GIÁO DỤC DI SẢN

HỌC SINH VIỆT KIỀU PHÁP THAM GIA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC DI SẢN

 

         Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón các bạn học sinh Việt kiều Pháp đến tham quan và trải nghiệm giáo dục tại di tích. Các bạn nhỏ rất quan tâm đến truyền thống hiếu học, giáo dục của cha ông, chính vì vậy cô giáo và các bạn đã chọn chủ đề giáo dục di sản Lớp Học xưa.

 

Các em học sinh Việt kiều Pháp tham dự giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

         Nhóm học sinh gồm những bạn nhỏ đang sinh sống cùng gia đình tại Cộng hòa Pháp, nhân dịp về thăm quê hương, các em mong muốn được tìm hiểu những kiến thức lịch sử, văn hóa và truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.  Tham gia chủ đề giáo dục di sản Lớp học xưa, các em được  tìm hiểu về nền giáo dục khoa cử Nho học của ông cha ta, cách thức học tập, thi cử thời phong kiến và niềm tự hào về truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

 

Các em cùng cán bộ giáo dục tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An tại khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

         Một trong những điều thú vị đối với các em nhỏ là được trải nghiệm mài mực, cầm bút lông và học viết chữ Nho. Trải nghiệm mài mực giúp các em có kiến thức về một loại mực tàu mà trò xưa thường dùng: mực được làm từ chất liệu gì, màu mực ra sao... và so sánh với mực ngày nay. Các em được thực hành mài mực sao cho đúng phương pháp. Qua việc hướng dẫn mài mực, dạy các em về đạo lý sâu sắc mà thầy đồ xưa dạy học trò: đó là sự kiên trì, bền bỉ, giữ cho tâm trí được an định bởi việc mài mực thành công hay không bởi sự kiên trì, khéo léo của đôi tay, nếu làm ẩu sẽ không thể mài được mực. Vì thế trải nghiệm này làm các em hết sức tập trung, ai cũng muốn làm thật tốt, tự nhìn màu mực đã sánh đen đặc chưa để điều chỉnh động tác mài cho thật chuẩn hơn.

 

        Trải nghiệm tập cầm bút lông và viết bằng bút lông cũng là một hoạt động hết sức thú vị và lôi cuốn các em. Các em được học cách cầm bút viết, đưa bút chầm chậm, nắn nót từng nét một như thế nào, qua đó để rèn tính kiên trì, cẩn thận. Qua việc tập viết những chữ Hán đơn giản, cán bộ giáo dục đã giải thích những ý nghĩa của chữ cho các em hiểu. Đó cũng là sự thú vị và hấp dẫn đối với các bạn Việt kiều Pháp ngày hôm nay khi tham dự trải nghiệm giáo dục tại di tích. 

 

         Từ những hoạt động trải nghiệm hết sức thú vị và mới mẻ đó, các em đã có những sản phẩm của mình, mộc mạc nhưng chứa đựng  ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Cô Nguyễn Quỳnh Mai – giáo viên và cũng là phụ huynh của đoàn học sinh đã chia sẻ “Những lần về thăm Việt Nam sau này, tôi sẽ tiếp tục tổ chức cho học sinh của mình tham gia trải nghiệm các chủ đề giáo dục di sản khác tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám”.

 

Các em được cùng cô tìm hiểu về truyền thống khoa cử, cách thức đi học, đi thi của các Nho sinh xưa tại phòng trưng bày khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

 

Các em tìm hiểu về trang phục, đồ dùng học tập của Nho sinh xưa tại phòng trưng bày khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

 

Các em tìm hiểu về sách học, chữ Hán, ván in sách của Nho sinh xưa tại phòng trưng bày khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

 

Các em cùng cán bộ giáo dục tìm hiểu về giấy Dó, một loại giấy truyền thống của Việt Nam dùng để in sách, viết chữ… của cha ông ta.

 

 

Các bạn được tìm hiểu về nghiên mực, bút lông, mức tàu – đó là những công cụ học tập các Nho sinh xưa dùng trong học tập.

 

 

Các em đang trải nghiệm mài mực tàu trên nghiên mực đá – một hoạt động thú vị giúp các bạn biết được Nho sinh xưa làm thế nào để có mực viết. Cách mài mực ra sao để có một màu mực đẹp, chất lượng để dùng khi viết chữ, sáng tác văn chương…

 

 

Cách cầm bút lông cũng là một trải nghiệm thú vị để các em tập cách sử dụng bút lông khi viết chữ.

 

 

Các bạn đang sử dụng chính loại mực do mình tự mài để tập viết chữ trên giấy Dó.

 

 

Những nét chữ đơn giản được các bạn cẩn thận tập đi tập lại rất nỗ lực và tập trung.

 

 

Các em đang chia sẻ với cô và các bạn những chữ mà hôm nay các em được trải nghiệm tập viết.

 

 

Trải nghiệm in tranh chữ  trên bia Tiến sĩ cũng là một hoạt động hấp dẫn đối với các bạn nhỏ. Qua trải nghiệm này các bạn lại học được cách in mộc bản truyền thống của cha ông mình.

 

 

Bé đã in được chữ Minh (sáng suốt, minh mẫn)  trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1646.

 

 

Niềm vui của bà và bạn nhỏ khi in xong chữ Hiếu Học trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1763.

 

AV

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện

CÁC TIỆN ÍCH


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm