CÁC HOẠT ĐỘNG

ÁO DÀI – DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM

 

Tối ngày 28/6/2020, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức chương trình “Áo Dài - Di sản văn hóa Việt Nam

Các mẫu Áo dài được giới thiệu tại khu vực giếng Thiên Quang, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là không gian chứa đựng những di sản văn hóa như Khuê Văn Các – biểu tượng của thủ đô Hà Nội; 82 bia tiến sĩ – di sản tư liệu thế giới; Thiên Quang tỉnh (nghĩa là giếng ánh sáng trời). Giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn của gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục thiêng liêng giữa thủ đô Hà Nội.

 

Để xác định Áo dài là Di sản văn hóa của Việt Nam, “định vị” Áo dài thông qua những sáng tạo của các nhà thiết kế đã có nhiều tâm huyết cho Áo Dài trong nhiều năm. Những giá trị văn hóa từ Di sản đã được thế giới công nhận và ngưỡng mộ sẽ là một thẻ thông hành để Áo Dài  được xác định nguồn gốc dù đi đến đâu và xuất hiện bất kỳ ở vị trí nào trên trái đất này.

Tới dự chương trình có Bà Trần Nguyệt Thu – Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; Bà Nguyễn Phương Nga – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Dũng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về chuẩn bị và thực hiện vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 và phu nhân; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga – Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh,…

 

Bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu

Bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu: “Trong những sự kiện quan trọng của mỗi cuộc đời con người, của dòng họ, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện quan trọng của đất nước, áo dài luôn là trang phục trang trọng, lịnh lãm bởi áo dài ẩn chứa giá trị văn hóa và triết lý sống của người Việt”.

Chương trình giới thiệu 21 bộ sưu tập với hơn 1000 mẫu áo dài của 21 Nhà thiết kế. Hình ảnh, vẻ đẹp của 21 Di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa Thế giới được đưa lên những tà áo dài truyền thống, đầy tinh tế và mang nhiều thông điệp. Đó là: “ Vịnh Hạ Long” (NTK Nguyễn Thúy); “Hội Gióng Ở Đền Phù Đổng Và Đền Sóc” (NTK Vũ Trần Đức Hải); “Danh Thắng Tràng An”(NTK Hùng Việt); “Tín Ngưỡng Thờ Cúng Hùng Vương”(NTK Minh Minh); “Cao Nguyên Đá Đồng Văn” (NTK Hoài Nguyễn); “Hoàng Thành Thăng Long” (NTK Nhi Hoàng); “Ca Trù” (NTK Hà Duy); “Tín Ngưỡng Thờ Mẫu” (NTK Trần Thiện Khánh); “Hát Xoan” (NTK Công Huân); “Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh” (NTK Trịnh Bích Thủy); “ Thành Nhà Hồ” (NTK Lan Hương); “Dân Ca Ví Dặm Nghệ Tĩnh” (NTK Thanh Thúy); “ Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẽ Bàng” (NTK Trần Thanh Mẫn); “Quần Thể Di Tích Cố Đô Huế” (NTK Phương Thanh); “Nhã Nhạc Cung Đình Huế” (NTK Ngọc Hân); “ Phố Cổ Hội An” (NTK Chula); “Bài Chòi” (NTK Cao Minh Tiến); “Thánh Địa Mỹ Sơn” (NTK Cao Duy); “Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên” (NTK Trung Beret); “Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ” (NTK Huệ Thi); “ Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ” (NTK Minh Hạnh).

 

 

Khúc ca truyền thống của các di sản cũng đã được xuất hiện cùng những chiếc Áo dài và 60 người mẫu chuyên nghiệp, 100 học viên của Học viện Phụ nữ, 50 trẻ em, Phu nhân Đại sứ các nước tại Hà Nội, các Biên tập viên của VTV1: Khánh Trang, Thu Hà và đặc biệt có sự tham gia của các Nghệ sĩ Nhân dân: Thanh Tú, Thanh Loan, Lan Hương và NSND Trà Giang.

Thông qua những sáng tạo nghệ thuật, các Nhà thiết kế đầy tâm huyết góp phần “định danh”, “định vị” Áo dài là Di sản văn hóa của Việt Nam.

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến cho biết: “Tôi muốn mang đến một cái nhìn mới cho Áo Dài bằng quan điểm của những người trẻ sống trong thời đại 4.0. Bài Chòi là một di sản độc đáo và thông qua chiếc áo dài với phong cách trẻ trung phóng khoáng mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống”.

 

Nhà thiết kế Minh Hạnh xúc động: “Với tôi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có vẻ đẹp cổ kính và quan trọng đó chính là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Áo Dài xuất hiện tại Văn Miếu cũng chính là gắn lịch sử cùng giá trị di sản vào chiếc Áo Dài, tất cả yếu tố này mang hàm ý giáo dục cho thế hệ trẻ. Với mục đích và mong muốn Áo Dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Văn Miếu- Quốc Tử Giám là địa điểm lựa chọn số một của tôi”.

 

 

Chương trình đã mang nhiều cảm xúc tới cho khán giả, khơi gợi tình yêu, niềm tự hào về tà áo dài, về di sản văn hóa của dân tộc.

                                                                                                                                                                                                        LH

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm