GIÁO DỤC DI SẢN - SỨC HÚT HẤP DẪN VỚI CÁC EM HỌC SINH
Giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm nay (2020) được bổ sung nhiều chủ đề rất mới, đa dạng và hấp dẫn. Đó là cảm nhận của các bạn học sinh và các thầy cô giáo Trường THCS Pascal sau một năm quay trở lại với các chương trình giáo dục tại di tích.
Sau chuyến đi trải nghiệm giáo dục di sản vào năm 2019, Ban Giám hiệu Trường THCS Pascal đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ học sinh và giáo viên về chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đặc biệt sau chuyến đi các em học sinh đã có rất nhiều sản phẩm sáng tạo như: dựng video clip theo chủ đề, tranh vẽ linh vật, thiết kế trang phục hoa văn cổ… Đáp ứng yêu cầu của các em học sinh, năm học này trường THCS Pascal tiếp tục tổ chức cho học sinh tham gia giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
(Ảnh: Giáo viên và các em học sinh Trường THCS Pascal tham dự Trải nghiệm Giáo dục Di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
Tham gia trải nghiệm Giáo dục di sản tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám lần này là học sinh khối 7 và khối 9. Các em học sinh đã dành nguyên một ngày để khám phá những điều thú vị qua các chủ đề giáo dục di sản như: Lớp học xưa, Tìm hiểu chữ Hán qua các công trình kiến trúc và hoành phi tại Văn Miếu, Tìm hiểu Danh nhân Việt Nam, Tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An qua “Ô chữ Kì diệu”.
Cô Nguyễn Thị Thảo, phụ trách chương trình ngoại khoá của các em học sinh Trường THCS Pascal cho biết, các em học sinh của trường rất chủ động trong học tập, thông minh và nhiều ý tưởng sáng tạo. Vì vậy để nuôi dưỡng và phát huy những khả năng sáng tạo, học tập của học sinh, Nhà trường luôn chú trọng việc tổ chức cho học sinh đi học ngoại khoá và sẽ kiếm tìm những nơi bổ ích và lý thú nhất cho các em tham gia.
(Ảnh: Các em học sinh Trường THCS Pascal tham dự chủ đề Tìm hiểu về Danh nhân tại Vườn bia Tiến sĩ, VM-QTG)
Quan sát các em học sinh học tập trải nghiệm từ sáng đến chiều, cô Thảo cũng nhận xét “Chương trình giáo dục thực sự hay. Năm nay có thêm nhiều chủ đề mới, nội dung phong phú và hấp dẫn. Các em học sinh bị cuốn hút từ đầu tới cuối, đặc biệt sau mỗi chủ đề các em lại được tự tay viết chữ, hay tự tay in tranh chữ cổ, in tranh hoạ tiết hoa văn cổ trên bia Tiến sĩ. Những hoạt động như vậy thật bổ ích và sinh động”. Cô cũng cho biết thêm học sinh của cô đã mong đợi tham gia những chương trình này từ ở nhà. Điều đó được thể hiện qua việc các em chuẩn bị trước kiến thức cho mình, thậm chí chuẩn bị cả đạo cụ, trang phục… để tự quay phim, chụp ảnh chuẩn bị cho các sản phẩm của nhóm mình ở lớp khi trở về.
Bạn Ngô Chí Hiếu lớp 7B rất quan tâm đến các nhân vật lịch sử. Em rất thích đọc sách về các tấm gương các danh nhân. Hôm nay em cùng các bạn chọn chủ đề Tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An qua “Ô chữ Kì diệu”. Hiếu cho biết qua việc tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của thầy em đã học được những bài học quý, đó là tính “Trung thực” và lòng ham đọc sách. Em cũng nhận định những thành tựu mà thầy Chu Văn An đạt được là do thầy cố gắng từng ngày mới có. Hiếu cũng hồ hởi khoe trong Cuộc thi Tìm hiểu về thầy giáo Chu Văn An qua “Ô chữ Kì diệu” hôm nay, nhóm của em đã xuất sắc dành Ngôi vô địch. Đó quả là một niềm vui lớn của các em trong ngày trải nghiệm, các em đã tiếp thu được kiến thức thông qua các trò chơi, các hoạt động trải nghiệm thật thú vị và bổ ích.
(Ảnh: Các em học sinh Trường THCS Pascal tham dự chủ đề Tìm hiểu về chữ Hán trên kiến trúc cổ Văn Miếu)
Với bạn Đỗ Minh Duy, lớp 7A, sau khi tham gia chủ đề “Tìm hiểu chữ Hán qua các công trình kiến trúc và hoành phi tại Văn Miếu” đã hóm hỉnh nói với cô hướng dẫn: “ Con rất thích chủ đề này và nhớ nhất là chữ Nhất ( 一 ). Hoạt động trải nghiệm con thích nhất là in tranh chữ cổ trên bia Tiến sĩ”. Nói đến đây, thì cả nhóm bạn của Duy ùa lại, khoe với cô hướng dẫn chữ mà mình in được. Nhóm của Duy hôm nay in chữ “Hiếu học” và chữ “Chí”. Đây là những chữ Hán xuất hiện trên các tấm bia Tiến sĩ khoa thi năm 1763 và năm 1661. Các em chia sẻ rằng rất thích chữ “Hiếu học” (好学 – Bia Tiến sĩ khoa thi 1763) vì mong muốn được chăm chỉ và học được nhiều cái mới. Các em cũng bày tỏ, lần sau quay lại các em sẽ đăng ký chủ đề “Tìm hiểu về bia Tiến sĩ” để tìm hiểu chữ Hán ở trên bia Tiến sĩ.
Cũng là học sinh khối 7, Bạn Vũ Ngọc Diệp rất quan tâm đến văn hoá và nền giáo dục Việt Nam. Trong quá trình khảo sát bạn nhận thấy chữ Hán xuất hiện rất nhiều trên bia Tiến sĩ. Ngày hôm nay, trong chủ đề Tìm hiểu về chữ Hán, Ngọc Diệp cũng là một trong những học sinh xuất sắc giải nghĩa được một số chữ Hán tại Văn Miếu. Ngọc Diệp chia sẻ: “Nếu học để biết chữ Hán thì khi đến các di tích lịch sử văn hoá sẽ đọc được chữ Hán ở đó, học chữ Hán giúp em có thể hiểu được chữ trên bia Tiến sĩ”.
Quả là một niềm vui lớn! Khi tham dự chủ đề này các em không chỉ được rèn luyện nhiều kỹ năng học tập bổ ích (quan sát, tìm hiểu, khám phá...) mà còn hiểu được tầm quan trọng của việc biết chữ Hán và chữ Nôm. Qua đó giúp các em có nhận thức đúng hơn về việc nghiên cứu Hán Nôm để tìm hiểu về kho tàng di sản Hán Nôm đồ sộ mà cha ông ta đã để lại.
(Ảnh: Các em học sinh Trường THCS Pascal trải nghiệm mài mực Tàu trong chủ đề Giáo dục Di sản Lớp học xưa)
Còn Nguyễn Anh Tuấn học sinh lớp 9C cho biết, tham dự chủ đề Lớp học xưa, vì em muốn tìm hiểu xem ngày xưa cha ông ta học như thế nào, dụng cụ học tập ra sao, học bằng chữ gì… Thông qua việc tìm hiểu thông tin, ghi chép và các hoạt động trải nghiệm em đã hiểu được tinh thần học tập vượt khó, nhẫn nại và đầy ý chí của những người học trò thời xưa. Tuấn Anh chia sẻ: “Con thấy học trò xưa rất kiên trì và nỗ lực để vượt qua các kì thi quan trọng. Con sẽ tiếp tục tìm hiểu về chữ Hán và chữ Nôm. Con mong muốn lần sau quay lại sẽ tìm hiểu về danh nhân Việt Nam và nền kinh tế thời xưa”.
(Ảnh: Các em học sinh Trường THCS Pascal trải nghiệm in tranh chữ Hán cổ trên giấy Dó truyền thống)
Quả thực sau buổi trải nghiệm hôm nay, các em học sinh Trường THCS Pascal đã có thêm nhiều kiến thức về về lịch sử, văn hóa, danh nhân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chắc chắn sau buổi trải nghiệm này các em sẽ có được nhiều sản phẩm sáng tạo phong phú.
AV