NHÀ CHE BIA TIẾN SĨ - CÔNG TRÌNH TU BỔ ĐỘC ĐÁO TẠI DI TÍCH VĂN MIẾU -QUỐC TỬ GIÁM
Tám nhà che bia Tiến sĩ tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một sáng tạo độc đáo trong tu bổ. Các hạng mục mới xây dựng (năm 1994) vừa đảm bảo công năng bảo vệ bia vừa hài hòa với cảnh quan cổ kính của Di tích, khiến những ai chưa từng đến thăm Di sản khi những tấm bia Tiến sĩ còn đặt ngoài trời đều khó nhận ra đâu là cũ, đâu là mới.
Ngay từ năm 1484, khi xuống chiếu cho dựng bia Tiến sĩ, vua Lê Thánh Tông đã có chỉ dụ phải chọn đá tốt khắc bia Tiến sĩ, để lưu lại cho hậu thế. Ý nghĩa việc dựng bia Tiến sĩ luôn được các triều đại nhắc nhở trên các bài văn bia: Bia Đề danh Tiến sĩ được dựng nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích học tập cho đương thời và hậu thế… Bời thế, trải qua các thời phong kiến, dưới các triều đại nhà Lê, Mạc, Lê trung hưng việc bảo vệ và giữ gìn lâu dài những tấm bia Tiến sĩ luôn được quan tâm chú trọng.
Thời Nguyễn, mặc dù kinh đô đã chuyển Huế nhưng 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội vẫn được triều đình hết sức coi trọng. Năm Tự Đức 16 (1863), Bố chánh sứ Hà Nội là Lê Hữu Thanh đã cho dựng hai dãy nhà che bia Tiến sĩ. Sự kiện này được ghi chép lại trong tấm bia “Đề danh bi đình ký” do Lê Hữu Thanh, Hoàng giáp khoa Tân Hợi, soạn: “Mùa thu năm nay, công việc hơi thư thả bèn bạc với quan Tổng đốc và quan Án sát xây dựng đình ngói. Mỗi bên hai tòa, mỗi tòa 11 gian. Những tấm bia còn để linh tinh chọn chỗ xếp vào, những tấm bia lờ mờ thì sửa rồi khắc lại, cốt để giữ dấu xưa…”
Ảnh: Khu vườn bia Tiến sĩ dãy phía đông phơi nắng mưa ngoài trời những năm đầu thế kỷ 20. Tòa đình bia được xây dựng từ triều Lê nằm ở vị trí trung tâm
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhà che bia bị hư nát. Bia Tiến sĩ dãi dầu mưa nắng, bị xâm hại, bào mòn nhiều. Sau này, khi Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thành lập để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích, nhiều giải pháp bảo vệ bia đã được đua ra thảo luận, chọn lựa. Năm 1994, tám dãy nhà che bia Tiến sĩ đã được xây dựng với kiến trúc truyền thống phù hợp với với cảnh quan, kiến trúc của Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang và tổng thể Di tích Văn Miếu - Quốc Tư Giám.
KTS. GS. Hoàng Đạo Kính (nguyên Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích trung ương nay là Viện Bảo tồn Di tích) cho biết: Ý tưởng của Giáo sư cùng các đồng nghiệp là làm nhà che bia theo lối thiết kế nhà che bia là sự sáng tạo. Kiến trúc truyền thống có mái ngói, kết cấu gỗ nhưng không cứng nhắc bắt chước theo phong cách truyền thống của thời nào, mà cốt yếu phải hài hòa với cảnh quan Di tích và nhằm mục đích bảo vệ bia.
Ông chia sẻ: “Nếu bây giờ tạo ra những nhà che bia ở hai bên giếng Thiên Quang để che phủ cả hai hàng bia thì nó sẽ thành những cái nhà to như cái đình, rộng như cái đình. Như thế thì nó sẽ đối lập, tương phản với Khuê Văn Các – là kiến trúc nhỏ nhắn, hết sức tinh tế”. Vì vậy ông cùng các nhà nghiên cứu đã chủ ý thiết kế những nhà che bia nhỏ như các dãy nhà ở các chợ quê. “Nho nhỏ như thế thôi để kiến trúc ăn nhập với hai tòa đình bia cũ ở vị trí trung tâm và không phá vỡ cái tỷ lệ xích của không gian nhuần nhị tại sân thứ 3 của Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Sau khi thiết kế, định vị lại 82 tấm bia bị xê dịch, bị lún, bị nghiêng và đặt tất cả vào một nền cố định, ổn định xong mới tiến hành xây dựng tám nhà che bia bằng gỗ lợp ngói. Công trình mới này chỉ nhằm mục đích bảo vệ chứ không nhằm mục đích tạo ra dấu ấn gì đặc biệt ở thời hiện đại.
Lễ khánh thành nhà che bia Tiến sĩ ngày 28/10/1994
Cuối tháng 10 năm 1994, tám nhà che bia mới (do GS. KTS Hoàng Đạo Kính chủ trì thiết kế) đã được xây dựng xong (bằng kinh phí của nhà nước và nguồn tài trợ của Công ty American Express Mỹ thông qua Quỹ hòa giải Đông Dương). Khu vực thứ 3 của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, gắn bó, hài hòa giữa cái cũ và cái mới khiến những ai chưa từng đến thăm Di tích khi những tấm bia Tiến sĩ còn đặt ngoài trời đều khó nhận ra đâu là các công trình cũ, đâu là mới.
Ngày nay khu vườn bia Tiến sĩ là một trong những không gian thu hút nhất khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, không chỉ bởi giá trị vô giá của những tấm bia Tiến sĩ – Di sản thế giới, mà còn bởi cảnh quan kiến trúc cổ kính, nhuần nhị, hài hòa và xanh mát.
Những dãy nhà bia phía tây của khu vườn bia Tiến sĩ với lối kiến trúc truyền thống,
hài hòa với Tòa đình bia cổ ở giữa đã có từ triều Lê.
Góc giếng Thiên Quang, Khuê Văn các và nhà che bia Tiến sĩ tạo thành một không gian kiến trúc hài hòa với thiên nhiên tươi đẹp.
Góc mái nhà che bia Tiến sĩ tạo nên khung cảnh cổ kính, trầm mặc.
Nhà che bia đã trở thành mái che mưa nắng hiệu quả góp phần bảo vệ bia Tiến sĩ.
Không gian kiến trúc khu vườn bia Tiến sĩ cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của các sinh viên ngành hội họa.
(Ảnh: Tác phẩm Vườn bia Tiến sĩ tác phẩm trưng bày trong Cuộc Thi Ký họa Văn Miếu năm 2021, Tác giả Trần Thị Thiện Thảo, trường Đại học Xây dựng, Hà Nội)
Không gian kiến trúc khu vườn bia Tiến sĩ cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của các sinh viên ngành hội họa.
(Ảnh: Tác phẩm Vườn bia Tiến sĩ tác phẩm trưng bày trong Cuộc Thi Ký họa Văn Miếu năm 2021, Tác giả Đinh Văn Toàn, trường Đại học Xây dựng, Hà Nội)
AV