nghi Dương phủ Kinh Môn.
TRỊNH BÁ: người huyện Phú Lương phủ Phú Bình.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 20 người:
NGUYỄN BỈNH DI: người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN DOÃN TUY: người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.
ĐỖ VĂN NGUYÊN: người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
NGUYỄN CHUYÊN MỸ: người huyện An Lão phủ Kinh Môn.
PHẠM LÂN ĐỊNH: người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
NGUYỄN BỈNH ĐỨC: người huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên.
BÙI CÔNG PHỤ: người huyện Kim Hoa phủ Bắc Hà.
PHẠM MINH DU: người châu Tân An phủ Hải Đông.
VŨ QUANG TÚC: người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.
NGUYỄN ĐIỂN KÍNH: người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
PHẠM KÍNH TRUNG: người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
PHAN DOÃN THÔNG: người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.
LÊ DUY LƯƠNG: người huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng.
VŨ HỮU NGHIÊM: người huyện Gia Lâm phủ Thuận An.
ĐOÀN SƯ ĐỨC: người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
NGUYỄN CẢNH QUYNH: người huyện Giáp Sơn phủ Kinh Môn.
NGUYỄN CHÂU MẠO: người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.
NGUYỄN KÍNH HOÀ: người huyện Thanh Đàm phủ Thường Tín.
NGUYỄN HANH GIA: người huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên.
TRẦN VIÊN: người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.
An Nhiên
ĐỒ ÁN HOA SEN DÂY TRÊN BIA TIẾN SĨ
Hoa sen là loài hoa cao quý, tượng trưng phẩm chất thanh cao, tinh khiết, hình tượng hoa sen rất quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Trong mỹ thuật hoa sen được sử dụng rất nhiều để trang trí với các đồ án mỹ thuật khác nhau, mang ý nghĩa phong phú. Có lẽ trong cuộc sống chúng ta chưa từng thấy hoa sen và hoa cúc kết hợp với nhau, vậy mà trên bia Tiến sĩ lại có đồ án kết hợp độc đáo này.
Đó là Đồ án Hoa sen dây. Người nghệ nhân đã tạo hình một bông hoa sen chớm nở ở giữa là hai cánh sen ôm lấy đài gương, phía ngoài có 5 - 7 cánh khác nở đều ra các phía. Đồ án được bố cục sinh động bằng việc xen kẽ một hoa sen rồi đến một hoa cúc (Cũng có khi người ta bắt gặp sự kết hợp hoa sen dây với hoa mẫu đơn, hoa đồng tiền…). Hai loài hoa nối tiếp nhau bằng dây và lá kết kín bốn cạnh của diềm bia Tiến sĩ.
(Ảnh: Đồ án Hoa sen dây trang trí trên diềm bia Tiến sĩ khoa thi năm 1554)
Đồ án Hoa sen dây được các nghệ nhân xưa thể hiện mang tình ước lệ rất cao. Vì trên thực tế lá sen và lá cúc khác hẳn so với lá thể hiện trên đồ án và hai loài hoa này cũng không phải là loài dây leo. Qua đó, cho thấy óc sáng tạo và sự khéo léo của đôi tay các nghệ nhân xưa.
Thực tế, hoa sen là loài hoa được đưa vào mỹ thuật từ rất sớm, trở thành nghệ thuật tạo hình và trang trí truyền thống của dân tộc ta. Hoa sen trong văn hóa phương Đông còn được coi là biểu tượng của Phật giáo. Ở nước ta, từ thời Lý, Phật giáo được coi là quốc giáo, vì vậy đề tài hoa sen được sử dụng nhiều trong các công trình liên quan đến Phật giáo (bệ tượng Phật, chân cột, diềm cửa tháp, chùa…).
Sau này thời Lê sơ, tuy đạo Phật bị hạn chế, Nho giáo phát triển mạnh mẽ, nhưng hoa sen vẫn là loại đề tài được chú ý nhiều và được sử dụng trang trí trên bia Tiến sĩ. Thậm chí người nghệ nhân đã có những sáng tạo kết hợp giữa hai loài hoa tượng trưng cho hai luồng tư tưởng cùng trên một đồ án mỹ thuật: hoa sen – Phật giáo, hoa cúc – Nho giáo. Qua đó như muốn thể hiện sự hài hòa giữa Nho giáo và Phật giáo trong xã hội đương thời. Tất cả điều đó đều biểu đạt được giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của loài hoa đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt.
AV
Tại sao rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu lại có hình dáng khác nhau?
Hiện nay tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 tấm bia tiến sĩ, mỗi tấm bia đều được đặt trên lưng của một con rùa. Tuy nhiên hình dáng của các con rùa lại không giống nhau các bạn ạ. Các bạn có biết tại sao không? Đó là vì các tấm bia được dựng trong một thời gian dài gần 300 năm (từ năm 1484 đến năm 1780), nên tùy theo phong cách điêu khắc của mỗi thời kỳ mà rùa lại có hình dáng khác nhau đấy. Nói chung hình dáng rùa có thể chia làm 3 loại theo niên đại dựng bia như sau:
Loại I: gồm các bia dựng từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đến năm Đại Chính thứ 7 (1536). Rùa đá thường được tạo tác đầu trơn, tròn, tư thế ngẩng cao như đang bơi. Mắt to, một số có lông mày. Mai rùa cong đều, giữa sống lưng có gờ nhỏ nổi, chân có năm ngón, đuôi rùa nhỏ.
Loại II: gồm các bia dựng cùng một năm Thịnh Đức thứ nhất (1653). Rùa ở nhóm bia này được tạo tác đầu hơi chếch hoặc bằng ngang, mặt bẹt, sống mũi nở cao, thẳng, mắt tròn, nhỏ, lồi và sát gần nhau, hai hốc mày và toàn bộ trán đều nổi cao gắn liền với sống mũi, tạo nên một đường gần giống hình chữ T. Miệng rộng cong vòng hình cung, không có răng nanh. Mai cong đều có một gờ nhỏ ở giữa chạy suốt sống lưng. Vai rùa không rằn xuống mà gần như vuông hẳn lại, gáy có khớp dày và chân tạc sơ sài, không có đuôi.
Loại III: gồm các bia dựng từ năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1717) đến năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780).Rùa ở nhóm bia này tạo tác gần giống với con rùa trong thực tế: cổ ngắn, có ngấn viền ở gáy, mũi to, mắt tròn, nhỏ. Mai rùa cong, trên lưng chạm khắc hoa văn “Quy bối” gần giống với hình lục lăng.
Quan sát tạo hình rùa trên 82 bia Tiến sĩ, bạn sẽ thấy 82 rùa đá có đặc điểm chung là đầu rùa được xử lý rất tinh tế, những đường cong uốn lượn của mai rùa thực sự mềm mại.
Rùa bia loại I thần thái quắc thước, nghiêm trang, chính trực
Rùa bia loại II được phác họa bằng những khối vuông, góc cạnh, đường nét đơn giản dứt khoát
Nhóm bia giai đoạn III là nhóm có những bia lớn nhất và rùa theo đó cũng tương ứng lớn theo
An Nhiên
NGƯỜI THỢ ĐÁ ĐƯỢC LƯU DANH TRÊN BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Trên 82 tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bên cạnh tên tuổi của các vị đại khoa, còn có danh tính các vị quan cao cấp trong triều, tên của người soạn văn bia, người viết chữ, khắc chữ, dựng bia. Điều lý thú là có năm người được lưu lại tên tuổi với tư cách là Người Thợ Đá.
Ảnh: diềm bia Tiến sĩ năm 1724 khắc tên ông Phạm Thọ Ích
Người thứ nhất là Phạm Thọ Ích người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Tên của ông được khắc ở diềm phía ngoài tấm bia khoa thi Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724). Trên tấm bia này ông tự xưng mình là thạch công - người thợ đá.
Đến khoa thi Tiến sĩ năm Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái 8 (1727) thì người khắc chữ cũng là Phạm Thọ Ích. Lần này ông đã khắc tên mình vào trong thân bia “Phạm Thọ Ích người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm vâng khắc chữ”.
Người thứ hai là Hoàng Quang Trạch khắc tấm bia Tiến sĩ khoa thi Quý Sửu, niên hiệu Long Đức 2 (1733). Trên bia phần cuối bài văn bia, ông đã khắc rõ thân phận của mình “Xã trưởng xã Gia Đức, huyện Thuỷ Đường là Hoàng Quang Trạch vâng khắc chữ”.
Ảnh: Hai tấm bia khoa thi năm 1743 và năm 1739 lưu danh người khắc chữ Lê Nguyễn Diệu, sinh đồ xã An Hoạch, huyện Đông Sơn)
Lê Nguyễn Diệu, sinh đồ xã An Hoạch, huyện Đông Sơn lưu danh trên 2 tấm bia: bia khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739) và bia khoa thi Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 4 (1743). Trên cả 2 tấm bia này đều ghi "Sinh đồ xã An Hoạch huyện Đông Sơn là Lê Nguyễn Diệu vâng khắc chữ".
Người thứ 4 là “Bá hộ Lê Khắc Thực cùng toàn đội lấy đá vâng khắc chữ” lưu danh trên tấm bia tiến sỹ khoa thi Bính Dần, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 7 (1746).
Người thợ cuối cùng được lưu tên là Lê Văn Lộc, thợ đá người thôn Nhuệ, xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, lưu danh trên tấm bia tiến sĩ khoa thi Quý Mùi niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 24 (1763). Cuối bài văn bia ghi rõ "Lê Văn Lộc thợ đá người thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn vâng mệnh khắc chữ". Lê Văn Lộc là trường hợp thứ hai được ghi tên trên bia tiến sĩ với chức danh "thợ đá" (sau Phạm Thọ Ích) và được ghi chính thức vào phần thân bia.
Ảnh: Thác bản bia tiến sĩ khoa thi năm 1763 lưu danh người thợ đá Lê Văn Lộc thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn
Chắc chắn để làm nên 82 bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là công sức của rất nhiều các thế hệ “Người thợ đá” tài hoa. Trên các tấm bia Tiến sĩ ấy chỉ có năm người thợ đá khắc chữ có tên quả là ít ỏi và hiếm hoi. Nguyên nhân có lẽ bởi dưới chế độ phong kiến có sự phân biệt đẳng cấp, thân phận của những người thợ chỉ ở tầng lớp thứ ba thấp kém trong xã hội. Tuy nhiên việc lưu danh tính trên vài ba tấm bia đá trên tổng số 82 bia đá ở Văn Miếu đã phần nào khẳng định vị thế của người thợ trong thứ bậc Sỹ - Nông - Công - Thương thời xưa.
Và cho dù tên tuổi của họ không được ghi lại đầy đủ trên bia Tiến sĩ, nhưng cho đến nay không ai có thể phủ nhận công lao to lớn của họ đã đóng góp cho xã hội. Những người thợ đá tài hoa ấy chính là những con người đã âm thầm làm nên những “Di sản văn hoá” - Bia Tiến sĩ vô giá của dân tộc. Các thế hệ Việt Nam hôm nay luôn nhớ tới họ với lòng biết ơn và trân trọng.
AV
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU VĨNH THỊNH 11 (1715)
The stele was set up on the 2nd day of 3rd lunar month of reign VÜnh ThÞnh XIII (1717).
Bia có kích thước lớn, chiều cao 184 cm, chiều rộng 114 cm, dày 20 cm. Trán bia trang trí lưỡng long hóa mây chầu vầng nhật nguyệt. Diềm thân bia trang trí tổ hợp hoa bảo tiên. Rùa đội bia đầu tròn, cổ ngắn, mắt nhỏ, miệng rộng, không có răng nanh, lưng uốn cong, chân thì dài ra ngoài, chụm đủ 5 ngón. Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo thể chữ triện: “Vĩnh Thịnh thập nhất niên Ất Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký”.
Trên bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán do Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm vâng sắc soạn. Bùi Sĩ Tiêm cũng chính là một trong những người đỗ khoa thi Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Bùi Sĩ Tiêm là người trung thực, dám nói, làm quan đến chức Thái thường tự khanh. Người nhuận sắc bài văn bia này chính là Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức.
Khoa thi Hội này có đến hơn 2.500 người dự thi, lựa chọn hạng xuất sắc được 20 người. Vào Điện thí, “Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi về điều cốt yếu của đạo trị nước”. Ngày hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng xếp định thứ bậc cao thấp, ban cho Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn Quý Ân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Nguyễn Quý Ân làm quan đến chức Đề hình Tả tư giảng, ông là con của Nguyễn Quý Đức. Còn lại 18 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong đó, có Nguyễn Nham là tác giả của bốn bài văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nguyễn Công Thái từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Vũ Công Tể làm quan đến chức Lại Bộ Thượng thư, Lê Hữu Kiều làm quan đến chức Công Bộ Thượng thư…
“Loa xướng tên người đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Quốc học. Kế đó lại ban áo mũ phẩm phục để được hiển vinh, ban yến Quỳnh hoa bạc để tỏ lòng sủng ái, ơn lớn đãi ngộ xem chừng chẳng khác gì thời trước. Nay lại cho khắc đá đề danh, theo đúng như quy chế cũ, không sớm không muộn, cho khắc bia đúng lúc, đúng là cuộc tao ngộ đầy vinh hạnh” là những ân điển triều đình ban cho các tân Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715) sau khi đỗ đạt.
Phần bài ký của văn bia đã thể hiện rõ quan điểm trọng dụng nhân tài của triều đình: “Đặc biệt nghĩ rằng: thiện nhân là giềng mối đất nước, hiền tài là nền tảng quốc gia, quan yếu đến đạo trị nước nên phải tưới tắm vun trồng.”
Cuối văn bia còn chép lại họ tên, thông tin của người viết chữ phần bài ký: Thị nội thư tả thủy binh phiên tướng sĩ lang phó sở sứ, người xã Phú Thị huyện Gia Lâm là Ngô Bảo viết chữ chân; Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy viết chữ triện.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715) là nguồn sử liệu vô cùng quý giá trong hệ thống 82 bia Tiến sĩ tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU VĨNH THỊNH 11 (1715)
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
BÙI SĨ TIÊM: người xã Kinh Lũ huyện Đông Quan.
NGUYỄN QUÝ ÂN: người xã Thiên Mỗ huyện Từ Liêm.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 18 người:
PHÙNG BÁ KỲ: người xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc.
NGUYỄN NHAM: người xã Phùng Xá huyện Thạch Thất.
CAO DƯƠNG TRẠC: người xã Phú Thị huyện Gia Lâm.
ĐỖ ĐÌNH THỤY: người xã Yên Lãng huyện Lôi Dương.
DƯƠNG BẬT TRẠC: người xã Cổ Lễ huyện Nam Chân.
NGÔ NHÂN HÂN: người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN CÔNG THÁI: người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì.
NGUYỄN TUYỀN: người xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng.
NGUYỄN ĐỨC ÁNH: người xã Phật Tích huyện Tiên Du.
TRẦN ÂN TRIÊM: người xã Yên Lâm huyện Yên Định.
LƯƠNG LÂM: người xã Tào Sơn huyện Ngọc Sơn.
LÊ HOÀN VIỆN: người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm.
HOÀNG ĐĂNG XUÂN: người xã Đại Lý huyện Thuần Lộc.
ĐINH NGUYÊN HANH: người sở Kim Lan huyện Gia Lâm.
NGUYỄN ĐÌNH QUỸ: người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.
NGUYỄN PHÙNG THÌ: người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường.
NGUYỄN KIỀU: người xã Phú Xá huyện Từ Liêm.
LÊ CẨN: người xã Nam Hoa Đông huyện Thanh Chương.
An Nhiên
GIẢI NGHĨA HÌNH KHẮC ĐỘC ĐÁO “LƯỠNG NGHÊ CHẦU HOA CÚC”
Trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1592 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám có hình ảnh chạm khắc một đồ án mỹ thuật rất đẹp “Lưỡng nghê chầu hoa cúc”. Đây là tấm bia duy nhất ở Văn Miếu có đồ án trang trí này.
Nghê là một linh vật độc đáo trong văn hóa Việt Nam, được sử dụng trong sáng tác mỹ thuật điêu khắc, tượng đá… với nhiều dáng vẻ khác nhau. Hình ảnh nghê chầu nguồn sáng (dưới hình thức hoa cúc) được miêu tả với dáng vẻ sinh động, cung kính, vẻ hoan hỷ lộ rõ trên khuôn mặt hai chú nghê, như thể hiện sự vui sướng với niềm vui đỗ đạt của sĩ tử, cũng như niềm hân hoan của triều đình khi tuyển chọn được nhân tài cho đất nước.
Niều vui này không chỉ thể hiện qua hình ảnh “Lưỡng nghê chầu hoa cúc” ở diềm dưới của thân bia mà còn thể hiện trong nội dung bài văn bia khắc trên bia đá “Mạch đạo trở lại xuân tươi, rừng Nho rày được khởi sắc. Sĩ tử và dân chúng Tràng An đâu đâu cũng túm tụm trông xem, đều cho là vui sướng được thấy cảnh thái bình đời thịnh của thánh triều…”
Mỗi tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một tác phẩm nghệ thuật quý giá, những đồ án hoa văn trang trí trên bia được người xưa tạo tác không những có giá trị về mỹ thuật mà còn ấn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, rất đáng quý.
AV
TẤM BIA TIẾN SĨ CUỐI CÙNG ĐƯỢC DỰNG TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, “pho sử đá” cung cấp nhiều thông tin về nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam xưa. Bia được dựng vào nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó, tấm bia đầu tiên được dựng là khoa thi năm 1442 và bia Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) là tấm bia cuối cùng được dựng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Khoa thi 1779 là khoa thi cuối cùng trong số tám khoa thi được tổ chức dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Khoa thi này còn gọi là Thịnh khoa, được nhà vua đặc cách mở ra để kén chọn nhân tài.
Mùa đông năm ấy, triều đình mở khoa thi Hội cho các cống sĩ trong cả nước. Đến mùa xuân năm sau vào thi Điện. Vua đích thân ra đề. Kết quả, khoa thi này lấy đỗ được 15 người. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 2 người. Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân lấy đỗ được 13 người, trong đó có Tiến sĩ Phan Huy Ôn, người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, nay là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con của Tiến sĩ Phan Huy Cận, em Phan Huy Ích. 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ được bổ chức Đốc đồng Sơn Tây, sau thăng Hàn lâm thị chế, Thiêm sai tri Công phiên. Sau khi mất, được tặng chức Hàn lâm thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu. Ông cũng là người cuối cùng được khắc tên trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Bia có kích thước lớn, đề tài trang trí với bố cục trang nghiêm, cao 2m, rộng 125cm, dày 28 cm. Trán bia trang trí hình lưỡng long hóa mây chầu vầng nhật nguyệt. Tên bia khắc thể chữ Khải cao 12cm. Diềm thân bia trang trí tổ hợp hoa bảo tiên. Đế bia hình rùa, rùa cổ ngắn, mắt nhỏ, miệng dài, không có răng nanh, mai cong khắc hình lục lăng. Bia được dựng ngày tốt tháng giữa đông năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng 41(1780) dưới thời chúa Trịnh Sâm.
Người được giao trọng trách soạn bài ký trên bia là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị kinh diên Tri Quốc Tử Giám Phan Trọng Phiên (1735-1809) người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757), đồng thời giữ chức Tri cống cử - duyệt quyển thi khoa thi này.
Phụ trách trường thi có quan Đề điệu Nguyễn Trọng Viêm, quan Tri cống cử là Nhập thị Hành tham tụng Hình bộ Tả Thị lang Lại bộ Hữu Thị lang kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp Phan Trọng Phiên, quan Giám thí là Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Duy Hoành, Hàn lâm viện Hiệu lý Dương Trọng Khiêm.
Bài ký trên bia cung cấp nhiều thông tin có giá trị về các vị Tiến sĩ đỗ khoa thi này như đỗ ở đâu, đỗ thứ mấy, bao nhiêu tuổi, trước đó từng giữ chức vụ gì. Như Tiến sĩ Lê Huy Trâm (1742-), người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai. Trước khi thi ông là Nho sinh của trường Quốc Tử Giám. Ông đỗ khoa thi này năm 38 tuổi. Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du, người xã Đặng Điền, huyện Chân Phúc, trấn Nghệ An. Ông đỗ đầu xứ, văn chức, đỗ kỳ thi Tứ trọng, các bài thi do vua ra bài đều đỗ đầu, được vào hầu giảng hàng ngày. Ông từng được bổ chức huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử Toản tu. Ông đỗ khoa thi này năm 40 tuổi, trường hai, trường bốn và ứng chế đều đỗ đầu.
Những thông tin đó không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp, hành trang của các vị Tiến sĩ mà còn góp phần tạo nên sự khác biệt của tấm bia này so với 82 tấm bia còn lại hiện lưu giữ tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Dưới đây là danh sách các vị Tiến sĩ đỗ khoa thi này.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
LÊ HUY TRÂM người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 38 tuổi.
PHẠM NGUYỄN DU người xã Đặng Điền, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang Nghệ An, Đầu xứ, Văn chức, đỗ kỳ thi Tứ trọng, các bài thi do vua ra bài đều đỗ đầu, được vào hầu giảng hàng ngày, từng được bổ chức huyện tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, cai đạo, Thiêm sai Tri hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử toản tu, thi đỗ năm 40 tuổi. Trường hai, trường bốn và ứng chế đều đỗ đầu.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 13 người:
PHẠM QUÝ THÍCH người phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Nguyên quán xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng. Thiếu tuấn. Đỗ thứ 2 tại Bộ Lễ năm 20 tuổi.
HOÀNG QUỐC TRÂN người xã Nam Chân, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam, Giám sinh. Thi ở Bộ Lễ và thi Chế đều đỗ thứ 3, đỗ năm 29 tuổi.
NGUYỄN HUY QUÂN người xã Thanh Khê, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Giám sinh, đỗ năm 26 tuổi.
NGUYỄN HÀN người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Huấn đạo, đỗ năm 33 tuổi.
NGUYỄN ĐÌNH THIỀU người xã Phù Cảo, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Nho sinh trúng thức, đỗ năm 33 tuổi.
NGUYỄN ĐÌNH THẠC người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, đỗ năm 26 tuổi.
LÊ ĐĂNG CỬ người xã La Khê, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Giám sinh, đỗ năm 40 tuổi.
NGUYỄN KIÊM người xã Tây Đam, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 29 tuổi, sau đổi tên Huy Đảng.
VŨ DI LƯỢNG người xã Yên Thái, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Huấn đạo, đỗ năm 34 tuổi. Thi Hội đỗ thứ 3.
TRẦN HUY LIỄN người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Huấn đạo, đỗ năm 45 tuổi, Khoa trưởng.
NGÔ TIÊM người xã Cát Đằng, huyện Vọng Doanh, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam. Sinh đồ, đỗ năm 31 tuổi.
NGUYỄN ĐƯỜNG người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Đỗ Tứ trọng, Huấn đạo. Thi ứng chế đỗ thứ 2. Thế khoa, chú cháu đồng triều, đỗ năm 34 tuổi.
PHAN HUY ÔN người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang trấn Nghệ An. Nho sinh trúng thức. Đầu xứ. Cha con anh em đồng triều, đỗ năm 26 tuổi.
Thúy Hồng
LOÀI HOA KỲ ẢO TRÊN BIA TIẾN SĨ VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Loài hoa kỳ ảo đó chính là Hoa Bảo Tiên được khắc hầu hết trên diềm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hoa Bảo tiên lấy hoa sen, hoa mẫu đơn và hoa cúc làm chủ thể, thân của cây kim ngân, lá của cây cúc. Cách thức cấu tạo này khiến bông hoa trở nên đẹp một cách kỳ ảo.
Họa tiết hoa Bảo Tiên trang trí kết hợp với các loài chim quý mang ý nghĩa tốt lành trên bia Tiến sĩ thế kỷ XVII
Tạo hình hoa Bảo Tiên trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê – Mạc, lấy hoa sen làm chủ đạo thường được sắp xếp trang trí nối với dây lá cành hoa kim ngân rất đẹp mềm mại, hoặc khi lại xen kẽ với các loài chim quý như như chim phượng, chim trĩ, chim hỷ tước… rất sinh động và đa dạng.
Họa tiết hoa Bảo Tiên trang trí kết hợp với hoa dây kim ngân, hoặc lá hoa cúc trên bia Tiến sĩ thế kỷ XVIII.
Theo nghiên cứu của TS. Trần Hậu Yên Thế lịch sử của đồ án này liên quan đến quá trình Phật giáo thâm nhập vào Trung Hoa. Trong sự phát triển mỹ thuật học của Trung Hoa, nỗ lực thâm nhập, dung hòa, tiếp biến của Phật giáo đã đưa hoa sen cùng với hoa mẫu đơn (Nho giáo) và hoa cúc (Lão giáo) như một thông điệp của tam giáo thịnh hành. Ở Việt Nam, đồ án này được sử dụng nhiều trong cách thức trang trí trên các kiến trúc của chùa chiền, cung điện thời Lý, Trần, sang thời Lê vẫn phát triển mạnh mẽ. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đồ án Hoa bảo tiên được trang trí phổ biến trên diềm bia Tiến sĩ.
AV
ĐỌC HIỂU BIA TIẾN SĨ: BIA GHI DANH CHA ĐẺ CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760) được dựng vào mùa xuân tháng 2 (1760) ngay sau khi khoa thi được tổ chức.
Bia có kích thước lớn, chiều cao 198 cm, chiều rộng 123 cm, dày 26 cm. Trán bia trang trí lưỡng long hóa mây chầu vầng nhật nguyệt. Diềm thân bia trang trí tổ hợp hoa bảo tiên. Rùa đội bia đầu tròn, cổ ngắn, mắt to, miệng rộng, không có răng nanh, lưng uốn cong. Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo thể chữ khải: “Cảnh Hưng nhị thập nhất niên Canh Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký”.
Điều đặc biệt là trên bia có khắc tên của hai cha con là Nguyễn Nghiễm và con trai Nguyễn Khản. Chánh Tiến sĩ khoa Tân Hợi Nhập thị Tham tụng Thiếu bảo, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm vâng sắc soạn bài văn bia và Nguyễn Khản là một trong số 5 vị tiến sĩ đỗ trong khoa thi này. Nguyễn Nghiễm cũng chính là cha đẻ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731) và từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Bồi tụng…
Khoa thi Hội kì này được tổ chức vào “mùa xuân tháng 2 năm Canh Thìn”. Các vị quan được triều đình giao trọng trách tổ chức kỳ thi này có: Phó Đô tướng hậu trung quân doanh Thự phủ sự Đô đốc phủ Đô đốc thiêm sự Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư hành Lại bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Nhập thị Kinh diên Nghĩa Phương hầu Nguyễn Vĩ làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Du Nhạc hầu Trần Danh Lâm, Sơn Nam xứ tán trị Thừa chính sứ ty Thừa chính sứ Viên Lĩnh hầu Đào Xuân Lan làm Giám thí.
Khoa thi đã lựa chọn hạng xuất sắc được 5 người, đều đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong đó, Nguyễn Khản từng giữ chức Hàn lâm viện Học sĩ, sau thăng Đại học sĩ. Cuối năm 1769, ông được chúa Trịnh Sâm vời làm Tả tư giảng để giảng dạy cho thế tử Trịnh Khải (tức Trịnh Tông). Sau được thăng bổ làm Hữu thị lang bộ Lại, Nhập thị bồi tụng. Tạ Đăng Đạo làm quan đến chức Lễ khoa Cấp sự trung. Đào Duy Doãn làm quan đến chức Hiến sát sứ. Ngô Trần Thực làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760) là nguồn sử liệu vô cùng quý giá trong hệ thống 82 bia Tiến sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG 21 (1760)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:
NGÔ TRẦN THỰC: người xã Bách Tính huyện Nam Chân, trú quán xã Phật Tích huyện Tiên Du, Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ.
NGUYỄN KHẢN: người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Viên ngoại lang Bộ Lại.
TẠ ĐĂNG ĐẠO: người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng, Kiêm tri Tri phủ.
ĐÀO DUY DOÃN: người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc, Huấn đạo.
NGUYỄN HUY CẨN: người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Thị nội Văn chức, Thự Tri phủ.
An Nhiên
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÌN (1760)
TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760) được dựng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào tháng hai 2 năm Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) dưới triều vua Lê Hiển Tông.
Từ ngoài cổng chính Văn Miếu đi vào, bia hiện nay đặt tại vị trí thứ 15 hàng đầu, (thứ 5 tính từ đình bia) bên trái vườn bia.
Bia thuộc thể bia dẹt, gồm 2 phần: bia và đế bia. Kích thước bia khá lớn, cao 198cm, rộng 123cm; dày 26cm, gồm trán bia và thân bia. Trán bia hình vòm, trang trí theo hình thức lưỡng long hoá mây vờn mặt trời (trăng). Thân bia hình chữ nhật trên có khắc văn bia gồm 18 dòng (khoảng 350 chữ) chữ Hán theo chiều dọc. Chữ trên bia khắc sâu, chữ to, có một dòng chữ bị đục; diềm bia trang trí tổ hợp hoa Bảo tiên, loài hoa quý, tổ hợp nhiều dạng thức cao quý của hoa sen, hoa mẫu đơn và hoa cúc. Đây là tổ hợp được trang trí trên nhiều kiến trúc cung điện từ thời Lý, Trần, vẫn phổ biến ở thời Lê. Hình tượng hoa Bảo tiên được trang trí trên rất nhiều diềm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đế bia hình rùa, kích thước lớn, cao 33cm, rộng 131cm, dài 200cm, dáng chắc khoẻ, mai rùa chạm khắc hình bát giác, giống mai rùa thật. Tổng cộng bia cao 2,3m. Phần giữa trán bia và thân bia là hàng tiêu đề bia khắc nổi bằng chữ Hán, theo thể chữ Triện cao 10cm: Cảnh Hưng nhị thập nhất niên Canh Thìn khoa tiến sĩ đề danh ký (Bài ký đề tên tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21).
Bài ký khoa thi này do Xuân Nhạc hầu Nguyễn Nghiễm (1708-1775), đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Tân Hợi (1731), Công bộ thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu soạn. So với bài ký trên nhiều bia khác, bài văn bia này tuy ngắn gọn, nhưng cũng cung cấp đủ thông tin về khoa cử, về khoa thi được tổ chức năm này. Cụ thể, bài ký cho biết thi Hội được triều đình cho tổ chức vào mùa xuân, tháng 2 năm Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760). Các quan phụ trách chính khoa thi này như Đề điệu do Đô đốc phủ Đô đốc thiêm sự, Nghiêm quận công Trịnh Miên đảm nhiệm; Tri cống cử do Bồi tụng Công bộ Thượng thư hành Lại bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị kinh diên, Nghĩa Phương hầu Nguyễn Vĩ giữ; Nhập thị bồi tụng, Lại bộ Hữu thị lang, Du Nhạc hầu Trần Danh Lâm và Sơn Nam xứ tán trị, Thừa chính sứ ty Thừa chính sứ, Viên Lĩnh hầu Đào Xuân Lan cùng làm Giám thí. Người đỗ đầu thi Hội (Hội nguyên) là Nguyễn Huy Cẩn và 4 người trúng cách, được vào thi Đình. Thi Đình được tổ chức vào tháng ba, kết quả, cả năm người đều được ban đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, trong đó, Ngô Trần Thực đỗ đầu (Đình nguyên).
Danh sách 5 người đỗ của khoa thi được khắc ở phần cuối bài văn bia cùng thông tin người soạn văn bia, ngày tháng dựng bia. Ngoài phần tên họ và quê quán người đỗ của khoa thi như nhiều khoa thi khác, bài ký còn cho ta biết thêm nhiều thông tin thú vị về những người đỗ khoa thi này. Cả năm người đỗ khoa thi này đều đang làm quan, như Ngô Trần Thực quê ở xã Bách Tính huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định), trú quán ở xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh), đang làm Thị nội văn chức, Thự Tri phủ; Nguyễn Khản quê ở xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh), đang làm Viên ngoại lang bộ Lại; Tạ Đăng Đạo quê xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng (này là xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) giữ chức Tri Tri phủ; Đào Duy Doãn quê xã Chương Dương, huyện Thường Phúc (nay là xã Chương Dương, huyện Thường Tín), đang làm Huấn đạo; Nguyễn Huy Cẩn quê quán xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Hà Nội) trước khi đi thi, đang là Thị nội văn chức, Thự Tri phủ.
Những người đỗ khoa thi này làm quan đều có những đóng góp cho đất nước, quê hương, như Đình Nguyên Ngô Trần Thực làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, Thự Thiêm đô ngự sử; Nguyễn Khản (còn có tên là Nguyễn Lệ) làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tạ Đăng Đạo làm quan đến chức Lễ khoa Cấp sự trung; Đào Duy Doãn làm quan đến chức Hiến sát sứ…
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760) là một trong 82 bia Tiến sĩ được công nhận là Bảo vật quốc gia, di sản tư liệu nằm trong danh mục Ký ức thế giới của UNESCO, di sản văn hoá, niềm tự hào của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Thúy Hồng
Nguồn tham khảo:
- Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 2002, Ngô Đức Thọ Chủ biên.
- Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, NXB Mỹ thuật, 2018, Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu.
- Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 2012, Nguyễn Quang Lộc, Phạm Thúy Hằng.
- Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), NXB Văn học, 2006, Ngô Đức Thọ Chủ biên.
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI GIÁP TUẤT NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA 15 (1694)
“Nguyên khí hội họp thì nhân tài xuất chúng ra đời, nhiều bậc anh tài tuấn kiệt ra giúp thì nền văn nhã thịnh trị lâu dài. Khí số và nhân sự phù hợp với nhau, việc trị nước và nhân tài có tác dụng qua lại, trải bao đời đến nay mới lại được thấy” là những câu mở đầu của bài ký trên bia Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa 15 (1694) đặt tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã cho thấy tầm quan trọng của nhân tài đối với quốc gia.
Bia đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa 15 (1694) hiện lưu giữ tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Bia có kích thước lớn, chiều cao 187 cm, chiều rộng 126 cm, dày 27 cm. Trán bia trang trí lưỡng long hóa mây chầu vầng nhật nguyệt. Diềm thân bia trang trí tổ hợp hoa bảo tiên. Rùa đội bia đầu tròn, cổ ngắn, mắt nhỏ, miệng rộng, không có răng nanh, lưng uốn cong, chân thì dài ra ngoài, chụm đủ 5 ngón. Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo thể chữ triện: “Chính Hòa thập ngũ niên Giáp Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký”.
Trên bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán do Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Nham vâng sắc soạn. Nguyễn Nham đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715) đời vua Lê Dụ Tông. Người nhuận sắc bài văn bia này chính là Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức.
Khoa thi Hội này có đến hơn 2.000 người dự thi, “qua trường bốn, quan hữu ti chọn được hạng ưu tú là bọn Ngô Công Trạc 5 người”. Qua tháng sau vào Điện thí, đều lấy đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân: Ngô Công Trạc, Phạm Công Hoàn, Lê Anh Tuấn, Ngô Vi Nho, Nguyễn Duy Viên. Trong đó, Ngô Công Trạc làm quan đến chức Hiến sát sứ. Phạm Công Hoàn làm quan đến chức Thừa chính sứ. Lê Anh Tuấn làm quan trải các chức Tả thị lang bộ Hộ, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Hộ… Ngô Vi Nho làm quan đến chức Giám sát. Nguyễn Duy Viên làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử.
Sau khi đỗ đạt, các Tiến sĩ được nhận nhiều ân điển: “Quan Hồng lô xướng tên, Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Áo mũ cân đai, yến quỳnh hoa bạc, ơn vinh ban theo thứ bậc như lệ cũ. Rồi theo lệ bổ nhậm, được sung vào các chức Giám sát, Hàn lâm v.v..., xếp vào triều ban. Từ đó,… trải các chức trong triều ngoài quận, đến nay đã 24 năm. Có người bậc quan tam phẩm mà giữ chức Tả tư ở Bộ Lễ, có người bậc tòng tam phẩm giữ chức Chánh sứ Thừa tuyên, có người giữ chức Thiêm đô ở đài Ngự sử, đều là những chức vụ trọng yếu đắc dụng ở đương thời”.
Cuối văn bia còn chép lại họ tên, thông tin của người viết chữ phần bài ký: Thị nội tuyển Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang sở sứ, người xã Bái Giao huyện Đông Sơn là Nguyễn Đình Hoàn viết chữ chân. Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy viết chữ triện.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa 15 (1694) là nguồn sử liệu vô cùng quý giá trong hệ thống 82 bia Tiến sĩ tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA GIÁP TUẤT NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA 15 (1694)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:
NGÔ CÔNG TRẠC: người xã Lý Trai huyện Đông Thành.
PHẠM CÔNG HOÀN: người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm.
LÊ ANH TUẤN: người xã Thanh Mai huyện Tiên Phong.
NGÔ VI NHO: người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.
NGUYỄN DUY VIÊN: người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm.
An Nhiên
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU 1589
Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng 12 (1589) được dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 16 tháng 11 năm Thịnh Đức năm thứ nhất (1653). Đây là tấm bia có các đồ án trang trí trên trán và diềm bia rất tinh xảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Trán bia chạm hình hai con phượng hoàng đang chầu vầng nhật nguyệt, các nghệ nhân đã khắc họa vô cùng sinh động hai con chim phượng hoàng đang ở tư thế đang từ từ tiếp đất. Đây là tấm bia duy nhất trong 82 bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chạm hình đôi chim phượng.
Diềm thân bia được trang trí hoa đào, hoa cúc, và đặc biệt là bức tranh hoa điểu có chim hỷ tước đậu cành mai. Theo quan niệm dân gian “Hoa mai khoe nhị đón điềm tốt, chim khách trên cây báo điềm lành”. Diềm chân bia chạm cảnh đàn cò, vịt đang bơi lội dưới đầm sen. Đây là phương pháp nghệ thuật hài thanh ngụ ý, lộ lộ liên khoa (tức cò và sen) ẩn dụ cho sự hiển đạt hanh thông, đăng khoa liên tiếp.
LH
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM QUÝ HỢI (1683)TẠI VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM
Trong số 82 tấm bia đề danh các vị tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám chỉ có 18 tấm bia có khắc tên các vị Trạng nguyên. Nằm trong 18 tấm bia đặc biệt này không thể không nhắc đến bia tiến sĩ khoa thi năm Quý Hợi(1683), bia khắc tên Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo.
Bia đề danh tiến sĩ của khoa thi năm Quý Hợi(1683) có kích thước nhỏ, dáng bia dẹt, cao 164cm, rộng 150cm, bia được chia làm 3 phần rõ rệt: Trán bia, Thân bia và Đế bia hình rùa. Trán bia được trang trí mặt trời và rồng mây cách điệu. Dưới Trán bia là hàng chữ Triện, chiều cao 10cm. Diềm quanh thân bia được trang trí họa tiết hoa dây. Chữ khắc trên Thân bia rất rõ nét. Đế bia hình rùa được tạo tác đơn giản, rùa có đầu ngẩng cao, mắt và mũi nhỏ, mai rùa trơn nhẵn, chân rùa được đục nông.
Bia được dựng vào ngày mồng 3 tháng 3 năm 1717 trong đợt dựng bia tập trung lần thứ 3 (gồm 21 tấm bia của các khoa thi tổ chức từ năm 1656 đến năm 1712). Về việc này, trong bài văn bia có ghi rõ: “Nhưng việc khắc đá đề tên chưa kịp cử hành, đó là vì các khoa từ năm Bính Thân tới nay vẫn chưa được dựng bia là muốn đợi làm luôn một thể”.
Khoa thi năm Quý Hợi (1683) được tổ chức vào cuối năm đã thu hút tới 3000 người dự thi. Trải qua 4 trường thi của kỳ Hội thí đã lấy đỗ được 18 người. Sang tháng Giêng năm Giáp Tý, các thí sinh tiếp tục dự kỳ Điện thí do vua Lê Hy Tông đích thân ra đề. Sau kỳ Điện thí chọn được 3 người đỗ đầu gồm: Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Bảng nhãn Phạm Quang Trạch và Thám hoa Quách Giai.
Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo sinh năm 1651, mất năm 1719. Ông là người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay là xã Liên Bảo, Tiên Du, Bắc Ninh). Cha ông là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân, bác là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Nguyễn Đăng Đạo đỗ Trạng nguyên khi 33 tuổi. Năm Đinh Sửu (1697) ông được cử đi sứ sang nhà Thanh để thương lượng đòi lại động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc huyện Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang. Nguyễn Đăng Đạo làm quan trong triều trải các chức: Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư,.. Khi mất, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công, đồng thời được sắc phong làm Phúc thần phối thờ ở đình làng Hoài Bão.
Bảng nhãn Phạm Quang Trạch sinh năm 1653, người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm(nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Ông đỗ Bảng nhãn khi 31 tuổi. Ông làm quan đến chức Lễ bộ Hựu thị lang, tước nam. Khi mất được tặng chức Tả thị lang, tước tử.
Thám hoa Quách Giai sinh năm 1660, người xã Phù Khê, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông đỗ Thám hoa khi 24 tuổi, làm quan đến chức Thái thường tự khanh.
Đỗ hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất than là Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ, người huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đương Hồ làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư. Đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân có 14 người.
Bài ký văn bia do Cẩn sự lang Hàn lâm viện hiệu thảo Nguyễn Kiều-Tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi Vĩnh Thịnh 11(1715), ông là người đã soạn 4 bài văn bia Tiến sĩ các khoa 1667, 1683, 1697, 1713. Nổi bật trong lời văn bia là những lời răn dạy về trách nhiệm gánh vác trọng trách triều đình dành cho những quan chức đương thời và những người vừa đỗ đạt: “Nhưng những người hiện đang được triều nay trọng dụng há không nhớ ơn lựa chọn của tiên vương, cảm nghĩ sự biểu dương ngày nay mà cẩn bước đường về sau, mỗi ngày một tiến để khỏi hổ thẹn với khoa danh sao? Thảng hoặc không được như thế, chỉ nặng nghĩ lo riêng cho mình mà nhẹ lòng vì việc nước, cầu may cho được chu toàn, thích xu nịnh, né tránh việc mất lòng, ắt không tránh khỏi công luận mai sau, há chẳng đáng sợ hay sao?”
CT
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QÚY HỢI
NIÊN HIỆU VĨNH TỘ 5 (1623)
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1623, dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) dưới triều vua Lê Thần Tông. Bia có kích thước cao 156cm, rộng 106 cm và dày 17cm. Trán bia trang trí hình mặt nhật và các tia sáng. Diềm bia chạm khắc hoa mẫu đơn. Bia thuộc nhóm thời Lê trung hưng mang phong cách chạm nổi họa tiết, các đường nét trang trí được vờn tỉa kĩ càng rõ nét.
Khoa thi năm ấy sĩ nhân trong nước dự thi đông đến hơn 3000 người, tuyển chọn hạng xuất sắc 7 người. Ngày lành tháng 4 mùa hạ, hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Vua xem quyển chọn bài, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu và 6 người còn lại đều đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Phùng Thế Trung (1585-?), người xã Kim Bí huyện Tiên Phong, nay là thôn Kim Bí xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông đỗ khoa thi này khi đã 39 tuổi, làm quan đến chức Hiến sát sứ. Sử sách ghi chép, đi thi tên ông là Phùng Thế Triết, đỗ khoa này chúa Trịnh Tùng còn tại vị. Cùng trong năm đó, chúa Trịnh Tùng mất, miếu hiệu là Triết Vương. Vì vậy, tên của ông Phùng Thế Triết bị đồng âm với miếu hiệu của chúa, nên phải đổi là Phùng Thế Trung. Trên văn bia khoa thi 1623 tên của ông được ghi là Phùng Thế Trung cũng là bởi lý do này.
Nguyễn Phi Kiến (1565-?), người xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng, nay là thôn Dương Hòa, xã Dương Liễu huyện Hoài Đức, Hà Nội. 59 tuổi ông đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Hiến sát sứ. (Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Cương mục đều ghi tên ông là Phạm Phi Kiến).
Nguyễn Nhân Trừng (1587-?), người xã Xa Liễn huyện Yên Việt, nay là thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Ông thi đỗ năm 37 tuổi, làm quan đến chức Binh khoa Đô cấp sự trung, tước nam.
Phạm Phúc Khánh (1579-?), người xã Man Nhuệ huyện Thanh Lâm, nay thuộc xã An Châu huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân gia đình 3 đời đều đỗ đại khoa: Ông nội là Pham Quang Tán đỗ Hoàng Giáp năm 1499, cha là Phạm Y Toàn đỗ Tiến sĩ nhà Mạc năm 1589 (sau quy thuận làm quan nhà Lê). Nối tiếp cha ông, Phạm Phúc Khánh 45 tuổi đỗ Tiến sĩ, ông làm quan đến chức Tự khanh, tước tử.
Nguyễn Đệ (1577-?), người xã Minh Lương, huyện Thiên lộc, nay thuộc xã Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Tiến sĩ năm 47 tuổi, làm quan đến chức Tham chính, tước bá.
Phan Bảng (1594-?), người xã Hữu Bàng huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông thi đỗ khi đó 30 tuổi là vị Tiến sĩ ít tuổi nhất của khoa thi này, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Đặc biệt, trên văn bia có ghi thông tin, khoa thi này có ông Nguyễn Trật (1573-?), người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa (nay là thôn Nguyệt Viên xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khi vào thi Đình làm bài sai thể thức. Nhưng theo lệ cũ, những người được vào thi Đình thì không bị truất nên vẫn cho ông đỗ cuối bảng. Vì việc này mà kéo dài việc xướng danh yết bảng (chưa treo bảng vàng), đến việc ban cấp áo mũ, yến tiệc vinh quy đều chưa làm đúng lệ cũ.
Trải qua các biến cố lịch sử của đất nước, mãi đến tháng 10 năm 1653 Hoàng thượng mới sai các từ thần chia soạn văn bia, khắc vào đá xanh để biểu dương sự tốt đẹp của Nho khoa, coi là việc tốt của thánh triều. Vì khoa thi này hồi đó chưa treo bảng vàng, nên nhà vua lại sai chép tên Tiến sĩ vào sách Đăng khoa lục y theo lệ thi Hội, treo bảng vàng ở đình Quảng Văn để ghi họ tên.
Theo sắc dụ của nhà vua, Mậu lâm lang Hàn lâm viện hiệu thảo Lê Đình Lại vâng sắc soạn, Trung thư giám hoa văn học sinh Đỗ Công Vị vâng sắc viết chữ. Chữ trên trán bia do Quang tiến thận lộc đại phu kim quang môn đãi chiếu kiêm triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng sắc viết chữ Triện.
AV
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH THÌN
NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC 27 (1496)
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1496 dựng ngày mùng 6 tháng 12 niên hiệu Hồng Đức (1496) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bia có kích thước (169 × 118 × 19)cm. Trán bia không trang trí, diềm bia chạm khắc hoa dây thảo Đường. Bia thuộc nhóm thời Lê sơ nên mang phong cách khắc chữ, hoa văn đường nét mảnh nhỏ.
Khoa thi này tuyển chọn được 30 nhà khoa bảng. Vua xem quyển chọn bài, lấy Nghiêm Viện đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Huân đỗ Bảng nhãn, Đinh Lưu đỗ Thám hoa, đều ban cho hạng Tiến sĩ cập đệ. Hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ lấy 8 người, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đỗ 19 người.
Nghiêm Viện (năm sinh năm mất không rõ), người xã Bồng Lai, huyện Quế Dương, nay là thôn Cẩm Chành xã Bồng Lai, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Theo Lịch triều đăng khoa, tên của ông là Nghiêm Viên, ông đỗ Trạng nguyên được nhà vua đổi tên là Nghiêm Viện và gả con gái cho. Ông mất sớm khi vinh quy về nhà.
Nguyễn Huân (1473-?) người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh – Nay là thôn Kim Đôi xã Kim Chân, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân gia đình khoa bảng, là con cả của Tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiếp (khoa thi năm 1466). Ông đi thi, từ thi Hương đến thi Hội đều đỗ đầu, vào thi đình ông đỗ Bảng nhãn năm đó tròn 24 tuổi. Ông làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư. Sau mất được truy tặng hàm Thiếu bảo.
Đinh Lưu (1479-?) người xã An Dật, huyện Thanh Lâm – Nay thuộc xã An Sơn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Năm 18 tuổi, ông đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.
Đỗ đầu hàng đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) là Đinh Cương (năm sinh năm mất không rõ). Ông ở xã Tiên Tảo, huyện Bình Hà – Nay là thôn Tiên Tảo, xã Thanh An, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Vua Lê Thánh Tông ngự phê cho đổi tên là Cường. Sau ông theo nhà Mạc được cử đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, tước hầu.
Nguyễn Đạo Diễn (1468-?) đỗ đầu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông người xã Kim Đôi, huyện Quế Võ, nay thuộc thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Tiến sĩ năm 29 tuổi, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Nhà vua cho các vị Tiến sĩ được ban cấp an vinh y theo lệ cũ, sai bộ Công khắc đá, sai Hiển cung đại phu Hàn lâm viện thị giảng tham chưởng Hàn lâm viện sự Lưu Hưng Hiếu làm bài ký ghi lại sự việc. Bài văn ký đã làm rõ trách nhiệm và bổn phận của kẻ sĩ đối với đất nước: Kẻ sĩ “phải cốt ở thực chất, lánh bỏ hư danh, văn chương phải cứng cỏi hồn thuận, sự nghiệp phải lâu dài to lớn,… khiến cho người đời sau nhón chân kính ngưỡng không thôi”.
Cũng theo sắc dụ của nhà vua, Cẩn sự lang Trung thư giám chính tự Nguyễn Đức vâng sắc viết chữ. Chữ trên trán bia do Mậu lâm lang Kim quang môn đãi chế Tô Ngại vâng sắc viết chữ Triện.
Bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức 27 (1496)
DANH SÁCH 30 VỊ TIẾN SĨ KHOA THI NĂM 1496
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGHIÊM VIỆN người xã Bồng Lai huyện Quế Dương.
NGUYỄN HUÂN người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
ĐINH LƯU người xã An Dật huyện Thanh Lâm.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
ĐINH CƯƠNG người xã Tiên Táo huyện Bình Hà.
NGUYỄN THANH người xã Nghĩa Trai huyện Gia Lâm.
ĐẶNG MIỄN CUNG người xã Văn Triền huyện Bình Hà.
LÊ QUÝNH người xã Tuy Lai huyện Vũ Tiên.
TRIỆU NGHỊ PHÙ người xã Đức Lạp huyện Lập Thạch.
PHẠM CẢNH LƯƠNG người xã Bất Náo huyện Kim Thành.
PHẠM GIỚI người huyện Tiên Phong.
NGUYỄN KHIẾT TÚ người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 19 người:
NGUYỄN ĐẠO DIỄN người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
TRẦN CỦNG UYÊN người xã Ngoại Lãng huyện Thư Trì.
PHẠM THÔNG người xã Nhất Trai huyện Lương Tài.
VĂN VĨ người xã Cát Vũ huyện Bạch Hạc.
NGUYỄN CỦNG THUẬN người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
NGUYỄN TỔ KHUÊ người xã La Xá huyện Giáp Sơn.
TRẦN TƯỚC người xã Yên Lạc huyện La Sơn.
HOÀNG KIỂU VINH người xã Dục Đại huyện Thanh Lâm.
NGUYỄN TƯỜNG PHIÊU người xã Đỗ Tùng huyện Gia Phúc.
ĐÀM TỤY người xã Hoàng Gia huyện Cẩm Giàng.
ĐỖ TÚC KHANG người xã Hà Vĩ huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN KIỆN HY 阮健僖 25 người huyện Duy Tiên.
VŨ TIẾN CHIÊU người xã Vĩ Vũ huyện Vũ Giàng.
NGUYỄN THƯỢNG NGHIÊM người xã Khúc Toại huyện Yên Phong.
NGUYỄN SỞ THÙY người xã Thanh Sơn huyện Vũ Giàng.
ĐỖ TOẠI người xã An Bài huyện Phụ Dực.
ĐỖ HOẰNG người xã Nghĩa Bổng huyện Thư Trì.
TRẦN KHẢI ĐỄ người xã Thanh Lãng huyện Yên Lãng.
NGUYỄN KÍNH người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
AV
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM TÂN MÙI (1511) TẠI VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM
Trong số 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám có 13 tấm bia được dựng dưới thời Lê sơ. Trong đó, có tấm bia tiến sĩ khoa thi năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (năm 1511), đánh dấu chuyển biến trong nghệ thuật trang trí bia thời Lê Sơ.
Bia tiến sĩ khoa thi năm Tân Mùi (1511) được dựng vào ngày 15 tháng 3 niên hiệu Hồng Thuận năm 1513. Bia có kích thước nhỏ, hình dáng dẹt, cao 166 cm, rộng 124 cn và dày 20 cm. Cũng giống như các tấm bia tiến sĩ khác tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bia có 3 phần rõ rệt: Trán bia, Thân bia và Đế bia hình rùa. Trán bia được trang trí họa tiết “Mây thiêng vờn ngọc báu, sừng tê”. Diềm quanh thân bia được trang trí hoa dây. Nằm trên cùng thân bia là hàng chữ Triện chạy ngang có chiều cao 15cm. Rùa ở vị trí đế bia được tạo tác với đặc điểm: đầu ngẩng cao, mắt to, sống mũi nổi rõ, chân có móng nhọn, mai rùa trơn nhẵn và có gờ nổi chạy dọc theo mai. Tuy nhiên, tấm bia này đã có sự khác biệt trong nghệ thuật trang trí bia, đây là tấm bia đánh dấu chuyển biến từ kỹ thuật chạm nông sang chạm nổi họa tiết. Với kỹ thuật này, các mảng khối họa tiết được đục chạm vờn tỉa kỹ càng hơn, vì thế sóng nước cũng trập trùng hơn, cây cối như xoắn xuýt hơn, mây trôi bảng lảng hơn.
Mùa xuân năm Tân Mùi (1511), triều đình theo lệ cũ, triệu tập các sĩ tử tới kinh đô đua tài. 47 người ưu tú đã được chọn. Ngày 17 tháng 4, vua Lê Tương Dực đích thân ra đề bài văn sách, hỏi về đạo trị nước xưa và nay. Sau kỳ điện thí, ba người đứng đầu đã được nhà vua ban danh hiệu Tam khôi, gồm Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, Bảng nhãn Trần Bảo Tín và Thám hoa Vũ Duy Chu.
Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú là người xã Mạc Xá, huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội). 32 tuổi ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên), ông làm quan đến chức Tham tri chính sự kiêm Ngự sử. Bảng nhãn Trần Bảo Tín là người xã Khải Mông, huyện Nghi Xuân (nay thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) năm 29 tuổi. Dưới thời vua Lê Tương Dực, ông làm quan tới chức Lại bộ Tả thị lang. Khi nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê, ông ẩn cư ở núi Hành Sơn rồi mất. Dưới thời Lê Trung Hưng, ông được truy tặng chức Thượng thư, phong phúc thần. Thám hoa Vũ Duy Chu là người xã Tu Lễ, huyện Sơn Minh (nay là thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, Ứng Hòa, Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) năm 28 tuổi và làm quan trong triều tới chức Tả thị lang.
Ngoài ba vị Tam khôi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) có 9 người. Đỗ hàng Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân có 35 người. Họ đều được triều đình bổ nhiệm vào các vị trí khác nhau trong hệ thống chính quyền và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Bài ký văn bia do Lễ bộ Thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu soạn Tên là gì (Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi Giáp Thìn Hồng Đức 15 năm 1484). Thông qua bài văn bia, chúng ta thấy một lần nữa mục đích của việc dựng bia đá luôn được đề cao:“ Kẻ sĩ ở đời được ghi tên vào tấm đá này thực may mắn biết bao! Nếu quả thật biết giồi mài trung nghĩa, cố gắng liêm cần để có tiếng là vị Trạng nguyên trung hiếu, là bậc quân tử ngọc vàng, thì mai sau các học trò nhà Thái Học sẽ chỉ vào tên mà nói: Vị này vào hàng Hổ bảng, vị này là bậc kỳ anh, người hiền lương biết vật mà lấy làm khích lệ. Thảng như có kẻ ngoài ngọc trong đá, bề ngoài như chim phượng mà tiếng kêu như cú diều, dua nịnh giống phường dựa cột, hèn nhát như lũ bó tay, thiên hạ đời sau sẽ chê cười nói: kẻ ấy tà học như hạng Công Tôn Hoằng kẻ kia phản lại kinh sách cũng như Vương An Thạch, kẻ gian ác thấy đấy mà tự lấy làm răn…”
CT
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH MÙI (1727)
Khoa thi Hội năm Đinh Mùi (1727) có số sĩ tử dự thi đông tới 3000, nhưng chỉ tuyển chọn được 10 người xuất sắc vào dự kỳ thi Đình. Sau kỳ Điện thí, các vị Tiến sĩ được phân thứ bậc cao thấp, được ban các ân điển đãi ngộ rất long trọng của triều đình, được xếp đặt nắm giữ các chức vụ. Đến năm 1733, vua Lê Thần Tông đã cho khắc tên của 10 vị Tiến sĩ trên bia đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trải qua gần 300 năm, đến nay tấm bia vẫn còn nguyên vẹn. Chữ và họa tiết trên bia được khắc sâu, nét khắc đều, đẹp, nét chữ to rõ ràng. Bia có kích thước cao 184 cm, rộng 130 cm và dày 24 cm. Trán bia trang trí cách điệu lưỡng long chầu nhật. Diềm bia trang trí tổ hợp hoa dây kim ngân. Thân bia hình chữ nhật trên có khắc văn bia gồm 31 dòng chữ Hán (khoảng 1300 chữ) theo chiều dọc. Dưới phần trán bia là hàng chữ Triện : « Bảo Thái bát niên Đinh Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký » (Bài ký bia Đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 ). Đế bia hình rùa, đầu ngẩng cao, mai rùa không chạm khắc.
Phần nội dung bài ký cho thấy triều Lê rất coi trọng việc tuyển chọn và sử dụng nhân tài : « Khắc đá ghi tên người đỗ khoa thi Tiến sĩ là quy chế tốt đẹp tác thành nhân tài của thánh triều ta »; « Phàm những người đăng khoa đều cho dựng bia lớn để truyền bá vẻ sáng sao Khuê sao Tảo, nêu rõ họ tên để rạng rỡ đến đời sau. Việc nuôi dưỡng sĩ phong khen thưởng khích lệ kẻ hiền tuấn có thể nói hơn các vua trước, vượt cả ngàn xưa vậy ». Để chọn được người thực tài, triều đình đã lựa chọn người tổ chức, trông coi khoa thi là các vị quan đại thần, các nhà khoa bảng tài đức như : Bồi tụng Lại bộ tả thị lang Trương Công Giai, Bồi tụng Binh bộ hữu thị lang Phạm Đình Kính, Hình bộ hữu thị lang Nguyễn Trung Quân, Đô đốc đồng tri phó tướng Trịnh Khôi.
Với số sĩ tử tham gia kỳ thi Hội lên tới 3000 người, nhưng chỉ lấy đỗ được 10 người. Điều này cho thấy sự nghiêm ngặt trong việc tổ chức thi cử tuyển chọn nhân tài. Tên của các vị Tiến sĩ được khắc trên bia theo thứ bậc. Đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) là Nguyễn Thế Lập người xã Bồng Lai huyện Quế Dương. Đỗ hàng Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân có 9 người. Khoa thi này không chọn được hàng nhị giáp (Hoàng giáp).
Trên bia không chỉ khắc họ tên, quê quán các vị Tiến sĩ, còn khắc ghi rõ chức vụ của vị Tiến sĩ khi thi đỗ. Như Tiến sĩ Quản Dĩnh khi đi thi là Huấn đạo. Tiến sĩ Đặng Công Diễn là Tri huyện. Trong số 10 Tiến sĩ khoa nay thì có tới bốn vị là Giám sinh, học trò Quốc Tử Giám: Thám hoa Nguyễn Thế Lập, Tiến sĩ Phạm Công Thể, Tiến sĩ Nguyễn Đình Bá, Tiến sĩ Vũ Khâm Thận.
Văn bia còn cho ta biết tên và chức vụ người soạn văn bia là Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Duy Đôn, ông đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1712 ; người nhuận sắc là Tham tụng Binh bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Phạm Khiêm Ích, ông đỗ Đệ nhất giáp Đệ tam danh (Thám hoa) khoa thi 1710. Người viết chữ là Trung thư giám hoa văn học sinh Nguyễn Đắc Thụy. Phạm Thọ Ích người làng Kiêu Kỵ huyên Gia Lâm viết chữ triện.
Bài ký khắc trên bia với những tư tưởng về giáo dục, văn hóa sâu xa có ý nghĩa lớn đối với đương thời và hậu thế.
Danh sách các vị Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo thái 8 (1727):
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh:
Nguyễn Thế Lập: xã Bồng Lai huyện Quế Dương. Giám sinh
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, 9 người:
Nguyễn Đức Vĩ: xã Phật Tích huyện Tiên Du. Nho sinh trúng thức
Phạm Công Thế: xã Hoàng Xá huyện Đông Quan. Giám sinh.
Lê Hoàn Hạo: xã Bát Tràng huyện Gia Lâm. Sinh đồ.
Nguyễn Quốc Ích: xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngạn. Viên ngoại lang.
Quản Dĩnh: xã Hoa Cầu huyện Văn Giang. Huấn đạo.
Nguyễn Đình Bá: xã Bình Dân huyện Đông Yên. Giám sinh.
Đặng Công Diễn: xã Phù Đổng huyện Tiên Du. Tri huyện.
Nguyễn Sĩ Lâm: xã Hoàng Xá huyện Cẩm Giàng. Sinh đồ.
Vũ Khâm Thận: xã Ngọc Lặc huyện Tứ Kỳ. Giám sinh.
LH
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN SỬU NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC 12 (1481)
Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1481 dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức (1484) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bia có kích thước (141 × 109 × 18)cm. Trán bia trang trí mây thiêng vờn ngọc báu, các tia sáng và dải mây cách điệu. Diềm bia chạm khắc hoa dây thảo Đường. Bia thuộc nhóm thời Lê sơ nên mang phong cách khắc chữ, hoa văn đường nét mảnh nhỏ. Rùa đội bia dáng điệu khoan thai, mắt lồi tròn to, miệng rộng lộ răng nanh, đầu ngẩng cao thần sắc trang nghiêm.
Khoa thi này người dự thi hơn hai ngàn sĩ tử, tuyển chọn được 40 nhà khoa bảng. Vua xem quyển chọn bài, lấy Phạm Đôn Lễ đỗ Trạng nguyên, Lưu Hưng Hiếu đỗ Bảng nhãn, Nguyễn Doãn Địch đỗ Thám hoa, đều ban cho hạng Tiến sĩ cập đệ. Hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ lấy 8 người, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đỗ 29 người.
Hoàng thượng hạ lệnh ban ơn cho các tân Tiến sĩ theo điển cũ. Sử sách còn ghi Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ được vua ban lễ Vinh quy bái tổ: “Vua ngự điện Kính thiên, các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên, lại bộ ban ân mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, rồi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa Trạng về nhà”.
Phạm Đôn Lễ (1455-?), nguyên quán làng Hải Triều, huyện Ngự Thiên – nay thuộc xã Phạm lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Sau dời đến xã Thanh Nhàn huyện Kim Hoa, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. 27 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên), từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu, làm quan đến chức Tả thị lang.
Lưu Hưng Hiếu (1456-?) người xã Lương Hà huyện Vĩnh Ninh – Nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Khoa thi này ông đỗ Bảng nhãn. Ông từng được cử đi sứ, làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, chưởng Hàn lâm viện sự. Tác phẩm của ông hiện còn 9 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.
Nguyễn Doãn Địch (năm sinh năm mất không rõ) nguyên quán xã Cảo Dương – Nay là thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Sau dời đến xã Canh Hoạch cùng huyện, nay là thôn Canh Hoạch xã Dân Hòa cùng huyện. Ông đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Hựu thị lang.
Đỗ đầu hàng đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) là Ngô Văn Cảnh (1443-?). Ông nguyên quán ở xã Yên Ninh huyện Yên Dũng – Nay là thôn Yên Ninh xã Hoàng Ninh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Trú quán xã Liên Hồ, nay là thôn Sen Hồ xã Quảng Minh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Nguyễn Minh Thông (năm sinh năm mất không rõ) đỗ đầu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông người xã Xuân Canh huyện Đông Ngàn, nay thuộc xã Xuân Canh huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Đặc biệt ở khoa thi này, Nguyễn Nhân Bị (1448-?) người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh – nay là thôn Kim Đôi xã Kim Chân huyện Quế Võ, Bắc Ninh lại đi thi. Khoa này ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuât thân. Nhưng khoa trước đó, khoa thi năm Bính Tuất (1466) vì không đỗ cập đệ (hàng đệ nhất giáp) nên ông từ chối không nhận. Tuy khoa thi này ông quyết tâm thi lại, nhưng vẫn chỉ đỗ Đệ tâm giáp. Ông là thành viên Hội tao đàn, tác phẩm hiện còn 12 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Ông từng được đi sứ, làm quan đến chức Binh bộ thượng thư.
Theo sắc dụ của nhà vua, Hiển cung đại phu Hàn lâm viện thị thư kiêm tú lâm cục tư huấn Nguyễn Trọng Ý vâng sắc soạn bài ký. Mậu lâm lang Trung thư giám điển thư Phan Trung vâng sắc viết chữ. Chữ trên trán bia do Mậu lâm lang Kim quang môn đãi chế Tô Ngại vâng sắc viết chữ Triện.
(Ảnh: Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1481)
DANH SÁCH 40 VỊ TIẾN SĨ KHOA THI NĂM 1481
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
PHẠM ĐÔN LỄ người huyện Ngự Thiênphủ Tân Hưng.
LƯU HƯNG HIẾU người huyện Vĩnh Ninh phủ Thiệu Thiên.
NGUYỄN DOÃN ĐỊCH người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
NGÔ VĂN CẢNH người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.
VŨ KHẮC MINH người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
LƯU NGẠN QUANG người huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên.
NGUYỄN DUY TRINH người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
PHẠM HÙNG người huyện Thiên Bản phủ Kiến Hưng.
HOÀNG BÁ DƯƠNG người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
BÙI SƯ LỤC người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
LÊ ĐỨC THIỆU người huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 29 người:
NGUYỄN MINH THÔNG người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
ĐÀM ĐÌNH PHƯƠNG người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.
PHẠM CHUYẾT người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
VŨ NGUYÊN TRINH người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
LÊ CẤU người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
NGUYỄN TÔN MIỆT người huyện Kim Hoa.
NGUYỄN NHÂN BỊ người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.
NGUYỄN VĂN TÚ người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.
VŨ NGHI HUYNH người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN ĐỔ người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.
NGUYỄN THÁI người huyện Thọ Xương.
KHỔNG CƯ LỖ người huyện Lập Thạch phủ Tam Đới.
THÂN TÔNG VŨ người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.
LÊ CÔNG TRUYỀN người huyện Giáp Sơn phủ Kinh Môn.
PHẠM TỬ HIỀN người huyện Thụy Anh phủ Thái Bình.
NGUYỄN TẤT THÔNG người huyện Vũ Giang32
NGUYỄN TỬ LOA người huyện Chí Linh phủ Nam Sách.
NGUYỄN ĐÌNH TUẤN 34 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
NGUYỄN NHÂN LỄ người huyện Hoằng Hóa phủ Hà Trung.
PHAN ỨNG TOẢN người huyện Thạch Hà phủ Hà Hoa.
LƯU DI QUYẾT người huyện Tế Giang phủ Thuận An.
LÊ TỨ người huyện Tế Giang phủ Thuận An.
ĐỖ BÁ LINH người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
NGÔ KHẮC TUẤN người huyện Trường Tân phủ Hạ Hồng.
THANG NGHĨA PHƯƠNG người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
LÊ ĐỨC TRUNG người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.
NGUYỄN OANH người huyện Gia Lâm phủ Thuận An.
PHAN DƯ KHÁNH người huyện La Giang phủ Đức Quang.
LÊ DUY HÀN người huyện Hoằng Hóa phủ Hà Trung.
AV
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÂN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG 13 (1752)
TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Bia Tiến sĩ khoa Nhâm Thân (1752) có chiều cao 1,70m; chiều rộng 1,08m; dày 19 cm. Trán bia trang trí hình cây thiêng vầng nhật nguyệt. Diềm thân bia trang trí tổ hợp hoa bảo tiên. Tên bia khắc thể chữ Triện cao 10cm. Đế bia hình rùa, đầu rùa ngẩng cao, mắt to, tròn. Bia dựng tháng hai năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753).
Mùa đông năm Nhâm Thân (1752), triều đình tổ chức thi Hội cho các cống sĩ trong cả nước. Lại sai các quan như quan Đề điệu (Đô đốc Thiêm sự trí sĩ khởi phục ngũ lão Vinh Quận công Đặng Đình Trứ), quan Tri cống cử (Nhập thị Bồi tụng Phó Đô Ngự sử Trần Danh Ninh), quan Giám thí (Bồi tụng Hàn lâm viện Thừa chỉ Dương Công Chú) phụ trách công việc trường thi. Đến tháng 12 năm 1752, các thí sinh vào thi Đình để phân hạng và định thứ bậc cao thấp. Kết quả lấy đỗ được 6 người, trong đó Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (1người), Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (1người) và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (4người).
Khoa Nhâm Thân (1752) là khoa thi thứ 4 được tổ chức dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Trong hàng nghìn cống sinh - vốn là những người đã đỗ cống sinh (cử nhân) từ các trường thi Hương ở tứ trấn, triều đình chỉ lấy đỗ có 6 người. Dưới triều vua Lê chúa Trịnh, đây cũng là một trong những khoa thi lấy đỗ được Tiến sĩ ít nhất. Đặc biệt, trong số 6 người đỗ Tiến sĩ, có đến 4 người quê ở Thái Bình, xếp theo thứ tự đỗ từ cao xuống thấp là Lê Quý Đôn (1726-1784), Đoàn Nguyễn Thục (1728-1783), Nghiêm Vũ Đăng (1730-?), Nguyễn Diêu (1728-?) và hai vị tiến sĩ còn lại là Tạ Đình Hoán (1723-?) người xã Đại Định, huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) và Nguyễn Xuân Huy (1704-1774) người xã Nhuế Đông, nay là xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Đình nguyên, Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) là người xã Diên Hoà, huyện Diên Hà (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông là con của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ (1694-1782) làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông. Năm 27 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng 13 (1752). Sau khi thi đỗ, ông ra làm quan, giữ nhiều trọng trách trong triều. Ông làm quan đến chức Nhập thị Bồi tụng, Hộ bộ Tả thị lang, từng đi sứ sang nhà Thanh, làm Tham thị kiêm Trấn thủ xứ Thuận Quảng (1766), Hiệp trấn Nghệ An (1783), sau thăng chức Đô ngự sử. Lê Quý Đôn không chỉ là ngừoi có kiến thức uyên bác và sự hiểu biết sâu rộng, ông còn là người thầy từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, mở trường dạy học và có nhiều học trò thành đạt.
Bài ký trên bia do Nhập thị Bồi tụng Hình bộ Tả Thị lang Tri Hàn lâm viện sự Nhữ Đình Toản soạn. Ông là người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông, làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, khi về trí sĩ được ban tôn hiệu Quốc lão. Nội dung bài ký ca ngợi công lao vua Lê chúa Trịnh, tên tuổi và quê quán các vị Tiến sĩ đỗ khoa thi này. Người nhuận sắc cho tấm bia là Tham tụng Thượng thư Bộ Hộ kiêm Đông các Hiệu thư Nguyễn Công Thái.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÂN NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG 13 (1752)
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:
LÊ QUÝ ĐÔN người xã Diên Hà huyện Diên Hà, Nho sinh trúng thức.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
ĐOÀN NGUYỄN THỤC người xã Hải Yên huyện Quỳnh Côi, Nho sinh trúng thức, nguyên quán xã Đại Hạnh huyện Văn Giang. Vốn họ Nguyễn, tên cũ là Đoàn Duy Tĩnh.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:
NGHIÊM VŨ ĐĂNG người xã Kỳ Nhai huyện Thanh Lan. Sinh đồ, tên cũ là Nghiêm Vũ Chiêu.
NGUYỄN DIÊU người xã Hoàng Xá huyện Thư Trì. Giám sinh, tên cũ là Nguyễn Xuân Huyên.
TẠ ĐÌNH HOÁN người xã Đại Định huyện Thanh Oai, Giám sinh.
NGUYỄN XUÂN HUY người xã Quy Đông huyện Lương Tài. Tri phủ
Thúy Hồng
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ HỢI NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA 4 (1683)
Sau khi đỗ đại khoa, các vị Tiến sĩ được triều đình ban cho nhiều ân điển: “loa truyền xướng danh, treo bảng đề tên ở nhà Quốc học, được ban áo xanh đai mũ, yến Quỳnh hoa bạc”..., được khắc tên trên bia đá đặt nơi cửa hiền. Tấm bia đề danh Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) là một trong 82 bia Tiến sĩ được lưu giữ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trên đó lưu danh 18 vị Tiến sĩ – những bậc hiền tài đã đóng góp cho sự phát triển của Đại Việt.
Bia Tiến sĩ khoa thi Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683)
Bia có kích thước lớn, chiều cao 178 cm, chiều rộng 122 cm, dày 23 cm. Trán bia trang trí mây thiêng vờn vầng nhật nguyệt. Diềm thân bia trang trí hoa dây kim ngân. Rùa đội bia đầu chếch cao, cổ ngắn, mắt nhỏ, mồm nhọn, miệng khá dài không có răng nanh, lưng uốn cong có gò sống lưng, chân thì dài ra ngoài, chụm đủ 5 ngón.
Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo thể chữ triện: “Chính Hòa tứ niên Quý Hợi khoa Tiến sĩ đề danh kí”.
Khoa thi Hội này có đến 3.000 người dự thi, nhưng chỉ lấy đỗ 18 người. Đến tháng Giêng năm Giáp Tý tổ chức thi Đình, Hoàng thượng đích thân định thứ bậc cao thấp, lấy đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người: Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Bảng nhãn Phạm Quang Trạch, Thám hoa Quách Giai. Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) người xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông từng giữ các chức quan như Đô Ngự sử, Nhập thị Kinh diên, sau thăng Thượng thư Bộ Binh, Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) thương lượng về việc đòi lại 3 động là Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc huyện Vị Xuyên xứ Tuyên Quang. Bảng nhãn Phạm Quang Trạch (xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm) làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ Lễ. Thám hoa Quách Giai (xã Phù Khê huyện Đông Ngàn) làm quan chức Thái thường Tự khanh.
Trên bia có bài kí bằng chữ Hán do Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Kiều (1695-1752) soạn. Ông người xã Phú Xá huyện Từ Liêm (nay thuộc Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), là chồng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. 21 tuổi ông đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Tả Thị lang Bộ Binh và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Người nhuận bài văn bia là Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức. Nguyễn Quý Đức đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Bính Thìn (1676), từng giữ nhiều trọng chức ở các trấn, ở Ngự sử đài và các Bộ: Hộ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, Tham tụng… Nguyễn Quý Đức có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng thể chế, pháp luật và kinh bang tế thế.
Bài kí cho chúng ta biết triều đình đã lựa chọn những vị quan đại thần tin cậy, tài đức đứng ra tổ chức khoa thi như: Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Thiếu phó Lộc Quận công Đinh Văn Tả làm Đề điệu, Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Hải Sơn tử Nguyễn Danh Thực làm Tri Cống cử, Bồi tụng Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Vĩnh Ngạn tử Nguyễn Công Vọng, Bồi tụng Hữu Thị lang Bộ Lại Nguyễn Viết Đương làm Giám thí… Họ đã góp phần quan trọng trong việc lựa chọn nhân tài cho đất nước.
Phần bài ký của văn bia đã thể hiện rõ quan điểm trọng hiền tài của triều đình: “Bởi vì hiền tài là khí dụng của quốc gia, khí dụng đủ thì điều khiển giao phó chẳng việc gì không được, chính sự không việc gì không làm nổi, mà cơ đồ không thể không vững chắc, thế đạo không thể không thịnh sáng vậy. Cho nên đời xưa trị nước, không gì gấp bằng cầu tìm hiền tài để tin giao công việc”. Cùng với đó là ngụ ý khuyên răn kẻ sĩ: “những người hiện đang được triều nay trọng dụng há không nhớ ơn lựa chọn của tiên vương, cảm nghĩ sự biểu dương ngày nay mà cẩn thận bước đường về sau, mỗi ngày một tiến để khỏi hổ thẹn với khoa danh sao? Thảng hoặc không được như thế, chỉ nặng nghĩ lo riêng cho mình mà nhẹ lòng vì việc nước, cầu may cho được chu toàn, thích xu nịnh, né tránh việc mất lòng, ắt không tránh khỏi công luận mai sau”.
Đặc biệt, bia còn chép lại họ tên, thông tin của người viết chữ phần bài ký là Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Tướng sĩ lang Phó sở sứ Ngô Bảo (chữ chân) và người viết chữ tiêu đề bia là Kim quan môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa, Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy (chữ triện). Đây là những tác phẩm thư pháp tài hoa để lại cho đời sau.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) cùng với 81 bia Tiến sĩ khác là nguồn sử liệu vô cùng quý giá hiện còn lưu giữ tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám./.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM QUÝ HỢI NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA 4 (1683):
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO: xã Hoài Bão huyện Tiên Du.
PHẠM QUANG TRẠCH: xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm
QUÁCH GIAI: xã Phù Khê huyện Đông Ngàn
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
NGUYỄN ĐƯƠNG HỒ: xã Dương Húc huyện Tiên Du.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 14 người:
TRẦN THIỆN THUẬT: xã Bát Tràng huyện Gia Lâm.
LÊ ĐĂNG PHỤ: hương Biện Thượng huyện Vĩnh Phúc.
HOA CÔNG PHƯƠNG: xã An Dân huyện Đông Yên.
ĐỖ CÔNG TOẢN: xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm.
TRẦN PHỤ DỰC: xã Bảo Triện huyện Gia Định.
TRỊNH ĐỨC VẬN: xã Đại Mão huyện Siêu Loại.
TRẦN TIẾN GIÁN: Triền Dương huyện Chí Linh.
DƯƠNG CÔNG ĐỘ: xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc.
ĐÀO TUẤN NGẠN: xã Ngọc Cục huyện Đường An.
PHÍ QUỐC THỂ: xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc.
NGUYỄN THỦ XỨNG: xã Hương Trai huyện Hương Sơn.
TẠ ĐĂNG VỌNG: xã Đại Phùng huyện Đan Phượng.
NGUYỄN LONG BẢNG: xã Chân Hộ huyện Yên Phong.
NGUYỄN ĐÌNH BÁCH: xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.
An Nhiên
BIA TIẾN SĨ KHOA QUÍ MÙI NIÊN HIỆU QUANG THUẬN 4 (1463)
Bia Tiến sĩ khoa Quí Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận 4 là một trong mười tấm bia đầu tiên được dựng trong đợt dựng bia năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Bia có hình dáng dẹt, màu ghi đá, có chiều cao 152cm, chiều rộng 119cm, bề dày 17cm. Trán bia hình khung vòm có trang trí mây thiêng hình khánh ngọc. Mây thiêng vốn là một biểu tượng của Đạo giáo. Sự xuất hiện hình mây hình khánh nằm ở trung tâm trán bia cho thấy phần nào mức độ ảnh hưởng của Đạo giáo với bia Tiến sĩ. Ngay phía dưới trán bia là hàng chữ ngang khắc niên đại tổ chức khoa thi (Quang Thuận tứ niên Quý Mùi kho tiến sĩ đề danh kí) theo lối chữ triện cao 11cm. Thân bia có hình chữ nhật đặt trên lưng rùa. Đế bia hình rùa có tạo hình tinh tế trong sự đơn giản với mai trơn nhẵn, sống lưng có gờ nhỏ, chân rùa có 5 ngón.
Khoa thi này có tới 1.400 thí sinh, lấy đỗ 44 người. Ngày 16 tháng 2, Vua Lê Thánh Tông ngự ở hiên điện, đích thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương, sai Đề điệu là Kiểm hiệu tư đồ Bình chương sự kiêm Đô đốc bình chương sự Đông đạo chư vệ quân Nguyễn Lỗi và Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Niệm. Độc quyển là các ông Tả ty môn hạ sảnh Tả gián nghị đại phu Tri Bắc đạo quân dân bạ tịch sảnh kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ; Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Tri Đông đạo quân dân bạ tịch Nguyễn Vĩnh Tích; Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Bá Ký. Cử Chính sự viện Tham nghị chính sự Nguyễn Phục làm Giám thí.
Sau khi dâng quyển lên đọc, đích thân Hoàng thượng xem xét và định thứ bậc cao thấp. Đỗ đầu làTrạng nguyên Lương Thế Vinh – người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Nam định, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, được coi là thần đồng toán học. Ông làm quan đến chức thị thư viện Hàn Lâm, có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và giáo dục. Tác phẩm nổi tiếng “Đại thành toán pháp” gắn liền với tên tuổi của Trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Đỗ Bảng nhãn là Nguyễn Đức Trinh – người huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Đặc biệt, đỗ Thám hoa trong khoa thi này là Quách Đình Bảo – người xã Phúc Khê, huyện Thanh Quan, Thái Bình. Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình và đã từng sang sứ nhà Minh. Thám hoa Quách Đình Bảolà một trong mười tám vị minh quân phò tá có công lao lớn thời Lê Sơ, là một trong những danh thần được vua Lê Thánh Tông giao cho việc phụ trách xây dựng bia Tiến sĩ năm 1484.
Ngoài ra, trong 44 vị Tiến sĩ đỗ khoa thi này còn có Tiến sĩ Vũ Hữu – người huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, Hải Dương. Ông có tác phẩm nổi bật để lại cho hậu thế là “Lập thành toán pháp”. Trong danh sách các vị đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ Đồng xuất thân còn có hai vị Tiến sĩ đã từng giữ chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp là: Tiến sĩ Hoàng Bồi và Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính.
Qua bài kí trên bia cho thấy sự trọng đãi của nhà vua với các vị tân khoa tiến sĩ. Ngày 22 tháng hai, nhà vua ngự điện Kính Thiên, cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa. Nhà vua còn ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu đối với các các nhà khoa bảng. Bài ký cũng nhắc đến sự đáng tiếc khi không thể dựng bia ngay sau khi tổ chức khoa thi: “Nhưng việc dựng đá đề tên vẫn chưa kịp làm, đến nay đã 22 năm, là chỗ thiếu sót của điển lễ”.
Người được giao nhiệm vụ soạn bài văn bia là Đông các hiệu thư Đào Cử, viết chữ là Nguyễn Tủng và viết chữ triện là Tô Ngại
BP.
TẤM BIA TIẾN SĨ NHÀ MẠC DUY NHẤT TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Trong số 82 bia Tiến sĩ hiện lưu giữ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, có 81tấm bia được dựng dưới thời nhà Lê và duy nhất có 01 tấm bia được dựng dưới thời nhà Mạc, đó là bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529).
Bia thuộc dạng bia dẹt, cao 1,58m, rộng 1,09m, dày 20 cm. Về mặt bố cục, bia gồm có 3 phần: trán bia, thân bia và đế bia.Trán bia trang trí hình mây thiêng vờn ngọc báu. Thân bia hình chữ nhật trên có bài ký chữ Hán. Tên bia khắc thể chữ Triện cao 11 cm. Đế bia hình rùa, rùa đội bia mắt to, tròn, mai không chạm khắc, có gờ giữa sống lưng.
Bia được dựng vào tháng 11 năm 1529, tức 3 năm sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi và cho mở khoa thi để kén chọn nhân tài. Đặc biệt, có hai người cùng soạn bài ký cho tấm bia này. Đó là : Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nguyễn Thì Ung và Đông các Hiệu thư Tư chính Thượng khanh Nguyễn Cư Nhân vâng sắc soạn. Thông chương đại phu Trung thư giám Chính tự Tư chính khanh Nguyễn Ngạn Chiêu vâng sắc viết chữ (chân).Thông chương đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Tư chính khanh Nguyễn Tấn vâng sắc viết chữ triện.
Khoa thi Kỷ Sửu (1529) là khoa thi đầu tiên do triều nhà Mạc tổ chức, có tới 4000 thí sinh tham gia dự thi. Ngày 18 tháng 2, Hoàng thượng đích thân ra đề hỏi về đạo trị nước và cách sử dụng nhân tài. Lại sai các quan như quan Đề điệu (Mạc Kim Phiêu, Binh bộ Thượng thư Mạc Ninh Chỉ), quan Độc quyển (Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nguyễn Thanh, Lại bộ thượng thư Tế tửu Quốc Tử Giám Đinh Trinh) cùng các quan chia giữ các việc. Sau khi chấm lấy đỗ 27 người.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ lấy đỗ 3 người. Đó là Trạng nguyên Đỗ Tổng, Bảng nhãn Nguyễn Hãng, Thám hoa Nguyễn Văn Huy. Đỗ Tổng (1504-?) người xã Lại Ốc, huyện Tế Giang (nay thuộc xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông là người đỗ đầu khoa thi này. Ông làm quan đến chức Tả Thị lang Bộ Hình, Đông các Đại học sĩ. Nguyễn Hãng (1488-?) nguyên quán xã Vũ Lăng, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ông giữ các chức quan như Thị lang, Đông các Đại học sĩ. Nguyễn Văn Huy (1486-?) người xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ.
Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 8 người. Trong đó có Nguyễn Doãn Địch người xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân có 16 người.
Có thể thấy, dưới triều nhà Mạc, triều đình rất coi trọng việc giáo dục và tuyển chọn nhân tài. Bài ký trên bia cho chúng ta biết, các vị Tiến sĩ sau khi thi đỗ được nhận rất nhiều ân điển của nhà vua : “Ngày 24, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lại ban ân mệnh, bộ Lễ rước bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Ngày hôm đó lại ban cho tiền bạc có thứ bậc khác nhau. Ngày 27 ban cân đai áo mũ nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 ban yến tại Bộ Lễ. Ngày mồng 7 tháng 3 cho phép vinh qui, ban tiền theo thứ bậc khác nhau, ơn huệ thật nồng hậu”. Nội dung bài ký còn là những lời răn dạy kẻ sĩ về vai trò, trách nhiệm đạo lý, mối quan hệ giữa danh và thực - để danh xứng với thực thì ở mỗi cương vị kẻ sĩ phải làm tốt công việc được giao: “Vậy nên mang đội ơn sâu, dốc lòng thực tiễn, lấy trung liêm dồi tiết cứng, lấy lễ nghĩa làm phép thường, giữ lòng thẳng thắn, chẳng lệch chẳng xiên, làm nên sự nghiệp lớn lao bền vững.Thảng hoặc có người ngoài vuông nhưng trong tròn, trước trinh trắng mà sau tì vết, điều nhìn thấy không đúng với điều được nghe, việc làm trái với sở học thì chỉ làm lụy cho khoa mục, làm tì vết cho bia đá này…”
Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529).
DANH SÁCH CÁC VỊ TIẾN SĨ KHOA THI KỶ SỬU (1529):
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
ĐỖ TỔNG xã Lại ốc huyện Văn Giang
NGUYỄN HÃNG xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc
NGUYỄN VĂN HUY xã Vĩnh Cầu huyện Đông Ngàn
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
NGUYỄN VÂN QUANG xã Bình Sơn huyện Đông Ngàn
TRẦN THỤY xã Ngọc Bộ huyện Thái Bình
PHẠM HUY xã Mặc Khê huyện Thanh Lâm
ĐẶNG LƯƠNG TÁ xã Đặng Xá huyện Thạch Thất
NGUYỄN HOẢNG xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa
NGUYỄN DOÃN ĐỊCH xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa
PHÍ THẠC xã Hương Ngải huyện Thạch Thất
NGUYỄN CHIÊU KHÁNH xã Yên Sở huyện Đan Phượng
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 16 người:
NGUYỄN HỮU HOÁN xã Xuân Ứng huyện Quang Phúc
NGUYỄN ĐỊCH GIÁO xã Thượng Cốc huyện Gia Lộc
LÊ THỰC xã Ngọc Bộ huyện Văn Giang
HOÀNG KHẮC THẬN xã Đại Lý huyện Thuần Lộc
LÊ TẢO xã Phúc Khê huyện Từ Liêm
NGUYỄN QUÝ LƯƠNG xã Địa Linh huyện Phụ Dực
NGUYỄN ĐỨC KÝ xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang
AN KHÍ SỬ xã Nhĩ Độ huyện Nam Xương
VŨ NGUNG xã Đoàn Lâm huyện Gia Lộc
CHU TAM DỊ xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn
PHAN TẾ xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất
ĐINH THỤY xã Tùng Quan huyện Đông Yên
PHẠM KINH BANG xã Thì Trung huyện Thanh Oai
LƯƠNG NHƯỢNG xã Nội Trà huyện Yên Phong
NGUYỄN DƯƠNG xã Trà Lâm huyện Siêu Loại
NGUYỄN QUANG TÁN xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong
Danh sách các vị Tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu (1529): /media/uploads/2021/09/17/danh-sach-cac-vi-tien-si-khoa-thi-ky-suu_RchWC9V.docx
Thúy Hồng
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM NHÂM TUẤT(1502) TẠI VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM
Trên 82 tấm bia đá lưu danh các vị Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, số lượng các Tiến sĩ khắc tên trên một tấm bia có từ 3 đến 62 vị. Bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) là một trong hai tấm bia có số lượng Tiến sĩ khắc tên trên bia nhiều nhất. Tấm bia Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1478) với 62 vị Tiến sĩ được khắc tên trên bia và thứ hai là biaTiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) với 61 vị Tiến sĩ.
Về hình dáng kích thước, Bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) có kích thước nhỏ, hình dáng dẹt, cao 155cm, rộng 111cm và dày 15cm, được chia làm 3 phần rõ rệt: Trán bia, Thân bia và Đế bia hình rùa. Trán bia hình vòm, được trang trí họa tiết “Mây thiêng vờn ngọc báu”. Thân bia hiện bị rạn nứt nhiều, diềm quanh thân bia được trang trí họa tiết hoa dây. Hàng chữ Triện chạy ngang qua phần trán bia có chiều cao 07cm. Đế bia hình rùa được tạo tác đơn giản, rùa có đầu to, không có chân, mắt to, mắt và mũi tạo thành hình chữ T, mai trơn nhẵn.
Bia đề danh Tiến sĩ khoa năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5(năm 1502)
Về thời gian dựng bia, trên bia khoa thi 1502 có ghi hai mốc thời gian dựng bia khác nhau. Thông tin đầu tiên ghi bia được dựng vào ngày mùng 10 tháng 11 năm 1502 , tuy nhiên ở thông tin khác cuối văn bia lại ghi bia dựng ngày 15 tháng 9 năm 1536. Theo sách “Văn Miếu-Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ” của cố PGS.TS Ngô Đức Thọ, có thể xảy ra trường hợp vào năm 1502 vì lý do nào đó chỉ mới viết bài ký mà chưa thực sự khắc chữ và dựng bia. Đến đầu triều Mạc bia mới được dựng và cho khắc bài ký trước đây lên bia.
Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5(năm 1502), theo lệ cũ, triều đình cho tổ chức khoa thi Hội. Tham gia kỳ thi này có rất đông thí sinh, số lượng lên tới 5000 người. Trải qua bốn trường thi đã chọn được 61 người vào thi Đình. Sau đó, các thí sinh được vua Lê Hiến Tông đích thân hỏi thi tại sân rồng. Sau kỳ điện thí, nhà vua đã chọn đủ tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.
Trạng nguyên là Lê Ích Mộc, 44 tuổi, ông người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, nay là xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Sử sách chép rằng trước khi đi thi Lê Ích Mộc từng làm Đạo sĩ. Ông làm quan đến chức Tả thị lang. Bảng nhãn là Lê Sạn, 27 tuổi, ông người xã Vạn Phúc, huyện Thanh Đàm, nay là thôn Vạn Phúc, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lê Sạn làm quan tới chức Thượng thư bộ Hình, sau được thăng chức lên Thượng thư bộ Lại. Thám hoa là Nguyễn Văn Thái, 24 tuổi, ông người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Dưới thời Lê sơ ông giữ chức Đông các đại học sĩ, tới thời Mạc ông giữ chức Thượng thư, tước hầu.
Đỗ hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 24 người. Đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân có 34 người, trong đó nổi bật có Tiến sĩ Lê Hiếu Trung, người xã Chi Nê, huyện Chương Đức, nay là huyện Chương Mỹ từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Bài ký văn bia do Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ - Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (năm 1469) soạn. Nội dung cho chúng ta biết những thông tin rất quan trọng về chế độ khoa cử dưới thời Lê sơ. Cụ thể, kể từ khoa thi này, bảng vàng khắc tên các vị tiến sĩ được rước và treo ở cửa nhà Thái Học: “Mấy năm trước bảng vàng treo ở cửa ngoài Đông Hoa, năm nay sai bộ Lễ rước bảng có trống nhạc dẫn trước, đem treo ở cửa nhà Thái Học, cốt khiến cho sĩ tử nhìn thấy mà thêm phần khích lệ..”. Triều đình cũng rất coi trọng việc tổ chức nghiêm túc các khoa thi, tuyển chọn nhân tài: “Qui phạm nghiêm ngặt, xử trí chặt chẽ, lựa chọn kỹ càng, thật đã chu đáo hết mức vậy. Nhờ thế danh sĩ hội tụ rất đông, người tài tìm đến, lựa chọn được nhân tài hơn hẳn mấy đời trước. Kẻ sĩ gặp thời cá nước, được hội gió mây..”.
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU CẢNH THỐNG THỨ 5 (1502)
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
LÊ ÍCH MỘC: xã Thanh Lãng huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn.
LÊ SAN: xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì phủ Thường Tín.
NGUYỄN VĂN THÁI: xã Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 24 người:
NGUYỄN CẢNH DIỄN: xã Yên Tử huyện Tân Minh phủ Nam Sách.
NGUYỄN ĐỨC KHÂM: xã Uông Hạ huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.
NGUYỄN NHƯ CÔN: xã Trại Sơn huyện Giáp Sơn.
TRẦN DỰC: xã Ngải Lăng huyện La Sơn
LÊ VĂN HỌC: xã Đông Tháp huyện Đông Thành
HẠ NGỌC CHÚC: xã Yên Duyệt huyện Chương Đức
NGUYỄN NGẠN: xã Yên Khoái huyện Phú Xuyên
NGUYỄN VĨNH KIÊN: xã Yên Ninh huyện Cẩm Giàng
ĐẶNG TUYÊN: xã Lạc Dục huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng
NGUYỄN BÁ TÙNG: xã Tạ Xá huyện Tứ Kỳ
NGUYỄN ĐỐC: xã Thổ Giá huyện Nông Cống
VŨ BÁ DUNG: xã Thanh Giản huyện Đường An
VŨ CÁN: xã Mộ Trạch huyện Đường An
NGÔ VĂN HUY: xã Trâu Khê huyện Đường An
TRƯƠNG ĐỨC QUANG: xã Ngọc Xuyết huyện Hoằng Hoá
NGUYỄN CHƯỞNG: xã Thanh Thuỷ huyện Tiên Phúc
HOÀNG SĨ DỊCH: xã Lai Xá huyện Lương Tài
NGUYỄN VĂN HIẾN: xã Vĩnh Thế huyện Siêu Loại
VŨ BÁ THẮNG: xã Cựu Sơn huyện Yên Phong
MAI ĐỨC BÁ: xã Thạch Lỗi huyện Thạch Hà
NGUYỄN TỰ: xã Vĩnh Mỗ huyện Sơn Vi
ĐOÀN NHÂN THỤC: xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm
BÙI DỤC TÀI: xã Dương La huyện Hải Lăng
LÊ NHÂN TẾ: xã Đại Nhuệ huyện Hoằng Hoá
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, 34 người:
PHẠM KHIÊM BÍNH: xã Lãm Sơn huyện Quế Dương
NGUYỄN VĂN KIỆT: xã Mỹ Xá huyện Ngự Thiên
NGUYỄN DUY MINH: xã Thượng Cốc huyện Gia Lộc
NGUYỄN KIM: xã Thạch Lựu huyện An Lão
DOÃN MẬU KHÔI: xã Yên Dục huyện Thượng Phúc
NGUYỄN TỬ TRỌNG: xã An ấp huyện Hương Sơn
CHỬ THIÊN KHẢI: xã Cối Giang huyện Đông Ngạn
LÊ DỰC: xã Bối Khê huyện Thanh Oai
ĐỖ VĂN HIỆU: xã Hữu Quang huyện Yên Sơn
HOÀNG TỬ NGHI: xã Công Luận huyện Văn Giang
NGUYỄN VĂN HIẾN: xã Yên Định huyện Yên Dũng
ĐINH TRINH: xã Vị Khê huyện Thanh Lan
ĐÀO NHƯ HỔ: xã Triều Đông huyện Thượng Phúc
HOÀNG NHẠC: xã Hoàng Xá huyện Đông Thành
VŨ NGHI HƯỚNG: xã Đại Vi huyện Tiên Du
BÙI TÂN: xã Kim Bảng huyện Thiên Bản
LÊ KIM CHƯƠNG: xã Thanh Mai huyện Yên Phong
NGUYỄN THẾ MỸ: xã Lang Khuê huyện Tiên Lữ
NGUYỄN TRỌNG HƯNG: xã Đại Đồng huyện Siêu Loại
BÙI DOÃN CHÍNH: xã Thắng Trí huyện Bình Tuyền
PHẠM TRÁNG: xã Dũng Nhuệ huyện Giao Thuỷ
TRẦN LỰ: xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc
PHAN ĐÌNH MỤC: xã Tây Hồ huyện Quảng Đức
NGUYỄN XUÂN LAN: xã Thì Mại huyện Bảo Lộc
TRẦN HUYÊN: xã Diên An huyện Kim Động
LÊ HIẾU TRUNG: xã Chi Nê huyện Chương Đức
NGUYỄN ĐOAN: xã Thuy Chương huyện Quảng Đức
LÊ ĐÌNH TƯỞNG: xã Cao Mật huyện Kim Bảng
ĐÀO THÚC VIỆN: xã Song Khê huyện Yên Dũng
NGUYỄN VĂN ĐỆ: xã Yên Nhân huyện Chương Đức
VŨ BÁ HUYÊN: xã Tùng Du huyện Gia Phúc
MẠC VĂN UY: xã Mạc Xá huyện Thanh Lâm
NGUYỄN TỬ KIẾN: xã Trạch Lôi huyện Thạch Thất
NGUYỄN MẬU: xã Du La huyện Thanh Hà
CT
HOA SEN TRANG TRÍ TRÊN BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Hoa sen là loài hoa đẹp, tượng trưng phẩm chất thanh cao, tinh khiết, hình tượng hoa sen rất quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, được phản ánh trong kiến trúc và điêu khắc, tạo nên các phong cách “Hoa sen trong mỹ thuật cho từng thời đại”.
Hoa sen cũng là một trong những đồ án hoa văn tiêu biểu được trang trí trên diềm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đề tài hoa sen trên bia Tiến sĩ xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau và mang giá trị thẩm mỹ cao như: Hoa sen cách điệu hình mây xoắn, Đồ án Liên hoa bảo tòa ( Bệ hoa sen), Đồ án Hoa sen dây…
*Hoa sen cách điệu hình mây xoắn
(Ảnh: Hình ảnh trang trí hoa sen cách điệu thời Lê sơ trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1478
Nguồn: Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, NXB Mỹ Thuật 2018)
Hình tượng Hoa sen được trang trí ở diềm bia Tiến sĩ đã xuất hiện ngay từ những tấm bia đầu tiên thời Lê sơ. Cách thức thể hiện hình Hoa sen là trung tâm bao trùm cả đồ án. Hoa sen bố cục nhìn nghiêng thấy rõ từng lớp hoa. Trong cùng là búp hoa còn xếp kín chưa nở. Tiếp đó là các lớp cánh sen tỏa đều ra hai bên. Cánh sen được cách điệu cao hình xoáy trôn ốc gần cuối, đầu cánh hoa vát nhọn. Nhìn từng cánh hoa như hình mây xoắn. Hai bên là cánh sen kiểu mây hóa.
Đồ án Hoa sen cách điệu thành hình mây xoắn như thế này xuất hiện chủ yếu trên một số ít những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám thế kỷ XV. Thời kì này họa tiết trang trí trên diềm bia Tiến sĩ thường là những đường chạm khắc mảnh, sắc nét, thanh thoát.
*Đồ án Liên hoa bảo tòa ( Bệ hoa sen)
(Ảnh: Trang trí Đồ án Liên hoa Bảo tòa trên diềm chân bia Tiến sĩ thế kỷ XVI, VII)
Đồ án Liên hoa Bảo tòa (Bệ hoa sen) giống như cách trang trí dưới những chân bệ tượng Phật trong kiến trúc Phật giáo xuất hiện ở diềm chân bia Tiến sĩ. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám có hơn 10 tấm bia Tiến sĩ khoảng thế kỉ XVII có diềm chân bia được trang trí bằng dạng đồ án Bệ hoa sen với những dạng thức khác nhau.
Bố cục của Đồ án Liên hoa Bảo tòa được trang trí trên diềm chân bia Tiến sĩ thường là những đài sen lớn. Cánh sen ở đây có 1 đến 3 lớp xếp chồng xen kẽ nhau, nối tiếp nhau theo chiều ngang của thân bia. Các lớp cánh hoa được chạm nông, cánh hoa cách điệu thành hình mây xoắn.
*Đồ án Hoa sen dây
(Ảnh: Đồ án Hoa sen dây trang trí trên diềm bia Tiến sĩ khoa thi năm 1554)
Một loại đồ án Hoa sen trên bia Tiến sĩ xuất hiện khá độc đáo nữa là Hoa sen cách điệu thành Hoa sen dây.
Đồ án kết hợp của 2 loại hoa: hoa cúc và hoa sen. Người nghệ nhân đã bố cục xen kẽ một hoa sen rồi đến một hoa cúc. Hai loài hoa nối tiếp nhau bằng dây và lá kết kín bốn cạnh của diềm bia Tiến sĩ.
Đồ án hoa dây mang tình ước lệ rất cao. Vì trên thực tế lá sen và lá cúc khác hẳn so với lá thể hiện trên đồ án và hai loài hoa này cũng không phải là loài dây leo. Qua đó, cho thấy óc sáng tạo và sự khéo léo của đôi tay các nghệ nhân xưa.
*Trang trí hoa sen trên diềm bia Tiến sĩ
(Ảnh: Trang trí hoa sen trên diềm bia bia Tiến sĩ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám)
Phần lớn hình ảnh hoa sen trang trí trên diềm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thể hiện bằng bút pháp cách điệu cao, rất hiếm khi dùng cách tả thực. Duy nhất chỉ có trên 2 tấm bia khoa thi 1580 và khoa thi 1589, hình ảnh hoa sen hiện lên sinh động, chân thực và rõ nét.
Trên diềm bia khoa thi năm 1580, xen kẽ giữa các loài hoa khác là hình ảnh hoa sen rất đẹp. Bông sen được nghệ nhân thể hiện theo góc nhìn nghiêng: Cánh hoa nở bung mềm mại, lá sen uốn cong xuống phía dưới, phía trên bông sen đang khoe sắc là một đài sen vươn cao mạnh mẽ. Hình ảnh hoa sen được chạm khắc sâu, sắc nét với bút pháp tả thực sống động.
Trên diềm chân bia Tiến sĩ khoa thi năm 1589, hình ảnh hoa sen lại hiện lên với khung cảnh rất bình dị những không kém phần nên thơ. Đó là hình ảnh đầm sen với đàn cò vạc đang kiếm ăn. Bút pháp tả thực lãng mãn, làm tăng thêm vẻ đẹp và giá trị mỹ thuật của Di sản Tư liệu Thế giới 82 tấm bia Tiến sĩ.
AV
BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI (1475) TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia đá đề tên Tiến sĩ. Có 7 trong 10 tấm bia được dựng ở đợt đầu tiên này hiện còn lưu giữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) là một trong 7 tấm bia đó.
Bia có kích thước nhỏ nhưng tỷ lệ hài hòa. Thuộc dạng bia dẹt với chiều cao 154cm, rộng 119 cm và dày 18 cm, bia gồm 3 phần: trán bia, thân bia và đế bia. Trán bia hình vòm, trang trí theo hình thức mây vờn mặt trời. Thân bia hình chữ nhật trên có khắc văn bia chữ Hán theo chiều dọc; diềm bia trang trí hoa dây, các đường nét chạm mảnh. Đế bia hình rùa được chạm khắc tinh tế, đầu ngẩng cao chếch ra phía trước, miệng rộng có hai răng nanh, mắt khá to, lồi, tròn bầu dục, mai rùa không chạm khắc, chân rùa có 5 móng gắn vào thân.
Tháng 3 năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức 6 (1475), triều đình tổ chức thi Hội cho cử nhân trong nước. Tham gia kỳ thi có tới hơn 3000 thí sinh, trải qua bốn trường thi chỉ chọn được 43 người vào thi Đình. Đến ngày 11 tháng 5, nhà vua “ngự điện Kính Thiên, thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa để chọn thứ bậc”. Đây là khoa thi thứ năm được tổ chức thời vua Lê Thánh Tông. Sau kỳ Điện thí, nhà vua chọn đủ Tam khôi: Trạng nguyên là Vũ Tuấn Chiêu 49 tuổi, ông người huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Nguyên quán xã Cổ Lôi, huyện Tây Chân, nay là thôn Xuân Lôi, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Vũ Tuấn Chiêu sau làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Hiện nay, tại xã Nam Hùng, huyện Nam Trực còn đền thờ ông. Đậu Bảng nhãn là Ông Nghĩa Đạt, người xã Phú Gia, huyện Từ Liêm, nay là thôn Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ông làm quan đến chức Phó Đô ngự sử, từng đi sứ nhà Minh. Thám hoa là Cao Nghĩa, 37 tuổi, người xã Cao Xá, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Thành huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Ông làm đến chức Đông các đại học sĩ.
Đỗ hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân có 13 người. Đáng chú ý có Tiến sĩ Nguyễn Kim, người tỉnh Bắc Ninh, từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân có 27 người, trong đó Tiến sĩ Nguyễn Lê Kính, người tỉnh Bắc Giang từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Bài văn bia do Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn - Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức 3 (năm 1472) soạn. Nội dung cho thấy, việc giáo dục đào tạo nhân tài rất được chú trọng dưới thời vua Lê Thánh Tông: “Hiền tài đối với quốc gia, cũng như nguyên khí con người ta không thể một ngày không có”; “Nhất là việc lập trường học, mở khoa thi, càng để lòng chăm chú hơn”. Văn bia còn nhắc nhở kẻ sĩ, dù là các Tiến sĩ có tên trên bia, hay kẻ sĩ trong thiên hạ về cách sống, cách làm việc, cách cư xử cùng đạo lý, luân thường : “Nay những người thi đỗ đều đã được bổ nhiệm khắp nơi….tất cả đều lo nung nấu lòng ngay, trau dồi tiết lớn, nêu cao thanh danh lừng lẫy, công nghiệp lỗi lạc, ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình cất nhắc, dưới không phụ chí khí hoài bão trong đời. Thảng hoặc có kẻ không được như thế, đời sau sẽ có người chỉ vào tên mà bàn tán rằng : người này trung chính, kẻ kia gian tà; người này thanh liêm giữ mình, người kia tham lam mất chức…ắt không tránh khỏi sự khen chê của người đời. Thế thì tấm đá này dựng lên không chỉ để nêu thanh danh và lưu tiếng tốt, khiến cho người thi đỗ được vẻ vang nhất thời mà thôi đâu, mà thâm ý khuyên răn thực gửi vào trong đó”.
Văn bia còn cho ta biết tên và chức vụ, trách nhiệm các quan chịu trách nhiệm về khoa khi này như: Quan Đề điệu là Thượng tướng quân phò mã đô uý Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc Đoan Vũ bá Trịnh Công Lộ và Lại bộ thượng thư Hoàng Nhân Thiệm; quan Độc quyển là Triều liệt đại phu Hàn lâm viện thị độc kiêm Đông các học sĩ Thân Nhân Trung, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Đông các hiệu thư Quách Đình Bảo; quan Giám thí là Thái tử thiếu bảo Ngự sử đài đô ngự sử Trần Phong và Binh khoa đô cấp sự trung Phí Bá Khang.
Phần cuối văn bia còn khắc họ tên người viết chữ, người khắc bia. Bia khoa thi này do Trung thư giám chính tự Thái Thúc Liêm viết chữ, và Mậu lâm lang kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại, người viết chữ Triện. Với bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, họ đã để lại cho đời sau một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là nguồn sử liệu quý giá về nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.
(Ảnh: Bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475))
DANH SÁCH TIẾN SĨ KHOA THI NĂM ẤT MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC THỨ 6 (1475)
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
VŨ TUẤN CHIÊU |
huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên |
ÔNG NGHĨA ĐẠT |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
CAO QUÝNH |
huyện Đông Thành phủ Diễn Châu |
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 13 người:
PHẠM XÁN |
huyện Đường An phủ Thượng Hồng |
TRẦN THÂM |
huyện Thiện Tài phủ Thuận An |
ỨNG NGẠN LƯỢNG |
huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín |
VƯƠNG HIỂN |
huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách |
NGUYỄN TẤN VĨ |
huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng |
LÊ QUẢNG DU |
huyện Lôi Dương phủ Thiệu Thiên |
PHẠM HƯNG VĂN |
huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng |
ĐỖ TRÍ TRUNG |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
KIỀU PHÚ |
huyện Ninh Sơn phủ Quốc Oai |
NGUYỄN KIM |
huyện Tiên Du phủ Từ Sơn |
ĐỖ TUYỀN |
huyện Phụ Dực phủ Thái Bình |
VŨ MẪN TRÍ |
huyện Kim Thành phủ Kinh Môn |
NGUYỄN TUẤN |
huyện Đông Yên phủ Khoái Châu |
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 27 người:
ĐỖ VINH |
huyện Trường Tân phủ Hạ Hồng |
PHAN PHÚC CẨN |
huyện La Giang phủ Đức Quang |
NGUYỄN DUY TIẾU |
huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng |
NGUYỄN ẤU MIỄN |
huyện Quế Dương phủ Từ Sơn |
NGUYỄN QUAN HIỀN |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
HOÀNG THIỆU |
huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai |
ĐỖ TƯƠNG |
huyện Ngọc Sơn phủ Tĩnh Ninh |
NGUYỄN MINH KHANG |
huyện Ngự Thiên phủ Tân Hưng |
NGUYỄN TRINH |
huyện Lập Thạch phủ Tam Đới |
VŨ TRIỆU DUNG |
huyện Phụ Dực phủ Thái Bình |
NGUYỄN CUNG |
huyện Bình Hà phủ Nam Sách |
NGUYỄN ĐẠC |
huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn |
NGUYỄN TĨNH |
huyện Kim Hoa phủ Bắc Giang |
PHAN QUÝ |
huyện Siêu Loại phủ Thuận An |
THÁI THUẬN |
huyện Siêu Loại phủ Thuận An |
NGUYỄN SÙNG NGHÊ |
huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên |
TRẦN MÔ |
huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai |
ĐOÀN MẬU |
huyện An Lão phủ Kinh Môn |
NGUYỄN LI CHÂU |
huyện Yên Lãng phủ Tam Đới |
NGUYỄN LỄ KÍNH |
huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang |
TẠ ĐỨC HẢI |
huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn |
TẠ THÔNG |
huyện Sùng Yên phủ An Bình |
NGUYỄN DƯƠNG HIẾN |
huyện Kim Hoa phủ Bắc Giang |
ĐỖ CHÍNH LẠC |
huyện Đường An phủ Thượng Hồng |
NGÔ LUÂN |
huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn |
NGUYỄN TƯ PHỤ |
huyện Chí Linh phủ Nam Sách |
NGUYỄN TƯ PHÚC |
huyện Lập Thạch phủ Tam Đới |
media/uploads/2021/08/18/danh-sach-tien-si-khoa-thi-nam-at-mui-nien-hieu-hong-uc-thu-6.docx
LH
TẤM BIA TIẾN SỸ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC DỰNG TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Để biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập, ngày 15 tháng 8 năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu cho dựng bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long. Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) là một trong 10 tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng trong đợt này tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Bia có kích thước nhỏ, chiều cao 108 cm, chiều rộng 52 cm, dày 18 cm. Trán bia hình khung vòm được trang trí mây vờn ngọc báu, cây thiêng, cỏ lạ. Diềm bia trang trí hoa dây thảo Đường. Rùa đội bia có đầu tròn, ngẩng cao, hơi chếch về phía trước; miệng rộng, có răng nanh; mắt rùa to, lồi tròn, dáng khoan thai thể hiện ước vọng trường tồn vĩnh cửu của tri thức. Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi: “Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký” theo lối chữ Triện.
Bia khoa thi 1442 đặt trong nhà đình bia. Bên ngoài khắc câu đối ca ngợi đạo học và việc khắc tên Tiến sĩ.
Trên bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán do Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn. Bài văn bia gồm bài ký, danh sách các vị đỗ Tiến sĩ, cuối cùng là họ tên, chức vụ của người soạn văn bia, người viết chữ, năm dựng bia. Bia ghi rõ số người dự thi Hội là 450, số người đỗ 33 Tiến sĩ.
Người đỗ Trạng nguyên là Nguyễn Trực, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên. Nguyễn Trực là vị Trạng nguyên khai khoa của nhà Lê, cũng là vị tiến sĩ đầu tiên được khắc tên trên bia Tiến sĩ. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, từng đi sứ nhà Minh. Đỗ Bảng nhãn của khoa thi này là Nguyễn Như Đổ, người xã Duyên Hà huyện Thanh Trì, Hà Nội, cũng đã từng là Tế tửu Quốc Tử Giám. Đỗ Thám hoa là Lương Như Hộc, người xã Hồng Liễu, huyện Trường Tân, tỉnh Hải Dương, nay là xã Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là người đầu tiên truyền dạy nghề in mộc bản cho dân hai làng Liễu Tràng và Hồng Lục quê ông. Ngoài ra, trong số 33 vị tiến sĩ của khoa thi này còn phải kể đến nhà sử học Ngô Sĩ Liên, người xã Chúc Sơn, huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông là người có công lớn trong việc biên soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 bộ. Ông cũng từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Trên bia đá khoa thi năm 1442, còn ghi lại đầy đủ họ tên của các vị quan trông thi, chấm thi đều là những vị quan đại thần như: Thượng thư Lê Văn Linh, Ngự sử đài thị ngự sử Triệu Thái, Nội mật viện tri viện sự Trình Thuấn Du…và đặc biệt giám khảo của khoa thi 1442 còn có Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi - những người đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức kỳ thi, chấm thi chọn ra được nhân tài cho đất nước. Đặc biệt, bia còn chép lại họ tên, thông tin của người viết chữ tấm bia là Trung thư giám Nguyễn Tủng, Mậu lâm lang Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại. Với đôi tay tài hoa, khéo léo họ đã tạo tác ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo cho muôn đời sau.
Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài. Đông các đại học sỹ Thân Nhân Trung đã được vua Lê Thánh Tông giao soạn bài ký khắc trên bia năm 1442. Ông đã nêu bật được tầm quan trọng của hiền tài đối với mỗi quốc gia trong bài ký khắc trên bia: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Đây là lời tuyên ngôn cho tinh thần, cho mục tiêu của nền giáo dục Đại Việt, là lời khuyến học cho các thế hệ học trò.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) là nguồn sử liệu chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục. Tấm bia hiện nay được đặt trong nhà đình bia bên dãy bia bên Đông. Mặt ngoài nhà đình bia có khắc câu đối ca ngợi đạo học và việc khắc tên tiến sĩ.
“Xa thư cộng đạo kim thiên hạ
Khoa giáp liên đề cổ học cung”
Nghĩa là:
(Thiên hạ ngày nay xe cùng cỡ bánh, viết cùng văn tự, cùng theo đạo Nho
Nhà học xưa liên tiếp đề tên người trong khoa bảng)
LH
ĐỒ ÁN DÂN GIAN “LỘ LỘ LIÊN HOA” TRÊN BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Đồ án dân gian “Lộ lộ liên hoa” là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam: một đầm sen rộng lớn, xen lẫn giữa lá sen, búp sen và đài sen là đàn cò, đàn vịt đang tung tăng bơi lội. Xuất hiện trên bia Tiến sĩ, “Lộ lộ liên hoa” đã đem lại sự thú vị và ngạc nhiên cho người xem. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa của mô típ trang trí này nhé!
Bia đề danh tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng 12 (1589)
Đồ án Lộ lộ liên hoa trang trí trên chân bia tiến sĩ.
82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không chỉ là những pho sử quí về nền giáo dục Việt Nam thời quân chủ mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang phong cách điêu khắc đặc trưng của các triều đại. Trên trán bia, diềm bia đều được được tạo tác các đồ án trang trí sinh động, đa dạng và giàu tính hiện thực. Trong số đó, phải kể đến đồ án trang trí trên diềm bia tiến sĩ khoa thi Quang Hưng thứ 12 (năm 1589): Lộ lộ liên hoa (tức cò và sen). Đó là cảnh một đầm sen rộng lớn chạy dài suốt cả diềm chân bia. Trên mặt nước rộng bao la thỉnh thoảng nhô lên một khóm sen với những lá sen, búp sen, được chạm khắc rất khỏe. Xen vào giữa là những con cò, con vịt đang bơi lội. Đây là một bức tranh đẹp, hoàn chỉnh, giàu chất hiện thực, đậm đà màu sắc quê hương mà ta thường thấy trong cuộc sống hàng ngày ở các vùng làng mạc, ruộng đồng trên đất nước Việt Nam.
Đồ án Lộ lộ liên hoa trang trí trên chân bia tiến sĩ.
Bia Tiến sĩ là nơi ghi danh những vị Tiến học giỏi, đỗ cao, chính vì vậy đề tài trang trí trên bia cũng thường phản ánh niềm vui đỗ đạt, sự may mắn, hanh thông trên con đường học vấn, con đường quan lộ của các nhà khoa bảng. Đề án Lộ lộ liên hoa không phải là một ngoại lệ. Đây là dạng đồ án cát tường chỉ sự may mắn với hài thanh ngụ ý (đồng âm) ẩn dụ cho sự hiển đạt hanh thông, đăng khoa liên tiếp của các sĩ tử.
Có thể thấy, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được các nghệ nhân, nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời tạo tác. Mỗi tấm bia, mỗi đồ án trang trí quả thực là một tác phẩm độc đáo mang giá trị nghệ thuật cao. Bởi chúng không chỉ là kết tinh của trí tuệ, tài năng, bàn tay khéo léo mà còn phản ánh cảm xúc và ý tưởng thâm thúy của những nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam qua các thời kỳ.
Các bạn học sinh trải nghiệm in họa tiết Lộ lộ liên hoa
Đến tham quan di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bạn sẽ có cơ hội để chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật này. Thậm chí nếu muốn, với phương pháp in mộc bản truyền thống, bạn có thể tự tay in và mang về nhà những hoa tiết hoa văn cổ cách đây hàng trăm năm, gửi gắm trong đó những triết lý sâu xa của các bậc tiền nhân.
LH
ĐÁ AN HOẠCH - CHÂT LIỆU TẠC BIA TIẾN SĨ
TẠI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Đến thăm Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách đặc biệt quan tâm đến những giá trị lịch sử văn hóa của Bảo vật Quốc gia, Di sản Tư liệu Thế giới 82 tấm bia Tiến sĩ, song ít ai để ý tìm hiểu sâu về chất liệu độc đáo của những pho sử liệu bằng đá quí hiếm này. Đá thanh thạch dùng để tạc bia có màu xanh lam, óng ánh như khói biếc, được khai thác từ dãy núi làng An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hàng bia Tiến sĩ trầm mặc với sắc đá thanh thạch ánh màu khói biếc
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn điêu khắc của từng triều đại quân chủ. Việc chạm khắc bia được thực hiện rất công phu. Công việc thường do các quan Thượng thư, Tham tri bộ Lễ đích thân trông nom. Việc chọn đá, tuyển thợ khắc do bộ Công đảm nhiệm . Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) còn ghi rõ việc hai đội thợ được chọn làm bia “lấy đá làng An Hoạch, huyện Đông Sơn vâng mệnh khắc chữ” (trích sách Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ - Ngô Đức Thọ chủ biên).
Làng An Hoạch (còn gọi là làng Nhồi hay thôn Nhuệ) là một làng cổ nằm ở Tây Nam thành phố Thanh Hóa, nay thuộc Phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trong khu vực này, có một dãy núi đá được người dân gọi là núi Nhồi, núi Khế, núi An Hoạch hay núi Vọng Phu… Đá trên núi có kết cấu rất đặc biệt, màu sắc đa dạng: đen tuyền, đỏ, nâu, vàng, xanh lam (xanh khói)... Trong đó, đá đen và đá thanh thạch (xanh lam) là loại quí hiếm nhất. Hai loại đá này thớ mịn, ít hợp chất, liền khối nên độ phong hóa thấp. Bởi vậy, từ xưa thường được chọn làm các vật quý, để lưu lại muôn đời.
Chất liệu đá thanh thạch dùng làm bia Tiến sĩ có màu xanh khói, mặt đá mịn, bền, ít bị phong hóa
Mô tả về chất liệu đá đặc biệt này, văn bia chùa Báo Ân trên núi An Hoạch, tỉnh Thanh Hóa chép: "Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt. Sau này đục thành khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng vang muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi ngàn đời". (Thơ văn Lý - Trần, (tập 1), Nxb. KHXH, Hà Nội, 1997, tr. 130)
Họa tiết hoa Bảo tiến khắc nổi trên diềm bia Tiến sĩ có sắc ánh xanh như khói biếc
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ để đề cao hiền tài, tôn vinh đạo học, lưu danh muôn đời. Với chất liệu đá độc đáo vừa bền đẹp vừa có độ mềm, mịn phù hợp, thuận lợi cho kỹ nghệ chạm khắc các hoa văn tinh xảo, đá thanh thạch ở An Hoạch - Thanh Hóa đã được chọn để tạc bia Tiến sĩ. Cấu tạo bền vững của loại đã này góp phần quan trọng giúp 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dãi dầu mưa nắng, vượt qua thời gian để thành những hiện vật “độc đáo, quí hiểm, không thể thay thế”, đủ tiêu chuẩn để được công nhận là Di sản Tư liệu Ký ức Thế giới (năm 2011) và Bảo vật quốc gia (năm 2015).
Ngày nay, bia Tiến sĩ luôn được chú trọng bảo tồn. Năm 1994, cùng với sự tài trợ Công ty American Express, Chính phủ Việt Nam đã cấp kinh phí cho dựng lại 8 nhà che bia mới. Công trình được thiết kế theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, dung dị, trang nghiêm, hài hòa với khung cảnh của khu vườn bia, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang và cổng Đại Thành khiến cho du khách - những ai chưa từng đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi những hàng bia đá cổ kính còn nằm ngoài mưa nắng thì khó có thể nhận ra được đâu là cũ, đâu là mới.
AV
NĂM TÂN SỬU GỢI NHỚ HÌNH ẢNH TRÂU TRÊN BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Bia Tiến sĩ không chỉ phản ánh rõ nét chế độ khoa cử giáo dục Nho học, vinh danh nhân tài, mà còn thể hiện những giá trị mỹ thuật đặc sắc mang đậm truyền thống văn hoá của Việt Nam. Sự xuất hiện hình ảnh con Trâu trên diềm bia Tiến sĩ (khoa thi năm 1643) là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Trâu đứng thứ hai trong 12 con giáp, có vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước. Có lẽ chỉ có ở nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như: chọi trâu, thi trâu, tạ ơn trâu… Bởi con Trâu trong văn hoá Việt Nam tượng trưng cho sự chắc chắn, trung thành, chăm chỉ và thật thà. Con Trâu từ xa xưa đã đi vào tín ngưỡng đời sống xã hội của người Việt, vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Hình ảnh con Trâu trở thành nguồn cảm hứng trong các sáng tác thi ca, hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc… của Việt Nam.
Thật thú vị khi trên diềm bia Tiến sĩ khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Phúc Thái 1 (năm 1643) lại xuất hiện hình ảnh con Trâu. Đây là tấm bia Tiến sĩ duy nhất trong hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chạm hình ảnh con trâu. Đó là mảng chạm khắc hình hai viên quan đứng bên con trâu, mảng chạm tuy nhỏ nhưng rất rõ thần thái nhân vật. Hai vị quan từ trang phục đến nét mặt đều rất khoan thai, điềm đạm. Hình con trâu phía trước khoẻ mạnh, vạm vỡ với đối sừng cong vút như mảnh trăng lưỡi liềm.
Hình ảnh con Trâu sắc nét trên bia Tiến sĩ khoa thi Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái 1 (1643)
Bức phù điêu gợi nhớ đến câu ca xưa “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Mảng chạm khắc hoạ các vị quan, con trâu, cái cày (phía sau) cũng gợi nhớ đến Lễ tế Thần Nông và nghi thức cày ruộng Tịch Điền ngày xưa. Nghi lễ này thường diễn ra vào dịp đầu xuân, do nhà vua đích thân làm lễ và cày ruộng, Triều đình rất coi trọng nghi lễ này để mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc.
Vị trí mảng chạm khắc con Trâu trên bia Tiến sĩ khoa thi Quý Mùi, niên hiệu Phúc Thái 1 (1643)
Hình ảnh con Trâu xuât hiện trên bia Tiến sĩ phải chăng cũng thể hiện khát vọng ấm no, an lành đến cho con người. Đó cũng là nhiệm vụ, trọng trách của kẻ sĩ phải biết mang đức hạnh, tài năng giúp nước, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Tết Tân Sửu năm nay đất trời ấm áp, cây cỏ đơm hoa như báo hiệu một năm mới khởi sắc. Dẫu cho dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp nhưng nhất định sẽ vượt qua. Tân Sửu – chú “Trâu vàng” mang lại một sức vóc mới, khoẻ khoắn và sung túc. Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những giá trị lịch sử văn hoá bền vững, sừng sững và linh thiêng, sẽ tiếp bước mạnh mẽ, vững chãi như biểu tượng của chú “Trâu vàng” trong năm Tân Sửu – 2021.
AV
CHIÊM NGƯỠNG HÌNH ẢNH RỒNG TRÊN TRÁN BIA TIẾN SĨ
Hình rồng trang trí trên bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một loại hình chạm khắc, trang trí mỹ thuật độc đáo. Đề tài rồng được chọn để trang trí trán bia là hình hai rồng chầu vầng nhật nguyệt. Nhật nguyệt tượng trưng cho nguồn sáng (trí tuệ) vĩnh cửu. Hai con rồng chầu vào nhật nguyệt muốn thể hiện sự hưng thịnh và phát triển của trí tuệ.
Trong 82 tấm bia Tiến sĩ tại Di tích có tới 46 tấm bia được trang trí hình rồng ở nhiều kiểu dáng, vô cùng sinh động. Bia Tiến sĩ được dựng từ năm 1484, nhưng hình rồng chạm khắc trên trán bia lại xuất hiện muộn hơn. Phải đến tấm bia tiến sĩ khoa thi năm Ất Sửu, niên hiệu Chính Trị 8 (1565) mới xuất hiện hình rồng trang trí trên trán bia.
Phân loại từ hình thể, hình rồng trên trán bia có hai loại: “Rồng thức” và “Rồng hóa mây”. “Rồng thức” là hình rồng uốn khúc từ trên vòng xuống, vi vảy được chạm rõ, đầu rồng ngẩng cao, râu tóc uốn lượn, thần thái dũng mãnh chầu vào vầng nhật nguyệt với các tia sáng xung quanh. Đặc biệt rồng được tạo tác chỉ có 3 móng. Qua thống kê chỉ có 15 tấm bia xuất hiện hình ảnh này.
(Ảnh: Thác bản bia Tiến sĩ khoa thi năm 1565 trán bia trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật nguyệt”)
Tuy nhiên trong 15 tấm bia đó, có tấm bia khoa thi năm 1607 lại xuất hiện loại “Rồng thức” khác. Đó là hình ảnh “Hai rồng tranh châu” (“Lưỡng long tranh châu”).
(Ảnh: Đề tài “Lưỡng long tranh châu” trang trí trên trán bia tiến sĩ năm 1607)
Đề tài trang trí “Lương long tranh châu” xuất hiện trên trán bia khoa thi năm 1607. Hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực Âm - Dương cân bằng, hạt châu là biểu tượng của thái cực, là biểu tượng của vũ trụ. Hình ảnh hai con rồng được chạm khắc rõ nét, nhưng khô cứng, gai góc, khác với hình tượng rồng được chạm khắc trong cùng giai đoạn đó.
Hình ảnh “Rồng hóa mây” lần đầu tiên xuất hiện trang trí trên trán bia tiến sĩ khoa thi năm 1656. Từ khoa thi này trờ về sau có 31 tấm bia sử dụng hình ảnh rồng hóa mây để trang trí trán bia. Vẫn là đề tài “Lưỡng long chầu nhật nguyệt”, chỉ khác là rồng được tạo hình từ những đám mây.
(Ảnh: Đề tài “Lưỡng long hóa mây chầu nhật nguyệt” trang trí trên trán bia tiến sĩ năm 1763)
Nếu chỉ nhìn lướt qua, có thể tưởng rằng đó là những đám mây vây quanh vầng nhật nguyệt. Chỉ khi quan sát kĩ mới nhận thấy khối mây này là đầu rồng, khối mây kia là thân rống uốn khúc, tứ chi, vây tóc cũng được cách điệu từ những dải mây. Kiểu thức rồng hóa mây khiến cho linh vật rồng không có dáng vẻ uy nghi, đĩnh đạc như kiểu thức rồng được tạo tác trên bia thời kì trước đó mà uyển chuyển, bay lượn, biến hóa.
Hình rồng trên bia Tiến sĩ đã được các nghệ nhân chạm khắc vô cùng sống động với nhiều hình dạng, dáng vẻ khác nhau. Con rồng từ trong tưởng tượng được chạm rất có hồn thành một con vật như có thật, có đời sống và một thế giới riêng. Trán bia được bố trí các khối, các mảng rất hài hòa, đường nét chạm tinh tế, gắn kết với tổng thể cả tấm bia như một bức tranh nghệ thuật chứa đựng nhiều ý nghĩa.
AV
BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM HÀ NỘI VỚI TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC DÒNG HỌ NGUYỄN HẠ YÊN QUYẾT
82 bia đá đề danh Tiến sĩ của các khoa thi từ 1442 đến 1779 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những di vật quý giá và được xem như pho sử bằng đá về giáo dục Nho học Việt Nam, trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại cùng với những thăng trầm của lịch sử, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Nội dung bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn ghi đầy đủ những thông tin cụ thể về khoa thi, số lượng thí sinh, tên, quê quán người thi đỗ, tên các quan coi thi, chấm thi,... Những thông tin này cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quan về sự phát triển giáo dục thời Lê - Mạc. Qua thông tin trên các bia Tiến sĩ chúng ta thấy sự xuất hiện của nhiều làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng. Trong số đó có dòng họ Nguyễn ở Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Khu vườn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội
Làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) là một làng trong 4 làng nổi tiếng (Mỗ, La, Canh, Cót). Dòng họ Nguyễn là một trong những họ nổi tiếng ở Hạ Yên Quyết, đây là một dòng họ có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Đến nay họ Nguyễn đã phát triển được hơn 20 đời trong gần 600 năm với rất nhiều danh nhân học cao, trí lớn, có đức, có tài, đã đem toàn bộ tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho đất nước, phục vụ nhân dân. Họ đều là những người đức độ, chính trực, thanh liêm, lập lên nhiều công lao lớn và được sử sách ghi lại. Dòng họ Nguyễn có tất cả 5 vị đỗ đại khoa, 30 vị đỗ Cử nhân, Tú tài.
Cụ thủy tổ của dòng họ là Nguyễn Như Uyên, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, chưởng lục bộ, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, Nhập thị kinh diên.
Đời thứ hai là Nguyễn Xuân Nham, cháu họ của Nguyễn Như Uyên, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống 2 (1499) đời vua Lê Hiến Tông. Làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Nguyễn Như Uyên và Nguyễn Xuân Nham đỗ các khoa thi năm 1469 và năm 1499. Hai khoa thi này theo Đại Việt sử ký toàn thư chép đều được dựng bia đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám song đã bị thất lạc, những bia này hoặc đã bị huỷ hoại, hoặc chuyển dịch thất lạc, bị vùi lấp đâu đó chưa phát hiện được.
Đến đời thứ ba là Nguyễn Khiêm Quang, cháu của Nguyễn Như Uyên, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng. Khoa Quang Thiệu 5 (1520) và 2 khoa đời Lê Cung Hoàng (Thống Nguyên 2 (1523) và Thống Nguyên 5 (1526), tức 3 khoa thi cuối cùng của đời Lê sơ thì không những đương thời mà cả về sau cũng chưa bao giờ được dựng bia. Vì thế mặc dù đỗ Tiến sĩ song tên ông không được khắc trên bia đặt tại Văn Miếu.
Đời thứ 5 là Nguyễn Nhật Tráng, cháu của Nguyễn Khiêm Quang, ông đỗ Hội nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Quang Hưng 18 (1595) đời Lê Thế Tông. Bia Tiến sĩ năm 1595 đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám khắc tên ông: “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Nhật Tráng: xã Yên Quyết Hạ, huyện Từ Liêm”.
Đời thứ 8 là Nguyễn Vinh Thịnh, cháu tằng tôn của Nguyễn Nhật Tráng, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659) đời vua Lê Thần Tông. Tên của ông được khắc trên văn Tiến sĩ khoa thi năm 1659 đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân: Nguyễn Vinh Thịnh: xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm”.
82 bia Tiến sĩ là nguồn sử liệu hết sức quý giá, chúng ta có thể tìm được rất nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, các giá trị triết lý, giá trị tư tưởng và quan điểm của người đương thời. Những tấm bia đá hiện vẫn còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nhắc nhở chúng ta về chính sách đối với nhân tài, đề cao, ca ngợi công trạng của các danh nhân với dân, với nước. Trong số 1304 vị Tiến sĩ được lưu danh trên bia Tiến sĩ nói chung và những vị Tiến sĩ của dòng họ Nguyễn ở Hạ Yên Quyết nói riêng, rất nhiều người đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục..., trở thành những vị quan công minh đem tài trí của mình giúp dân, giúp nước.
Bài và ảnh: Bạch Ngọc Minh
VỀ TẤM BIA KHOA THI NĂM MẬU TUẤT NIÊN HIỆU QUANG HƯNG THỨ 21 (1598)
TẠI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM HÀ NỘI
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ, những “Bảo vật quốc gia”, “Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu” vô cùng ý nghĩa. Hệ thống bia Tiến sĩ đã trở thành những di sản vô giá của nền văn hóa dân. Trên bia có khắc họ tên và quê quán của 1304 vị Tiến sĩ thi đỗ dưới thời Lê - Mạc. Tấm bia Tiến sĩ khoa thi Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598) có ghi họ tên quê quán của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì, một danh nhân có nhiều đóng góp cho đất nước.
Bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bia khoa thi Mậu Tuất (1598) có chiều cao 167cm, chiều rộng phần sát đế bia 118cm, độ dày của bia 23cm. Đế bia cao 35cm, rộng 114cm, dài 162cm. Trên bia có 46 dòng khắc 1207 chữ Hán... Đế bia được tạo hình rùa chạm khắc sơ sài rùa cổ rụt, đầu bằng ngang, hai mắt lồi và sống mũi được tạc rõ, đầu nhỏ. Mai rùa hơi cong, trên mai có khắc hình lục giác, có một gờ nhỏ ở giữa chạy suốt sống lưng, gáy khớp dày hẳn lên.
Tiêu đề của tấm bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) viết theo thể chữ triện, thường dùng trong ấn tín của triều đình và nghệ thuật thư pháp, có giá trị nghệ thuật cao được viết và khắc bởi nhóm: Trung thư giám Nguyễn Quang Đắc và Triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ.
Hoa văn trang trí xung quanh diềm bia là hoa sen, hoa cúc, hoa trà, hoa mẫu đơn chạm trổ cầu kỳ, có điểm thêm lá và hoa rất hài hòa. Chân diềm bia chạm hình cánh sen đều liên tiếp thành hàng dài, trên cánh có trang trí thêm các đường chỉ mảnh theo hình cánh hoa làm tăng thêm tính thẩm mỹ. Chỉnh thể của hoa văn ở diềm, chân diềm và chữ triện ở trên bia tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang tính thẩm mỹ cao giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tìm hiểu sâu hơn về điêu khắc đá và mỹ thuật Việt Nam ở thế kỷ XVII.
Bài ký của tấm bia Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598) đã chỉ rõ đây là khoa thi thứ 2 dưới thời Lê Trung hưng. Bia cũng ghi lại đầy đủ thành phần của ban giám khảo là các vị đại thần đầu triều như: Đề điệu là Thái úy Ngạn quận công Trịnh Đỗ, Tri cống cử là Ngự sử đài Đô Ngự sử Lê Trạc Tú, Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang Ngô Tháo, Đại lý tự khanh Trần Phúc Hựu là quan độc quyển. Hoàng thượng đích thân định thứ tự cao thấp. Nho sinh Nguyễn Duy Thì đã phải đem hết tài học sở trường của mình chứng minh trước ban giám khảo, những người lỗi lạc, uyên thâm cả về kiến thức và kinh nghiệm. Ông đã vượt qua rất nhiều thí sinh để là 1 trong 5 người có tên trên bảng vàng, bia đá của kỳ thi Đình năm Mậu Tuất (1598).
Những người cùng được khắc tên trên bia với Nguyễn Duy Thì gồm: Nguyễn Thứ: người xã Bột Thái, huyện Hoằng Hóa; Lê Bật Tứ: người xã Cổ Định, huyện Nông Cống; Nguyễn Khắc Khoan: người xã An Khang, huyện Yên Phong; Nguyễn Giới (Kiệm): người xã Văn Lâm, huyện Nga Sơn.
Trong 5 vị Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598) duy nhất Nguyễn Duy Thì sau này trở thành Tế tửu Quốc Tử Giám đúng như quan điểm của nhà nước đã nêu ở bài ký khoa thi này “chọn người tốt mà làm thầy” sau nhiều năm giữ chức Tư nghiệp đến năm Dương Hòa 6 (1640), ông giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám phụ trách việc đào tạo giáo dục nhân tài cho đất nước.
Bia khoa thi năm Mậu Tuất (1598) dựng vào ngày 16 tháng 11 năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) sau khi Nguyễn Duy Thì thi đỗ 55 năm và qua đời được 2 năm. Hàn lâm viện Hiệu thảo Trịnh Cao Đệ là người soạn bài ký. Người nhuận lại bài ký là Lễ Bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Dương Trí Trạch. Họ là những người nổi tiếng văn hay chữ tốt, có uy tín và kinh nghiệm được triều đình giao cho trọng trách soạn văn ký, nhuận sắc bài ký trên bia Tiến sĩ để lưu danh muôn thủa.
Bia Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598) là tấm bia ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục. Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì khắc tên trên bia lưu danh muôn thuở, hậu thế nhìn vào ngưỡng vọng, công trạng của ông luôn được người đời sau ghi nhớ. Một người hết lòng vì dân vì nước như ông được các thế hệ người Việt Nam tri ân và tưởng nhớ.
Tấm bia khoa thi Mậu Tuất (1598) là một di sản tư liệu quý, tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nền văn hóa dân tộc hiện còn được lưu giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội./.
Sưu tầm
82 BIA TIẾN SĨ – NGUỒN SỬ LIỆU QUÍ GIÁ VỀ
LỊCH SỬ GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI QUÂN CHỦ
Ngày nay, khi đến thăm khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách được chiêm ngưỡng khu vườn bia nơi lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ. Bia Tiến sĩ được Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) xuống chiếu cho dựng để tôn vinh những người đỗ đạt. Trên các tấm bia có khắc họ tên, quê quán của 1304 vị Tiến sĩ đỗ trong các khoa thi được tổ chức từ 1442 đến 1779 dưới triều Lê và triều Mạc. Năm 2011, bia Tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, việc dạy và học Nho học ở nước ta bắt đầu từ triều Lý, phát triển qua các triều đại Trần, Hồ, đặc biệt phát triển dưới triều Lê, kết quả đã đào tạo ra hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Câu nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” khắc trên tấm bia của khoa thi năm 1442 luôn được coi là kim chỉ nam cho giáo dục của nhiều triều đại. Không chỉ thể hiện đường lối trọng dụng nhân tài, nội dung những bài ký trên bia còn là những bài học răn dạy, nhắc nhở trách nhiệm của những người đỗ đạt đối với đất nước: “kẻ sĩ được khắc tên vào tấm đá này, thật may mắn biết bao! nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau ” (Văn bia khoa thi 1487); và kẻ sĩ trên cơ sở đó “hãy làm mây lành sao tỏ nêu điểm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm kho báu cho nước” (Văn bia khoa thi 1514); hoặc “thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng, người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục” (Văn bia khoa thi 1577).
Ngoài ra, 82 tấm bia Tiến sĩ còn cho biết những thông tin rất cụ thể về các khoa thi, số lượng thí sinh, tên và quê quán người đỗ, tên các quan trông coi thi, chấm thi, ngày vào thi Đình, ngày yết bảng xướng danh…Căn cứ vào các thông tin đó, chúng ta có thể đánh giá về tình hình phát triển giáo dục triều Lê và triều Mạc.
Số liệu thí sinh tham dự các khoa thi Hội trung bình một năm hàng nghìn và gia tăng mạnh mẽ cho thấy sự quan tâm đến giáo dục của Nhà nước cũng như của xã hội. Nếu như trong khoa thi năm 1442 chỉ có 450 người dự thi thì khoa thi ngay năm sau đó (1448) đã có tới 750 thí sinh tham dự; đến khoa thi năm 1475 đạt con số về số lượng thí sinh là 3000 người và kỉ lục cao nhất là khoa thi năm 1640 với 6000 thí sinh tham dự.
Tuy nhiên, không vì số lượng thí sinh dự thi đông mà yêu cầu về chất lượng của thí sinh bị xem nhẹ. Cũng qua số liệu ghi trên bia Tiến sĩ cho biết: số lượng Tiến sĩ lấy đỗ trong một khoa thi nhiều nhất là 62 người (khoa thi 1478), và ít nhất có những khoa cả nước chỉ lấy đỗ có 3 người (khoa thi năm 1592, 1667).
Trên những tấm bia Tiến sĩ, truyền thống hiếu học còn được thể hiện qua những thông tin rất thú vị. Đó là sự xuất hiện của những làng khoa bảng, dòng họ Tiến sĩ hiển thị dưới danh sách của các Tiến sĩ đỗ đạt. Đơn cử, làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương có tới 25/36 vị Tiến sĩ có tên trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu. Các dòng họ nổi tiếng như dòng họ Ngô, họ Hà, họ Vũ... cũng có rất nhiều người đỗ Tiến sĩ, được ghi danh trên bia. Nhiều trường hợp cả cha con, anh em cùng được khắc tên lên bia (anh em Hà Sỹ Vọng, Hà Nhân Đại, cha con Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm...).
Trong số 1304 nhà khoa bảng được lưu danh trên bia Tiến sĩ, nhiều người sau này đã trở thành những nhà hoạt động chính trị xã hội, nhà văn hóa nổi tiếng có nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho hậu thế như: Ngô Sỹ Liên, Lương Thế Vinh, Lê Quí Đôn, Ngô Thì Nhậm...Như vậy, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đó phản ánh sinh động lịch sử giáo dục của đất nước ta từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Đến tham quan vườn bia Tiến sĩ với 82 tấm bia đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài của cha ông ./.
N.H
BIA TIẾN SĨ – DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI
Tháng 5-2011, UNESCO công nhận Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là Di sản Tư liệu thế giới trong Danh mục ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14-1-2015, 82 bia Tiến sĩ được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Năm 1484 Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460-1497) khởi xướng việc lập bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thể hiện tinh thần đề cao Nho học, trọng hiền tài.
Khu vườn bia Tiến sĩ bên Tây
Hai bên giếng Thiên Quang là 82 tấm Bia Đề danh Tiến sĩ cho 82 khoa thi Tiến sĩ (từ năm 1442 đến năm 1779) đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trên 82 tấm bia đề danh này khắc tên 1304 vị Tiến sĩ. Bia Tiến sĩ đã trở thành Di sản tư liệu thế giới bởi chứa đựng bề dày những giá trị văn hóa.
Tính nguyên vẹn và độc đáo
82 bia đá về các khoa thi Tiến sĩ (1442-1779) là những bản gốc duy nhất còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Trên bia lữu giữ những nét độc đáo về văn tự và nghệ thuật điêu khắc nguyên bản của thời kỳ tạo dựng bia. Đây là những bằng chứng có giá trị về văn bản học khi nghiên cứu mối tương quan đồng đại và lịch đại của lịch sử văn hoá Việt Nam. 82 bia đá về các khoa thi Tiến sĩ trong hơn 300 năm (1442 - 1779) là những trang sử đá về lịch sử văn hoá - giáo dục Việt Nam đến nay vẫn còn được bảo quản khá nguyên vẹn.
82 bia đá là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về con người và sự nghiệp của nhiều danh nhân văn hoá Việt Nam, góp phần bổ sung cho thư tịch đăng khoa lục viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Tên một số danh nhân trên bia như: Nguyễn Trãi (với tư cách là quan chấm thi (độc quyển) được ghi trong bia khoa thi năm 1442, khắc năm 1448). Tên của những người thi đỗ trở thành những nhân vật tiêu biểu như: Nguyễn Trực, Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…
Giá trị tư liệu phong phú
Nội dung 82 văn bia được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau: lịch sử, văn hoá, giáo dục, triết học, pháp luật, ngôn ngữ văn tự đương thời…
Nội dung bi ký khẳng định vai trò của Nho giáo trong đời sống tư tưởng, chính trị của nhân dân. 82 bài văn bia tập trung ca ngợi vai trò của nho giáo trong đời sống chính trị xã hội, ca ngợi chế độ quân chủ tập quyền và đề cao nhà vua. Chế độ đương thời trọng dụng nhân tài, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Trên tấm bia đầu tiên được khắc cho khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442), Đại học sỹ Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất”. Quan điểm này luôn được nhắc đi nhắc lại trong 81 bài văn bia còn lại.
Bia Tiến sĩ còn là những tư liệu rất có giá trị góp phần nghiên cứu lịch sử khoa cử Việt Nam, như: Chế độ thi cử, có quy định niên khoá thi (cứ 3 năm thi Tiến sĩ 1 lần. Tên gọi các khoa thi (Hội, Đình). Cách gọi các thứ bậc những người đỗ Tiến sĩ được quy định rõ ràng (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoá, hoàng giáp, tiến sĩ).
Khối di sản 82 bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội còn cho chúng ta hiểu được một vấn đề quan trọng khác là ý nghĩa giáo dục nhân cách con người, thông qua việc lập bia và khắc đá đề tên, nhắc nhở những người thi đỗ Tiến sĩ phải sống sao có ích với xã tắc, làm sao cho xứng danh kẻ sỹ, thì được hưởng ơn vua lộc nước, khi được người dân kì vọng.
82 bia đá đều được khắc bằng chữ Hán. Đây là những mẫu tự quan trọng, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử phát triển chữ Hán từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII tại Việt Nam. Hàng chữ khắc niên đại tổ chức khoa thi của văn bia theo lối viết chữ Triện thư, một thể chữ của Trung Quốc hình thành thời Chiến Quốc (480 - 221 TCN) và ngày nay ít được sử dụng. Với 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể coi là những tư liệu nguyên bản, phản ánh truyền thống sáng tạo về Thư pháp học ở Việt Nam. Bia Đề danh Tiến sĩ bi kí ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có niên đại sớm nhất Việt Nam của thể loại này.
Đa dạng hình thức và phong cách
82 Bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng trong 3 giai đoạn với 3 phong cách chính rõ nét của các thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng.
Bia loại 1 có 14 tấm (từ khoa thi 1442 - 1529) có giá trị nghệ thuật lớn và đã xác lập vững chắc cho đời sau: hình ảnh “rùa đội bia Tiến sĩ”. Trán bia bé hẹp, phần đế (rùa) và phần thân hài hòa. Rùa được tạo tác tinh tế, dáng vẻ mềm mại, khoan hòa, trang nghiêm thể hiện cốt cách của kẻ sĩ. Trên bia của giai đoạn này chưa xuất hiện hình ảnh rồng.
Hàng chữ Triện dưới trán bia khắc chữ "Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng 12" (năm1589)
Bia loại 2 có 25 tấm bia (từ khoa thi 1554 đến khoa thi 1652). Bia giai đoạn này cho thấy kĩ nghệ chạm khắc đạt đỉnh cao. Nét độc đáo của họa tiết trang trí càng tôn cao ẩn ý sâu xa cho từng bài ký răn dạy. Giai đoạn này cũng là giai đoạn bùng nổ các đồ án trang trí, xuất hiện hình ảnh của rồng uy nghi và trang trọng, cùng các linh vật như Nghê, Kì lân, Phượng… cùng với đó là các đề tài trang trí dân gian, muông thú, chim chóc, con người; hoa lá xuất hiện đa dạng hơn với tùng, mai, cúc, trúc, lan, lựu v.v.
Bia loại 3 gồm 43 tấm dựng năm 1713 đến năm 1780, trong đó có 21 tấm được dựng năm 1717 (từ khoa thi 1656 - 1715). Bia giai đoạn này khá to lớn. Ở giai đoạn này bia được chú trọng chạm khắc phần chữ sao cho rõ nét, đẹp mắt. Phần trán bia, diềm bia, rùa cũng không còn là ưu điểm nổi trội. Rồng nguyên thể và các loại linh thú khác tuyệt nhiên không còn xuất hiện trong gia đoạn này.
Rùa đội bia Tiến sĩ khoa thi năm 1448
Bia ghi danh tiến sĩ được dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi linh thiêng, cổ kính, ghi dấu nhiều sự kiện chính trị, văn hoá khoa học. Chính sách phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn lực cho đất nước là một chính sách quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào để xây dựng và phát triển quốc gia cường thịnh - có thể đọc / và học được điều đó qua 82 tấm bia Di sản tư liệu thế giới ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội./.
Anh Vân
GIÁ TRỊ BIA TIẾN SĨ
82 bia Tiến sĩ là những di vật giá trị bậc nhất của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, niềm tự hào của nền văn hóa giáo dục dân tộc đã tạo nên và lưu giữ được một pho “sử đá” có giá trị về nhiều mặt.
Vuon bia bên đông
1. Giá trị lịch sử
Nội dung những bài văn bia do phải tuân theo khuôn khổ, nội dung nhất định nên không tránh khỏi nhiều đoạn trùng lặp. Nhưng qua pho “sử đá” đồ sộ đó có thể thấy được quan điểm về giáo dục thời phong kiến được nói đến nhiều lần trong mục đích dựng bia đồng thời cho biết sự “náo nhiệt” của không khí học hành thi cử, họ tên của các bậc danh nho và các địa phương, các dòng họ có truyền thống khoa bảng.
Bia Tiến sĩ cho biết số người dự thi. Khoa 1442 có 450 người, khoa 1448 có 750 người, khoa 1463 có 1400 người, khoa 1466 có 1100 người, 1475 có 3000 người, khoa 1481 có 2000 người, khoa 1514 có 5700 người, khoa 1640 có 6000 người dự thi… Qua đó có thể thấy được số người đi học đậu thi Hương để vào thi Hội, thi Đình đông đến mức nào và cũng chứng tỏ việc học hành giáo dục của thời Lê phát triển rất cao.
Nhưng chẳng ai đi thi đều đỗ và đỗ cao cả. Với số lượng thí sinh đông như vậy mà có khoa thi chỉ lấy đỗ có 3 người (khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị 2 - 1667) và nhiều nhất là 62 người (khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9 – 1478).
Các vị tân khoa sau khi thi đỗ được ban hưởng mọi ân huệ của nhà vua, nào mũ áo cân đai triều phục, nào ngựa quý cờ quạt nghi trượng phường trống vinh quy bái tổ, bổ dụng quan chức trong triều ngoài phủ…ngần ấy thứ vẫn chưa đủ, lại còn khắc đá đề tên đặt nơi cửa hiền tài khiến cho kẻ sĩ phu trông vào mà sinh lòng hâm mộ phấn chấn, tự biết rèn luyện lấy danh tiết. Người được khắc tên lên bia đá đầu tiên là Trạng nguyên Nguyễn Trực người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai (nay thuộc thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây) đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đời Lê Thái Tông, làm quan chức Thủ trung thư lệnh, Tri tam quán sự, đại liên ban đặc thụ, Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, từng đi sứ nhà Minh. Ông là văn thần được Lê Thánh Tông rất kính trọng, thơ văn của ông sáng tác phần nhiều đều cho đưa đến để ông nhận xét, bình luận. Tác phẩm Bối Khê thi tập hiện chỉ còn 6 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục. Người cuối cùng được ghi tên lên bia đá là Tiến sĩ Phan Huy Ôn người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Nghệ An) khoa thi Kỷ Hợi (1779) và cũng là khoa thi cuối cùng được dựng bia tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Qua văn bia còn có tìm thấy tên họ của nhiều vị đã từng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các sách sử Việt Nam đồng thời cũng là những người có công lao lớn đối với nước với dân như Nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Tiến sĩ năm 1442, người xã Chúc Sơn, huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây) đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 bộ. Hoàn chỉnh bộ sách này là nhà bác học Lê Quý Đôn người xã Diên Hà, huyện Diên Hà, tỉnh Thái Bình, đậu Bảng nhãn khoa thi 1752. Ông viết rất nhiều tác phẩm như: Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ… bao gồm các mặt chính trị, triết học, quân sự, kinh tế, xã hội, lịch sử, thơ ca.. Ông là một nhà học thuật tài năng lỗi lạc. Ngô Thì Nhậm, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ khoa 1775, là nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc, đã giúp vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lừng danh trong lịch sử. Ông là con của Ngô Thì Sĩ đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1766, cha con cùng đỗ đạt và làm quan một triều.
Truyền thống hiếu học còn thể hiện ở dòng họ khoa bảng, một xã một huyện có nhiều người đỗ đạt cùng được khắc tên, quê quán trên bia Tiến sĩ.
Nói đến truyền thống hiếu học khoa bảng phải nhắc đến Kinh Bắc. Với một vùng đất màu mỡ có sông Đuống, sông Cầu…chảy qua, bên cạnh những làn điệu quan họ, tranh vẽ Đông Hồ… là danh sách của hơn 430 vị đỗ đại khoa gồm có 15 Trạng nguyên, trong đó có Lê Văn Thịnh người làng Đông Cứu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh), 15 Bảng nhãn, 19 Thám hoa, 90 Hoàng giáp và 291 Tiến sĩ, 10 Phó bảng, 98 vị được ghi tên lên bia đá dựng tại khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Xã Mộ Trạch, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương cũng nổi tiếng khoa bảng, có 30 Tiến sĩ. Dòng họ Thân Nhân Trung ở xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang mấy đời liền đỗ đại khoa, đều cùng làm quan một triều. Thân Nhân Trung đỗ Tiến sĩ năm 1469, làm quan Lại bộ Thượng thư Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các Đại học sĩ, con là Nhân Vũ, Tiến sĩ năm 1481, và Nhân Tín, Tiến sĩ năm 1490, cháu ông là Thân Cảnh Vân, Thám hoa năm 1487.
Dòng họ Ngô xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong 5 đời liền đỗ đại khoa: Ngô Nhân Triệt đỗ Tiến sĩ năm 1608 là cháu của Ngô Ngọc (Hoàng giáp 1487) và Ngô Hải (Hoàng giáp 1508) là con của Ngô Trừng (Hoàng giáp 1508), là cha của Nhân Tuấn (Tiến sĩ 1640).
Dòng họ Nguyễn xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn có Nguyễn Thực đỗ Hoàng giáp 1595 làm quan Tán trị công thần Tham tụng Lại Bộ thượng thư Chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Lan quận công, là cha của Nguyễn Nghi (Tiến sĩ 1620), tằng tổ của Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ (Tiến sĩ 1670), cao cao tổ của Nguyễn Thẩm (Tiến sĩ 1760) và Nguyễn Thưởng (Tiến sĩ 1754).
Những dòng họ, xã có nhiều vị đỗ đạt cao đã tạo nên truyền thống hiếu học của địa phương.
2. Giá trị mỹ thuật của bia Tiến sĩ
82 tấm bia Tiến sĩ là 82 phong cách điêu khắc, nhưng có thể chia làm 3 loại theo thời gian dựng bia và đặc trưng nghệ thuật của bia:
Loại I: Gồm các bia dựng từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đến năm Đại Chính thứ 7 (1536)
Loại II: Gồm các bia dựng cùng một năm Thịnh Đức thứ nhất (1653)
Loại III: Gồm các bia dựng từ năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1717) đến năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780)
Theo nhiều nhà nghiên cứu đánh giá trong số 82 bia còn lại đến nay, có 25 bia loại II là những bia có nghệ thuật trang trí tiêu biểu, là những sản phẩm văn hóa quý giá nhất trong kho tàng sản phẩm văn hóa còn lại ngày nay ở Văn Miếu Hà Nội
Trán, diềm bia khoa thi 1589
a) Về hình dáng bia: Loại II đều cao to hơn loại I, thường cao từ 155cm đến 170cm, rộng từ 110cm đến 125cm và dày từ 20cm đến 30cm. Hình dáng của trán bia cong vút lên gần với hình bán nguyệt chứ không thấp bé như loại trước nữa.
b) Về nghệ thuật tạo rùa: Ở bia loại I thời Hồng Đức được thể hiện bằng những khối tròn, trơn nhẵn, đường nét tinh tế. Nhưng rùa loại II lại chỉ phác họa bằng những khối vuông, góc cạnh, đường nét đơn giản, dứt khoát. Rùa ở loại II cổ rụt, đầu chếch hoặc bằng ngang, mặt bẹt, sống mũi nở cao, thẳng, mắt tròn, nhỏ, lồi và sát gần nhau, hai hốc mày và toàn bộ trán đều nổi cao gắn liền với sống mũi, tạo nên một đường gần giống với chữ T; miệng rộng cong hình cung, không có răng nanh, mai cong đều có một gờ nhỏ ở giữa chạy giữa suốt sống lưng, vai rùa không rằn xuống mà gần như vuông hẳn lại, gáy có khớp dày và chân tạc sơ sài.
c) Về nghệ thuật trang trí trên bia: Trước hết hãy xem xét việc trang trí trên các trán bia, nơi vốn được coi là chỗ trang trọng nhất của một tấm bia. Ở đây chủ yếu đều chọn đề tài hai rồng chầu mặt nguyệt. Cách bố cục mang nhiều nét đẹp của loại đề tài này là cách bố cục hình rồng uốn khúc từ trên vòng xuống, đầu quay ngẩng lên trong tư thế rất khỏe. Đầu rổng ngẩng cao, mặt nghiêm chỉnh hướng về phía các viên ngọc đang bay lơ lửng trong viền mây lửa của mặt nguyệt. Thân rồng cuộn khúc vòng ngược trở lên, đuôi lượn sóng chạy song song với diềm bia. Hình rồng ở đây có dáng mập, thân nổi lên cuồn cuộn với những hình khối tròn, chắc nịnh và đường chạm sâu. Đặc điểm của hình rồng này là : Đầu to, trán tròn, mũi cũng rất to và phồng cao, mồm rộng có răng nhọn và đặc biệt có răng nanh mọc dài ra ngoài, mắt nhỏ có viền lông mày hình mây lửa, hai râu chảy từ mắt xuống vòng dài ra phía sau, gáy có bờm ngắn và trên đó là đôi sừng nhỏ, toàn thân có vảy, được viền bằng một lớp vây sắc, càng về cuối càng to. Đây là một loại rồng mang nhiều đặc trưng của những hình rồng đầu thế kỷ 17 nói chung.
Diềm bia
Một thể loại khác là trán bia có hình phượng chầu mặt nguyệt. Hai bên mặt nguyệt là hai hình chim phượng to lớn xòe rộng cánh trong tư thế đang bay.
Nghệ thuật chạm khắc trên các bia loại II nhìn chung đã đạt đến một trình độ tinh xảo. Về bố cục điểm chung là tính cân xứng đăng đối. Tính sinh động đa dạng của bố cục cũng là một đặc điểm nổi bật trên các trang trí của diềm bia. Nghệ nhân không chịu gò bó trong một vài hình mẫu khác biệt nhau.
QUÁ TRÌNH DỰNG BIA TIẾN SĨ
Từ năm 1442 đến năm 1787 dưới triều Lê đã tổ chức được 124 khoa thi Tiến sĩ. Nhưng hiện nay ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ có lưu giữ 82 tấm bia được xếp thành 2 khu vực Đông, Tây bên giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 bia dựng thành 2 hàng. Cách sắp xếp bia không theo thứ tự thời gian, triều đại, hoặc kích cỡ lớn nhỏ mà đan xen lẫn nhau. Nhà che bia lúc đầu đã có và được tu sửa nhiều lần nhưng đến cuối thế kỷ XVIII bị tàn phá hết. Đến năm 1994 mới được làm lại.
Nhà bia Tiến sĩ bên Tây
Về chủ trương, bia được dựng sau mỗi kỳ thi nhưng không mấy khi được dựng ngay mà làm tập trung vào từng đợt.
- Đợt 1: Năm 1484 dựng 10 bia cho các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1484.
- Đợt 2: Năm 1653 dựng 25 bia cho các khoa từ năm 1554 đến năm 1652.
- Đợt 3: Năm 1717 dựng 21 bia cho các khoa từ năm 1656 đến năm 1712.
Còn 26 bia được dựng ngay sau các khoa thi.
Lễ dựng bia Tiến sĩ đầu tiên được tổ chức trọng thể ngày rằm tháng Tám, năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15(đời Lê Thánh Tông) được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: “ Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông (năm sinh vua Lê Thánh Tông) đến giờ việc dựng bia đề tên Tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các Tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Mậu Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12, khoa Giáp Thìn năm nay (1484) khắc vào đá”.
Bia Tiến sĩ
Khu vườn bia Tiến sĩ
Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 thì lúc đó có 124 khoa thi Tiến sĩ nhưng nay chỉ còn 82 bia. Như vậy 42 khoa thi có bao nhiêu khoa không được dựng bia, bao nhiêu khoa có dựng nhưng đã mất?
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì 9 khoa thi những năm 1469, 1472, 1484, 1490,1493, 1499, 1505, 1508 và 1634 đều được dựng bia nhưng nay không thấy có.
BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay còn lưu giữ được 82 tấm bia Tiến sĩ, trên đó khắc ghi họ tên và quê quán của 1307 lượt người đỗ của 82 khoa thi được tổ chức dưới triều Lê- Mạc (1442-1779). Bia Tiến sĩ được khởi dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484)... Mùa thu, tháng 8, ngày 15, dựng bia có bài ký ghi tên các Tiến sĩ từ khoa NhâmTuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời vua Thái Tông triều ta đến nay…". Đây là sự kiện đặc biệt, tạo thêm giá trị tinh thần lớn lao cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
82 tấm bia hiện còn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng trong thời gian gần 300 năm, từ 1484 đến 1780. Mỗi tấm bia được dựng cho một khoa thi. Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – QuốcTử Giám được dựng trong nhiều đợt khác nhau. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng cho 10 tấm bia các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ 1442 đến 1484. Hiện chỉ còn 7 bia. Sau đó từ 1487 đến năm 1529 có 5 tấm bia được dựng vào các năm1487, 1496, 1513, 1521, 1529 và 2 tấm bia được dựng vào năm 1536 thuộc triều Mạc. Đợt dựng bia nhiều nhất vào năm 1653, với 25 tấm bia được dựng cho các khoa thi từ năm 1554 đến 1653. Đợt dựng bia thứ 3 vào năm 1717 với 21 bia cho các khoa thi được tổ chức từ năm 1656 đến 1717. 22 tấm bia còn lại được dựng trong thời gian từ năm 1721 đến 1780. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi năm 1779.
Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám do các nghệ nhân, nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời tạo tác. Tất cả 82 bia Tiến sĩ hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều được chế tác theo cùng một phong cách, thuộc loại bia dẹt, gồm 2 phần: Bia và đế bia.
+ Bia: Được chia làm 2 phần chính gồm:
- Trán bia: Trán bia hình vòm, khắc các họa tiết trang trí, bờ mi trán bia có tiêu đề bia, thường viết theo lối chữ triện.
- Thân bia: Thân bia bình chữ nhật, hai bên diềm bia và chân bia trang trí hoa văn, lòng bia khắc bài văn bia bằng chữ Hán cổ gồm bài ký, danh sách các vị đỗ Tiến sĩ, cuối cùng là họ tên, chức vụ của người soạn văn bia, người nhuận sắc, người viết chữ, năm dựng bia.
+ Đế bia: Đế bia được tạo dáng hình rùa với những đặc điểm nghệ thuật trang trí khác nhau. Đế bia hình rùa thể hiện sự trường tồn, bền vững của hiền tài, giáo dục và của bia Tiến sĩ.
Bia có kích thước to nhỏ khác nhau. Những bia được dựng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI có kích thước nhỏ bé, càng về sau kích thước bia càng lớn. Hình thức trang trí phong phú trải qua các giai đoạn phát triển gần 300 năm. Tấm bia lớn nhất cao 1,75m (chưa kể đế bia) rộng 1,3m, còn tấm bia nhỏ nhất cao 1,1m, rộng 0,7m,độ dày của bia trung bình là 0,25m. Hình trang trí trên bia cũng vậy. Giai đoạn thế kỷ XV-XVI, hình trang trí đơn giản, nghèo nàn, trán bia chỉ có hình mặt trời, mây xoắn. Diềm bia chủ yếu trang trí hoa dây. Sang thế kỷ XVII-XVIII,hình trang trí trên bia rất phong phú. Trán bia trang trí các hình rồng, phượng, mặt nguyệt. Diềm bia trang trí các hình hoa lá, hình người, thú, chim hết sức sinh động.
Trang trí trên bia đa dạng, phản ánh sự phát triển hình tượng nghệ thuật theo thời gian. Mỗi tấm bialà một tác phẩm nghệ thuật độc đáo bởi chúng là kết tinh trí tuệ, bàn tay khéoléo của những nhà văn hoá, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam qua các thời kỳ và được làm hoàn toàn thủ công.
Giá trị đặc biệt của biaTiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là bài văn bia bằng chữ Hán. Nội dungvăn bia ghi về khoa thi Tiến sĩ được dựng bia. Mỗi bài văn bia thường có 2 phần: phần ký và phần ghi danh sách những người đỗ của khoa thi theo thứ tự từ cao đến thấp: Đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp... Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục, thi cử nước nhà và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được thể hiện rõ trong nội dung các bài văn bia với ý nghĩa:
-Vạch ra được lối chiến lược cho các nhà cầm quyền (xưa và nay) trong quản lý và xây dựng đất nước là phải coi trọng nhân tài.
-Xác định và định hướng rõ trách nhiệm của các nhà trí thức đối với đất nước, đó là: Đem tài năng ra phục vụ đất nước, đào tạo đội ngũ nhân tài kế tiếp cho đất nước.
Những bài ký trên bia là kết tinh trí tuệ của nhiều thế hệ trí thức, là kinh nghiệm về đạo làm người ,đạo trị quốc của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, văn bia còn cho chúng ta biết những bài học vô giá về đạo trị quốc, xây dựng và phát triển đất nước luôn phải quan tâm, đào tạo nhân tài. Ngay từ bài ký soạn cho khoa thi đầu tiên được dựng bia, khoa thi năm Đại Bảo 3 (1442), Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, hoặc “Sự lớn lao của nền chính trị bậc đế vương không gì quan trọng bằng việc trọng dụng nhân tài…”. (Bài ký khoa thi năm 1448). Trải qua thời gian, đường lối trị quốc dựa vào nhân tài luôn được khẳng định, và luôn đúng. Lễ bộ thương thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Tung trong bài ký soạn cho khoa thi năm Hồng Thuận thứ 3(1511) viết: “Vua nào muốn có trị bình, ắt phải coi việc dùng hiền kén sĩ làm việc đầu tiên”; “Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài”. Ngay cả vào giai đoạn cuối của triều Lê Trung hưng, vai trò của nhân tài vẫn được nhắc đến “Nhân tài chính là cây trăn, cây hộ của nước nhà vậy” (bài ký khoa thi năm 1763).
Vai trò của hiền tài đối với quốc gia được khẳng định, nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các bài ký, chothấy đây là một quốc sách, là điểm cốt lõi trong đạo trị quốc. Đây chính là bài học quý cho đương thời và hậu thế.
Để có được nhân tài thì phải chăm lo, gây dựng nhân tài. Cách thức gây dựng, thu hút nhân tài cũng được các bài ký chỉ ra, để từ đó làm cho đất nước hưng vượng.
Trước hết, để đào tạo nhân tài, thì nhà nước phải tạo điều kiện tốt cho việc dạy và học, cụ thể là phải xây dựng trường học, chọn thầy giỏi, tìm nhiều cách động viên khích lệ học trò: “Xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để bồi dưỡng nhân tài. Tại kinh đô có Quốc Tử Giám, ngoài phủ có học đường.. đặt thầy dạy dỗ, in kinh sách ban phát…”
Tuy nhiên, để có được hiền, tài thực, thì nhà nước phải tổ chức các khoa thi đích thực, những người thi đỗ được trọng dụng, được vinh danh: “Nghĩ việc đặt khoa thi kén chọn kẽ sĩ là chính sự cần trước nhất…” (Bài ký bia Tiến sĩ khoa thi năm1442); Cách thức này thường xuyên được nhắc đi nhắc lại, đến nỗi có thể coi như là điều hiển nhiên, phải làm. Có đến 60/82 bài ký nói đến điều này: “Nhân tài cao thấp cốt do nơi khoa mục” hoặc“chọn kẻ sĩ phải do con đường khoa mục..” (Bài ký khoa thi năm 1703); “Nuôi dưỡng nhân tài ở trường học, dùng khoa mục để kén chọn kẻ sĩ…” (Bài ký khoa thi năm 1772)
Cách thức vinh danh,khuyến khích sĩ tử “sôi kinh nấu sử” để trở thành nhân tài rất đa dạng, là gợi ý, bài học của người trước cho người sau trong trị quốc, dùng người như miễn phu phen, lao dịch cho người có thành tích trong học tập, thi cử; ghi tên Bảng vàng treo cổng kinh thành, cửa nhà Thái học, bổ nhiệm trọng trách, ban mũ áo, ghi tên vào sách đăng khoa lục…“Cốt để cho bọn cài hốt bên lưng, ra vào nơi cung điện, mắt nhìn,miệng đọc, bồi hồi, ngóng trông, kính mến mà ao ước. Đó là bộ máy để kích động lòng người và là một việc hay có ý nghĩa trọng đạo của đời thịnh đối với nền chính trị và phong hoá quan hệ rất lớn ” (Văn bia Bia Tiến sĩ khoa thi năm1481).
Những bài ký trên bia cònchỉ ra những bài học, cách thức tu dưỡng để trở thành những con người có ích cho quê hương, đất nước. Lẽ thường, khi đạt được mục đích, được vinh danh, người ta thường sao nhãng việc rèn luyện, tu dưỡng;khi đã ở ngôi cao thường sinh lòng kiêu hoặc coi thường ngừời dưới. Thực tế, có người đã mất hết ý chí phấn đấu, thậm chí sa ngã, đánh mất mình, đến khi sực tỉnh thì đã quá muộn. Những bài ký trên bia là những tâm sự, những lời khuyên, thậm chí cảnh báo rất kịp thời với nhữngngười đang sống, và với thế hệ tiếp theo. Trước hết, dù đã thành đạt, đã được đề cao vẫn “phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp”, phải làm việc sao cho đúng với sự đề cao, danh hiệu đó, để “danh đứng với thực”. Muốn làm được điều đó, người làm quan phải tận tâm, tận lực lo cho dân, cho nước, phải biết “dâng mưu hay”, phải biết khẳng khái khuyên can việc tốt, “phải gắng rèn mài liêm cần, trau dồi tiết hạnh, cứng rắn như vàng ngọc,…làm việc phải đồng tâm hiệp lực, thờ vua thì phải giữ gìn chính đạo, …” (Văn bia khoa thi năm 1706);
Những lời khuyên về lối sống, tu dưỡng rất cụ thể, chân thành, bởi đó chính là kết tinh, trải nghiệmcủa người i viết, là tâm huyết đối với hậu thế, với giang sơn đất nước: “Theo hầu trong cung phải giúp đức cho vua, giúp ơn cho dân; trấn nhậm một phương phải làm bình phong phên dậu. Người giữ chức cao phải đem khả năng bàn nói để hết chức phận can gián của mình…” (Văn bia khoa thi năm 1691), “tuổi già tiết cứng, nêu gương cho phường hậu tiến, hun đúc nên tập tục trung tín liêm sĩ, chớ cậy may mắn lợi dụng vơ vét” (Văn bia khoa thi năm 1760).
Những bài học, kinh nghiệm sống cha ông, của thế hệ trí dũng, tài đức lưu lại trên đá được kiểm nghiệm, minh chứng qua thời gian, Những bài học đó vô cùng quý cho mọi thời đại, đặc biệt là hiện nay, khi đất nước đang trong thời kỳ thay đổi lớn trên mọi mặt, và nền giáo dục đang trải qua nhiều cải cách, thử nghiệm. Trong mọi hoàn cảnh, để phát triển bền vững đất nước, điều quan trọng nhất vẫn là đào tạo, bồi dưỡng được những con người thực sự “hiền”, “tài”, những người không chỉ lo cho thế hệ mình, mà còn nghĩ đến thế hệ sau, tương lai của đất nước.
Việc dựng bia Tiến sĩ đã tác động to lớn đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài của đất nước. BiaTiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn có tác động xã hội to lớn đối với người đương thời và hậu thế. Được ghi tên trên bia là niềm khích lệ lớn trong việc học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội. Bia Tiến sĩ cùng là biểu tượng và niềm tự hào của sự thành đạt và trí tuệ.
Ngày nay bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách,chính khách trong và ngoài nước. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính kháchquan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia Tiến sĩ.
Tháng 3 năm 2010, Uỷ ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và tháng 5 năm 2011, Tổng giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14 tháng 1 năm 2015, Thủ tướng chínhphủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công nhận 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Bảo vật quốc gia. Đây chính là sự đánh giá, công nhận giá trị đặc biệt của bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đối với nền văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam nói riêng, của toàn nhân loại nói chung./.
Một số hình ảnh: