MÚA RỒNG MÚA LÂN ĐÓN XUÂN AN LÀNH TẠI DI TÍCH VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Từ xưa, múa rồng múa lân là một trong những hình thức múa dân gian với ước vọng cầu mong sự thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc của người Việt Nam. Rồng và Lân đều nằm trong Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng), đều là những con vật linh thiêng thể hiện sự hưng thịnh, phú quý và may mắn.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám hàng năm cứ mỗi độ xuân về lại mời các nghệ nhân từ các địa phương biểu diễn múa Rồng, múa Lân truyền thống phục vụ khách du xuân. Những hình ảnh về màn múa Rồng múa Lân tưng bừng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là những kỉ niệm đẹp trong lòng du khách đến du xuân nơi đây.
Xin mời Quý vị cùng ngắm lại những khoảng khắc Rồng Lân vui xuân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhé! Đầu xuân mới Văn Miếu – Quốc Tử Giám kính chúc Quý khách một năm mới SỨC KHỎE, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC!
Đội múa Rồng biểu diễn trên sân Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào dịp tết Nguyên đán hàng năm
Một đội múa Rồng cần nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác rồng uốn khúc, rồng bay lên, rồng đảo… hết sức điệu nghệ và đẹp mắt.
Màn múa rồng rộn rã với tiếng trống hội hòa trong tiếng cổ vũ của khán giá và sắc hoa đào tươi thắm làm không khí Tết tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thêm ấm áp, tươi vui.
Sự đồng đều, tính tập thể và nhịp nhàng trong múa Rồng chính là bí quyết làm nên những điệu múa rồng đẹp mắt. Người tham gia múa rồng phải có sức khỏe tốt, nhất là người điều khiển đầu rồng và đuôi rồng – vì đó là hai bộ phận nặng ký nhất.
Trang phục của người tham gia múa Rồng là sự đồng điệu màu sắc với màu sắc của Rồng. Riêng người dũng sĩ có quả ngọc và gậy thần múa trước đầu Rồng để thể hiện sự khỏe mạnh của một võ tướng.
Khác với múa Rồng, múa Lân chỉ cần một hoặc hai người để thể hiện các động tác nhào lộn, nhảy cao, vờn, rung lắc… tạo không khí vui nhộn, gần gũi với khán giả.
Màn múa Rồng, múa Lân kết hợp với phần tế lễ giúp du khách có trải nghiệm đặc biệt không khí ngày Tết tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
AV