RA MẮT KHU TRẢI NGHIỆM CÙNG DI SẢN VÀ PHÒNG TRƯNG BÀY SẢN PHẨM LƯU NIỆM CỦA VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Ngày 15/11/2019, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra sự kiện ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản để phục vụ thực hiện “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm tại nhà Hữu vu, khu điện Đại Thành, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
(Ảnh: Các đại biểu Cắt băng khánh thành Khu trải nghiệm cùng di sản và Phòng giới thiệu sản phẩm lưu niệm)
Tới dự Lễ ra mắt có ông Phạm Định Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa; ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội, bà Ngô Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; PGS.TS Đỗ văn Trụ, Tổng thư ký, Phó chủ tịch thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; TS.Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Ngiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm Ngiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; TS. Nguyễn Viết Chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, cô Lê Anh Thư, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ các đơn vị Bảo tàng, Di tích, các phòng ban thuộc sở Văn hóa và thể thao Hà Nội, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.
“Khu trải nghiệm cùng di sản” là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc của trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi dành cho khách tham quan tham các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về di sản.
Trong buổi lễ ra mắt, sau cắt băng khai mạc, đại biểu đã tham quan “Khu trải nghiệm cùng di sản” và chứng kiến các em học sinh lớp 5C trường tiểu học Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội đang tham gia trải nghiệm chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới tại đây. Trong không gian trải nghiệm được trang bị đầy đủ điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản, các em học sinh thực hiện trình chiếu clip, thuyết trình sơ đồ tư duy “Bảo vệ bia Tiến sĩ”, trình bày các sản phẩm vẽ mỹ thuật lấy cảm hứng từ các họa tiết trang trí trên bia,…
(Ảnh: Học sinh trình bày "Sơ đồ tư duy" tại Khu trải nghiệm cùng di sản)
“Khu trải nghiệm cùng di sản” còn có hệ thống pano để các em tổ chức các cuộc trưng bày nhỏ, góc lưu giữ cảm xúc với các tấm thẻ...
TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, một trong những chuyên gia tư vấn cho chương trình ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng, cho biết: ““Khu trải nghiệm cùng di sản” của VMQTG là nơi để các em thực hành, trải nghiệm đa dạng các giá trị văn hoá từ di sản thông tin tư liệu, di sản vật thể đến di sản phi vật thể. Biết đâu đó, một ngày nào đó di sản sẽ chắp cánh cho ước mơ của các em?”
Không gian trải nghiệm được thiết kế phù hợp để thực hiện các “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới” đã được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai từ năm 2016. Chương trình chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Học sinh đến với di tích không chỉ được xem, nghe, nhìn một cách đơn thuần mà được trải nghiệm qua việc tự khám phá, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin. Biết cách hỏi, chia sẻ với nhiều đối tượng. Biết tự chắt lọc thông tin để bổ sung kiến thức cho bản thân. Biết tương tác giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Từ đó gây sự thích thú, phấn khởi cho học sinh. Đến nay, chương trình đã xây dựng được gần 20 chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp như: Mãnh hổ hạ sơn, Lớp học xưa, Khám phá kiến trúc cổ, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ, Sách và mộc bản, Ơ kìa con nghê…. Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa.
Cùng cô giáo đưa các con học sinh tham gia trải nghiệm Khám phá bia Tiến sĩ, chứng kiến các con chủ động trao đổi, chủ động tìm kiếm thông tin, Chị Vy Kim Oanh, phụ huynh học sinh lớp 5C tiểu học Phan Chu Trinh xúc động chia sẻ “Bé nhà mình bình thường ngày hơi nhút nhát, không ngờ hôm nay mình chứng kiến bạn ấy rất tích cực, chạy đi chạy lại giữa các dãy bia, đọc từng pano để điền thông tin vào phiếu hỏi. Không chỉ riêng bạn Lê Anh Khôi nhà mình mà thấy các con đều tích cực, say mê khám phá như vậy ”.
(Ảnh: Các sản phẩm lưu niệm trưng bày)
Trong khuôn khổ buổi lễ, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn ra mắt Phòng trưng bày các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là khu vực giới thiệu những quà lưu niệm được thiết kế công phu và chế tác bởi các nghệ nhân của các làng nghề của Thủ đô Hà Nội. Triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và hưởng ứng sự kiện Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phối hợp với các nhà thiết kế, các nghệ nhân, làng nghề của Thủ đô Hà Nội nghiên cứu, thiết kế và sản xuất 25 sản phẩm quà lưu niệm với 44 mẫu của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các sản phẩm được thiết kế theo hướng làm nổi bật các giá trị của di tích, cả về lịch sử, giáo dục, kiến trúc, thẩm mỹ…; có tính ứng dụng cao; kết hợp giữa yếu tố hiện đại của công nghệ và giá trị thẩm mỹ cuả văn hóa truyền thống. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm: Đây là những bước đi đầu tiên của Văn Miếu – Quốc Tử Giám để hướng tới gắn di sản với phát triển du lịch bền vững, làm cho di sản mang hơi thở cuộc sống đương đại và trở thành một trung tâm sáng tạo văn hóa.
NH