CUỘC THI VIẾT VÀ TRƯNG BÀY “DANH NGÔN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN THƯ PHÁP HÀN QUỐC”
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022), sáng ngày 27/10, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Viện Nguồn lực văn hoá Hàn Quốc phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết và trưng bày “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc”. Đây là hoạt động được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chọn là một trong những sự kiện chính trong Chương trình hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 2022.
Phát biểu khai mạc Cuộc thi, TS. Seung Yong Uhm (Viện trưởng Viện nguồn lực văn hóa Hàn Quốc) chia sẻ: “ Chúng tôi mong muốn truyền bá rộng rãi Tư tưởng Hồ Chí Minh, không chỉ tới nhân dân Hàn Quốc, mà còn tới cả các thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi cũng hy vọng sự kiện này sẽ tạo động lực giúp văn hóa Hàn Quốc ngày càng trở nên gần gũi và được nhân dân Việt Nam yêu mến”.
TS. Seung Yong Uhm (Viện trưởng Viện nguồn lực văn hóa Hàn Quốc) phát biểu khai mạc Cuộc thi
Đến tham dự Cuộc thi viết và trưng bày có sự hiện diện của PGS. TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ông Kim Dong Yi - Thị trưởng Thành phố Boryeong, Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, Ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa & Thể thao, TS. Seung Yong Uhm – Viện trưởng Viện nguồn lực văn hóa Hàn Quốc, TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các thí sinh tập trung hoàn thành bài dự thi
Cuộc thi viết và trưng bày “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” lấy cảm hứng từ Thạch Nghiên, một di sản văn hóa có giá trị của Thành phố Boryeong, một trong Văn phòng Tứ bảo, thể hiện nét văn hóa chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ban Tổ chức đã cố gắng tái hiện giá trị đó theo một cách sáng tạo, nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ, khi khai thác cách viết truyền thống – thư pháp để chia sẻ những giá trị và tinh túy của hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc: chữ Hàn Hangeul và Danh ngôn Hồ Chí Minh. Cuộc thi với sự tham gia của 101 thí sinh là những người yêu nghệ thuật thư pháp, sinh viên khoa tiếng Hàn đến từ các Trường Đại học của Việt Nam.
Ban Tổ chức trao Giải đặc biệt cho thí sinh Nguyễn Vũ Thúy Hằng
Ban Tổ chức trao Giải Vàng cho thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang và thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Ban Tổ chức trao Giải Bạc cho các thí sinh
Ban Tổ chức trao Giải Đồng cho các thí sinh
Chung cuộc, Ban Tổ chức đã trao giải cho 15 tác phẩm thư pháp xuất sắc nhất, gồm: 01 Giải đặc biệt, 02 Giải Vàng, 04 Giải Bạc và 08 Giải Đồng. Những tác phẩm xuất sắc này sẽ được chuyển thể thành tác phẩm thư pháp trên gỗ, khắc các dòng thư pháp trên các tấm gỗ, sau đó sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 28/11 đến 30/11/2022.
Một số hình ảnh:
Màn trình diễn thư pháp Hàn Quốc
Màn trình diễn thư pháp Việt Nam
An Nhiên