DI TÍCH

PHÙ ĐIÊU: “ CÁ CHÉP HÓA RỒNG”  VÀ  “MÃNH HỔ HẠ SƠN” Ở CỔNG VĂN MIẾU

 

    Cổng Văn Miếu là một kiến trúc bằng gạch 2 tầng, 3 cửa, được xây dựng vào thế kỷ XIX. Trên cổng có trang trí các họa tiết hoa văn và các câu đối ca ngợi nền giáo dục Nho học Việt Nam. Đặc biệt mặt trước cổng có đắp nổi hai bức phù điêu: "Cá chép hóa rồng" và "Mãnh hổ hạ sơn"

 

Cổng Văn Miếu

    Bên trái mặt trước cổng đắp nổi cảnh "Cá chép hóa rồng" tượng trưng cho sự phấn đấu, thành đạt trong học tập của Nho sĩ.

    Cá chép hóa rồng là đề tài mang tính huyền thoại, lâu đời trong văn học dân gian Việt Nam. Đó là câu chuyện kể loài cá kéo nhau về tụ hội tại Vũ Môn để thi tài. Nếu con nào nhảy qua được Vũ Môn sẽ hóa thành rồng. 

 

Bức phù điêu "Cá chéo hóa rồng"

    Theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Vũ môn là núi thuộc dãy núi Giăng Man ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh ngày nay). Trên núi có thác rộng, gồm ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh”. Câu chuyện hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về tinh thần chịu khó, kiên trì, bền chí học hỏi, chinh phục tri thức để đi tới thành công của các sĩ tử.

    Bên phải là cảnh "Mãnh hổ hạ sơn", trên cảnh núi rừng mây nước nổi bật lên dáng dấp một con hổ hùng dũng xuống núi, ví như các bậc thức giả khí thế bước vào đời.

 

Bức phù điêu "Mãnh hổ hạ sơn"

    Hình tượng con hổ đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư dân Việt. Hổ là biểu tượng của sự quyền uy, thể hiện sức mạnh. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, hổ là loài vật linh thiêng, được tôn thờ. Hổ là linh vật trấn giữ đền miếu, tam quan, nhiều nơi còn thờ thần hổ. Hình ảnh con hổ trên cổng Văn Miếu được đắp nổi với những đường nét chạm khắc tỷ mỉ, sinh động tới từng chi tiết toát lên vẻ oai nghiêm, dũng mãnh, đang sải bước xuống núi, biểu tượng cho sức mạnh và khí phách của người trí thức xuất thân ra giúp đời.

 

LH


GIẾNG THIÊN QUANG

 

    Giếng Thiên Quang (tức giếng ánh sáng trời) nằm chính giữa khu vườn bia Tiến sĩ. Giếng hình vuông (30x30m), có lan can gạch xây bao quanh, quanh năm nước đầy, mặt nước trong xanh. Theo quan niệm người xưa, giếng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, cửa sổ hình tròn của gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu trời, có ý nói nơi đây là nơi tập trung mọi tinh hoa của trời đất, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hoá Nho học Việt Nam.

    Năm 1887, một học giả người Pháp đã miêu tả: “Choán hết cả khu vườn này là một chiếc giếng lớn hình chữ nhật, xung quanh xây tường lan can trang trí bằng gạch hình thoi. Hai bên giếng mỗi bên có một tòa đình, trong có xây một bàn thờ bằng vôi vữa, luôn nghi ngút khói hương và hai dãy bia đá, mỗi dãy có 41 tấm bia đặt trên lưng rùa xếp dọc theo hai bên đình…”.

 

Giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các chụp đầu thế kỷ XX

    

    Năm 1960 khi nạo vét giếng, người ta đã phát hiện những bậc gạch cổ và một cái giếng vuông lớn đã bị vùi lấp. Giếng này cạnh thẳng với lan can bao quanh, có kích thước 10m x 10m, sâu khoảng 2m, gồm 9 bậc xây bằng nhiều loại gạch cổ khác nhau. Các nhà khảo cổ cho rằng loại gạch này có niên đại khoảng thế kỷ 16.

    Năm 2017, giếng Thiên Quang được tu bổ với phần móng được xây bằng gạch vồ đặc, hệ thống lan can bao quanh giếng được xây gạch chỉ đặc trát vữa xi măng xen kẽ các ô hoa văn bằng gốm men xanh như cũ.

 

Giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các ngày nay.

 

 


LINH VẬT BIỂU TƯỢNG CHO

PHÒNG TRỪ HOẢ HOẠN LÀ CON GÌ?

 

         Si Vẫn là linh vật đầu rồng, đuôi cá. Theo truyền thuyết đây là đứa con thứ hai của rồng, xuất thân từ biển cả, được coi là vị thần biểu tượng cho việc phòng trừ hoả hoạn. Si Vẫn tính tình tinh nghịch rất thích ngậm, nuốt, vì thế hay được tạo tác với miệng ngậm chặt vào đầu đao hoặc đầu bờ nóc, thân và đuôi hướng lên trên. Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, linh vật Si Vẫn được trang trí phổ biến trên các công trình kiến trúc của di tích.

 

Si Vẫn trên các góc mái cổng Văn Miếu với tạo hình miệng ngậm chặt ở hai đầu đao, đuôi hướng lên trên, uốn cong tạo thành chùm mây xoắn.

 

         Si Vẫn có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong văn hoá Ấn Độ có một loài rồng gọi là con Makara đầu thú (đầu voi, đầu cá sấu,…), phần sau là đuôi cá, hoặc đuôi công trống chuyên sống ở dưới nước. Theo truyền thuyết Makara là vật cưỡi của Ganga - chúa tể sông Hằng và Varuna - chúa tể biển cả. Trong văn hoá và nghệ thuật Phật giáo, Makara được trang trí ở hai bên cửa ra vào, kiến trúc góc, bệ tượng, góc mái… với hàm nghĩa là vị thần bảo vệ Phật pháp.

 

         Từ văn hoá của Ấn Độ thì Makara truyền nhập vào Trung Quốc được Hán hoá gọi là con Si Vẫn. “Si”/ 鴟 / là đuôi con chim Si (chim Cú). “Vẫn”/ 吻/ tức là “miệng”. Trong sách Quần thư tham khảo của Phạm Đình Hổ khi ghi về thuyết “Long sinh cửu tử” của Trung Hoa có ghi như sau: “Con Si Vẫn hình dạng tựa con thú, tính thích trông giữ. Con thú ở nóc điện ngày nay chính là nó. Lý Tây Nhai người đời Tống cho nó là đuôi của con chim Cưu, bởi căn cứ lời thầy mo nước Việt đời Hán là trong biển có con Cù, đuôi nó giống con chim Cưu, khi nó đập sóng thì mưa xuống. Cho nên làm hình dạng nó đặt trên nóc điện để yểm hỏa tai” .

 

         Ở Việt Nam, Si Vẫn được tạo tác là con vật có miệng ngậm chặt vào đầu đao hoặc đầu bờ nóc, thân và đuôi hướng lên trên. Tuy nhiên, tạo hình Si Vẫn rất phong phú, có khi đuôi của nó được cách điệu uốn cong thành một chùm mây xoắn, hoặc hoá mây, hoá lá… Đặc điểm tạo hình biến hoá của linh vật này được trang trí hầu hết trên hai góc mái, đầu đao của những kiến trúc trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

         Trong dân gian còn một cách gọi nữa là con Kìm, có lẽ bởi cái miệng linh thú ngoạm chặt vào đầu đao giống như cái kìm vậy. Tuy nhiên với cách gọi của người Việt như vậy, thì không phải lúc nào con Kìm ở trên các kiến trúc cổ của người Việt đều là con Si Vẫn, có khi lại là con Nghê, con Rồng, con Lân… với tạo tác miệng ngậm chặt vào đầu đao. Như vậy, gọi là con Kìm (“Kìm” có nghĩa cổ là “ngậm, kẹp”) là gọi linh vật đó theo công năng sử dụng. Gọi Si Vẫn là gọi theo xuất xứ tên gọi linh vật.

 

Si Vẫn đầu rồng, thân, đuôi hoá hình lá trên bờ nóc, góc mái cổng Đại Trung.

 

Si Vẫn trên Khuê Văn Các được tạo tác với đầu rồng, vây rõ nét, đuôi cách điệu uốn cong, thành một chùm mây xoắn.

 

Si Vẫn trên góc mái Bái Đường và Điện Đại Thành được tạo hình đầu rồng, đuôi tạo hình ba đợt sóng nước.

 

Trang trí hình tượng Si Vẫn hoá mây trên mái nhà Tiền Đường, Hậu Đường khu Thái Học.

 

AV

 

 


NGÓI SEN LÀ NGÓI GÌ?

 

         Ngói sen, hay còn được gọi là ngói mũi hài, ngói vảy rồng… là loại ngói phẳng, đuôi vuông, đầu tròn, phần mũi hất cao như mũi cánh sen, mũi hài (giầy). Loại ngói này được sử dụng từ thời Lý, trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XII, đương thời được gọi là “ngói sen” (Liên ngõa). Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngói sen được lợp trên hầu hết các công trình kiến trúc tại di tích.

 

 

Mặt trên của Ngói sen được chạm hoa văn cánh sen cách điệu

 

 

         Qua các tài liệu nghiên cứu của các học giả trong nước cho thấy tên gọi “ngói sen” đã xuất hiện từ thời Lý, Trần. Trong văn bia Thiệu Long tự bi minh (năm 1226) (tại chùa Thiệu Long, thôn Mĩ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) một trong nhưng văn bản cổ xưa có nhắc đến tên gọi “liên ngõa” – ngói sen với câu “liên ngõa vạn tầng lân tự, hiểu lộ tích tích nghi châu” 蓮瓦万層鱗似、暁露滴滴疑珠, nghĩa là “Ngói sen ngàn lớp tựa vẩy cá, sương sớm giọt giọt ngỡ hạt châu”.

 

         Điều đó khẳng định loại “ngói sen” và tên gọi của nó đã xuất hiện từ rất sớm trong các kiến trúc phật giáo thịnh hành từ triều Lý, Trần. Có lẽ qua diễn biến lịch sử, cùng cách tạo hình tương đồng sau này “ngói sen” được gọi với nhiều tên khác nhau: ngói mũi hài, ngói vảy rồng…

 

         Theo sử liệu, việc sản xuất – sử dụng ngói đã được nhà Lý khuyến khích từ cuối thế kỷ XI. Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm 1084 (Anh Võ Chiêu Thắng 9), Lý Nhân Tông “xuống chiếu cho thiên hạ nung ngói lợp nhà”. Tuy nhiên, Đại Việt sử lược chép rằng: đến năm 1097 (Hội Phong 6), vua Lý lại “cấm trăm họ làm nhà lợp ngói”. Như vậy, có thể thấy rõ chỉ có những kiến trúc của hoàng gia (cung điện), tầng lớp quý tộc, các cơ sở tôn giáo khác mới được phép lợp ngói.

 

         Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng được các vị vua triều Lý cho xây dựng trong giai đoạn này, trở thành 1 trong những kiến trúc quy mô lớn, được coi trọng tại kinh thành Thăng Long. Qua các hiện vật khảo cổ được tìm thấy năm 1999 khi đào thăm dò khu Quốc Tử Giám đã phát hiện nhiều mảnh hiện vật là vật liệu kiến trúc trong đó có ngói sen/ngói mũi hài to bản, ngói diềm mái trang trí hình hoa sen… đã chứng tỏ “ngói sen” là một trong những loại ngói được triều Lý sử dụng để lợp mái các kiến trúc xây dựng tại đây.

 

 

Hiện vật khảo cổ những mảnh ngói sen được tìm thấy năm 1999 khi đào thăm dò khu Quốc Tử Giám có niên đại từ thế kỷ 10-13.

 

 

         “Ngói sen” sản xuất công phu, dùng khuôn gỗ để đúc ngói, phần mũi được đắp thêm sau đó cắt gọt tạo hình mũi cánh sen/mũi hài, đầu mũi có thể để chơn hoặc khắc chìm tạo hoa văn. Ngói được sản xuất từ đất sét thường, độ nung cao, màu đỏ tươi, sử dùng nhiều trong các kiến trúc tôn giáo: chùa, đền, miếu… Màu đỏ tươi là màu sắc hết sức đặc trưng của gạch ngói thời Lý và thời Trần sau này.

 

         Các công trình kiến trúc trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám hầu hết được lợp loại ngói màu đỏ này, chỉ duy nhất mái lợp của Khuê Văn Các xây dựng dưới triều Nguyễn là dùng ngói ống. Hiện nay trong công tác trùng tu của di tích vẫn sử dụng loại ngói sen/ngói mũi hài để thay thế những viên ngõi cũ đã bị vỡ nát. Bởi thế, ngói truyền thống – ngói sen/ngói mũi hài vẫn hiện diện trên các mái lợp của các kiến trúc nơi đây như: mái cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành, hệ thống mái lợp vườn bia Tiến sĩ, khu Đại Thành, khu Thái Học.


         

 

Hệ thống mái ngói mũi hài/ngói sen trên mái tòa Bái đường và mái điện Đại Thành.

 

 

         Có thể thấy, thời Lý (1009-1225) kiến trúc đô thành thể hiện rõ sự lớn mạnh về ý thức dân tộc, về khả năng xây dựng một đất nước độc lập tự chủ hùng mạnh. Các công trình kiến trúc tại kinh thành phát triển với quy mô lớn như: hoàng thành Thăng Long, các ngôi chùa nổi tiếng (chùa Báo Ân, chùa một cột…) và Văn Miếu – Quốc Tử Giám…

 

         Vì vậy các loại vật liệu dùng trong xây dựng rất phát triển, đặc biệt là nghề làm ngói, làm gạch với nhiều tiến bộ và được duy trì đến ngày nay. Kỹ thuật điêu luyện cùng sự sáng tạo của những người thợ thủ công tạo ra những viên ngói đẹp đẽ, bền bỉ với thời gian đã góp phần hình thành những điểm độc đáo trong các công trình kiến trúc cổ của Việt Nam.

 

         Đến nay quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bảo tồn, trung tu và phục dựng khá đầy đủ, hệ thống ngói lợp vẫn bảo lưu những viên “ngói sen” truyền thống - đặc trưng của văn hóa triều Lý – Trần. Khu di tích luôn được nhà nước ta quan tâm xếp hạng. Năm 2012, nhà nước xếp hạng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia đặc biệt, trở thành một trong những quẩn thể kiến trúc tiêu biểu về kiến trúc Nho giáo trên cả nước.

 

AV


TÌM HIỂU KIẾN TRÚC KHU THÁI HỌC

 

    Nhà Thái Học được xây dựng năm 2000 theo phong cách kiến trúc truyền thống, hài hòa với các công trình kiến trúc cổ tại di tích. Vật liệu dùng để xây dựng công trình chủ yếu là gỗ, gạch và ngói nung.

    Để đảm bảo sự bền vững lâu dài của công trình, mái đều được lợp hai lớp ngói lót, trên là một lớp chì dày 1,5mm rồi đến một lớp ngói lót nữa, và trên cùng lớp ngói mũi hài. Lớp chì có tác dụng chống thấm nước mưa cho kết cấu gỗ phần mái được bền lâu hơn. Phần giữa các cột nhà với chân đá tảng cũng đặt một tấm chì dày 1,5mm để chống ẩm từ dưới lên.

    Toàn bộ nền nhà, nền sân đều được lát gạch bát có kích thước 30 x 30 x 4cm. Xung quanh nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả - Hữu vu đều được bó vỉa bằng đá xanh.

 

Điện Khải Thánh

    Nhà Tiền đường 9 gian với 40 cột gỗ lim chống mái, đầu hồi xây tường bằng gạch 30 x 30 x 7cm mặt ngoài để trần không trát. Gian đầu hồi và gian thứ 3 mặt trước, mặt sau đều có cửa bức bàn chấn song con tiện dẫn sang nhà Hậu đường.

    So với nhà Bái đường của khu Văn Miếu, cột cái của nhà Tiền đường đều to và cao hơn, đường kính cột là 0,48m, chiều cao cột là 7m. Tiền đường là nơi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân tộc, nơi trưng bày các cuộc triển lãm theo chuyên đề. Ống muống nối Tiền đường vào với Hậu đường và có 2 cửa sang nhà chuông, nhà trống.

    Hậu đường là kiến trúc gỗ hai tầng, tầng 1 gồm 9 gian, 2 chái với 72 cột gỗ lim, trong đó 8 cột cái cao 11,5m đường kính 0,56m. Hai đầu hồi xây tường bằng gạch 30 x 30 x 7cm mặt ngoài để trần không trát.

 

    Phía trước là cửa bức bàn chấn song con tiện, xung quanh và vách đố lụa. Gian đầu hồi mặt sau, gian thứ 3 và gian thứ 7 mặt trước là cửa sổ chấn song con tiện.

    Bên cạnh mục đích tạo không gian cho những hoạt động văn hóa, giáo dục, nhà Hậu Đường, Khu Thái Học hiện nay còn là nơi tôn vinh các danh nhân. Tầng 1 là nơi tôn vinh Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An và là nơi trưng bày về Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long và nền giáo dục Nho học Việt Nam. Tầng 2 là nơi tôn thờ các danh nhân đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Nho học của Việt Nam. Đó là các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

 

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc 

    Công trình Thái Học ngày nay trở thành một địa chỉ văn hóa - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và cả nước.

 

LH


KIẾN TRÚC NHÀ THÁI HỌC LÀ PHONG CÁCH KIẾN TRÚC THỜI KỲ NÀO?

 

    Nhà Thái Học tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám được xây dựng trên nền cũ của Quốc Tử Giám xưa được khởi công xây dựng năm 1999 và  hoàn thành vào năm 2000 đúng dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên công trình nhà Thái Học lại có kiến trúc gỗ không sơn son thếp vàng, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống hài hòa với các công trình kiến trúc khác trong di tích nhưng không cụ thể theo kiến trúc thời kỳ nào.

 

     Năm 1996, trong cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học cho “Dự án đầu tư Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội giai đoạn 1996-2000”, GS.KTS Hoàng Đạo Kính đã đưa ý kiến: “Vì tư liệu lịch sử còn quá ít ỏi, không còn căn cứ vật chất đủ tin cậy để phục hồi lại khu Thái Học từng có. Khu Thái Học cần được làm mới để làm sống lại một phần hữu cơ của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Công trình mới sẽ có những công năng không hoàn toàn lập lại cái cũ, mà trong khuôn khổ văn hóa - giáo dục, là sự phát triển tự nhiên của một công trình văn hóa có tầm cỡ đặc biệt trong di sản văn hóa dân tộc”. Đơn vị được giao thiết kế và thi công là Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích trung ương nay là Viện Bảo tồn Di tích. Tổng chỉ huy thiết kế cho công trình Thái Học mới lúc đó là GS.KTS Hoàng Đạo Kính (nguyên Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích trung ương nay là Viện Bảo tồn Di tích).

    Trước tình hình đó, bài toán đặt ra cho các kiến trúc sư là chúng ta sẽ xây dựng nhà Thái Học theo phong cách kiến trúc thời kỳ nào? GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết: “Theo yêu cầu kiến trúc đó trước tiên phải phù hợp với tổng diện mạo của kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không tạo ra sự tương phản mà tạo ra sự hòa đồng và mang dấu ấn ngày hôm nay. Thì đây là câu chuyện rất tinh tế, bây giờ làm theo kiểu gì, phong cách nào? Bởi vì bản thân kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám là kiến trúc kết hợp rất nhiều thời, giờ mình không thể thiết kế kiến trúc ở khu vực thứ năm này theo phong cách Hậu Lê hay Nguyễn.”

 

Nền cũ của Trường Giám

    Sau rất nhiều cuộc làm việc và thảo luận, đội ngũ kiến trúc sư đã đưa ra phương án: ‘”Và chúng tôi đã chọn thiết kế phức hợp kiến trúc tại sân thứ 5 theo phong cách truyền thống nhưng không có gì cụ thể theo kiến trúc thời nào mà theo kiến trúc truyền thống quen thuộc. Như chúng ta thấy ở đó chúng tôi không dùng hoa văn mà theo phong cách kiến trúc dân tộc về phong cách, về kiến trúc, về bố cục, hình dạng”. GS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.

    Đặc biệt kiến trúc sân thứ năm cũng được để mộc không sơn son thếp vàng, vì theo các chuyên gia đây là công trình của thời ngày hôm nay cho nên sơn son thếp vàng là không phù hợp, nó sẽ làm giảm giá trị của kiến trúc ở sân thứ tư. Các cấu trúc gỗ của kiến trúc khu Thái Học được làm cẩn thận, tinh xảo và rất đẹp.

       Công trình Thái Học đã được khánh thành vào tháng 12 năm 2000.  Toàn bộ khu Thái Học được xây dựng với diện tích 1530m2 trên tổng diện tích 6150m2 gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được mô phỏng theo kiến trúc truyền thống. Quy mô kiến trúc khu Thái Học rất bề thế, trang nghiêm và hài hoà với kiến trúc cảnh quan của khu Văn Miếu phía trước.

 

LH


TẠI SAO HÌNH TƯỢNG NGHÊ CÓ TRÊN TỨ TRỤ VĂN MIẾU

 

         Tứ trụ Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long được làm vào thời Nguyễn, trên đỉnh trụ có tượng đôi Nghê chầu ở hai trụ giữa, cao hơn; tượng Phượng múa ở trụ hai bên thấp hơn. Đôi Nghê chầu ở hai trụ giữa đến nay còn bảo tồn khá nguyên vẹn và mang tính mỹ thuật cao.

 

Đôi nghê chầu trên 2 trụ giữa của Tứ trụ Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện còn lưu giữ đến ngày nay.

 

         Trong văn hóa Việt Nam, Nghê là một trong những linh vật được coi trọng, tượng trưng cho trí tuệ, tương truyền Nghê còn có thể phân biệt được người tốt, kẻ xấu. Tạo hình linh vật Nghê là linh thú có ngón chân và móng vuốt, đuôi giống của loài chồn sóc. Đôi linh vật Nghê chầu trên hai trụ giữa ở Văn Miếu có đôi mắt tròn to, nhìn chúc xuống như dò xét lòng ngay gian của những người đến nơi đây. Miệng nghê ngậm ngọc báu, tượng trưng cho nguồn sáng trí tuệ và sự minh bạch.

 

         Linh vật Nghê xuất hiện tại Văn Miếu khá nhiều, ở các vị trí khác nhau, đa dạng về loại hình, thể hiện các cung bậc cảm xúc khác nhau, phong phú về chất liệu, mang giá trị văn hóa đặc sắc. Hình tượng con Nghê ở chốn thiêng nơi tôn sùng đạo Học của nước nhà chứa đựng những bất ngờ thú vị của văn hóa Việt Nam.

 

AV

 

 


Ý NGHĨA CỔNG ĐẠI TRUNG, THÀNH ĐỨC VÀ ĐẠT TÀI

 

         Nhắc đến những công trình kiên trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là một quần thể kiến trúc ấn tượng được xây dựng từ thời nhà Lý, với khuôn viên rộng lớn hơn 54 ngàn m2. Không gian nội tự của di tích được chia thành 5 lớp gắn kết bới các bức tường gạch tường xây với hệ thống ba cổng, cổng chính giữa và hai cổng phụ hai bên.

 

Cổng Đại Trung với hình ảnh trang trí “Hai cá chép chầu bình móc” trên nóc mái tượng trưng cho cá chép vượt vũ môn hoá rồng.

 

         Hệ thống Cổng Đại Trung và hai cổng phụ Thành Đức, Đạt Tài hai bên là lớp cửa ngăn cách khu thứ nhất và khu thứ hai của khu nội tự. Cổng Đại Trung mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (TK 15-17). Công trình bằng gỗ ba gian, 8 hàng cột gỗ, sơn son, không có cửa. Những cột gỗ tròn đều đặt trên đế chân cột bằng đá chứ không chôn xuống nền và chính sức nặng của mái công trình đã làm nên sự ổn định và vững vàng cho cột chống.

 

         Mái cổng Đại Trung lợp ngói mũi hài – còn gọi là ngói vảy rồng (loại ngói có từ triều Lý, vẫn được sử dụng ở các công trình kiến trúc của các triều đại về sau), dốc mái thẳng, trang trí mái là hai con cá chép chầu bình móc. Cá chép, bình móc trang trí bằng các mảnh ghép sành sứ là đặc trưng lối trang trí kiến trúc trong cung đình của triều Nguyễn. Hình ảnh cá chép trên nóc cổng Đại Trung tượng trưng cho cá chép vượt vũ môn hoá rồng.

 

         Công trình đặt trên nền gạch bó vỉa đá, ba bậc lên xuống, tạo cảm giác tôn nghiêm bề thế, nền cổng lát gạch Bát Tràng. Cổng Đại Trung được trùng tu vào năm 1995, lợp lại ngói, các đầu đốc cùng một số hoa văn trên mái bị sứt mẻ đều được phục chế theo nguyên liệu truyền thống, phần gỗ được xử lý mối mọt, sơn son….

 

Hệ thống Cổng Đại Trung và hai cổng phụ Thành Đức, Đạt Tài hai bên.

 

         Hai bên cổng Đại Trung có hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài, hàm ý đạo đức và tài năng là phẩm chất quan trọng của con người, là kết quả của quá trình giáo dục đào tạo.

 

       Có thể nói, hệ thống cổng Đại Trung, Thành Đức và Đạt Tài là một trong những công trình kiến trúc cổ và độc đáo của di tích.

AV


VĂN MIẾU Ở THẾ KỶ XX

 

         Bạn có khi nào nghĩ ở Văn Miếu lại trồng… ngô không ??? 

 

Ảnh được nhiếp ảnh gia người Pháp Leson Busy chụp những năm 1914-1915. 

Nguồn: Bảo tàng Albert Kahn

 

         Đừng vội nói đó là Photoshop bởi vì đây là sự thật, nếu bạn đến thăm Văn Miếu vào những năm đầu thế kỷ XX. Có thể là những người trông coi Văn Miếu khi ấy đã trồng thêm hoa màu ở đây để cải thiện đời sống. Hãy cùng ngắm bức ảnh Khuê Văn Các thanh tao bên cạnh ruộng ngô sắp đến ngày thu hoạch nhé. 

 

NH


VĂN MIẾU MÔN

 

    Cổng Văn Miếu là tổ hợp kiến trúc gồm ba lối vào. Chính môn ở giữa có hai tầng. Tầng dưới là lối đi, các góc có trụ biểu nhô cao. Tầng trên có các vòm cửa trống thông thoáng, bên trong có treo chiếc chuông, bên ngoài có hai tầng mái có đắp nổi ba chữ Hán “Văn Miếu môn” (Cổng Văn Miếu). Cổng được xây dựng vào thế kỷ 19.

    Hai cánh cửa bằng gỗ lim và cửa hình bán nguyệt chạm nổi hình đuôi rồng chầu mặt nguyệt và hai cửa nhỏ bên trái và phải dẫn lên tầng hai. Hai bên Chính môn là Tả môn và Hữu môn có quy mô nhỏ và thấp hơn, cũng có hai tầng mái giả uốn cong. Các thành phần kiến trúc sắp xếp hài hòa, cân xứng tạo nên dáng vẻ uy nghi, bề thế của cổng chính dẫn vào khu Nhập đạo.

    Trước đây, thường dân và Nho sinh đến Văn Miếu đều đi qua Tả môn và Hữu môn. Chính môn chỉ mở vào những dịp trọng đại và dành cho vua quan đi qua.

 

Đôi rồng đá thời Lê

    Trên tường, cửa, lan can, hay trên mái đều được trang trí tỉ mỉ. Mặt trước cổng có trang trí hoa văn chữ Thọ được tạo tác tinh xảo, đường nét vuông vắn, cân xứng, trang nghiêm. Hai bên có hai bức phù điêu: bức “Cá chép hóa rồng” tượng trưng cho sự phấn đấu, thành đạt trong học tập của các Nho sĩ và bức “Mãnh hổ hạ sơn” tượng trưng cho sức mạnh và khí phách của người trí thức xuất thân ra giúp đời.

 

Bức phù điêu: “Cá chép hóa rồng”

 

    Mặt trước và mặt sau cổng có đôi rồng đá cách điệu thời Lê và thời Nguyễn ngự hai bên lối đi chính là những tác phẩm điêu khắc tinh xảo.

    Trên cổng đắp nổi các câu đối về vai trò của giáo dục nơi đây, trong đó có câu:

Sĩ phu báo đáp vị hà tai triều đình tuyển tựu tri ân, quốc gia sùng thượng chi ý

Thế đạo duy trì thị thử nhĩ, lễ nhạc y quan sở tụy, thanh danh văn vật sở đô”.

Nghĩa là:

Bậc sĩ phu phải báo đáp như thế nào đây đối với ơn tuyển chọn của triều đình, với ý tôn sùng của nhà nước.

Thế đạo được duy trì nhờ nhìn vào đây, nơi hội tụ của lễ nhạc y quan, nơi thanh danh văn vật trở nên rạng rỡ.

 

                                                                                                                                                                                                    LH


CÂY ĐA VĂN MIẾU

          Đứng sừng sững cuối con đường lát gạch dẫn từ sân Đại Thành vào khu Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một cây đa cổ thụ đã gần 300 tuổi.

Cây đa cổ thụ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

          Thân cây mọc thẳng đứng, tán cân đối, cành lá xum xuê, rễ khí sinh buông xuống từng chum dài, che kín cả một góc vườn và mái đền. Cây đa Văn Miếu thuộc họ đa lông, búp và lá non có lông mịn, dày, màu hung, khi lá già, lông rụng hết, chỉ còn lại một màu xanh biếc. Cây thường ra hoa vào tháng 4 đến tháng 5, đậu quả từ tháng 5 đến tháng 8. Cụm hoa dạng sung mọc trên các cành có lá, quả phức có màu vàng da cam hoặc đỏ tía.

Cây đa cổ thụ tại góc sân Thái Học

Cây đa Văn Miếu qua tác phẩm kí họa của sinh viên tham dự cuộc thi Kí họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám

        Uy nghi, bền bỉ trước bão tố, cây đa Văn Miếu không chỉ biểu trưng cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai mà còn là Nhân chứng đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử thăng trầm của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong hơn 3 thế kỷ qua.

        Giờ đây, mỗi khi đến tham quan Văn Miếu, du khách trong nước và quốc tế lại say sưa chụp ảnh dưới bóng cây rợp mát. Giữa nắng hè chói chang, những tán cây xanh tốt, tỏa bóng làm cho bầu không khí thêm mát mẻ, khiến lòng người thêm thư thái, hòa đồng với thiên nhiên và tĩnh lặng “trở về” với những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông./.

An Nhiên


KHU NHẬP ĐẠO – KHÔNG GIAN XANH Ở DI TÍCH VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM

 

    Khu nội tự của Văn Miếu-Quốc Tử Giám tôn nghiêm được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bởi lớp tường gạch vồ và được chia thành năm lớp không gian, mỗi lớp đều được giới hạn bởi những bức tường gạch và có cửa thông sang nhau. Khu Nhập đạo là lớp không gian thứ nhất. Qua cổng Văn Miếu, du khách sẽ bước vào khu Nhập đạo. Nhập đạo với ý nghĩa tượng trưng quá trình bắt đầu học đạo Nho. Quan niệm xưa kia của cha ông ta là con người khi đi học thì đầu tiên phải học lễ nghi, đạo đức rồi mới đến kiến thức.

    Khu Nhập đạo là không gian cây xanh và thảm cỏ, hai bên có hai hồ nước, và ba con đường lát gạch Bát Tràng dẫn vào khu thứ hai. Bước vào khu Nhập đạo, như bước vào một thế giới khác không còn cảm thấy cái nóng oi bức của mùa hè. Du khách như được hòa mình vào không gian xanh mát của cây cối, thảm cỏ và hồ nước. Không gian tĩnh lặng,trong lành,  mặt hồ yên ả mang lại cho du khách cảm giác thư thái, bình an.

 

Chỉ cần bước qua cổng Văn Miếu, du khách sẽ được hòa mình vào không gian xanh dịu mát

 

Hồ nước trong khu Nhập đạo.

 

Thảm cỏ xanh mát trong khu Nhập đạo

 

Những cây Muỗm già, cây nhãn lâu năm xòe tán che đi cái nắng oi ả của mùa hè.

 

Những tia nắng len lỏi qua các tán cây đã không còn gay gắt

 

                                                                                                                                                                                                LH


KHUÊ VĂN CÁC – CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO

 

         Khuê Văn Các – Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc lịch sử - văn hoá, nghệ thuật bậc nhất của Thăng Long và cả nước. Xin giới thiệu đến quý vị một số hình ảnh về công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

AV


BỨC PHÙ ĐIÊU “MÃNH HỔ HẠ SƠN”

    Ngay tại cổng chính di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám,  phía bên trái có trang trí bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn”. Bức phù điêu thể hiện khung cảnh giữa núi rừng mây nước nổi bật hình ảnh một con hổ đang xuống núi với những đường chạm khắc tinh xảo tới từng chi tiết. Con hổ được khắc họa với dáng dấp hùng dũng tựa như các bậc thức giả tràn đầy khí thế bước vào đời giúp dân, giúp nước.

    Trong lịch sử trải từ triều Lý đến hết triều Lê, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn luôn là trung tâm giáo dục lớn nhất của cả nước. Trong hơn 700 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng ngàn trí thức, quan lại tài danh. Họ có nhiều đóng góp to lớn về mọi mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, giáo dục,… cho đất nước. Có thể kể đến như: Thám hoa Phan Kính - nhà ngoại giao lỗi lạc; Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Nghiễm- thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du; Tiến sĩ Nguyễn Tông Khuê (còn gọi là Tông Quai), sau khi về quê mở trường dạy học, đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước trong đó có nhà bác học Lê Quý Đôn; …

    Hiện nay, học sinh đến di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám không chỉ được tham quan bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” mà còn có cơ hội tham gia chủ đề giáo dục di sản với các hoạt động trải nghiệm thú vị tìm hiểu về bức phù điều này. Chương trình được xây dựng đặc biệt dành riêng cho học sinh mẫu giáo và tiểu học. Qua các hoạt động trải nghiệm khám phá tìm hiểu bức phù điêu, các bạn nhỏ được từng bước tiếp cận với  di sản, lịch sử, văn hóa dân tộc một cách hào hứng và hấp dẫn.

 

Các em học sinh đang được cán bộ giáo dục hướng dẫn quan sát tìm hiểu bức phù điêu Mãnh hổ hạ sơn tại cổng Văn Miếu.

 

Tranh tô màu “Mãnh hổ hạ sơn” dành cho các em học sinh.

Các bé thích thú khi thấy chú hổ trong tranh đang nói chuyện qua ứng dụng thực tại ảo trên ipad.

 

                                                                                                                                        LH


TRỐNG SẤM TẠI VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM

ÂM VANG TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG CỦA DÂN TỘC

 

         Năm 2000, màn múa Trống hội Thăng Long với sự tham gia của hơn ba trăm chiếc trống đã khơi dậy truyền thống hào hùng của dân tộc trong đại Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội. Ít ai biết rằng, Văn Miếu-Quốc Tử Giám được chọn là nơi khởi dựng trống hội. Ngày nay, chiếc Trống Sấm – chiếc trống chủ của Lễ hội, cũng là chiếc trống lớn nhất Việt Nam năm 2000, đang được lưu giữ tại Lầu trống, khu Thái Học, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám để tiếp tục cuộc hành trình lịch sử của mình.

 

Chiếc Trống Sấm cùng dàn trống trình diễn Hội trống Thăng Long trong Lễ Kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2000

tại quảng trường bên vườn hoa Diên Hồng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

(Ảnh chụp màn hình từ bộ phim tài liệu "Nét đẹp Việt Nam”, phần 2: Hà Nội, Lễ hội 990 năm Thăng Long-Hà Nội, đạo diễn Phạm Việt Thanh, hãng phim Phương Nam)

 

         Trong dàn hơn ba trăm chiếc trống hội Thăng Long, thì trống Sấm là chiếc trống lớn nhất. Cao 2,65m, mặt trống có đường kính 2,01m, thể tích 10m3, nặng khoảng 700kg, trống Sấm do các nghệ nhân thuộc dòng họ Phạm Chí, thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chế tác. Trống Sấm được các nghệ nhân chế tác trong suốt hơn ba tháng, thân trống gồm 50 thanh gỗ mít ghép lại, mỗi thanh có chiều rộng 17cm. Gỗ được lấy từ cây mít già gần 300 tuổi ở rừng Đắc Lắc. Theo kinh nghiệm làm trống đã hơn ngàn năm của người Đọi Tam thì tang trống phải được làm từ loại gỗ mít già, vừa nhẹ, vừa không bị ngót, không bị mối mọt và quan trọng nhất là giữ được “tiếng”.

 

          Từ xa xưa, ở Đọi Tam đã có câu ca “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”, nghĩa là: da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang trống thì rất tốt. Vì vậy, những người thợ trống ở làng Đọi Tam chỉ dùng da trâu già có độ bền, dẻo và dai để bưng mặt trống. Công đoạn căng da hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa khít, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang. Để có được chiếc trống Sấm với đường kính lớn như vậy, những người nghệ nhân đã lựa chọn da của hai con trâu già 15 năm tuổi, mỗi con nặng khoảng 600kg. Việc bưng mặt trống được tiến hành rất cẩn trọng, các nghệ nhân đều chọn ngày cát lành để tiến hành. Ngày 15 tháng 12 năm 1999 bưng mặt trống thứ nhất, ngày 20 tháng 12 năm 1999 bưng tiếp mặt trống thứ 2, đó là những ngày Thiên phúc, Thiên thành. Chiếc trống Sấm đã được hoàn thành trọn vẹn mang tâm niệm của những người nghệ nhân làm trống làng Đọi Tam “khi đánh lên tiếng trống sẽ rền vang như sấm dậy”.

 

          Từ ngàn xưa, tiếng trống đã song hành, gần gũi và gắn bó với đời sống người dân Việt. Đó là tiếng trống trận thúc giục, hào hùng trên sa trường chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Đó là tiếng trống của người giữ đê mang lại bình an cho dân lành mỗi mùa bão lũ. Đó là tiếng trống cầu mưa tưới tắm cho cây trồng mang lại mùa màng bội thu. Đó cũng là tiếng trống hội tươi vui hòa trong điệu hát, múa lân, múa rồng… trong những ngày hội làng, ngày hội của đất nước.

 

         Lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội là đại lễ lớn của Thủ đô cũng như của cả nước vào đúng năm 2000 – năm đầu tiên của thiên niên kỉ mới. Sau đại lễ, Ban Tổ chức đã quyết định lưu giữ Trống Sấm tại khu Thái Học, Văn Miêu-Quốc Tử Giám,  âm vang của tiếng trống Thăng Long sẽ vang mãi  tới  các thế hệ người Việt Nam.

 

          Hình ảnh chiếc trống Sấm tại khu Thái Học của di tích luôn nhận được sự quan tâm, yêu mến của du khách, đặc biệt là các đoàn chính khách của Đảng, chính phủ Việt Nam khi đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

 

Trống Sấm – Trống lớn nhất Việt Nam năm 2000, được đặt trang trọng tại khuôn viên Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

 

Tổng thống Cộng hòa Iceland, ông O’lafur Ragnar Grimsson bên chiếc Trống Sấm tại gác trống nhà Thái Học, trong chuyến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2015

 

 

Phó Tổng thống Bungarry, bà  Ma-ga-rit-ta Pô-pô-va được mời đánh ba tiếng trống danh dự  tại gác trống nhà Thái Học, trong chuyến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2015

 

 

Thủ tướng Đan Mạch, bà Helle Thorning-Schmidt  được mời đánh ba tiếng trống danh dự  tại gác trống nhà Thái Học, trong chuyến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2012

 

 

Thủ tướng Cộng hòa Vanuatu, ông Joe Natuman được mời đánh ba tiếng trống danh dự tại gác trống nhà Thái Học, trong chuyến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2014

 

 

Thủ tướng Cộng hòa Italia, ông Giuseppe Conte được mời đánh ba tiếng trống danh dự tại gác trống nhà Thái Học, trong chuyến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2019

 

 

Du khách đang lắng nghe Hương dẫn viên giới thiệu về lịch sử và ý nghĩa của chiếc trống Sấm tại Thái Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám

 

 

Lầu trống, trống Sấm cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của các sinh viên ngành hội họa

 (Ảnh: Tác  phẩm Lầu Trống, đạt giải nhì cuộc Thi Ký họa Văn Miếu năm 2021, tg: Vi Thị Nguyệt, trường ĐH Xây dựng, Hà Nội)


AV


KHU THÁI HỌC – GẠCH NỐI QUÁ KHỨ VỚI HIỆN TẠI

 

         Công trình Thái Học tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội. Được xây dựng trên nền cũ của Quốc Tử Giám xưa, công trình Thái Học ngày nay trở thành một địa chỉ văn hóa - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và cả nước. Công trình có ý nghĩa rất quan trọng, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.

 

(Ảnh: Khu Thái Học với kiến trúc chính là Tiền đường và Hậu đường)

 

         Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu từ năm 1070 để thờ Khổng Tử và cũng là nơi Hoàng Thái tử đến học. Năm 1076, Quốc Tử Giám được xây dựng phía sau của Văn Miếu. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Quốc Tử Giám dần phát triển đã trở thành trường quốc học  lớn nhất cả nước.

 

         Từ thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), Quốc Tử Giám sau khi mở mang còn được gọi là Thái Học viện gồm có: Giảng đường, nhà Minh Luân, kho chứa ván in sách. Hai bên đông tây khu Thái Học có 3 dãy nhà, mỗi dãy 25 gian đủ chỗ cho 300 Giám sinh trọ học. Đầu thế kỉ XX, nhà Nguyễn dời đô vào Huế, Quốc Tử Giám Thăng Long trở thành trường học của phủ Hoài Đức, sau đó  phá bỏ để lập điện Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử. Năm 1946, điện Khải Thánh bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh Đông Dương. Khi đó, nơi đây chỉ còn lại nền nhà, bốn nghiên mực đá và ngôi miếu nhỏ thờ Mẫu, dần trở nên hoang phế, cỏ dại mọc đầy. Quần thể di tích như bị khuyết thiếu, ngắt mạch lịch sử, để lại thật nhiều nuối tiếc cho hậu thế.

 

 

(Ảnh: nền cũ Quốc Tử Giám sau khi điện Khải Thánh bị phá)

 

         Hơn 5 thập kỷ đi qua, trong thời khắc Hà Nội chuẩn bị đón chào 990 năm Thăng Long- Hà Nội và bước vào thiên niên kỷ mới, thành phố Hà Nội đã quyết tâm tu bổ, tôn tạo và phát triển khu di tích xứng tầm với giá trị lịch sử văn hóa của nó. Có lẽ cùng bởi Văn Miếu-Quốc Tử Giám luôn là một phần không thể thiếu gắn bó với lịch sử văn hóa của Thăng Long-Hà Nội. Với mong muốn nối dài truyền thống và để di sản “sống” được trong xã hội hiện đại, nhiều cuộc hội họp khoa học của thành phố đã đưa ra các phương án: phục dựng ngôi trường xưa hay xây một công trình mới trên nền đất xưa này.

 

         Năm 1996, trong cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học cho “Dự án đầu tư Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội giai đoạn 1996-2000”, GS.KTS Hoàng Đạo Kính đã đưa ý kiến: “Vì  tư liệu lịch sử còn quá ít ỏi, không còn căn cứ vật chất đủ tin cậy để phục hồi lại khu Thái Học từng có. Khu Thái Học cần được làm mới để làm sống lại một phần hữu cơ của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Công trình mới sẽ có những công năng không hoàn toàn lập lại cái cũ, mà trong khuôn khổ văn hóa - giáo dục, là sự phát triển tự nhiên của một công trình văn hóa có tầm cỡ đặc biệt trong di sản văn hóa dân tộc”.

 

         Cuối cùng, thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng công trình Thái Học mới với mục đích tạo không gian cho những hoạt động văn hóa, giáo dục. Đơn vị được giao thiết kế và thi công là Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích trung ương nay là Viện Bảo tồn Di tích. Tổng chỉ huy thiết kế cho công trình Thái Học mới lúc đó là GS.KTS Hoàng Đạo Kính (nguyên Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích trung ương nay là Viện Bảo tồn Di tích).

 

         Sau 15 tháng thi công, công trình Thái Học đã được khánh thành vào tháng 12 năm 2000 với nhiều hạng mục: nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống trên tổng diện tích hơn sáu ngàn m2. Khu Thái Học được GS.KTS Hoàng Đạo Kính và đồng nghiệp chọn thiết kế theo phong cách truyền thống nhưng không cụ thể theo kiến trúc thời đại nào. Ông nói “chúng tôi không dùng hoa văn mà theo phong cách kiến trúc dân tộc về phong cách, về kiến trúc, về bố cục, về hình dạng. Đấy là công trình của thời ngày hôm nay cho nên sơn son thếp vàng là không phù hợp, đặc biệt nó sẽ làm giảm giá trị của kiến trúc ở sân thứ 4 (khu Đại Thành). Các cấu trúc gỗ của kiến trúc sân thứ 5 rất đẹp, làm rất cẩn thận, làm rất là tốt và nên giữ mộc”.

 

        Đến nay công trình Thái Học đã hơn hai mươi năm, màu thời gian đã nhuốm lên màu ngói, màu gỗ. Một công trình mới được xây dựng nhưng đã tiếp nối được mạch nguồn truyền thống, trở thành địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục có ý nghĩa đối với Thủ đô và cả nước.

 

                           Không gian thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An

(Ảnh: Các em học sinh, sinh viên đang tìm hiểu về thân thế sự nghiệp Thầy giáo Chu Văn An)

 

 

(Ảnh: Lễ Kỉ niệm 650 năm ngày mất danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An tại sân Thái Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, năm 2020)

 

Không gian “Trưng bày và giới thiệu tư liệu, hiện vật về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về nền giáo dục Nho học Việt Nam thời quân chủ” là một trong những nơi tìm hiểu về Di sản truyền thống của học sinh trong các chương trình Giáo dục di sản.

 

Khu Thái Học - nơi thường xuyên diễn ra những hoạt động văn hóa, giáo dục của thủ đô Hà Nội và cả nước.

(Ảnh: Lễ Tuyên dương Thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm 2019)

 

 

Ảnh: Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 31 năm 2019 được tổ chức tại sân Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

 

(Ảnh: Lễ trao học bổng của bang Hesen (CHLB Đức) cho sinh viên Việt Nam xuất sắc năm học 2019-2020 được tổ chức tại Tiền đường, nhà Thái Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám)

 

(Ảnh: Các em học sinh cuối khóa chụp ảnh tốt nghiệp tại khu Thái Học)

 

 

Sân Thái Học - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào các ngày lễ tết của Thủ đô Hà Nội

Nơi diễn ra những hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế

(Ảnh: Du khách quốc tế tham gia trò chơi kéo co Hàn Quốc, năm 2018)

AV


CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT KHUÊ VĂN CÁC 

     Có lẽ du khách nào đến tham quan di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng đều nhận ra ngay công trình kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các, biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

     Các bạn có thấy góc chụp ảnh này quen thuộc không? Khi di tích mở cửa, đây là góc chụp ảnh được ưa thích nhất đối với nhiều du khách, nhất là với các bạn học sinh, sinh viên.


DÃY TƯỜNG GẠCH VỒ

BAO QUANH DI TÍCH VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

 

         Dãy tường gạch vồ bao quanh khu nội tự di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Cùng với quá trình đô thị hóa từ thời Pháp thuộc, tổng thể Di tích đã thay đổi nhiều: Hồ Văn bị ngăn cách khỏi di tích bởi đường Quốc Tử Giám, một phần nền cũ của trường Quốc Tử Giám sử dụng làm đường (phố Nguyễn Thái Học hiện nay)... Đến đầu những năm 1990, Di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, dãy tường gạch vồ, chân sụt lún, nhiều chỗ đổ nghiêng, mặt tường rạn nứt từng khoảng rộng... Năm 1995, trong khuôn khổ của Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, toàn bộ những bức tường này đã được tu bổ lại với chiều cao thống nhất là 1,98m.

 

         Ngày nay, những bức tường gạch vồ bao quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn thâm trầm nằm đó, ngăn cách Di tích với phố xá ồn ào, ngăn cách từng lớp không gian Di tích như dẫn dắt du khách bước vào thăm lại từng chặng đường phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám theo những thăng trầm của lịch sử dân tộc.

 

Bức tường gạch vổ nổi bật trên nền xanh của cây cối

 

Dãy tường gạch vồ ngăn cách vườn Giám với khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

Bức tường gạch vồ ngăn cách khu Thành Đạt với khu vườn bia Tiến sĩ trong di tích

 

Hoa Thiên điểu nở bên tường gạch vồ trong khuôn viên di tích

 

Dãy tường gạch cổ kính nhìn từ khu Vườn Giám

AV


KHUÊ VĂN CÁC – BIỂU TƯỢNG CỦA THỦ ĐÔ NGÀN NĂM VĂN HIẾN

Khuê Văn Các là một công trình kiến trúc thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ năm 1999 , Khuê Văn Các đã được Thành phố Hà Nội chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô.

Khuê Văn Các – Biểu trưng của nền văn hóa, giáo dục Việt Nam

Khuê Văn Các nằm trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, Khuê Văn Các cũng là hình ảnh đặc trưng nhất, in đậm trong tâm trí người Việt nhất mỗi khi nhắc đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội là trân trọng và phát huy truyền thống văn hiến, tinh thần hiếu học của người Việt Nam, thể hiện tầm nhìn về giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Khuê Văn Các - Phong cách kiến trúc đặc trưng của văn hóa Việt Nam

Gác Khuê Văn thể hiện sự khiêm cung, có kiến trúc đối xứng, giản dị và tao nhã với hai tầng tám mái. Tầng gác bên trên có kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can gỗ con tiện. Mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, thanh thoát và vững chắc. Khuê Văn Các có bốn mặt, mỗi mặt đều có một cửa tròn với những thanh gỗ nhỏ chống tỏa ra bốn phía. Cửa sổ hình tròn cùng những thanh gỗ chống con tiện này tượng trưng cho sao Khuê đang tỏa sáng. Mặt chính diện, phía trên sát mái có treo một biển đề ba chữ “Khuê Văn Các” được sơn son thếp vàng. Trên công trình này có chạm khắc những vế đối hay ca ngợi nền văn hoá Việt Nam và Gác Khuê Văn như: “Đất nước thái bình thịnh trị nhờ văn hoá được coi trọng” hay “Sao Khuê chiếu sáng trên bầu trời, nền nhân văn rạng rỡ khắp nơi”. Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, nhỏ nhắn và đơn giản. Đây là kiểu kiến trúc rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Trở thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội

Năm 1999, tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc công nhận Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm biểu tượng của thành phố Hà Nội. Vào ngày 21/12/2012, Luật Thủ đô được thông qua trong kì họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục được chọn làm biểu tượng của Thủ đô .

Kể từ khi Khuê Văn Các được công nhận là biểu tượng của Hà Nội, biểu trưng Khuê Văn Các đã trở thành hình ảnh thân thuộc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trương Thanh Vũ


PHÙ ĐIÊU HUẤN TỬ - PHƯƠNG PHÁP DẠY CON CỦA NGƯỜI XƯA

 

         Ngay khi bước chân đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nếu để ý bạn sẽ thấy trên hai cột giữa của Tứ trụ cả bốn mặt đều có trang trí các bức phù điêu linh vật như Long, Li, Quy, Phượng. Một điều đặc biệt, trong mỗi bức phù điêu, các linh vật đều được chạm khắc theo cặp, một con to và một con nhỏ. Dạng thức đồ án này được gọi là đồ án Huấn tử.

 

 

Các bức phù điêu “Huấn tử” được thể hiện trên hai trụ giữa của tứ trụ trước cổng Văn Miếu

 

 

         Các bức phù điêu Huấn tử trên Tứ trụ gồm: : Lão long huấn tử, Kì lân huấn tử, Lão quy huấn tử, Phượng hoàng huấn tử. Các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng nghệ thuật đắp vữa thể hiện các tích “ Lão long huấn tử”- rồng già dạy con, “Kỳ lân huấn tử”- kỳ lân cha dạy con, “Lão quy huấn tử”- cụ rùa dạy con, “Phượng hoàng huấn tử” - phượng hoàng cha dạy con.  Đồ án thể hiện hình ảnh một con lớn hơn được chạm khắc công phu, rõ nét từng chi tiết ở trên cao quay đầu xuồng như đang nói chuyện với con nhỏ phía dưới rất non nớt, chưa trưởng thành. Người nghệ nhân đã tạo tác rõ nét từng đặc điểm trên cơ thể mỗi linh vật, thể hiện sự truyền dạy nghiêm khắc mà tràn đầy yêu thương của cha đối với con qua những động tác vờn múa hay bay lượn uyển chuyển, tinh tế.

 

         Đồ án “Huấn tử” với ý nhắc nhở mọi gia đình luôn chăm lo đến đến sự học hành của con cháu đã cho thấy quan điểm của người xưa rất coi trọng vai trò giáo dục trong gia đình. Giáo dục trong gia đình là gốc rễ của của sự hưng thịnh quốc gia.

 

         Sách xưa đã dạy:

         “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đạo”

          (“Nuôi con mà không dạy, đó là lỗi của bậc cha mẹ

          Dạy dỗ mà không nghiêm, đó là sự lười biếng của người thầy”)

 

         Văn Miếu – Quốc tử Giám - Trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, nơi tôn vinh những giá trị về giáo dục của dân tộc Việt Nam. Đồ án Huấn tử xuất hiện ngay từ lối vào đã thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện của người xưa: giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội. Chân lý ấy vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

 

(Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu của TS. Trần Hậu Yến Thế)

 

(Ảnh: phù điêu “Lão long huấn tử” – Rồng già dạy con

Trang trí trên trụ giữa của Tứ trụ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám)

 

 

(Ảnh: Phù điêu “Kì lân huấn tử” – Kì lân cha dạy con

Trang trí trên hai trụ giữa của Tú Trụ, Băn Miếu - Quốc Tử Giám)

 

(Ảnh: Phù điêu "Lão quy huấn tử" - Rùa già dạy con 

Trang trí trên hai trụ giữa của Tứ Trụ, văn Miếu – Quốc Tử Giám)

 

 

(Ảnh: Phù điêu “Phượng hoàng huấn tử” – Phượng hoàng cha dạy con

Trang trí trên hai trụ giữa của Tứ trụ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

AV


VƯỜN GIÁM

    Không gian xanh hình tứ giác nằm ở phía Tây của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám dọc theo phố Tôn Đức Thắng là Vườn Giám. Xưa khu vườn có diện tích rộng 7.937 m2.

    Dưới thời Pháp thuộc, ngay từ năm 1888, do sự phân chia địa giới hành chính, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thuộc địa phận Hà Nội. Đến năm 1893, người Pháp cho mở rộng và quy hoạch lại các khu phố phía Tây, xung quanh Văn Miếu có nhiều con đường mới được mở rộng ra, diện mạo và cảnh quan của khu di tích bị thay đổi. Trong quá trình người Pháp cho quy hoạch và xây dựng lại Hà Nội (1888 – 1940), Vườn Giám đã bị chia cắt khỏi Văn Miếu.

 

Nhà bát giác

    Ngày 26/1/1899, ông Nguyễn Trọng Hợp – người đứng đầu Hội đồng quản lý Văn Miếu đã viết thư gửi Thị trưởng Hà Nội xin nhập các lô đất xung quanh Văn Miếu theo quy định đường mới vào di tích. Đề nghị đó được Công sứ Toàn quyền chấp thuận. Ngày 7/4/1899 Công sứ toàn quyền Pháp tại Bắc Kỳ ra quyết định nhập lô đất thuộc bản đồ DCME (tức Vườn Giám hiện nay) vào địa phận Văn Miếu. Với quyết định tiếp theo ngày 29/4/1889 của Đốc lý thành phố Hà Nội, Văn Miếu được phép cho thuê phần đất đó để lấy tiền phục vụ cho việc thờ cúng.

    Trên thực tế từ năm 1899 đến 1941, vườn Giám do Thành phố Hà Nội quản lý, cho thuê và sử dụng. Mãi đến đầu năm 1941, vườn Giám mới chính thức được trả lại cho Hội đồng Văn Miếu.

 

Vườn Giám đầu thế kỷ XX

 

    Trước đây do bị chiếm đóng nên vườn Giám có rất nhiều đường hào, hố sâu, xung quanh nhiều nhà tranh lụp xụp mọc lên, cảnh quan rất lộn xộn. Để bảo vệ vườn Giám, tháng 12/1940, Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định đã thay mặt các Nhà Nho Hà Đông gửi công văn đề nghị Thành phố Hà Nội cho cấp kinh phí cải tạo vườn Giám thành một công viên nhỏ không có tường bao quanh, trong trồng các hàng nhãn cách nhau 12m, giữa trồng thảm cỏ. Tuy nhiên, đề nghị trên đã không được chấp thuận. Văn Miếu được phép quản lý và cải tạo khu vườn Giám nhưng Hội đồng quản lý Văn Miếu phải trích quỹ ra để chi trả mọi kinh phí tu bổ. Có một khoảng thời gian dài, một phần Vườn Giám bị sử dụng làm chợ. Cổng chợ đề chữ : Chợ Giám. Trong chợ là những lều quán dựng bằng cột gỗ, trên lợp mái tôn và không xây tường chung quanh.

    Vườn Giám đã chính thức được bàn giao lại cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào tháng 8/2002.

    Ngày nay, Vườn Giám đã trở thành một phần không thể thiếu của khu di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Vườn Giám với nhiều cây xanh, thảm cỏ, nhà Bát giác, không gian trong lành, thoáng đãng góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, làm đẹp thêm cho khu di tích lịch sử gần nghìn năm tuổi.        

                                                                                                                                                                      Thúy Hồng         


GIẾNG THIÊN QUANG

 

         Giếng “Thiên Quang”, hay còn gọi là “Thiên Quang Tỉnh” nằm chính giữa khu vườn bia Tiến sĩ. Giếng Thiên Quang hình vuông mỗi cạnh 30m, lan can trang trí gạch men xanh. Nước giếng quanh năm tràn đầy, như tấm gương phản chiếu bầu trời. Giếng mang tên “Thiên Quang” có ý nghĩa là “Ánh sáng trời”.

 

          Về mặt kiến trúc cảnh quan, giếng Thiên Quang như được ứng đối với công trình kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các phía trên, hai bên giếng là tám dãy nhà bia Tiến sĩ. Dáng hình Khuê Văn Các kết hợp với dãy nhà bia cùng vườn cây cổ thụ xung quanh soi bóng xuống mặt nước trong xanh và tĩnh lặng tạo nên một khung cảnh hữu tình, đa sắc rất ấn tượng với những giá trị tinh thần sâu đậm. Nơi đây đã trở thành một trong những điểm check in độc đáo của du khách khi đến thăm quan di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Chúng ta cùng ngắm không gian xanh mát của giếng Thiên Quang trong khu vườn bia Tiến sĩ nhé!

 

Giếng Thiên Quang quanh năm phản chiếu hình ảnh Khuê Văn Các lung linh

 

Giếng Thiên Quang và cổng Đại Thành

 

Một góc giếng Thiên Quang và dãy bia Tiến sĩ bên tây

 

Các bạn nhỏ thích thú ngắm đàn cá vàng bơi lội tung tăng trong lòng giếng

 

Các em học sinh chụp ảnh kỉ niệm bên giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các

 

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên giếng Thiên Quang và Khuê Văn Các

AV


CỔNG ĐẠI TRUNG

Từ cổng chính Văn Miếu, có ba con đường: con đường lát gạch chính giữa dẫn đến cổng Đại Trung và hai con đường nhỏ hai bên dẫn đến hai cổng nhỏ là Thành Đức và Đạt Tài.

 

Cổng Đại Trung mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Công trình được thiết kế ba gian không có cửa. Nền cổng được lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá, ba bậc lên xuống, tạo cảm giác tôn nghiêm bề thế. Phần mái được lợp ngói mũi hài. Hai bên cổng có hai hàng cột chạy dọc từ trước ra sau, ở giữa có hàng cột để chống nóc. Trên nóc có đắp nổi hai con cá chép chầu vào bình móc. Hình tượng cá chép gợi nhớ đến điển tích “Cá chép vượt vũ môn”, biểu trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ chinh phục tri thức để đi tới thành công. Người học trò khi xưa hay ngày nay cũng vậy, muốn học hành thành tài đều phải chuyên cần và nỗ lực. Tên hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài mang ý nghĩa đào tạo những con người vừa có đức, vừa có tài, giúp ích cho xã hội.


KHU NHẬP ĐẠO

Nhập Đạo là khu thứ nhất của phần Nội tự . Bài học đầu tiên mà các Nho sinh phải học là đạo làm người, sau đó mới học tri thức với mục đích là để trở thành người vừa có đức vừa có tài.

Đây là hạng mục kiến trúc mới được bổ sung vào thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn (1802-1945). Khu vườn được thiết kế đối xứng theo một trục dọc trung tâm tương tự như bốn khu vực khác của Nội tự. Chính giữa khu Nhập Đạo là đường Hoàng đạo (đường xưa chỉ dành cho vua, quan), hai bên là hai đường Linh đạo (đường dành cho dân thường và học trò) cùng hai hồ nước và nhiều cây xanh tạo cho khu vườn một diện mạo khang trang, tươi mát.

 

Cuối khu Nhập Đạo có ba cổng dẫn vào khu thứ hai của di tích. Tên của mỗi cổng đều mang ý nghĩa biểu trưng cho trí tuệ. Cổng lớn chính giữa là Đại Trung, bên trái là cổng Thành Đức (Đạo đức tốt) và bên phải là cổng Đạt Tài (Tài năng giỏi).


CỔNG VĂN MIẾU

Cổng lớn của Văn Miếu được xây vào đầu thế kỷ XX. Cổng xây bằng gạch theo kiến trúc dạng tam quan hai tầng, tám mái. Cửa giữa to cao, tầng trên đề ba chữ “Văn Miếu Môn” (Cổng Văn Miếu). Hai cánh cổng bằng gỗ lim mở vào trong, phía trên trang trí chạm nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.

(Cổng lớn Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám)

(Rồng đá thời Lê trước cổng Văn Miếu-Quốc Tử Giám)

Phía trước cổng là đôi rồng đá cách điệu thời Lê, bên trong là đôi rồng đá thời Nguyễn. Hai mặt cổng đều đắp nổi các câu đối chữ Hán. Hai bên cổng có hai bức phù điêu: bức “Cá chép hoá rồng” tượng trưng cho sự phấn đấu, thành đạt trong học tập của Nho sĩ, và bức “Mãnh hổ hạ sơn” biểu tượng cho sức mạnh và khí phách của người trí thức xuất thân ra giúp đời.


BIA “HẠ MÔ Ở VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ “Hạ mã”, có nghĩa là xuống ngựa.
Bia do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Bia được đặt trong nhà che bia, bên dưới là bệ, kiến trúc nhỏ nhắn và vuông vắn rất hài hòa với toàn bộ không gian xung quanh. Xưa kia, bia “ Hạ mã” cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Bia “Hạ mã” được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền.

(Bia Hạ mã hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ.

 


HỒ VĂN - DI TÍCH VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Một trong những nguyên tắc cơ bản của thiết kế cảnh quan môi trường trong kiến trúc truyền thống của người Việt Nam là sự hài hoà giữa yếu tố nước (âm) và các công trình xây dựng (dương), nên trước Văn Miếu luôn có hồ nước tên gọi là Hồ Văn. Xưa kia, Hồ Văn không bị tách rời với Văn Miếu bởi một con đường tấp nập xe cộ như bây giờ, và cũng có diện tích rất rộng, giữa hồ còn có đảo Kim Châu. Đến thời Nguyễn, Văn Hồ Đình (đình Hồ Văn) được dựng lên làm nơi sinh hoạt văn chương. Các văn nhân thường tụ họp để bình văn, bình thơ tại Đình này.

(Hồ Văn nhìn từ trên cao)

(Hội Chữ xuân tổ chức tại Hồ Văn dịp đầu xuân)
Năm 1883, nhà Nguyễn cho tu bổ, tôn tạo Hồ Văn và khu vực xung quanh hồ. Sau đó, Hồ Văn do chính quyền thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý. Đến năm 1940, hồ được trả lại cho Văn Miếu. Sau này, hồ bị thu hẹp do cây cối và bụi rậm mọc um tùm, cửa hàng, nhà ở lấn chiếm. Từ năm 1990, những toà nhà mới mọc lên và vườn ươm cây đã gần như che kín Hồ Văn.

(Trẻ em tham gia các chương trình trải nghiệm, học tập được tổ chức tại Hồ Văn)
Do tầm quan trọng của Hồ Văn, năm 1998, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tiến hành tu bổ, tôn tạo khu vực này. Hiện nay, Hồ Văn mở cửa cho công chúng tham quan và làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu vực cổng chính Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa như: Hội chữ Xuân, Triển lãm thư pháp, Ngày thơ ...

 


KHU THÁI HỌC

 

Khu Thái Học hiện nay được xây dựng vào năm 2000 trên nền cũ của Quốc Tử Giám xưa. Đó là những công trình với công năng mới được thiết kế theo dạng kiến trúc truyền thống, gồm có Nhà Tiền Đường và Nhà Hậu Đường, Tả vu, Hữu vu, nhà Chuông, nhà Trống, cổng phía Đông và cổng phía Tây.

 

Cổng Thái Học

 

Nhà Tiền đường là nơi tổ chức lễ kỷ niệm danh nhân, hội thảo khoa học, triển lãm và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nhà Hậu đường gồm 2 tầng: Tầng dưới đặt tượng thờ thầy giáo Chu Văn An là Tư nghiệp Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng) và trưng bày về "Lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám và chế độ học hành thi cử Việt Nam".

 

Nhà Tiền Đường

 

Tầng 2 nhà Hậu đường là nơi thờ 3 vị vua có công sáng lập Văn Miếu-Quốc Tử Giám và đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục Nho học Việt Nam: Vua Lý Thánh Tông (1023-1072), Vua Lý Nhân Tông (1066-1128), Vua Lê Thánh Tông (1442-1497).

 

Góc bên Đông nhà Hậu đường và lầu trống


KHU ĐIỆN ĐẠI THÀNH

 

Lớp không gian thứ tư là khu điện Đại Thành. Chính giữa có sân Đại Bái. Hai dãy nhà phía Đông và phía Tây chạy dọc theo hai bên sân. Toà nhà phía trước là Bái Đường, nơi xưa kia diễn ra lễ tế Khổng Tử. Phía sau Bái Đường là Điện Đại Thành.

Sân Đại Bái và nhà Đại Bái

Tòa Bái Đường có bậc thềm đá, nền lát gạch, chia thành 9 gian với cột bằng gỗ lim chống mái. Mái lợp ngói mũi hài, trên nóc có trang trí hình “lưỡng long chầu nhật nguyệt”. Hai bên gian đầu hồi mặt trước và mặt sau là cửa sổ gỗ chấn song con tiện, phía dưới là bức phù điêu gỗ thời Lê sơ khắc hình rồng mây đao.

Rồng trang trí trên nóc mái điện Đại Thành

Điện Đại Thành chạy song song với nhà Bái Đường, nối với nhau bởi một tiểu đình. Điện Đại Thành gồm 9 gian, xây tường kín ba mặt. 7 gian chính giữa có cửa bức bàn đóng kín, 2 gian đầu hồi có cửa số chấn song con tiện cố định mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê. Hệ thống cột trống mái đều được sơn son thếp vàng. Mái lợp ngói mũi hài, nóc mái cũng trang trí đôi rồng chầu nhật nguyệt.

Điện Đại Thành là nơi thờ Khổng tử, Tứ phối và Thập triết. Gian chính giữa là tượng đức Khổng Tử, mặt nhìn về hướng Nam, phía sau là khám thờ trên có bài vị.


CỔNG ĐẠI THÀNH

 

Cổng Đại Thành mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (TK 15-17). Công trình bằng gỗ ba gian. Mái lợp ngói mũi hài. Rồng được trang trí trên cánh cổng theo chủ đề “Long vân khánh hội” – thể hiện sự phồn thịnh của đất nước đối với đạo học nước nhà. Dưới chân cổng Đại Thành có 6 con Nghê cối cửa được tạo tác tinh tế với chất liệu bằng gỗ và đá.

Hai bên cổng Đại Thành có hai cổng nhỏ Kim Thanh (tiếng chuông vàng) và Ngọc Chấn (tiếng khánh ngọc) dẫn vào phía sau hai dãy nhà Đông Vu và Tây Vu.

 


KHU VƯỜN BIA TIẾN SĨ VÀ GIẾNG THIÊN QUANG

 

Vườn bia Tiến sĩ là hạng mục đặc biệt quan trọng trong Khu di tích. Chính giữa khu vườn bia là một giếng vuông được gọi là “Thiên Quang Tỉnh”. Chiếc Giếng cổ hình vuông 30m×30m, có lan can gạch xây bao quanh, hai phía Đông, Tây có bậc thang gạch đi xuồng, quanh năm nước đầy, mặt nước xanh trong phẳng lặng.

 

Giếng Thiên Quang và cổng Đại Thành 

Hai bên giếng về phía Đông và Tây là các dãy bia Tiến sĩ. Những tấm bia đá đầu tiên được khởi dựng năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập cho đương thời và hậu thế. Nay còn lại 82 tấm bia, trên bia khắc họ tên, quê quán của 1.304 Tiến sĩ đỗ đạt trong 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.

Khu vườn bia TS bên Đông

 

Khu vườn bia TS bên Tây

Năm 1994, các dãy nhà che bia được xây dựng để bảo vệ bia Tiến sĩ. 8 dãy nhà che bia có kích thước nhỏ, hài hòa với hai tòa đình bia ở giữa. Hệ thống cột chống mái bằng gỗ, mái lợp ngói mũi hài truyền thống. Sự bổ sung của tám dãy nhà che bia còn khiến lớp không gian thứ ba trở thành quần thể kiến trúc hoàn chỉnh và gắn bó với nhau.


KHU THÀNH ĐẠT VÀ KHUÊ VĂN CÁC

 

Lớp không gian thứ hai là khu Thành Đạt. Khu này cũng có ba con đường dẫn vào bên trong. Con đường chính giữa nối cổng Đại Trung với Khuê Văn Các. Hai đường nhỏ hai bên lần lượt dẫn vào các cổng Bí Văn (văn chương trau chuốt, sáng sủa) và cổng Súc Văn (văn chương hàm ý và súc tích).

 

 

Năm 1805, Tổng trấn Bắc Thành là ông Nguyễn Văn Thành đã cho xây Khuê Văn Các ở Văn Miếu Hà Nội. Khuê Văn Các có kiến trúc đối xứng, giản dị và tao nhã. Bệ chân cột hình vuông, cửa sổ hình tròn. Mái có 2 tầng, lợp ngói ống. Trên gác treo biển sơn son thiếp vàng đề 3 chữ Hán là “Khuê Văn Các”, có nghĩa là “gác Khuê Văn”. “Khuê” là tên chòm sao sáng nhất trong 28 chòm sao. Chòm sao Khuê có 16 ngôi, sắp xếp giống như hình chữ Văn (文). Người xưa quan niệm sao Khuê là sao chủ của văn chương. Khuê Văn Các là biểu trưng cho nền văn hiến của Việt Nam.  Năm 2012, Khuê Văn Các đã được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

 

 


KHU TIỀN ÁN

 

 

Khu Tiền án là khoảng không gian mở rộng phía trước tạo dáng vẻ bề thế, uy nghiêm cho Văn Miếu, được bắt đầu bằng Tứ trụ (bốn cột trụ lớn) và hai bia Hạ mã (xuống ngựa) hai bên.

Tứ trụ xây bằng gạch, hai trụ giữa cao hơn, trên đỉnh có hình hai con nghê chầu vào. Hai trụ ngoài đắp nổi bốn con chim phượng xoè cánh chắp đuôi vào nhau rất đẹp.

Bia  “Hạ mã” (xuồng ngựa) để nhắc nhở ai đi qua đây, dù là bậc công khanh (quan lại) hay dân thường đều phải xuống ngựa để biểu thị sự tôn kính.


HỒ VĂN VÀ VƯỜN GIÁM

 

 

Mt trong nhng đặc đim kiến trúc truyn  thng ca Vit Nam đó là môi trường hài hoà ca cây ci, nước và nhà ca. Miếu, đình và chùa thường ch cao mt tng, n dưới bóng cây ci và có h nước phía trước cng. Văn Miếu - Quc T Giám cũng mang đậm yếu t đặc trưng y. Trước cng Văn Miếu có mt h ln gi là h Văn; các ngôi nhà được bao bc bi vườn cây lâu niên gi là vườn Giám.

H Văn có din tích 12.297m2 , gia h có đảo Kim Châu, trên gò dng Phán Thy đường là nơi din ra các bui bình thơ văn ca nho sĩ kinh thành xưa. Nhà Phán Thy nay không còn. H Văn ngày nay cũng được quy hoch đẹp đẽ, khang trang hơn.

Cùng vi h Văn, khu vc phía tây Văn Miếu là vườn Giám. Khu vườn Giám đã được tu b nhiu hng mc ln: xây tường rào, trng cây xanh, thm c, vườn hoa, đường do, …


KIẾN TRÚC VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng vào cuối thế kỷ XI ở phía Nam Kinh thành Thăng Long. Di tích này là một quần thể gồm có Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới triều Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, dưới triều vua Lý Nhân Tông, Quốc Tử Giám được khởi lập phía sau Văn Miếu. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử,  hiện di tích gần nghìn năm tuổi này vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ của thời Lê và thời Nguyễn.

Quần thể di tích hiện nay nằm trên diện tích là 54.331m2 gồm khu nội tự và ngoại tự. Khu ngoại tự gồm hồ Văn và vườn Giám. Khu nội tự chia thành 5 lớp không gian được bao bọc bởi những bức tường gạch vồ. Mỗi lớp không gian ngăn cách nhau bởi 3 chiếc cổng; cổng lớn ở chính giữa, hai cổng nhỏ ở hai bên.

 



CÁC TIỆN ÍCH


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm