CÁC HOẠT ĐỘNG

LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ 648 NĂM NGÀY MẤT CỦA THẦY GIÁO CHU VĂN AN

Nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Thầy giáo Chu Văn An, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”; Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ Trung tâm trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học đã tổ chức buổi Lễ dâng hương để tưởng nhớ 648 năm ngày mất của người thầy giáo tài cao, đức trọng, tiêu biểu trong những nhà Nho của nước Việt ta. Buổi lễ dâng hương đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính với sự tham dự của Ban Giám đốc gồm cùng các nhân viên tại Trung tâm. Chủ trì buổi lễ dâng hương có TS Lê Xuân Kiêu –Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

( Tượng thờ thầy giáo Chu Văn An tại nhà Hậu Đường khu Thái Học)

Thầy Chu Văn An (1292 - 1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn đỗ Thái học sinh triều Trần nhưng không ra làm quan mà trở về quê để mở trường dạy học.

Khi còn ở quê hương, Thầy mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, nằm ven sông Tô Lịch. Ngôi trường nổi tiếng khắp xa gần, học trò từ các nơi tìm về xin được thụ giáo. Nhiều học trò của Thầy đỗ đạt và thăng tiến trên bước đường quan trường, trong số đó, phải kể đến hai tên tuổi nổi danh là Phạm Sư Mạnh và Lê Quát. Đây là hai vị học quan có nhiều công lao đóng góp cho lịch sử nước nhà, đồng thời cũng là hai tác gia lớn được lưu danh trong lịch sử văn học Việt Nam.

Qua các nguồn tư liệu cho thấy, Thầy Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Những học trò cũ tuy đã làm quan đầu triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát nhưng khi về thăm thầy, đều giữ đạo của người học trò quỳ dưới chân giường để nghe thầy dạy bảo. Được thầy khuyên bảo, khen chê đều rất phấn khởi. Ngược lại, có những học trò làm quan to trong triều nhưng không giữ gìn được phẩm hạnh thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí đuổi ra không cho vào hầu.

Thầy Chu Văn An đã nổi danh từ những năm tháng mở trường dạy học ở quê nhà với “học trò đầy cửa”. Và cũng chính do tài năng, nhân cách, phương pháp đào tạo học trò mà Thầy đã được vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời đến Thăng Long giữ chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp và dạy học cho Thái tử Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này).

Trong thời gian giữ cương vị đứng đầu trường Quốc Tử Giám, Thầy đã có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện chương trình truyền dạy tư tưởng Nho giáo và đào tạo nhân tài cho đất nước, là một trong những vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc học nước nhà. Trải qua trên dưới 30 năm ở cương vị này, từ việc dạy dỗ các Thái tử đến những công việc viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí chọn người vào học, chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước, những cống hiến của  Chu Văn An với sự nghiệp giáo dục nước nhà quả thực to lớn, không ai sánh bằng, như Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Ông Văn Trinh học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng Nho ở nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không thể so sánh được”( Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb Giáo Dục, H. 2007, tr.365).

Thầy Chu Văn An được triều đình tin tưởng giao cho đảm nhận trọng trách dạy dỗ Thái tử Trần Vượng (Người sau này trở thành vua Trần Hiến Tông). Thầy còn dốc lòng phò giúp Thái tử Hạo nối ngôi, trở thành vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369). Tuy nhiên do Vua Trần Dụ Tông ngày càng trở nên sa đọa, bỏ bê việc triều chính,  khuyên can Vua không được, Thầy đã khẳng khái dâng “Thất trảm sớ” xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. Vua không nghe, Thầy liền trả mũ áo từ quan lui về ở ẩn, nêu tấm gương sáng về khí tiết cho muôn đời sau noi theo.

Có thể nói, Thầy Chu Văn An đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thầy không chỉ là người thầy đã thành công trong việc truyền đạt kiến thức để đào tạo môn sinh mà còn là người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc truyền đạt, giảng giải tri thức với việc giảng dạy đạo làm người, làm quan. Ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An qua đời ở núi Phượng Hoàng. Thầy được đã được truy tặng tước Công – tước phẩm cao nhất và được tòng tự ở Văn Miếu

Giám đốc Lê Xuân Kiêu cùng các cán bộ Trung tâm thắp hương tưởng nhớ Thầy Chu Văn An)

Tại buổi lễ, các nghi thức đã diễn ra 1 cách long trọng. Để bày tỏ lòng thành kính và sự biết ơn với thầy giáo Chu Văn An, những nén hương thơm đã được kính dâng lên thầy thay cho sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ và người lao động đang công tác tại Trung tâm.

(Thắp hương tưởng nhớ thầy Chu Văn An)

Trong không gian trầm lắng, linh thiêng của buổi lễ, được cộng hưởng cùng tiếng chuông, tiếng trống vang vọng, đã đem đến cho mọi người sự hồi tưởng và lòng biết ơn về người thầy giáo tài đức được mọi thế hệ luôn luôn kính trọng.

Buổi lễ dâng hương đã giúp lan tỏa lòng biết ơn sâu sắc giữa các thế hệ người Việt, hướng tới truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống  “ Tôn sư trọng đạo”.

 

CVT

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm