CÙNG NHÌN LẠI TRIỂN LÃM “VẼ CON RỒNG” TẠI DI TÍCH VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Triển lãm “Vẽ Con Rồng” đang diễn ra tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trưng bày 80 tác phẩm tranh minh họa nổi bật nhất của hơn 75 họa sĩ trẻ. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, sắc thái thú vị riêng về linh vật “Rồng” của năm mới 2024.
Trong tâm thức của người Việt, rồng là một trong “tứ linh” vô cùng linh thiêng, cao quý. Rồng còn biểu trưng cho quyền lực, sự sinh sôi, và phát triển… nhưng tại triển lãm này, hình ảnh con rồng trở nên rất gần gũi, dung dị, và đầy sức sống.
Đến với triển lãm, du khách thấy Rồng hóa thân thành các nhân vật trong hoạt hình, truyền thuyết, có khi rồng hóa thân thành các phương tiện giao thông như trong tác phẩm “Tàu đưa Tết về" của họa sĩ Chi Chi sẵn sàng đưa hành khách về quê ăn Tết. Rồng hóa thân thành cô gái như trong tác phẩm “Men lam Hồn rồng” của họa sĩ Nguyễn Trương Thái Hoàng, tác phẩm này lấy cảm hứng từ những bình trà gốm in hình rồng. Rồng có khi lại đại diện cho một ngành nghề như dệt lụa với tác phẩm "Rồng dệt" của họa sĩ Phúc Huy. "Rồng dệt" bắt nguồn từ những ký ức thời ấu thơ của họa sĩ, họa sĩ thường hay lấy khăn quấn đầu của bà để buộc lại thành thân con rồng rồi múa…
Có thể nói, rồng hóa thân vào các nhân vật trong cuộc sống hàng ngày, biến hóa gần gũi trong đời sống thường ngày. Linh vật Rồng trở nên độc đáo, ấn tượng qua góc nhìn mới mẻ của các họa sỹ trẻ, đem đến nhiều góc nhìn thú vị, vui vẻ cho du khách trước thềm Tết đến Xuân về.
Triển lãm tiếp tục kéo dài đến hết ngày 20/2/2024.
Nếu đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám dịp Tết này, đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng linh vật Rồng cũng như các tác phẩm trưng bày tại đây các bạn nhé.
Một số hình ảnh tại Triển lãm.
Tác phẩm “Tàu đưa Tết về" của họa sĩ Chi Chi
Tác phẩm “Men lam Hồn rồng” của họa sĩ Nguyễn Trương Thái Hoàng
Tác phẩm "Rồng dệt" của họa sĩ Phúc Huy
Du khách nước ngoài chụp ảnh với tác phẩm “Mẹ con Thanh Long” của tác giả Trần Lê Thuần
Thúy Hồng