KHÁM PHÁ “SÁCH HỌC CỦA NHO SINH” Ở DI TÍCH VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM
Vượt hơn 100 km để đến di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội tham dự chương trình giáo dục di sản “Sách học của nho sinh” trong một ngày mưa rét, các bạn học sinh lớp 7 trường Phổ thông liên cấp Dewey Hải Phòng đã có một buổi trải nghiệm thật tuyệt vời và đáng nhớ.
Tham gia trải nghiệm chương trình giáo dục di sản “Sách học của nho sinh” các bạn học sinh khám phá được rất nhiều điều lý thú thông qua những hiện vật sách học, ván khắc in sách cho nho sinh được trưng bày tại di tích. Với một phiếu điều tra trên tay, các em kết hợp với việc tự đọc thông tin về hiện vật đó, quan sát và trả lời câu hỏi, đề từ đó khám phá ra học sinh thời xưa học những loại sách gì? Sách được in bằng chữ gì? Sách được in trên giấy gì? Ai là ông tổ của nghề in nước ta?…
Các bạn học sinh được cô hướng dẫn quan sát một cuốn sách cổ.
Xen kẽ trong suốt hành trình là những câu chuyện kể lịch sử của cô hướng dẫn gắn với chủ đề của các em học sinh đang tìm hiểu. Mỗi câu chuyện là một kiến thức thú vị khiến các em được thỏa mãn trí tò mò của mình. Qua đó các bạn không chỉ đọc hiểu thông tin, mà còn thảo luận, nhận xét, so sánh và đặt nhiều câu hỏi với cô khiến không khí buổi trải nghiệm thêm sôi nổi và hấp dẫn.
Thú vị hơn nữa là cuối cùng các em được tự tay làm cuốn sách cho riêng mình từ giấy Dó, được hướng dẫn cách se chỉ từ giấy Dó, trang trí bìa sách theo sở thích,… Chương trình thực sự đã mang đến cho các em lớp 7 trường Phổ thông liên cấp Dewey Hải Phòng nhiều cơ hội tìm hiểu, học tập kiến thức mới, rèn luyện kĩ năng tự học, làm việc nhóm rất hiệu quả.
Em Bảo Nhi lớp Cancun, Trường Phổ thông liên cấp Dewey, Hải Phòng.
Em Bảo Nhi, học sinh lớp Cancun hào hứng chia sẻ: “Con thích buổi trải nghiệm hôm nay quá! Con học được nhiều thứ mà chưa bao giờ con biết, chỉ đến đây con mới biết. Con thích cách học này, đến tận nơi xem, bảng hỏi nhiều câu hỏi hay, tưởng khó mà không phải, chỉ cần luận thêm một chút là có thể ra được câu trả lời. Lần đầu tiên con được chạm tay vào cuốn sách cổ, trước đây những cuốn sách này con có thế nhìn thấy trên mạng nhưng con không thể cảm nhận được rõ như hôm nay. Con sờ thấy những tờ giấy làm sách thật mỏng, giấy mềm, mềm hơn cả con tưởng tượng…”
Cô giáo Bùi Thanh Hương cùng các học sinh của mình.
Cô giáo Bùi Thanh Hương, là người đồng hành với các học sinh suốt hành trình khám phá. Cô cũng rất ấn tượng với chương trình và khẳng định chuyến tham quan này là một trải nghiệm tuyệt vời, giúp các bạn học sinh tự hào về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ của đất nước mình. Cô chia sẻ: “Việc được đặt chân đến nơi linh thiêng này không chỉ là trải nghiệm về lịch sử mà còn là cơ hội để tận hưởng không khí tâm linh và tìm hiểu về giáo dục truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, hoạt động tìm hiểu về sách xưa tại Văn Miếu đã cho các bạn học sinh hiểu được hành trình về sự biến đổi của ngôn ngữ, chữ viết, và tri thức qua các thời kỳ. Những cuốn sách cổ là những bảo vật quý giá, chứng nhân cho sự tiến bộ và sự giữ gìn của người Việt trong việc bảo tồn tri thức. Đồng thời, các con đã trải nghiệm tự tay làm ra cuốn sách theo cách làm của người xưa”.
Sau chuyến tham quan, các em học sinh trường Phổ thông liên cấp Dewey Hải Phòng rất thích thú với chương trình. Các thầy cô giáo mong muốn sẽ đưa các em học sinh tới tham gia trải nghiệm nhiều chủ đề giáo dục di sản khác nữa tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
AV