LONG TRỌNG KỶ NIỆM 650 NĂM NGÀY MẤT DANH NHÂN CHU VĂN AN (1370-2020)
Tối ngày 20/11/2020, tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám , Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020).
Với nhiều đóng góp cho nền văn hóa - giáo dục của Việt Nam và khu vực, tháng 11/2019, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 - 1370) được Đại hội đồng UNESCO Thế giới vinh danh và ra Nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An vào năm 2020.
Đến dự buổi lễ có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Michael Croft, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam; đồng chí Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khoá XVI ; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo Thành ủy, UBND tỉnh Hải Dương; đại diện nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đại diện dòng họ Chu ở Thanh Trì và đại biểu một số trường học mang tên Chu Văn An; các vị đại sứ, đại biểu và đại diện các tổ chức quốc tế tại thành phố Hà Nội....
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “ Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học, sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam chúng ta. Đức hạnh và uy tín của ông ảnh ưởng sâu rộng tới mức các thế hệ sau đều tôn ông là Người Thầy muôn đời. Sự kiện UNESCO thông qua hồ sơ danh nhân Chu Văn An , tôn vinh Thầy Chu Văn An là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thành phố Hà Nội – quê hương của danh nhân Chu Văn An mà còn đối với cả nước ta, đặc biệt đối với nghành Giáo dục,đào tạo.”
Cùng tham dự Lễ Kỷ niệm 650 ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020), ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, Thầy giáo Chu Văn An đã luôn sống đúng với tôn chỉ của mình và luôn truyền đạt cho các thế hệ học trò. Không phải ai cũng biết rằng nếu kiến thức không đi đôi với thực hành thì kiến thức cũng chỉ là một món quà lãng phí.
Ông Chu Văn Tài ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, là hậu duệ đời thứ 26 của danh nhân Chu Văn An, xúc động phát biểu tại buổi lễ: "Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của cụ Chu Văn An là tấm gương sáng được đời đời sùng kính, tôn vinh. Trong gần 700 năm qua, con cháu họ Chu đã có mặt tại nhiều nơi trên đất nước, đã và đang đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội và cũng đã được ghi nhận".
Kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020) là dịp để nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh người Thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam. Đại diện cho thế hệ trẻ, Phó Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông quốc gia Chu Văn An Nguyễn Minh Hiền phát biểu: “Trải qua biết bao thế kỷ, Thầy giáo Chu Văn An vẫn luôn là tấm gương sáng về tinh thần học tập cả đời, học đi đôi với hành để lao động, cống hiến cho đất nước. Thầy là người chính trực dám đấu tranh đến cùng với những điều bất công trong xã hội”
Cùng với Lễ Kỷ niệm, chuỗi các hoạt động kỷ niệm khác đã được tổ chức với nhiều hình thức: thông tin tuyên truyền, tổ chức cuộc thi, trưng bày về Danh nhân Chu Văn An diễn ra từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2020. Các hoạt động kỷ niệm đều gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, nêu bật những cống hiến to lớn về lý tưởng giáo dục của Thầy giáo Chu Văn An đối với sự nghiệp giáo dục của dân tộc cũng như tầm ảnh hưởng đến ngày nay; gắn với hoạt động của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) về chương trình cùng tham gia kỷ niệm các cá nhân đã có đóng góp cho việc phát triển văn hóa, giáo dục, tăng cường hiểu biết quốc tế, tạo nên sự gần gũi giữa các dân tộc, đóng góp cho hòa bình thế giới, trong đó có Danh nhân Chu Văn An (1292-1370).
Các hoạt động kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An có ý nghĩa quan trọng không những với Thủ đô Hà Nội – quê hương Danh nhân Chu Văn An mà còn đối với cả nước, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo. Tấm gương Thầy Chu Văn An là động lực tinh thần mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường học tập, rèn luyện, thành công và phụng sự đất nước.
Một số hình ảnh:
N.H