TÌM HIỂU BIA TIẾN SĨ CÙNG CÁC BẠN NHỎ TRƯỜNG TIỂU HỌC JEAN PIAGET
Sáng ngày 16 tháng 4 năm 2025, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không khí như rộn ràng hơn bởi sự hiện diện của những vị khách nhỏ tuổi đến từ khối 3, trường Tiểu học Jean Piaget. Các em học sinh đã tham gia chương trình giáo dục di sản với chủ đề “Khám phá những điều thú vị về bia Tiến sĩ”, một hoạt động không chỉ giúp mở mang kiến thức mà còn gieo mầm tình yêu với lịch sử, truyền thống dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chuyến đi lần này không đơn thuần là một buổi tham quan, mà là một trải nghiệm học tập sáng tạo, nơi các em học sinh được hóa thân thành những "nhà khoa học nhí" để tìm hiểu và khám phá về hệ thống bia Tiến sĩ – một trong những bảo vật quốc gia tiêu biểu của Việt Nam. Các bạn nhỏ đã cùng nhau tìm hiểu để giải đáp hàng loạt câu hỏi thú vị: Ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tất cả bao nhiêu tấm bia Tiến sĩ? Có bao nhiêu vị Tiến sĩ được khắc tên trên đó? Có bao nhiêu vị Trạng nguyên? Những họa tiết trang trí trên bia có ý nghĩa gì? Tại sao những tấm bia này lại được xem là biểu tượng của truyền thống hiếu học và tôn vinh nhân tài của dân tộc?
Thông qua những câu hỏi ấy, các em được khơi gợi sự tò mò, tinh thần khám phá và rèn luyện kỹ năng quan sát, đặt vấn đề, thảo luận nhóm. Những thông tin tưởng chừng như khô khan về niên đại, danh tính, cấu trúc bia bỗng trở nên sống động qua lời kể của các hướng dẫn viên và sự tham gia tích cực của chính các em học sinh. Không còn là những con số đơn điệu, mỗi tấm bia, mỗi dòng chữ trở thành một câu chuyện sống động về tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên và khát vọng đóng góp cho đất nước của biết bao thế hệ học trò xưa.
Một trong những điểm nhấn đáng nhớ của hoạt động là phần in họa tiết trang trí từ các họa tiết trang trí trên bia Tiến sĩ. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các cô chú hướng dẫn viên, từng bạn nhỏ đã được tự tay in những họa tiết như hoa bảo tiên, họa tiết hồi văn lên giấy Dó. Hoạt động thủ công nhẹ nhàng này không chỉ giúp các em rèn luyện sự khéo léo mà còn là cách tuyệt vời để tiếp cận nghệ thuật truyền thống một cách sinh động, dễ hiểu và gần gũi.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Hạnh, người trực tiếp dẫn đoàn học sinh lớp 3A0 và 3A2, đã không giấu được niềm xúc động khi chia sẻ về hoạt động lần này:“Thật là một buổi trải nghiệm hấp dẫn và bổ ích. Các con được tiếp cận với những kiến thức lịch sử ngoài sách vở một cách trực quan và sinh động. Cùng sự hướng dẫn đầy tận tâm của các cô, các chị hướng dẫn viên, các em không chỉ hiểu thêm về di sản dân tộc mà còn được rèn luyện kỹ năng quan sát, tư duy phản biện. Đặc biệt, hoạt động in họa tiết truyền thống đã để lại trong lòng các em nhiều ấn tượng sâu sắc. Xin cảm ơn các cô, các chị vì những trải nghiệm đáng nhớ này!”
Quan trọng hơn cả, chuyến đi còn giúp các em hình thành nhận thức ban đầu về giá trị của di sản văn hóa và trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ những báu vật của dân tộc. Chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là một chuyến đi chơi thú vị mà là cơ hội để những mầm non tương lai của đất nước được tiếp xúc sớm với các giá trị lịch sử – văn hóa quý báu, từ đó nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự kính trọng đối với các bậc tiền nhân và khơi dậy khát vọng học tập, rèn luyện để trở thành người tài đức trong tương lai.
Với cách tổ chức sinh động, sáng tạo và gần gũi, chương trình đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng mỗi bạn nhỏ Jean Piaget. Những kiến thức thu nhận được từ chuyến đi này chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở trí nhớ, mà còn lan tỏa thành cảm xúc, thành động lực để các em tiếp tục yêu quý và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
LH