CÁC HOẠT ĐỘNG

Nhân kỷ niệm ngày giỗ vua Lê Thánh Tông( 30 tháng 1 âm lịch), ngày 21 tháng 2 năm 2020, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ 523 năm ngày mất vua Lê Thánh Tông(1497-2020)

Lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Xuân Kiêu –Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cùng sự tham gia của Ban lãnh đạo, cán bộ và người lao động Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Tượng thờ vua Lê Thánh Tông tại Khu Thái Học

 Đây là một sự kiện ý nghĩa nhằm tưởng nhớ  đức vua Lê Thánh Tông- “bậc vua anh hùng, tài lược, dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không hơn được”- (Đại Việt sử ký toàn thư), người đã khởi xướng lệ dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 1484 với mục đích đề cao hiền tài và khuyến khích học tập đối với các thế hệ người Việt; hơn nữa, sự kiện còn góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám đối với các cán bộ đang làm việc tại Trung tâm. 

Tập thể cán bộ và người lao động Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám dự lễ dâng hương

Vua Lê Thánh Tông tự là Tư Thành, húy Hạo, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, trị vì đất nước trong 38 năm với hai lần đặt niên hiệu là Quang Thuận và Hồng Đức. Ông là vị vua anh minh quyết đoán, văn vũ kiêm toàn. Dưới thời Lê Thánh Tông trị vì, quốc gia Đại Việt đạt đến sự phát triển rực rỡ về mọi mặt, đất nước đạt tới đỉnh cao cường thịnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc với những giá trị văn hóa vô cùng lớn: Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Hồng Đức hình luật, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập.... Ông là người cho khởi dựng Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám(1484). Một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm năm 1464, là rửa oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi để lưu lại cho hậu thế. Nền giáo dục khoa cử nước ta thịnh đạt đặc biệt và vai trò trí thức được đề cao. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là các cơ quan giáo dục và văn hóa lớn của Nhà nước,vua Lê Thánh Tông còn cho xây Kho bí thư để chứa sách, và lập Hội Tao đàn do ông làm Tao đàn Nguyên súy, vừa sáng tác văn chương vừa nghiên cứu phê bình. Những trước tác của Hội Tao đàn được chép lại trong bộ sách  Thiên Nam dư hạ tập, và trong các sách Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Hồng Đức quốc âm thi tập... Trong đó không chỉ có những sáng tác thơ văn, mà có cả những tác phẩm về lý luận phê bình văn học - nghệ thuật, về lịch sử, kinh tế, quan chế, địa lý, khoa học...Vua Lê Thánh Tông là người dẫn đầu phong trào sáng tác và trước thuật, để lại cho đời một lượng tác phẩm rất lớn chép trong Thiên Nam dư hạ tập, và các tác phẩm riêng như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỷ hành, Văn minh cổ súy, Lam Sơn lương thủy tú...

CVT

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm