LỄ RA MẮT SÁCH “TRANH DÂN GIAN HUẾ” VÀ “TRANH DÂN GIAN ĐỒ THẾ VIỆT NAM”
Chiều ngày 22/4, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà xuất bản Thế Giới - Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt sách “Tranh dân gian Huế” và “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa.
Lễ ra mắt sách
Tham dự Lễ ra mắt sách có Ông Phạm Trần Long – Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, đơn vị xuất bản cuốn sách, Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng các phóng viên báo, đài và độc giả yêu sách Thủ đô.
Sách “Tranh dân gian Huế” và “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”
Tranh dân gian đồ thế Việt Nam có lẽ là dòng tranh xuất hiện sớm nhất trong các dòng tranh dân gian Việt Nam vì nó là dòng tranh phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Nếu như tranh dân gian kính hiện nay chỉ phổ biến ở Nam Bộ, tranh Hàng Trống, Đông Hồ phổ biến ở Bắc Bộ thì tranh dân gian đồ thế của người Kinh Việt Nam hiện diện ở mọi nơi, hiện diện vào các lễ nghi vòng đời của con người (trừ đám cưới), hiện diện ở ngày rằm, mồng một… Chính vì thế, gìn giữ, bảo tồn được tranh dân gian đồ thế Việt Nam cũng là gìn giữ và bảo tồn được văn hóa Việt Nam.
Ngoài hai dòng tranh là Hàng Trống và Đông Hồ, tranh dân gian Việt Nam vẫn có những khoảng trống lớn trong nghiên cứu, nếu không bắt tay vào nghiên cứu thì có thể có những dòng tranh ấy sẽ dần dần biến mất. Đó chính là lí do để tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa đã bắt tay vào viết cuốn sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam”. Cuốn sách là thành quả của nhiều ngày tháng tìm hiểu tư liệu và khảo sát điền dã dọc miền Tổ quốc của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ tại buổi Lễ ra mắt sách
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Thực tế cho thấy, hiện nay, chỉ còn không quá 10 gia đình trên khắp Việt Nam là còn theo đuổi với nghề làm tranh đồ thế và càng ngày sẽ càng thu hẹp quy mô sản xuất với sự cạnh tranh từ tranh in công nghiệp về giá thành và mẫu mã. Vậy nên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý văn hóa để nghệ nhân có thể duy trì nghề nghiệp của mình”.
Hi vọng với sự ra đời của cuốn sách “Tranh dân gian đồ thế Việt Nam” có thể có nhiều tư liệu hơn nữa cho những họa sĩ, nhà thiết kế để có thể ứng dụng rộng rãi hơn nữa, để tranh dân gian đồ thế có một diện mạo mới, để tồn tại và phát triển./.
Một số hình ảnh:
Nghệ nhân hướng dẫn in tranh mộc bản
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng quý vị đại biểu
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng quý vị đại biểu
An Nhiên