THÁNG TƯ VÀ NHỮNG SỰ KIỆN ĐÃ DIỄN RA TẠI DI TÍCH VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Tháng 4, tháng đầu tiên của quý II năm 2024, là tháng diễn ra nhiều sự kiện, đó là Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, Kỷ niệm 70 ngày thống nhất đất nước. Tháng 4 là tháng học sinh các cấp chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm học… cũng là tháng Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học tròn 36 tuổi. Tháng 4, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, biểu tượng của truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài, đã diễn ra nhiều hoạt động phục vụ du khách và công chúng thủ đô. Các hoạt động đã góp phần làm cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một địa chỉ, điểm đến tiêu biểu của thủ đô và cả nước.
Mở đầu trong tháng 4 là sự kiện “Trưng bày ảnh du lịch Quy Nhơn – Bình Định” diễn ra trong hai ngày 12-13/4. Đến với Di tích, du khách được chiêm ngưỡng, khám phá 130 ảnh đẹp về cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa lịch sử, hình ảnh con người Quy Nhơn – Bình Định một cách đặc sắc, phong phú và chân thật nhất như: biển Kỳ Co, biển Quy Nhơn, Hòn Phô, Eo gió,..; Hội Bài Chòi, Hội làng Hrê, Lễ hội Cầu ngư,... và đặc biệt hình ảnh các nghề truyền thống làm bánh tráng, tôm tre, gốm, muối,... Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu và lan tỏa rộng rãi những hình ảnh đẹp về du lịch Bình Định, các tiềm năng du lịch đa dạng cũng như hình ảnh con người Bình Định thân thiện, nghĩa khí đến du khách trong và ngoài nước.
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 chính thức bắt đầu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng sự kiện Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024 vào tối ngày 17/4 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức. Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh Sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc trên cả nước.
Cùng ngày, trước khi diễn ra buổi lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc, một sự kiện thu hút công chúng tại Khu Điện Đại Thành, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Lễ Ra mắt tủ sách điện tử của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sách có thể sử dụng được trên tất cả các thiết bị: máy tính PC, thiết bị di động hệ điều hành Android, IOS và các hệ điều hành khác thông qua trình duyệt web mà không phải cài đặt bất cứ phần mềm nào. Điều này vô cùng tiện lợi cho những người cao tuổi, trẻ em hoặc những người không có kỹ năng tự cài đặt các phần mềm của máy tính, điện thoại vẫn có thể tự mở và thưởng thức bộ sách. Tủ sách gồm 10 cuốn sách multimedia 3D, 20 cuốn sách tranh và một số sách khác. Bộ sách có địa chỉ đăng tải: tusachvanmieu.ebook365.vn
Tiếp nối chuỗi sự kiện chào mừng Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024, chiều 19/4, tại Phương Đình trên gò Kim Châu tại Hồ Văn, thuộc di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra buổi nói chuyện “Học Lý – Hóa” không buồn ngủ và giới thiệu tác giả, tác phẩm cuốn sách “Sợ gì Môn Lý - Ngại gì môn Hóa ". Tại buổi nói chuyện, các em học sinh và độc giả đã được nghe diễn giả, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, người có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, giáo viên dạy hóa học tại hệ thống Giáo dục Học mãi chia sẻ và giải đáp những băn khoăn, thắc mắc khi học Lý, Hóa như các lý do khiến học sinh sợ hãi, hay mắc sai lầm khi học Hóa, Lý; phương pháp học tập đối với môn Lý và Hóa, đặc biệt làm sao để chinh phục tốt các kỳ thi mà không buồn ngủ…
Nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, còn có nhiều sự kiện diễn ra tại khu vực Hồ Văn như sáng 18/4/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu Văn minh trà Việt nhân dịp tái bản cuốn sách cùng tên của tác giả Trịnh Quang Dũng; buổi giao lưu “Khuyến đọc Việt Nam thời chuyển đổi số” với vị khách mời đặc biệt: TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books; Talkshow Những cuốn sách đi tìm độc giả: PR và truyền thông sách trong thời đại mới vào chiều ngày 21/4….
Trong tháng tư này, hàng chục trường học với hàng ngàn học sinh các cấp đến dâng hương, trao thưởng, kết nạp đội, tham quan tìm hiểu di tích bên cạnh nhiều đoàn khách ngoại giao như Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ…. tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một sự kiện đáng chú ý là vào chiều ngày 19/04, Lễ Trao Học Bổng Hessen được tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 250 sinh viên xuất sắc của hơn 70 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc đã được nhận học bổng Hessen. Sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn đối với các đại biểu tham dự cũng như thầy cô và các bạn sinh viên vì được tổ chức tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trung tâm giáo dục cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ.
Mới đây, để tăng tính hấp dẫn, đa dạng hoạt động trải nghiệm cho chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban tổ chức đã cho ra mắt sân chơi di động tái hiện lại con đường đi học của sĩ tử xưa tại sân Bái Đường với các trò chơi hấp dẫn như: Đi cà kheo, Bập bênh, Xích đu, Cầu treo,...
Nhiều hoạt động hấp dẫn đang được chuẩn bị, sẽ ra mắt trong tháng 5 này để phục vụ du khách gần xa khi đến với di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
LH
36 NĂM NHÌN LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Ngày 25/4/1988, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1776/QĐ/UB về việc thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Trung tâm có chức năng quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá của Nhà nước; Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Tổ chức hướng dẫn khách tham quan du lịch; Lập quy hoạch bảo vệ và tôn tạo khu di tích.
Qua 36 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hàng năm, các hoạt động văn hóa, khoa học được tổ chức trên tinh thần không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Di tích như: hoạt động khuyến học, giáo dục di sản, các cuộc hội thảo khoa học, triển lãm, trưng bày, hướng dẫn khách tham quan trong và ngoài nước, và mới đây là hoạt động trải nghiệm đêm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Lễ Dâng hương truyền thống là một trong các hoạt động đặc biệt, có ý nghĩa được tổ chức tại Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám dành cho các em học sinh các cấp đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khắp cả nước nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo và khuyến học. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thường xuyên được đón tiếp rất nhiều trường học đến dâng hương, tổ chức phát thưởng, tuyên dương học sinh có thành tích trong học tập, tổ chức kết nạp đội, kết nạp đoàn… bởi dù không còn là nơi giáo dục, đào tạo nhân tài, nhưng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng của truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài,
Trải nghiệm di sản là một hoạt động hướng tới cách tiếp cận mới về giáo dục di sản. Các chương trình trải nghiệm được xây dựng gắn với mục tiêu đào tạo, theo chuẩn kiến thức của cấp học, khối lớp và phù hợp yêu cầu của từng môn học. Học sinh được tham gia các hoạt động mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo. Chương trình giáo dục di sản hướng tới việc tổ chức cho học sinh theo lớp, nhóm nhỏ nhằm nâng cao hiệu quả của buổi tham quan, học tập. Đến nay, Trung tâm đã xây dựng 30 chủ đề giáo dục di sản dành cho các nhóm khác nhau đến trải nghiệm tại Di tích.
Nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về danh nhân khoa bảng, dòng họ khoa bảng nhằm tìm hiểu rõ hơn về giá trị di tích, từ đó phục vụ việc bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị Di tích như: Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”; Tọa đàm “Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các bảo tàng, di tích ở Hà Nội”; Hội thảo khoa học “Thám hoa Vũ Thạch – con người và sự nghiệp”; Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội thảo khác như với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo: Truyền thống khoa bảng tỉnh Bắc Giang với Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Hoạt động trưng bày, triển lãm được tổ chức thường xuyên, sáng tạo đổi mới, thu hút được sự quan tâm của công chúng như: Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898; Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”; trưng bày "Khơi nguồn Đao học" tại khu Thái học Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Từ Giám…
Là một di tích tiêu biểu của thủ đô Hà Nội và cả nước, hàng năm đón gần hai triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách cấp cao của Đảng và Nhà nước: như Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres; Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher; Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính; Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và công nương; Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân Elke Budenbender…
Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở tuổi 36 ngày càng đổi mới, đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hoá tiêu biểu của cha ông, xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại và đậm bản sắc dân tộc.
Dưới đây là hình ảnh một số công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích
Lễ tuyên dương thủ khoa các trường Đại học và học viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội được tổ chức thường niên tại
di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Lễ dâng hương truyền thống
Trải nghiệm di sản với chủ đề “Lớp học xưa”
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân Elke Budenbender
Không gian trưng bày “Quốc Tử Giám – trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam”
Không gian trưng bày "Khơi nguồn đạo học"
Trải nghiệm đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”
LH
GẶP MẶT CÁN BỘ HƯU TRÍ XUÂN CANH TÝ 2020
Chiều ngày 11/01/2020, trong không khí tưng bừng chuẩn bị đón Xuân Canh Tý 2020, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ hưu trí của Trung tâm.
Đây là hoạt động thường niên của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được tổ chức vào dịp trước Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, là dịp để thể hiện tình cảm và sự tri ân của đội ngũ lãnh đạo và người lao động của Trung tâm với các thế hệ đi trước, những người đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua nhiều thời kỳ.
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm đã báo cáo về những kết quả đã đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn của Trung tâm năm 2019 và mục tiêu, phương hướng hoạt động năm 2020. Trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách tại Hồ Văn, ra mắt phòng trải nghiệm cùng di sản và phòng trưng bày sản phẩm của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Di tích đã có những hiệu quả tích cực thông qua việc tổ chức các hoạt động khoa học, giáo dục như hoạt động khuyến học, giáo dục di sản, các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm.
Cũng trong không khí thân mật, đầm ấm và đầy ý nghĩa, nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, thay mặt ban lãnh đạo của trung tâm, đồng chí Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm đã kính chúc các đồng chí cán bộ hưu trí và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn, đồng chí mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của thế hệ lãnh đạo và cán bộ đi trước trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
BP
THÔNG BÁO
Thông báo Danh sách số báo danh, địa điểm, thời gian tổ chức kỳ kiểm tra sát hạch thông qua phỏng vấn đối với viên chức tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2019
THÔNG BÁO
Thông báo Danh sách những người đủ điều kiện và không đủ điều kiện tham dự xét tuyển viên chức làm việc tại Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám thuộc Sở Văn hóa và Thể thao năm 2019
Thực hiện hướng dẫn của UBND thành phố và LĐLĐ thành phố Hà Nội và triển khai hướng dẫn số 86/CV-CĐ ngày 22/11/2019 của Công đoàn Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2020, sáng ngày 24/12/2019,Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động năm 2020.
Đến dự Hội nghị có đồng chí Phạm Thị Lan Anh – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Trưởng phòng quản lý Di sản Sở VHTT Hà Nội, đồng chí Lê Thị Hồng Hạnh- Phó Trưởng phòng Tổ chức - Pháp chế Sở VHTT Hà Nội, đồng chí Lê Xuân Kiêu – Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm cùng ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Các đại biểu dự lễ chào cờ
Hội nghị đã đánh giá kết quả hoạt động của Trung tâm trong năm 2019, những thành tích đã đạt được cũng như những hạn chế cần khắc phục, trên cơ sở đó đề ra phương hướng hoạt động năm 2020.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm. Các ý kiến cho thấy Hội nghị đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng góp trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Cán bộ Trung tâm chia sẻ ý kiến và câu hỏi lên Ban Giám đốc
Đồng chí Lê Xuân Kiêu – Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm đã trả lời các ý kiến đóng góp và giải đáp các thắc mắc về chế độ viên chức và người lao động trong đơn vị. Tại Hội nghị, đồng chí đã phát động phong trào thi đua của các cá nhân và tập thể tòan đơn vị trong năm 2020.
Đồng chí Lê Xuân Kiêu giải đáp những câu hỏi từ các cán bộ Trung tâm
Thay mặt Đảng ủy Sở VHTT Hà Nội, Đồng chí Phạm Thị Lan Anh – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Trưởng phòng quản lý Di sản Sở VHTT Hà Nội đã đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm đã đạt được trong năm qua và hy vọng đơn vị sẽ ngày một phát triển mạnh hơn nữa trong năm tới.
Thúy Hồng
Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa lâu đời và cổ kính nhất của Thủ đô Hà Nội, nơi xưa kia đã đào tạo ra hàng ngàn các bậc đại khoa hiền tài Đất nước. Ngày nay, Di tích là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều truyền thống tốt đẹp của Dân tộc như: Hiếu học, Hiếu nghĩa, Tôn sư trọng đạo, Tôn trong nhân tài... là những giá trị nhân văn có ý nghĩa giáo dục tích cực trong cuộc sống đương đại.
Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm trong suốt gần 1000 năm lịch sử, đến những giai đoạn năm 1980, Di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mái dột, tường xiêu, sân - đường gạch vỡ khấp khểnh, cỏ mọc um tùm, ngập cả tràn lối đi…Tháng 10/1987, đ/c Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám và chỉ đạo Thành phố Hà Nội phải tiến hành tu bổ, tôn tạo, tổ chức các hoạt động phù hợp, tương xứng với tầm vóc của Di tích.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngày 25/4/1988, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định số 1776/QĐ-UB thành lập Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đề cập đến sự kiện này, Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Tâm Đan (người ký quyết định) cho biết: “…Thành phố quyết định thành lập tổ chức sinh hoạt tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành một Trung tâm để tổ chức các sinh hoạt văn hoá khoa học và giáo dục. Định hướng là như vậy... Ngày đó, thì Di tích cũng còn rộng, nên quyết định đầu tư, xây dựng, phát triển để bảo vệ cái Di tích ấy, nhưng mà muốn vừa đầu tư vừa làm thế nào tạo điều kiện cho ở đấy tổ chức được những sinh hoạt về văn hoá, khoa học và giáo dục”.
Vậy là Trung tâm ra đời với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (khu vực nằm trong khuôn viên tường gạch bao quanh). Bàn thêm về việc đặt tên cho Đơn vị, Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát – Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội, kiêm Giám đốc đầu tiên của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám giải thích: “Muốn phát huy giá trị của di tích không gì bằng phải có những tổ chức hoạt động, không chỉ hoạt động Văn hoá, theo đúng nghĩa cũng rất rộng rồi, nhưng mà phải nhấn mạnh Khoa học vì đây là trường Đại học đầu tiên, cho nên không thể đặt nhẹ những hoạt động khoa học”.
Những năm đầu, Trung tâm sinh hoạt như một tổ của Phòng Bảo tồn – Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội do đ/c Giám đốc Sở trực tiếp điều hành. Kế hoạt động tập trung chủ yếu vào công tác tu bổ, tôn tạo Di tích và thuyết minh – tuyên truyền.
Theo thời gian chức năng, nhiệm vụ cũng như bộ máy cơ cấu tổ chức dần kiện toàn. Năm 2000, với việc vườn Giám được bàn giao lại cho Di tích, Tổ Duy tu – Môi trường ra đời và song hành hoạt động cùng hai tổ Hành chính và Thuyết minh. Năm 2005, bộ máy phòng ban chức năng của Trung tâm chính thức được thành lập gồm 3 phòng: Hành chính tổ chức - Tài chính, Nghiệp vụ - Thuyết minh và Duy tu - Môi trường”. Năm 2006, Hồ Văn được bàn giao cho Đơn vị quản lý. Mặt bằng Di tích được mở rộng đáng kể. Đến tháng 12/2011, để đẩy mạnh hoạt động khoa học, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm ra đời.
Hiện nay, với 04 phòng chuyên môn: Hành chính - Tổng hợp, Nghiên cứu - Sưu tầm, Giáo dục - Truyền thông và Duy tu - Môi trường, Đơn vị có chức năng, nhiệm vụ: quản lý, bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Tổ chức các hoạt động văn hoá phục vụ công chúng, khách tham quan di tích (Quyết định số 574/QĐ-SVHTT ngày 29/5/2017).
Thời gian thấm thoắt trôi qua, mới đấy mà đã hơn 30 năm, từ chỗ vẻn vẹn chỉ có 08 cán bộ nhân viên đầu tiên, đến nay Đơn vị đã lớn mạnh với trên 90 người. CBNV Trung tâm, người đi trước giúp đỡ người đi sau, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nỗ lực học tập, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao.
Kết quả: Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ chỗ mái dột, tường xiêu, không gian vắng vẻ đìu hiu khi trước kia, nay trở thành một trong những địa chỉ văn hóa - du lịch hàng đầu củaThủ đô và cả nước. Mỗi năm, Di tích đón gần 2 triệu lượt khách thăm quan, trên 500 trường học, hàng trăm đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Thật đúng như PGS, TS Đặng Văn Bài (Nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, PCT Hội DSVH VN, Ủy viên Hội đồng Di sản Thế giới) nhận xét: “Khi chúng ta thành lập cái Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì đúng là khu Di sản đã thay da đổi thịt và hồi sinh”./.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháng 4/2019
Hoa Phượng
Trước thềm năm mới, ngày 24 tháng 1 năm 2019 Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức họp mặt các cán bộ hưu trí đã từng công tác tại Trung tâm. Đây là một trong những hoạt động truyền thống được tổ chức vào cuối năm để tri ân tới các thế hệ đi trước những người đã từng làm việc, cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đồng thời nhân dịp này, ban lãnh đạo Trung tâm báo cáo về những kết quả đạt được cũng như những thách thức của đơn vị trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của Di tích.
Chụp ảnh lưu niệm tại sân Thái Học
Năm 2018 là một năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Trung tâm. Đơn vị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trung tâm, hàng loạt các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục được tổ chức trên tinh thần không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Di tích như: hoạt động khuyến học, giáo dục di sản, các cuộc hội thảo, tọa đàm, triển lãm…
“Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đạt được những thành quả đáng khích lệ từ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ , nhân viên trong đơn vị và những thế hệ lãnh đạo trong những thời kỳ khác nhau. Những thành công đó không chỉ gây tiếng vang trong phạm vi thành phố mà còn lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước cũng như đến các bạn bè quốc tế” Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã chia sẻ
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám phát biểu trong buổi gặp mặt
Thay mặt cho các thế hệ lãnh đạo đi trước, ông Phạm Tứ – Nguyên Giám đốc Trung tâm gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo đơn vị đã có sự quan tâm tới các cán bộ hưu trí của Trung tâm. Ông tự hào với những thành quả đã đạt được ngày hôm nay do các thế hệ nối tiếp tạo dựng nên. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thực sự “thay da đổi thịt”.
Ông Phạm Tứ-Nguyên Giám đốc Trung tâm phát biểu trong cuộc gặp mặt
Buổi gặp mặt đã diễn ra trong bầu không khí đầm ấm, thân tình. Những thành công đã đạt được cũng là lời nhắc nhở trách nhiệm đối với mỗi cán bộ công nhân viên của Trung tâm sẽ tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước gìn giữ và phát huy giá trị của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Bích Phương
Ngày 25/4/1988, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1776/QĐ/UB về việc thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Trung tâm có chức năng quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá của Nhà nước; Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; Tổ chức hướng dẫn khách tham quan du lịch; Lập quy hoạch bảo vệ và tôn tạo khu di tích.
Lúc mới ra đời, Trung tâm chỉ có 08 cán bộ nhân viên, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa -Thông tin Hà Nội trực tiếp kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm. Đến giai đoạn 1995, Trung tâm đã có 30 cán bộ, nhân viên, làm việc trong 03 tổ chuyên môn: bảo vệ,vệ sinh và thuyết minh. Năm 2000, sau khi vườn Giám được bàn giao lại cho Di tích, Trung tâm tiếp nhận thêm 11 cán bộ, công nhân của Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội chuyển về. Năm 2005, theo quyết định số 125/QĐ-VHTT ngày 16/6/2005 Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội, bộ máyTrung tâm được kiện toàn, gồm 03 phòng chức năng: Hành chính – Tổng hợp, Duy tu- Môi trường, Nghiệp vụ - Thuyết minh, đến tháng 12/2011, thành lập thêm phòng Nghiên cứu - Sưu tầm.
Cho đến nay, sau 30 năm thành lập, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám có hơn 90 cán bộ, nhân viên làm việc tại bốn phòng chuyên môn:Hành chính – Tổng hợp, Nghiên cứu - Sưu tầm, Giáo dục – Truyền thông và Duy tu- Môi trường.
Nhà hàng
Cà Phê
Bãi đỗ xe
Quà lưu niệm