DI TÍCH

                                                       THẦY GIÁO TRƯỜNG QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG                                                                          

    Quốc Tử Giám được xây dựng vào năm 1076. Trải qua hơn 700 năm tồn tại, đâytrường quốc học đầu tiên của Việt Nam và là trung tâm giáo dục Nho học cao cấp, lớn nhất thời quân chủ. Điều hành việc quản lý và giảng dạy tại Quốc Tử Giám là Tế tửu, Tư nghiệp và các giảng quan như: Bác sĩ, Trực giảng, Trợ giáo, Ngũ kinh Bác sĩ… Đó là những người học vấn uyên thâm, đạo cao, đức trọng, thường được tuyển chọn trong số các quan đại thần, các vị Tiến sĩ.

 Mô hình toàn cảnh Quốc Tử Giám thời nhà Lê (thế kỉ XV)

    Tuy nhiên, tiêu chuẩn chọn thầy vào giảng dạy tại Quốc Tử Giám qua các triều đại cũng có nhiều thay đổi và ngày càng hoàn thiện. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ngoài ghi chép về việc Hoàng Thái tử đến Văn Miếu để học vào năm 1070, còn ghi việc năm 1076, nhà vua cho chọn quan viên văn chức biết chữ cho vào Quốc Tử Giám. Như vậy, việc tuyển chọn thầy giáo của trường Quốc Tử Giám dưới vương triều Lý đã là những người học thức.

    Sang thời Trần, tiêu chuẩn thầy giáo giảng dạy trong Quốc Tử Giám được chú trọng hơn và thường được giao cho các bậc đại thần của triều đình - những người đức trọng, tài cao, thông hiểu kinh sách. Sách Việt sử cương mục tiết yếu chép: năm Thiên Ứng Chính Bình 4 nhà Trần “lấy Phạm Ứng Thần làm Thượng thư, tri Quốc Tử Viện Đề điệu. Cho con em các văn quan vào học”. Bên cạnh đó, nhà vua còn xuống chiếu vời Nho sĩ trong nước đến Quốc Tử Viện giảng Tứ thư, Ngũ kinh.

    Năm 1272, vua Trần Thánh Tông “xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách”. Bên cạnh đó, nhà Trần còn có chức Quốc Tử Giám Trợ giáo như Đoàn Xuân Lôi là Trợ giáo năm 1392 đời Trần Thuận Tông, sau này đời Lê cũng đặt chức này, như Nguyễn Siêu làm Trợ giáo năm 1449.

    Vậy là, đến thời Trần nước ta mới đặt chức Tư nghiệp làm người đứng đầu Quốc Tử Giám. Tiêu chuẩn bổ Tư nghiệp đòi hỏi phải hội đủ cả hai yếu tố: tài cao và đức trọng. Tiêu chí này vẫn được nhiều triều đại phong kiến về sau duy trì, áp dụng.

Năm 1400, Hồ Quí Ly lên ngôi vua. Với 7 năm tồn tại (1400-1407) của vương triều Hồ, các chính sách tuyển chọn nhân sự vào Quốc Tử Giám không mấy thay đổi. Đứng đầu Quốc Tử Giám vẫn là quan Tư nghiệp. Chức này do Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) người xã Nhị Khê, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam thượng đảm nhiệm.

     Việc học tập và giáo dục Nho học ở nước ta được mở rộng phát triển với qui mô lớn và đạt tới đỉnh cao dưới thời Lê. Ngay khi mới lên ngôi (1428) vua Lê Thái Tổ đã cho chọn con cháu các quan và con nhà thường dân tuấn tú vào Quốc Tử Giám theo học (gọi là Giám sinh). Thời Lê, Quốc Tử Giám đổi tên Thái Học viện hay Nhà Thái Học. Lúc này, việc tuyển chọn thầy giáo trường Quốc Tử Giám đã qui định với tiêu chuẩn rõ ràng. Sách Lịch triều Hiến chương loại chí ghi: “Đầu nhà Lý đã đặt Quốc Tử Giám, tên các chức quan chưa rõ. Đời Trần mới đặt chức Tư nghiệp. Đầu nhà Lê đặt các chức Tế tửu, Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ. Đời Hồng Đức định quan chế đặt phẩm trật các chức ấy ở hạng tòng tứ phẩm trở xuống: Lại đặt thêm chức Ngũ kinh Bác sĩ thuộc Quốc Tử Giám. Thời Trung Hưng về sau bãi chức Ngũ Kinh Bác sĩ, còn các chức khác đều theo như cũ”. Đứng đầu Quốc Tử Giám Thăng Long dưới thời Lê là Tế tửu, tạm coi như tương đương với Hiệu trưởng.

    Về nhiệm vụ, Quốc Tử Giám Tế tửu và Quốc Tử Giám Tư nghiệp đều phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn rập sĩ tử, gây dựng nhân tài, giúp việc thu dụng trong nước. Riêng quan Tế tửu giữ vai trò chủ tế trong các kỳ tế lễ tại Văn Miếu. Điều này giúp chúng ta xác định được rằng: dưới thời Lê, quan Tế tửu là người đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiệm vụ quản lý, trông coi chung cả việc tế lễ tại Văn Miếu và hoạt động giảng dạy, học tập tại trường Giám.

    Tham gia vào việc giảng dạy ở trường Quốc Tử Giám còn có các học quan như: Trực giảng, Bác sỹ, Trợ giáo, Giáo vụ, Huấn đạo, Giáo thụ...

    Quốc Tử Giám Trực giảng là chức quan đứng dưới hàng Tư nghiệp, tương đương hàng Giáo Thụ. Giám sát Ngự sử Nguyễn Cư Đạo (Tiến sĩ khoa thi năm 1442) đã từng giữ chức này năm 1449.

    Chức Quốc Tử Giám Bác sỹ do người thông kinh nghĩa đảm nhiệm. Chức trách này ngoài việc truyền thụ cho học sinh còn có thể là cố vấn chính trị và điển lễ. Khoa thi năm 1442, Quốc Tử Giám Bác sĩ Nguyễn Tử Tấn giữ việc đọc quyển thi cho vua nghe và xét định đỗ cao thấp. Năm Mậu Thìn (1448) An phủ phó sứ Thiên trường là Phan Phu Tiên được cử giữ chức Quốc Tử Giám Bác sĩ.

    Quốc Tử Giám Trợ giáo là học quan giúp Quốc Tử Giám Bác sĩ truyền thụ Nho học và thuộc tòng Bát phẩm. Ngoài ra còn có Quốc Tử Giám Giáo vụ; Quốc Tử Giám Huấn đạo; Quốc Tử Giám Giáo thụ.

    Để khắc phục tình trạng các Giám sinh học kinh Thi, Thư  thì nhiều, mà học Lễ ký, Chu Dịch, Xuân Thu thì ít cho nên từ năm 1467, trường Quốc Tử Giám bắt đầu đặt chức Ngũ kinh Bác sĩ. Việc đặt chức này nhằm mục đích phân công mỗi vị Bác sĩ chuyên nghiên cứu sâu một loại sách kinh điển của Nho giáo để dạy Giám sinh.

    Để thuận tiện cho việc giảng dạy, từ năm 1693, các vị Tế tửu, Tư nghiệp, Giáo thụ, Ngũ kinh Bác sĩ ở luôn tại Quốc Tử Giám để ngày thường hướng dẫn Giám sinh học tập. Cứ ngày mùng một, ngày rằm thì tập làm văn, 4 tháng trọng (tức Trọng xuân - tháng 2 âm lịch, Trọng Hạ - tháng 5, Trọng Thu - tháng 8, Trọng Đông - tháng 11) thì khảo duyệt y như phép thi, ai trúng cao thì cất nhắc trao chức vụ.

    Như vậy, các thầy giáo của Quốc Tử Giám ngoài nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho đất nước, còn có trách nhiệm lựa chọn, bảo cử những học trò xuất sắc để triều đình xét duyệt bổ ra làm quan.

    Lịch sử giáo dục dân tộc dưới thời quân chủ vẫn còn lưu lại nhiều tên tuổi các thầy giáo trường Quốc Tử Giám Thăng Long nổi tiếng về tiết khí, học vấn uyên thâm đã đào tạo được nhiều người thành đạt, đóng góp cho việc bảo vệ và phát triển đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa.

    Đời Trần, Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dưới thời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử giữ chức Tư nghiệp đồng thời cũng là thầy giáo của Thái tử Trần Vượng, sau này là vua Trần Hiến Tông. Chu Văn An là người dâng Thất trảm sớ, đề nghị chém 7 tên nịnh thần để bình ổn tình hình chính sự trong nước. Khi ông mất vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trinh, sai quan đến dụ tế và cho tòng tự ở Văn Miếu Thăng Long. Với những công trạng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước ta, với tính cách tiết tháo, cương trực, ông được tôn xưng là “ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.

    Triều Hồ, nước ta có Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Phi Khanh người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nguyễn Phi Khanh đỗ Tiến sĩ dưới triều Trần, ra làm quan triều Hồ, được bổ nhiệm chức Đại lý tự khanh, rồi Trung thư thị lang, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ông là một tấm gương phấn đấu học tập, vượt khó khăn để thành đạt. Nhiều danh sĩ đương thời đánh giá ông rất cao. Ông là thân phụ của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Các tác phẩm của ông có Nhị Khê tập, còn 74 bài chép trong Toàn Việt Thi lục.

    Triều Lê, phải kể đến những danh sư tiêu biểu như: Tư nghiệp Quốc Tử Giám Lý Tử Tấn (1378-1457) người làng Triều Lật huyện Thượng Phúc nay thuộc xã Tân Minh huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông đỗ Đệ Nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm 1400 đời Hồ Quý Ly. Ông là bạn đồng khoa với Nguyễn Trãi. Đầu đời Lê Thái Tổ, lúc đầu ông giữ chức Hành khiển Bắc đạo, sau về kinh giữa chức Thừa chỉ coi việc làm chiếu cáo, thăng đến chức Hàn lâm việc học sĩ, Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Khi Nguyễn Trãi soạn xong Dư địa chí, Lý Tử Tấn được vua Lê Thánh Tông giao cho làm Thông luận để cho ý nghĩa được sáng rõ, đủ biết không chỉ tài năng văn chương mà cả đạo đức học thuật. Tác phẩm có Chuyết Am thi tập; hiện còn 93 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt Thi lục. Ngoài ra ông còn đề tựa sách Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên.

    Tư nghiệp Quốc Tử Giám Ngô Sỹ Liên người xã Chúc Sơn huyện Chương Mỹ nay thuộc xã Ngọc Hòa huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1442 đời vua Lê Thánh Tông. Ông đã từng giữa các chức: Lễ bộ hữu thị lang, triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, kiêm quan tu soạn. Tác phẩm có Đại Việt sử ký toàn thư (15 quyển), soạn xong năm 1479.

    Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Trực (1417-1474) người xã Bối Khê, nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông là vị Trạng Nguyên đầu tiên của triều Lê (khoa thi năm 1442). Sau này ông làm quan đến các chức: Thủ trung thư lệnh, tri Tam quán sự, đại liêu ban, đặc thụ Hàm lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, hai lần đi sứ sang nhà Minh. Nguyễn Trực nổi tiếng là thầy giáo giỏi. Tác phẩm của ông có Bối Khê thi tập, nay còn 6 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

    Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Nghiễm (1708-1775) người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa thi năm 1731. Lúc đầu ông giữ chức quan văn tại triều. Năm 1741 giữa chức Tham chính sứ Sơn Nam, lại được triệu về kinh là Tế Tửu Quốc Tử Giám. Tác phẩm có Việt sử bị lãm, Quân Trung liên vịnh.

    Tư nghiệp Quốc Tử Giám Lê Quý Đôn (1726-1785) người huyện Dương Hà nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là người có tư chất cực kỳ thông minh. Khoa thi năm 1752 ông đỗ Bảng Nhãn. Lê Quý Đôn giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám khoảng những năm 1767. Lê Quý Đôn còn được ca ngợi là người thầy rất biết quan tâm đến học trò. Nhiều học trò được hưởng ơn tri ngộ của ông, tiêu biểu phải kể đến Hoàng Giáp Bùi Huy Bích. Các trước tác của ông bao gồm nhiều lĩnh vực sử học, triết học, khảo cứu, sáng tác…Các tác phẩm của ông đồ sộ, phong phú là kho báu của nền văn hóa nước ta.

    Trong số các bậc tôn sư đáng kính của trường Quốc Tử Giám Thăng Long còn phải kể đến những thầy giáo tiêu biểu như: Thân Nhân Trung, Nguyễn Huy Nhuận, Ngô Trí Hòa và nhiều tên tuổi khác. Tựu trung lại đội ngũ thầy giáo trường Quốc Tử Giám là những người được triều đình tuyển chọn kỹ, có đạo đức trong sáng, học vấn tinh thông, đều đã qua đại khoa và là những danh Nho có uy tín.Những người thầy tại trường Giám không chỉ dạy học trò bằng Kinh sách của các bậc Tiền nhân mà còn dạy học trò bằng tấm gương đạo đức của chính mình./.

An Nhiên


NỘI QUY HỌC TẬP TẠI QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG

 

          Quốc Tử Giám Thăng Long được thành lập năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Trải qua các triều đại Lý, Trần rồi Hậu Lê, Quốc Tử Giám đã trở thành trung tâm giáo dục lớn nhất của cả nước. Mục tiêu giáo dục của Quốc Tử Giám là rèn tập, đào tạo nhân tài cho đất nước. Bời vậy việc giảng dạy và học tập tại đây được tổ chức rất quy củ. Triều đình đã đặt ra nhưng quy định  cho các Giám sinh (học trò) của Quốc Tử Giám.

    Chưa rõ nội quy cụ thể của Quốc Tử Giám thời Lý và thời Trần, xong từ thời Hậu Lê trở đi, nội quy nhà Giám rất chặt chẽ. Giám sinh vắng mặt qua đêm hoặc nghỉ học một hai ngày đều phải xin phép, nếu vi phạm nhiều lần thì bị trách phạt, hoặc đuổi học bắt sung quân. Thậm chí nếu vi phạm nặng, Giám sinh có thể bị xử chém như trường hợp ghi trong Đại Việt Sử ký toàn thư: “Năm 1435, tháng 1, chém Quốc Tử Giám sinh Lê Tử Dục, vợ con, điền sản sung công. Tử Dục ở Giám không chịu học tập, chỉ chuyên nghề bói toán, bùa chú, dụ dỗ vụng trộm vợ cả, vợ lẽ người khác, lại lấy trộm đồ đạc của cả 18 phòng”.

 

Nền cũ của Trường Giám (sau khi điện Khải Thánh bị phá hủy)

 

    Giám sinh học tập tại Quốc Tử Giám không chỉ học kiến thức, họ phải trau dồi cả đức hạnh. Nhiệm vụ của Quốc Tử Giám là rèn tập đào tạo ra những con người phải đủ đức, đủ tài. Bởi họ chính là nguồn nhân lực bổ sung cho triều đình, sẽ là rường cột của quốc gia. Năm 1494, Hồng Đức thứ 25 quy định: “Các Giám sinh là bậc chân nho, có thể hiển đạt trên con đường khoa cử, phải lấy điều nhân đối đãi với dân, lấy điều nghĩa để răn giới mình, lấy lễ để tôn kính bằng hữu, lấy đạo để giáo hóa người khiến cho mọi người giữ được thuần phong mỹ tục. Các giám sinh không được làm điều sai trái, phóng đãng, cờ bạc. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt 3 khoa không được đi thi, không được bổ dụng. Nếu ai biết hối lỗi thì cũng tha cho tội trước. Nếu ai tái phạm thì tăng thêm 1 mức để trị tội. Đối với mức không cho dự thi thì tăng thêm 1 mức xử tội đồ 3 năm, đối với mức không cho dự thi thì tăng thêm 1 mức xử tội đồ 3 năm, đối với mức không bổ dụng thì gia thêm 1 mức lưu đầy đi châu xa 3 năm”

 

Khu Thái Học xây dựng năm 2000 trên khu vực Quốc Tử Giám xưa

 

    Năm 1511, thời Lê Tương Dực, nội quy trường Giám còn được quy định cụ thể: Giám sinh, nho sinh, sinh đồ cứ đến ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng đều phải mặc mũ áo đến điểm mục theo phép đã định. Phải tuân theo học quy, luyện tập văn bài, đợi khi thành tài để nhà nước sử dụng. Người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu một lần điểm mục thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu 2 lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu 3 lần thì đánh 40 roi, thiếu điểm mục 4 lần thì kiểm xét tâu lên giao cho Hình bộ xét hỏi, thiếu điểm mục năm lần thì tâu lên bắt sung quân. Nội quy này được áp dụng từ đó, thành quy định chuẩn cho trường trong suốt thời gian tồn tại của trường Giám thời Lê, nhờ đó Quốc Tử Giám đã trở thành trung tâm đào tạo lớn nhất, mẫu mực cho các trường học địa phương, trường học tư tuân theo.

    Với vị trí là trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, trong hơn 700 năm hoạt động, Quốc Tử Giám Thăng Long đã đào tạo ra hàng nghìn các bậc đại khoa, hiền tài cho quốc gia.

 

                                                                                                                                                                                                    LH


VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM VỚI TRUYỀN THỐNG KHUYẾN HỌC

 

         Dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã rất coi trọng giáo dục. Nền giáo dục ấy đã sản sinh cho đất nước nhiều nhân tài trong các lĩnh vực văn hóa, chính trị, ngoại giao, quân sự… làm rạng danh lịch sử nước nhà. Trong đó, hoạt động khuyến học được cả nhà nước và nhân dân quan tâm, thực hiện.

 

         Thời Lý chính sách khuyến học được thể hiện rõ nét nhất là sự kiện xây dựng Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long vào năm 1070 làm nơi thờ các vị Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và cho Hoàng Thái tử đến học. Năm 1075 vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi tuyển “Minh kinh bác học” đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Một năm sau ông lại cho mở Quốc Tử Giám dạy học cho con em quý tộc. Sau này dưới triều Trần, Quốc Tử Giám mở rộng dần quy mô, thu nạp cả những học trò ưu tú bình dân vào học tập.

 

         Triều Lê, khoa cử quy củ, phát triển thịnh trị. Quốc Tử Giám trở thành trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất đất nước. Vì thế, hoạt động khuyến học thời Lê càng phát triển. Đặc biệt thời Lê sơ, hoạt động khuyến học diễn ra rất phong phú, đa dạng, như: lập bia đề danh Tiến sĩ để vinh danh người đỗ đại khoa tại Văn Miếu, tổ chức lễ xướng danh ghi tên bảng vàng, tổ chức trọng thể lễ Vinh quy bái tổ, ban yến tiệc, tước phẩm… cho người đỗ đạt.

 

 

Khu vườn bia Tiến sĩ, nơi vinh danh tên tuổi các vị đỗ Đại khoa triều Lê – Mạc – Lê trung hưng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

         Sang đến triều Nguyễn mặc dù kinh đô dời vào Huế, nhưng các hình thức khuyến học vẫn được thực hiện quy củ. Triều đình duy trì mở các khoa thi chọn nhân tài, tiếp nối truyền thống dựng bia đề danh Tiến sĩ tại kinh đô Huế, các hình thức thi cử, đỗ đạt, ban thưởng… cho người đỗ đạt luôn được trú trọng thực hiện. 

 

         Bên cạnh những chính sách khuyến học của triều đình, ở các làng xã, dòng họ khoa bảng cũng có những hoạt động khuyến học đối với con em bản quán. Ở các tỉnh lị, làng xã trên cả nước cũng xây dựng Văn miếu hàng tỉnh, Văn từ, Văn chỉ để tôn thờ các vị tiên triết của Nho giáo, tỏ sự tri ân “Uống nước nhớ nguồn” theo phong tục của người Việt Nam. Nhiều làng, nhiều dòng họ có truyền thống khoa bảng còn khắc tên người đỗ khoa trường của làng đặt trong Văn từ, Văn chỉ của làng, hoặc trong Từ đường các dòng họ đỗ đạt. Những hình thức đó chính là động lực để thúc đẩy con cháu học tập, giúp con cháu biết đến gương học tập của tiền nhân để dấn thân vào con đường học tập tốt hơn nữa.

 

         Ngày nay, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám công tác khuyến học vẫn được tiếp tục thực hiện. Hàng năm, nhiều trường học các cấp, các tổ chức giáo dục, dòng họ cùng hàng nghìn học sinh, sinh viên trên cả nước đều về đây tổ chức Lễ dâng hương, vinh danh, khen thưởng nhằm khuyến học, động viên thế hệ trẻ. Những hoạt động này chính là sự tiếp nối, phát huy truyền thống khuyến học tốt đẹp của cha ông ta trong điều kiện mới.

 

Lê tuyên dương các Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ở Hà Nội năm 2003 đầu tiên được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Từ năm 2003 đến nay, thành phố Hà Nội luôn chọn Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tổ chức “Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là niệm tự hào và vinh dự đặc biệt đối với các bạn sinh viên các trường đại học và học viện của thành phố.

 

Lễ trao học bổng Vallet cho các bạn sinh viên sau đại học xuất sắc được tổ chức định kỳ hàng năm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

Lễ trai giải thưởng “Loa thành” dành cho đồ án tốt nghiệp đại học xuất sắc ngành Kiến trúc – Xây dựng cho các em sinh viên trong ngành được tổ chức hàng năm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Lễ trao học bổng Hessen cho các bạn sinh viên xuất sắc của các trường đại học được tổ chức tại nhà Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Tổ chức lễ dâng hương nhân ngày tốt nghiệp cấp THPT tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một sự động viên, khích lệ rất lớn đối với các em học sinh khi chuẩn bị bước vào các kì thi đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp 12 năm đèn sách.

 

Dù ở bất cứ đâu trên quê hương Việt Nam, được tham gia lễ khuyến học, dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám – cái nôi hun đúc nhân tài của đất nước - luôn là niềm tự hào của mỗi người học sinh.

 

Các em học sinh của Hệ thống giáo dục Alpha school tham dự lễ khuyến học, dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Các em học sinh Hệ thống giáo dục Chu Văn An – Quảng Bình tham dự lễ khuyến học, Dâng hương trước tượng thờ thầy giáo Chu Văn An, khu Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Học sinh trường Tiểu học Vinschool Green Bay Mễ Trì, Hà Nội tham dự lễ khuyến học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Niềm vui của các em học sinh lớp 3A2 trường Tiểu học Sông Đà, Hòa Bình, Hà Nội khi tham dự lễ khuyến học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

AV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG

NƠI IN ẤN, PHÁT HÀNH SÁCH HỌC THỜI QUÂN CHỦ

 

         Ngoài nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nhân tài tại kinh sư, Trường Quốc Tử Giám còn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác là in ấn tài liệu, kinh điển Nho giáo để cung cấp cho thầy, trò tại các học phủ, trường, lớp trong cả nước.

 

         Thời kỳ đầu độc lập, sách học ở nước ta phải nhập từ Trung Quốc về; đường xá xa xôi, lệ thuộc, kinh phí đắt đỏ, số lượng sách hạn chế gây nhiều khó khăn cho việc học tập, giảng dạy. Đến thế kỷ XV, nghề in mộc bản trong nước phát triển, người Việt đã tự in ấn, phát hành sách. Quốc Tử Giám trở thành nơi cung cấp sách học cho Thầy – Trò trong cả nước.

 

         Cho đến nay vẫn chưa rõ Quốc Tử Giám bắt đầu in sách học cho Nho sinh từ bao giờ, nhưng các chứng cứ lịch sử đã cho thấy trường Giám có chức năng này. Năm 1483, vua Lê Thánh Tông khi cho mở rộng nhà Thái Học, dựng Minh Luân đường, Giảng đường, ông cũng cho xây dựng kho Bí thư để in sách học cho học trò. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục đã mô tả kho Bí thư của Quốc Tử Giám có 4 gian dùng để cất ván in sách.

 

(Ảnh: Sách học của Nho sinh

 P. trưng bày Lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám và chế độ khoa cử Việt Nam, nhà Thái Học)

 

         Sách do Quốc Tử Giám in chủ yếu là các sách trong bộ Tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Kinh thư, Kinh thi, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh xuân thu). Đây là hệ thống sách được coi là  “sách giáo khoa mẫu mực”, “bộ sách giáo khoa chính thống” để làm tài liệu học tập và thi cử cho đến khi chế độ khoa cử Nho học bị bãi bỏ của người Việt.

 

         Tương truyền, nghề in ấn của nước Việt có từ thời Lý (in kinh kệ, tranh vẽ…) nhưng chưa thực sự phát triển. Sau này, Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501) triều Lê, sau hai lần đi sứ (năm 1443 và 1459) đã mang nghề in mộc bản của Trung Quốc về truyền cho dân làng Hồng Lục và Liễu Tràng, xã Hồng Liễu. Từ đó, nghề in sách nước ta dần dần phát triển. Vua Lê Thánh Tông đã nhiều lần ban chiếu cho thợ Hồng Liễu lên Kinh thành để khắc mộc bản và in sách cho triều đình. Thời Hồng Đức, sách được in ra hàng loạt. Bởi thế văn thơ thời Hồng Đức rất phát triển, phổ biến rộng trong đời sống.

 

(Ảnh: Ván in sách cổ

 P. trưng bày Lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám và chế độ khoa cử Việt Nam, nhà Thái Học)

 

         Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: năm 1467 vua Lê Thánh Tông “ban cấp bản in sách Ngũ kinh của nhà nước cho Quốc Tử Giám, theo lời tâu của Bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh”. Như vậy, với việc vua ban in sách Ngũ kinh của nhà nước cho thấy triều đình đã kiểm soát việc in ấn sách giáo khoa để giao cho Quốc Tử Giám. Năm 1734, triều đình kiểm soát kĩ hơn cả nội dung của sách học, giao cho các quan Quốc Tử Giám “hiệu đính kiểm duyệt năm kinh theo bản khắc văn của Trung Quốc, rồi khắc thành sách; nay sách đã in xong ban bố cho trong nước, để theo đấy mà dạy học trò, cấm mua sách của Trung Quốc”[1].

 

         Sang triều Nguyễn, việc in ấn lại được tập trung ở kinh đô Huế, các ván in ở ngoài Bắc được chuyển về Quốc Tử Giám Huế. Sách Đại Nam hội điển sự lệ cho biết việc vua Minh Mạng xuống chỉ cho sưu tầm sách vở ở các nơi: “Văn Miếu ở Bắc thành, nguyên trữ các bản in Ngũ Kinh Tứ Thư đại toànVõ kinh trực giải. Chuẩn cho sức soạn lấy đủ số. Nếu như tấm in bản nào lâu năm mọt nát, thì khắc bản khác bổ sung vào, đến khi có đoàn thuyền vận tải thì đưa đến kinh giao Quốc Tử Giám lưu giữ, đặng phòng khi dùng in ra để ban cấp”. Sự kiện này một lần nữa đã khẳng định chức năng in sách, xuất bản sách của Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội rất quan trọng và kho chứa ván in ở đây đã trở thành tài liệu mộc bản rất có  giá trị.

 

         Hiện nay khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng), trong đó một số tài liệu mộc bản  được cho là được vận chuyển từ Văn Miếu Bắc thành về Huế theo chỉ dụ của vua Minh Mệnh. Đó thực sự là một kho di sản quý , mà Quốc Tử Giám Thăng Long-Hà Nội đã đóng góp một phần không nhỏ.

AV


[1] Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, dịch giả Viện sử học, NXB Giáo dục – Hà Nội, 1998, trang 820.

 


DI TÍCH VĂN MIẾU-QUỐC TỬ GIÁM

VÀ TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC CỦA DÂN TỘC

 

        Truyền thống hiếu học của dân tộc ta đã có từ lâu đời.  Ngay từ thời Bắc thuộc, bên cạnh những trường, lớp của chính quyền đô hộ nhà Hán, nhiều trường, lớp học của người Việt đã được mở trong các chùa chiền thu hút nhiều người theo học.

 

         Dưới  thời Lý (1009-1225),  năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, các vị hiền triết và làm nơi học tập của Hoàng Thái tử. Mùa xuân, năm 1075, vua Lý Nhân Tông “xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi học Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”[1]. Năm 1076, nhà Vua  cho lập Quốc Tử Giám, “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám học tập”. Từ đó về sau, trải qua các triều đại, chính sách về giáo dục, thi cử tuyển chọn nhân tài ở nước ta ngày càng được hoàn thiện: Triều đình cho tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn hiền tài cho bộ máy chính quyền của nhà nước quân chủ. Bắt đầu từ năm 1484, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu dựng bia đề danh Tiến sĩ để vinh danh những bậc đỗ đại khoa tại Văn Miếu, thể hiện tinh thần trọng thị hiền tài, khuyến khích học tập.

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi hun đúc, lưu giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống Hiếu học quý báu của Dân tộc Việt Nam

(Ảnh: cổng Văn Miếu)

       

         Song hành với sự ra đời, phát triển của chế độ giáo dục, khoa cử Nho học và tinh thần trọng dụng nhân tài của nhà nước, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt tiếp tục  phát triển và lan tỏa rộng khắp. Đến thời Lê (XV-XVIII), hầu hết các làng xóm trên cả nước, ở đâu cũng mở trường lớp, mời thầy đồ về dạy học. Học trước hết để làm người, có tri thức, có đức hạnh rồi sau mới đem công sức mà cống hiến, xây dựng đất nước.

 

         Trên các bài văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội, các soạn giả văn bia cũng luôn nhắc nhở kẻ sĩ về tinh thần hiếu học, trau dồi đạo đức. Văn bia Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466) đã ghi: “Các sĩ tử ngước mắt nhìn lên cũng sẽ hăng hái lòng trung nghĩa, trau dồi học hành, đức hạnh để mong có ngày hiển dương đặc dụng. Như thế là để đợi chờ bậc tuấn kiệt theo nhau mà đến, kẻ tài năng, chân chính xuất hiện tiếp nhau, văn chương đủ để giúp nước, đạo đức đủ để giúp đời…”.  Vì sự học chính là cái gốc, là căn cốt của mọi thành công, giúp cho xã hội hưng thịnh, là cơ sở để con người có thể trở nên tử tế.

 

 

Vườn bia Tiến sĩ  -  Nơi lưu danh những tấm gương hiếu học và dòng họ khoa bảng của Dân tộc

(Ảnh: Khu vườn bia Tiến sĩ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám)

 

         Trong số 1304 vị Tiến sĩ được lưu danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có rất nhiều các vị danh nhân nổi tiếng như: Nguyễn Trực (…), Ngô Sĩ Liên (1417-1474), Lương Thế Vinh (1441-1496), Lê Quý Đôn (1726-1784), Ngô Thì Nhậm (1746-1803),…là những người có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, dân tộc. Đặc biệt trên bia còn ghi dấu của nhiều dòng họ, địa phương nổi tiếng với truyền thống hiếu học như: xứ Kinh Bắc với danh sách hơn 430 vị đỗ đại khoa. Trong đó, có 98 vị Tiến sĩ được khắc trên bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương có tới 36 người đỗ Tiến sĩ dưới thời phong kiến. Có một năm mà nửa số Tiến sĩ đỗ trong cả nước là người làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương, bởi thế dân gian còn có câu: “Mộ Trạch bán thiên hạ”. Dòng họ Thân  ở xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang mấy đời liền đỗ đại khoa, đều cùng làm quan một triều, như: Thân Nhân Trung đỗ Tiến sĩ năm 1469, làm quan Lại bộ Thượng thư Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các Đại học sĩ, con là Nhân Vũ đỗ tiến sĩ năm 1481 và Nhân Tín đỗ tiến sĩ năm 1490, cháu ông là Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa năm 1487. Dòng họ Ngô, xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong 5 đời liền đỗ đại khoa: Ngô Nhân Triệt đỗ tiến sĩ năm 1608 là cháu của Ngô Ngọc (đỗ Hoàng Giáp 1487) và Ngô Hải  (Hoàng Giáo 1508) là con của Ngô Trừng (Hoàng giáp 1580) là cha của Nhân Tuấn đỗ tiến sĩ năm 1640. Dòng họ Nguyễn xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn có Nguyễn Thực đỗ Hoàng Giáp năm 1595 làm quan Tán trị công thần Tham tụng Lại bộ Thượng thư Chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Đông các đại học sĩ, tước Lan quân công, là cha của Nguyễn Nghi đỗ tiến sĩ 1602, tằng tổ của Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ đỗ tiến sĩ 1670, cao cao tổ của Nguyễn Thẩm đỗ tiến sĩ 1706 và Nguyễn Thưởng đỗ tiến sĩ 1754…


         Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội là địa chỉ văn hóa, du lịch nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, nhiều dòng họ cùng hàng chục nghìn học sinh, sinh viên trong cả nước về đây tổ chức lễ dâng hương - khuyến học và tôn vinh truyền thống của cha ông. Di tích, cùng Di sản Tư liệu Thế giới 82 bia Tiến sĩ mãi mãi là nơi lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa truyền thống Hiếu học, Tôn sư trọng đạo, Tôn trọng nhân tài của đất nước. 

 

Các em học sinh tìm hiểu về truyền thống giáo dục khoa cử Việt Nam trong chương trình Giáo dục Di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

(Ảnh: Học sinh tại khu trưng bày giáo dục khoa cử Việt Nam, khu Thái Học, Văn Miếu – QUốc Tử Giám)

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay luôn là niềm tự hào, điểm lựa chọn đầu tiên của các em học sinh để chụp ảnh lưu giữ những mốc học tập quan trọng

(Ảnh: Học sinh chụp ảnh lưu niệm khi tổ chức lễ tốt nghiệp THPT tại sân Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám)

 

Các em học sinh cùng cha mẹ và thầy cô tham dự Lễ dâng hương và tìm hiểu về truyền thống giáo dục khoa bảng thông qua những tấm gương hiếu học của các danh nhân trên bia Tiến sĩ.

(Ảnh: Học sinh THPT tham dự khuyến học tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám)

 

Thủ khoa các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội rất vinh dự khi được tuyên dương tại sân Thái Học – Nơi xưa kia chính là Quốc Tử Giám (trường Đại học đầu tiên của Việt Nam)

(Ảnh: Lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám)

 

AV

 

[1]. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Viện KHXH VN, NXB KHXH Hà Nội-1993, trang 110


GIÁM SINH

    Quốc Tử Giám thành lập năm 1076, dưới triều của vua Lý Nhân Tông mở đầu cho nền giáo dục cấp cao của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, trải qua hơn 700 năm, Quốc Tử Giám luôn là trung tâm giáo dục – đào tạo nhân tài lớn nhất của cả nước.

    Học trò trường Quốc Tử Giám được gọi là Giám sinh. Ban đầu Giám sinh của trường phần lớn đều do nhà vua ban chuẩn cho vào học, bao gồm quan viên văn chức, con em hoàng tộc, quan lại. Đến thời Lê, trường Giám mở rộng cho con em bình dân tuấn tú, có tài đức được vào học. Thông thường, học trò đỗ thi Hương và qua kỳ sát hạch tại bộ Lễ được vào học tại Quốc Tử Giám.

 

Quốc Tử Giám (Tranh minh họa)

     Số lượng Giám sinh theo học tại trường khoảng 300 người, thời gian học tập kéo dài từ ba đến bảy năm;  Hàng tháng và cuối năm đều có các bài kiểm tra định kỳ. Trò nào qua được các kỳ kiểm tra và sát hạch của bộ Lễ mới được tham dự thi Hội, thi Đình lấy đỗ học vị Tiến sĩ. Tuy nhiên, cũng có nhiều Giám sinh có tài - đức, được bộ Lễ xét đặc cách bổ làm quan ngay khi còn đang học tại trường.  

    Việc giảng dạy và học tập được thực hiện rất nghiêm túc. Triều đình ra quy định: trước hết dạy Giám sinh có đức hạnh, rồi sau mới đến văn từ. Trong thời gian học tập, người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu điểm mục một lần thì bị phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu hai lần phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu ba lần đánh 40 roi, thiếu điểm mục bốn lần sẽ kiểm xét tâu lên giao cho Hình bộ xét hỏi, thiếu điểm mục năm lần thì tâu lên bắt sung quân.

    Kết quả sau hơn 700 năm hoạt động,Quốc Tử Giám đã đào tạo ra hàng trăm các vị quan tài năng, đức độ, nhiều người được giao giữ những trọng trách quan trọng trong triều đình như: Danh nhân Nguyễn Tông Khuê (còn gọi là Tông Quai) đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1721, từng nhiều lần được cử đi sứ Trung Quốc, làm quan đến chức Đốc đồng Tuyên Quang, Hộ bộ Tả Thị lang, sau về quê mở trường dạy học, đào tạo ra nhiều anh tài trong đó có nhà bác học Lê Quý Đôn. Hay như Tri Quốc Tử Giám Nguyễn Nghiễm, thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du, từng là Giám sinh của Quốc Tử Giám, đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1731, làm quan đến chức Tham tụng, Công bộ thượng thư, là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của trường Quốc Tử Giám.

    Số lượng Giám sinh Quốc Tử Giám thi đỗ tại các kỳ thi Hội rất cao.  Khoa thi 1721 có  3000 thí sinh, lấy đỗ được 25 người, trong đó có tới 13 vị Tiến sĩ là Giám sinh. Khoa thi năm 1739 có tới 3000 sĩ tử tham gia nhưng chỉ có 8 người thi đỗ, trong đó có tới 4 vị nguyên là Giám sinh. Hay như khoa thi 1743 với hơn 2000 sĩ tử tham gia, lấy đỗ được 7 người thì cũng có người là Giám sinh. Đặc biệt có trường hợp cả hai anh em ruột đều là Giám sinh và đều thi đỗ Tiến sĩ là:  Ngô Duy Viên thi đỗ năm 1769 và Ngô Duy Trừng thi đỗ năm 1775.

    Quốc Tử Giám là Trung tâm giáo dục – đào tạo nhân tài lớn nhất Việt Nam thời quân chủ. Lớp lớp các thế hệ Giám sinh đã từ đây bước ra lập nghiệp, đem tài năng cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 

Bia đề danh tiến sĩ khoa thi năm 1769.  Trên bia khắc tên 9 vị Tiến sĩ, trong đó có ba Tiến sĩ là  Giám sinh Quốc Tử Giám: Nguyễn Đình Giản, Nguyễn Huy Trạc,  Ngô Duy Viên (Em của Ngô Duy Trừng).

Bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1775. Trên bia khắc tên 18 vị Tiến sĩ, trong đó có hai Tiến sĩ là Giám sinh Quốc Tử Giám: Lê Duy Đản, Ngô Duy Trừng (Anh của Ngô Duy Viên).

 

                                                                                                                                                                                LH


 CÁC KỲ BÌNH VĂN TẠI QUỐC TỬ GIÁM QUA GHI CHÉP CỦA PHẠM ĐÌNH HỔ

TRONG “VŨ TRUNG TÙY BÚT”

 

    Được thành lập năm 1076, Quốc Tử Giám đã trở thành trung tâm giáo dục  lớn nhất Việt Nam thời quân chủ. Những buổi bình văn tại trường Giám không chỉ thu hút các Giám sinh trường Quốc Tử Giám mà còn thu hút sự tham gia của đông đảo các Nho sinh, sĩ tử từ các nơi về kinh đô học tập chuẩn bị cho các kỳ thi đại khoa. Sử cũ không thấy ghi chép nhiều về những buổi bình giảng thơ văn tại trường Giám nên chúng ta chỉ có thể hình dung được phần nào qua ghi chép của Phạm Đình Hổ (1768-1839) trong tác phẩm “Vũ trung tuỳ bút”.

 

Sa bàn mô phỏng Quốc Tử Giám thời Lê

    Theo mô tả của Phạm Đình Hổ, khoảng năm Giáp Thìn (1784 – 1785) đời Cảnh Hưng, cứ mỗi tháng trước ngày sóc vọng, tức ngày mùng một và ngày rằm một ngày thì nhà Quốc học (nhà Giám) mở cuộc bình văn. Những cuộc bình văn tại nhà Giám được tổ chức rất long trọng, theo đúng lễ nghi quy định của triều đình. “Ngày bình văn ở nhà Giám, quan Tri giám làm chủ tọa. Lúc mới đến hội họp, quan Tri giám đứng ở phía Tây, chiếu giữa. Quan Tham tụng, quan Bồi tụng thì đều đứng xế về phía đông nam chiếu mình ngồi. Quan Tri giám mới hướng vào hai chiếu giữa, vái chào mời ngồi; quan Tham tụng và quan Bồi tụng đều vái đáp lại xong rồi lên chiếu theo thứ tự mà ngồi. Chiếu giữa và chiếu phía đông thì hộp trầu, ống súc bày đủ mỗi vị quan viên một bộ, còn chiếu phía tây thì mỗi chiếu hai hộp trầu, hai ống súc”.

    Như vậy, tham dự buổi bình văn có các quan như quan Tri giám, quan Tham tụng, quan Hành tham tụng, quan Bồi tụng. Ngoài ra, còn có quan Thị lang, quan Tham đô. Lúc bấy giờ, Thái phó Quận công Nguyễn Hoãn được cử giữ chức Tri Quốc Tử Giám, Bùi Huy Bích (1744-1818), người xã Định Công, huyện Thanh Trì, đỗ Hoàng giáp khoa thi 1769 là quan Hành tham tụng. Các quan bồi tụng như Uông Sĩ Điển (1737-1802),Võ Huy Dĩnh, Phan Văn Cẩn, Trần Xán. Có thể thấy, các vị quan đều là những người có kiến thức uyên thâm, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng.

    Học trò nào có bài văn sách hay sẽ đứng lên đọc cho cả trường cùng nghe. Vì mỗi người có một chất giọng khác nhau nên khi đọc lên có thể cảm nhận rất rõ sự khác biệt. Phạm Đình Hổ viết: “Lúc bình văn thì tiếng Hoàng Vĩnh Trân rất trong, rất vang. Tiếng Nguyễn Cầu rõ ràng, bình dị. Lưu Tiệp giọng ngắn mà đọc không rõ. Thiều Sưởng thì đọc không nghe ra tiếng gì cả.” Các bài văn sau khi đọc xong đều có sự nhận xét hay đánh giá của các vị quan tham dự: “Còn cái quyền nhắc lên hay đánh xuống, lấy hay bỏ thì chỉ do Bùi Huy Bích quyết định.Thứ đến các quan Bồi tụng cũng có bàn bạc, cân nhắc.”

    Nói đến văn sách, đây là thể văn nghị luận tương đối khó, đòi hỏi các sĩ tử phải là người có kiến thức rộng, vượt ra ngoài những quy định của khuôn thước mới làm được bài văn hay có giá trị, liên quan đến những vấn đề của xã hội đương thời. Văn sách còn gọi là Đối sách hay bài Đình đối mà trong kỳ thi Đình - kỳ thi cuối cùng, các sĩ tử phải thực hiện. Có thể nói, các kỳ bình văn là cơ hội vô cùng quý giá cho các Giám sinh trường Quốc Tử Giám và các nho sinh khác. Bên cạnh những lời nhận xét, góp ý, khen hay chê của các vị quan, đây còn được coi như một phương pháp để rèn tập các sĩ tử thành tài, khơi gợi sự sáng tạo qua đó thúc đẩy việc dạy và học của thầy trò trường Giám ngày một tốt hơn. Các kỳ bình văn tại trường Giám là một trong những sinh hoạt hấp dẫn, thú vị đối với những nho sinh tại không gian Quốc Tử Giám – nơi được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của nước ta.   

 

                                                                                                                                                                                           Thúy Hồng

 


BÁI ĐƯỜNG - KHÔNG GIAN TẾ LỄ XƯA

Khu Điện Đại Thành xưa là nơi tổ chức các nghi lễ tế các bậc Tiên Thánh, Tiên Hiền tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Một năm hai lần, Xuân - Thu nhị ký, vào ngày Đinh đầu tiên của tháng hai và tháng tám âm lịch hàng năm, nhà Vua thường đến làm chủ tế hoặc cử hoàng thân đại thần tế thay. Khu vực này bao gồm 1 sân gạch và hai dãy nhà: Bái đường - nơi hành lễ và Hậu cung ở chính giữa; Hai bên Đông - Tây là hai dãy Tả vu và Hữu vu - xưa là nơi Thất thập nhị hiền. Thời Trần, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An được thờ tại đây (1370).

Nhà Bái đường gồm 9 gian với 40 cột trụ chống mái, trên lợp ngói mũi hài, mái trang trí đắp nổi hai con rồng chầu mặt nguyệt. mang phong cách kiến trúc cuối đời Lê, đầu Nguyễn. Với những đường nét kiến trúc bên trong như kẻ bảy giản đơn không chạm trổ cầu kỳ, các cột gỗ được chồng đấu theo kiểu đấu đỡ cột chồng hay những đầu đao mái cong ở hai bên, mái ngói lợp vảy rồng …thật giản dị mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, cổ kính của không gian nơi thờ tự.

Phía trước ở hai gian đầu hồi có cửa gỗ chấn song con tiện với bức phù điêu gỗ thời Lê, khắc nổi hình rồng mây, nét đao uốn lượn rất đặc sắc. Bên trong có các hàng cột gỗ đều được sơn son thếp vàng, riêng hai hàng cột ở giữa trang trí hình rồng cuốn mây lượn.

Chính giữa nhà Bái đường đặt một hương án cổ bằng gỗ với nét hoa văn thời Lê chạm khắc đặc biệt tinh xảo. Hai bên hương án là đôi Chim hạc đồng đứng trên lưng rùa. Phía trên, chính giữa treo bức “ Vạn thế sư biểu” ca ngợi Khổng Tử; phía Đông có bức hoành phi “ Cổ kim nhật nguyệt” (ánh sáng muôn thủa) và chuông Bích Ung do Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm cho làm năm 1768; còn phía Đông là chiếc khánh đá cùng nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi đạo học.

Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một không gian thờ tự, trang nghiêm, cổ kính, sâu lắng đưa du khách trở về với những triết lý sâu xa về đạo học của các bậc tiền nhân./.


CỔNG ĐẠI THÀNH

Cổng Đại Thành mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (TK 15-17). Cổng có kiến trúc ba gian với hai cột hiên trước và sau, một hàng cột giữa đỡ xà nóc, ba gian đều được lắp cửa gỗ hai cánh sơn son trên có trang trí họa tiết rồng mây theo chủ đề “Long vân khánh hội” – thể hiện sự phồn thịnh của đất nước đối với đạo học nước nhà.

Gian chính giữa phía trên treo bức hoành phi đề ba chữ “ Đại Thành môn”, bên phải có hàng chữ nhỏ đề “Lý Thánh Tông Thần Vũ nhị niên Canh Tuất thu bát nguyệt phụng kiến” (tháng Tám mùa thu năm Canh Tuât Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu), bên trái ghi: “Đồng Khánh tam niên Mậu Ty trọng đông đại tu” (Tu sửa lại vào tháng 11 năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh 3 (1888). Bức hoành phi khẳng định Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070.

Dưới chân cổng Đại Thành có 6 con Nghê cối cửa được tạo tác tinh tế với chất liệu bằng gỗ và đá.

Bên phải và bên trái cổng Đại Thành là hai cổng nhỏ Kim Thanh và Ngọc Chấn dẫn vào khu Quốc Tử Giám Tên hai cổng với ý nghĩa là sự mở đầu và kết thúc khi tấu nhạc. Tiếng chuông (Kim Thanh) để khởi đầu, dùng thanh âm của tiếng khánh (Ngọc Chấn) để kết thúc. Tiếng chuông là mở đầu tập hợp trật tự tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc.

 

Cổng Kim Thanh

Cổng Ngọc Chấn 

Trải qua thời gian dài, cổng Đại Thành ngày nay vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm tĩnh tại.

 


THƠ VỊNH BIA Ở VĂN MIẾU

Đến di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày nay, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một bài thơ do Khang vương Trịnh Căn làm trong một lần đến thăm nơi đây vào tháng 11 năm 1695 “Vịnh Văn Miếu bi thi”. Bài thơ nằm trong tập Ngự đề thiên hòa doanh bách vịnh của Khang vương Trịnh Căn, được khắc trên bức châm thư bằng gỗ treo ở gian bên phải tòa Bái Đường, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Châm gỗ khắc bài thơ quốc âm Vịnh Văn Miếu Bi Thi 

Khang vương Trịnh Căn là người rất quan tâm mở mang phát triển văn hóa, giáo dục, trọng dụng nhân tài, nhân một lần đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông đã làm bài thơ quốc âm ca ngợi sự tôn nghiêm, nơi đề cao đạo học. Đặc biệt, bài thơ còn đề cao các bậc hiền tài được ghi danh trên bia Tiến sĩ trường tồn cùng với trời đất: “Thánh nhân đạo cao đức trọng, khắc ở bia lớn để lại muôn đời. Ngày khánh thành ta đến thăm lại, xem xét khắp xung quanh, thấy thể chế ngay ngắn nghiêm chỉnh, hình thức và nội dung đều tốt đẹp, thật đáng trân trọng, bèn làm bài thơ quốc âm rằng”.

Bài thơ cũng cho thấy, từ khi được thành lập dưới triều Lý trải qua đến triều Hậu Lê, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn được nhà nước quan tâm, coi trọng. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi ghi lại các dấu mốc quá trình phát triển nền giáo dục của quốc gia Đại Việt.

VỊNH VĂN MIẾU BI THI 

Đạo thống thường xem nhật nhật minh

Vậy nên biểu lập trước trung đình

Tôn nghiêm vốn có bề phương chính

Trân trọng nào sai mực đất bằng

Rộng chứa văn chương hằng rỡ rỡ

Tỏ ghi đức giáo hãy rành rành

Vững bền sóc sóc đồng thiên địa

Thấy đấy ai là chẳng ngưỡng thành

Tháng 11 năm Ất Hợi (1695)

 

                                                                                                        LH


THẦY GIÁO Ở QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG

Quốc Tử Giám là trường học của triều đình ở kinh đô. Trong suốt hơn 700 năm hoạt động, việc giảng dạy và học tập ở đây luôn theo mục tiêu đào tạo những bậc hiền tài - vừa có đức vừa có tài để giúp dân giúp nước. Có công lao to lớn trong việc rèn giũa, gây dựng nhân tài tại Quốc Tử Giám phải kể đến những người thầy đạo cao đức trọng được triều đình tin tưởng giao cho trọng trách to lớn này.

Các triều đại trong lịch sử luôn quan tâm tuyển chọn những bậc thầy có tài năng, phẩm chất cao đẹp, đạo cao, đức trọng cho trường Quốc Tử Giám để đảm trách nhiệm vụ quản lý, điều hành, giảng dạy tại trung tâm giáo dục quan trọng nhất của đất nước.

Các vị quan ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thời nhà Lý chưa thấy ghi chép về các học quan giảng dạy tại Quốc Tử Giám nhưng đến thời Trần đã biết người đứng đầu Quốc Tử Giám là Tư nghiệp. Người nổi tiếng nhất trong số các Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Chu Văn An (1292 - 1370) – một người thầy học vấn uyên thâm, đạo đức trong sáng, được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp. Thầy là một nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Dưới thời Trần, giúp việc cho Tư nghiệp còn có Quốc Tử Giám Trợ giáo - như Đoàn Xuân Lôi, đỗ Thái học sinh khoa Giáp tý (1384).

Từ thời Lê, triều đình tuyển chọn đội ngũ học quan đông đảo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại Quốc Tử Giám. Chức quan đứng đầu Quốc Tử Giám được gọi là Tế tửu, đứng thứ hai là Tư nghiệp. Chức trách của Tế tửu được Phan Huy Chú ghi rõ trong Quan chế chí của bộ Lịch triều Hiến chương loại chí: “…Phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho học trò trường Giám tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”. Tế tửu ngoài chức trách là học quan của Quốc Tử Giám còn làm nhiệm vụ trông coi Văn Miếu, thực hiện việc cúng tế xuân, thu nhị kỳ theo quy định tế lễ tại Văn Miếu.

Triều đình quy định, những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình kiêm nhiệm. Từ năm 1721, vua Lê Dụ Tông yêu cầu Tế tửu cùng tham gia giảng dạy cho học trò tại Quốc Tử Giám, để khuyến khích sĩ tử, nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức khảo hạch (kiểm tra) sự chuyên cần, tiến bộ của Giám sinh (học trò Quốc Tử Giám), chấm bài và báo cáo sang Bộ Lại để làm căn cứ bổ tuyển nhân tài theo quy định.

Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những nhà văn hóa của dân tộc. Có thể kể ra nhiều vị Tế tửu, Tư nghiệp mà tên tuổi và công lao còn được ghi trong sử sách, như Nguyễn Trực - vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê được khắc tên trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Tiến sĩ Thân Nhân Trung - Tao đàn phó nguyên súy với lời văn bất hủ trên bia tiến sĩ khoa thi Đại Bảo (năm 1442) được đời sau nhiều lần nhắc đến: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia...”.

Ngoài Tế tửu, Tư nghiệp, từ thời Lê còn có các vị trí Giáo thụ, Trực giảng, Trợ giáo, Bác sĩ… đều được triều đình tuyển chọn kỹ. Có thể nhắc tên: Phan Phu Tiên làm Quốc Tử Giám Bác sĩ (1435); Giáo thụ Nguyễn ThiênTúng, Đỗ Nhuận; Trực giảng Doãn Tử Bình, Nguyễn Cư Lạc. Những người thầy đã đảm trách việc dạy và học tại Quốc Tử Giám, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Họ đều là những người thầy có học vấn uyên thâm, nhiều kinh nghiệm trong giáo dục, đạo đức trong sáng, là tấm gương tiêu biểu về nhân cách, về trí tuệ không chỉ đối với học trò, mà còn tiêu biểu trong số những nhà khoa bảng đương thời.

Sa bàn mô phỏng Trường Quốc Tử Giám thời Lê

Các vị Tế tửu, Tư nghiệp cùng các thầy giáo của Quốc Tử Giám xứng đáng là tấm gương về trí tuệ, tài năng, mẫu mực về đạo đức, tinh thần rèn luyện, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà./.

LH


CÁC VỊ TẾ TỬU, TƯ NGHIỆP QUỐC TỬ GIÁM THĂNG LONG TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, GIÁO DỤC ĐẤT NƯỚC

 

Trong hơn 700 năm hoạt động từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII, Quốc Tử Giám Thăng Long đã đào tạo, bảo cử ra một đội ngũ quan lại, trí thức Nho học đông đảo có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Đất nước và Dân tộc. Các vị quan đứng đầu Quốc Tử Giám (Tế tửu, Tư nghiệp) đều là các bậc sĩ phu, tài cao, đức trọng được lựa chọn từ hàng ngũ các bậc danh Nho, đại thần có uy tín.

 Theo thống kê sơ bộ từ tài liệu chính sử và sắc phong, văn bia tại một số địa phương khoa bảng thì trong số 101 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long (từ thế kỷ XIV đến thế thế kỷ XVIII), ngoài 5 vị chưa xác định được thân thế, còn lại toàn bộ 96 người đều có học vị Tiến sĩ (lưu danh trong Đăng khoa lục), trong đó có nhiều người giật giải Đình nguyên (Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trịnh Tuệ, Bảng nhãn Lê Quí Đôn…). Đặc biệt, đại đa số các vị Tế tửu, Tư nghiệp đều từng giữ hoặc đang kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng trong triều đình như: Hàn lâm viện Thừa chỉ (vị đại phu thay vua soạn chiếu chỉ), Đô Ngự sử (vị quan có trách nhiệm can gián vua không làm việc sai trái), Nhập thị Kinh diên (quan giảng kinh sách cho vua trong Nội điện), Thượng thư (tương tự chức Bộ trưởng ngày nay), Tham tụng (vị quan đứng đầu phủ chúa Trịnh, chuyên coi việc chính sự triều trình, quyền lớn hơn Thượng thư),Tả-Hữu Thị lang (Thứ trưởng)…vv.

Là những người đứng đầu Trung tâm giáo dục lớn nhất đất nước, đồng thời lại đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu trong triều đình, các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa, giáo dục của Dân tộc. Họ là những cố vấn giúp các bậc Đế vương sử dụng tinh hoa của Nho giáo (công cụ được người Hán sử dụng để “đồng hóa và nô dịch” người Việt về mặt tư tưởng trong suốt gần 1000 năm Bắc thuộc) để hoạch định chính sách đào tạo, phát triển, trọng dụng nhân tài của Đất nước, đồng thời cũng là những người trực tiếp giám sát và thực hiện các chính sách đó.

Từ thế kỷ XXI nhìn lại, hơn 500 năm đã trôi qua nhưng câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước lên và mạnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Thế cho nên các bậc Thánh đế, Minh vương không ai không lấy việc đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí làm việc cần kíp” (trích văn bia khoa thi 1442) của Tế tửu Thân Nhân Trung vẫn được coi là kim chỉ nam, là chiến lược giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Những quan điểm về một nền giáo dục bình đẳng, toàn diện và một chương trình dạy - học, thi cử, trường qui nghiêm túc nhằm đào tạo ra những con người “danh xứng với thực”, vừa có đức vừa có tài,  biết cách xử lý, dung hợp giữa các yếu tố Tri thức - Đạo đức - Hành vi để trở thành người có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội…của Trường Quốc Tử Giám xưa ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

 Nhiều du khách quốc tế đã ngạc nhiên thán phục khi nghe các thuyết minh viên tại Văn Miếu giới thiệu rằng: Từ thời Trần (thế kỷ XIII-XV), ngoài việc Tập ấm (tuyển thẳng) dành cho con em trong Hoàng tộc và quan lại cao cấp thì con em bình dân tuấn tú (có tài –đức) người Việt cũng được tuyển chọn vào học tại Quốc Tử Giám. Tính chất tiến bộ của chương trình đào tạo tại Trường Giám (qui định phân bổ Giám sinh 3 xá theo kết quả học tập và chế độ học bổng khác nhau; qui định Nho sinh mỗi năm phải làm 4 bài Đại tập, mỗi tháng một bài Tiểu tập. Ai trả đủ, đúng tất cả các bài thi thì được coi đã là tốt nghiệp chứ không căn cứ cố định vào thời gian 3 năm hay 7 năm…) khiến người ta liên tưởng tới qui định cấp học bổng theo học lực và cấp bằng đại học khi có đủ số tín chỉ môn học của nền giáo dục thời hiện đại.

Lịch sử cũng minh chứng, dưới sự điều hành của các vị Tế tửu, Tư nghiệp, Trường Quốc Tử Giám Thăng Long đã ngày càng phát triển và trở thành hình mẫu cho hệ thống giáo dục Nho học trong cả nước. Sau hơn 7 thế kỷ, tính từ điểm khai hỏa thành lập Quốc Tử Giám (1076), một hệ thống dày đặc các trường, lớp đã được thiết lập từ trung ương đến địa phương, trải rộng từ Kinh thành Thăng Long đến khắp các phủ, huyện, làng quê; Kết quả đã đào tạo ra hàng nghìn các bậc đại khoa, hiền tài không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành của Nhà nước quân chủ Đại Việt mà còn có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn học – nghệ thuật, sử học, địa lý, toán học…vv.

Trên cương vị sứ thần, các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám từng đi sứ nhà Minh, nhà Thanh (Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Ngô Sĩ Liên …) bằng tài năng và tri thức của mình đã góp phần tạo dựng cho nước nhà một mối quan hệ bang giao mềm dẻo trên nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền đất nước. Tế tửu Phùng Khắc Khoan trong chuyến đi công cán tại Trung Quốc còn kín đáo mang về nước hạt Ngọc mễ (giống ngô) để phổ biến cho nhân dân trồng trọt.

Các sử gia: Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Lê Quí Đôn … đã cống hiến cho nền sử học dân tộc những bộ quốc sử quí báu (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Quốc sử tục biên…) cùng nhiều tư liệu quí (văn đình đối, văn bia Tiến sĩ, bi ký tại các đền, chùa, nhà học …) ghi chép lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô và các địa phương. Nhà toán học Lương Thế Vinh với tác phẩm Đại Thành toán pháp và các qui tắc tính chu vi, diện tích các hình khối… đã đưa ngành toán học Việt Nam ở thế kỷ XV bước sang một giai đoạn mới. Thiên Nam dư hạ tập (do Tế tửu Thân Nhân Trung viết chung với Đỗ Nhuận) nói về các qui định, luật lệ, sáng tác văn học dưới thời Lê Thánh Tông, cùng các áng thơ, văn thời Lý – Trần và tác phẩm của các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám (thành viên Hội Tao đàn) hay tác phẩm của nhà Bách khoa toàn thư Lê Quí Đôn đã làm giàu có, phong phú thêm kho tàng văn học, nghệ thuật và góp phần nâng cao nền học vấn nước nhà...vv.

 Bởi vậy, đội ngũ các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long không chỉ là các “yếu nhân” giữ vận mệnh của Trường Quốc Tử Giám trong suốt mấy trăm năm lịch sử dưới thời Lý, Trần, Lê… mà còn là những người đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của nền văn hóa, giáo dục Đất nước./.

                                                                                                                                                                                                                       Ths.Đỗ Thị Tám

Phó Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám


QUAN TẾ TỬU, TƯ NGHIỆP QUỐC TỬ GIÁM

Được thành lập từ thế kỷ XI, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long đóng vai trò là cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia, là trường Quốc học cấp cao nhất của nhà nước quân chủ, nơi đào tạo ra hàng ngàn Nho sĩ, trí thức và quan lại cao cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước dưới thời quân chủ. Tế tửu, Tư nghiệp - Các vị quan đứng đầu, quản lý Quốc Tử Giám là những “người tài giỏi, có đức, thông hiểu kinh sách… phụng mệnh (nhà Vua) trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”. 

 

Nền cũ của Trường Giám (sau khi điện Khải Thánh bị phá hủy

 

Mặc dù được khởi lập và hoạt động từ năm 1076, nhưng phải đến thời Trần (1225-1400), Quốc Tử Giám Thăng Long mới được nhà nước chú trọng phát triển cả về quy mô và cơ cấu tổ chức. Để việc dạy và học tại Quốc Tử Giám được quy củ, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 (1236) Vua Trần Thái Tông đã chọn người quản lý Quốc Tử Giám với chức vụ là Đề điệu. Tuy nhiên, phải đến năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (1272), Vua Trần Thái Tông mới đặt học quan chính thức cho trường Quốc Tử Giám. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa đông tháng 10. Chọn người tài giỏi, có đức, thông hiểu kinh sách bổ làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Như vậy, Tư nghiệp thời Trần là học quan chính thức của Quốc Tử Giám.

Bộ máy quản lý việc dạy và học ở Quốc Tử Giám thời Trần sau đó hầu như không thay đổi. Sang thời Lê, cùng với sự phát triển của Quốc Tử Giám, hệ thống quan chức của Quốc Tử Giám ngày càng được hoàn thiện. Năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), Lê Thái Tông đặt chức quan Tế tửu đứng đầu Quốc Tử Giám. Chức quan Tư nghiệp đứng thứ 2 sau Tế tửu. Ngoài ra, học quan của Quốc Tử Giám còn có Giáo thụ, Trợ giáo, Ngũ kinh Bác sĩ....

 

 Nghiên đá của Quốc Tử Giám xưa đặt tại sân điện Khải Thánh

 

Chức Tế tửu ở Trung Quốc xuất hiện từ thời nhà Hán. Theo sách Từ nguyên của Trung Quốc, Tế tửu vốn là danh hiệu để chỉ người lớn tuổi nhất, có địa vị cao nhất trong buổi tiệc được chọn làm người dâng rượu tế đất trước khi uống. Về sau, lấy đó đặt chức quan. Tế tửu Quốc Tử Giám ở Việt Nam là chức quan đứng đầu trường Quốc Tử Giám. Theo Quan chế thời Hồng Đức, Tế tửu thuộc hàm Tòng tứ phẩm. Chức trách của Tế tửu được Phan Huy Chú cho biết trong Lịch triều Hiến chương loại chí là: “phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”.  Như vậy, Tế tửu ngoài chức trách là học quan của Quốc Tử Giám còn làm nhiệm vụ trông coi Văn Miếu, thực hiện việc cúng tế xuân, thu nhị kỳ theo quy định tế lễ tại Văn Miếu. Chức trách Tế tửu thời Lê Trung hưng không thay đổi nhiều, nhưng từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Lê Dụ Tông yêu cầu Tế tửu cùng tham gia giảng dạy cho học trò ở tại Quốc Tử Giám, để khuyến khích sĩ tử, nâng cao chất lượng giáo dục.

Chức năng của Quốc Tử Giám là nơi đào tạo quan lại cho nhà nước, vì thế, Tế tửu với vai trò là người đứng đầu Quốc Tử Giám ngoài việc tổ chức dạy và học, còn phải tổ chức khảo hạch (kiểm tra) sự chuyên cần, tiến bộ của Giám sinh, chấm bài và báo cáo sang Bộ Lại để làm căn cứ bổ tuyển nhân tài theo quy định.

Quốc Tử Giám dưới thời Lê còn là cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo của nhà nước, nên khi triều đình có chủ trương thay đổi quy chế giáo dục, thi cử, thì quan Tể tửu phải thực hiện thay đổi chương trình dạy và học ở tại Quốc Tử Giám, đồng thời hướng dẫn cho các trường học trong cả nước, cho các học quan ở các địa phương tuân theo.

Chức vụ Tư nghiệp ở Trung Quốc được đặt từ thời nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 3 (603) làm nhiệm vụ nắm việc giáo pháp, chính lệnh ở Quốc Tử Giám. Ở Việt Nam, Tư nghiệp Quốc Tử Giám lúc đầu (thời Trần) là chức học quan đứng đầu Quốc Tử Giám, phụ trách, quản lý việc giáo dục tại trường. Sang thời Lê sơ, là chức quan thứ 2, sau Tế tửu, làm phó cho Tế tửu, giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Tư nghiệp cùng với Tế tửu tham gia giảng dạy tại trường.

Để đảm nhiệm được trọng trách trên, ngay từ đầu, khi tuyển chọn nhân sự cho Quốc Tử Giám, triều đình thường chọn những bậc tài năng, đạo cao đức trọng. Đợt tuyển chọn Tư nghiệp đầu tiên của nhà nước dưới thời Trần, Tư nghiệp đã là người phải có tài, có đức và thông hiểu kinh sách. Dưới thời Trần, Chu Văn An (1292-1370), danh nho nổi tiếng học vấn uyên thâm, đạo đức trong sáng được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, đồng thời dạy học cho Hoàng Thái tử.

Thời Lê sơ, Tế tửu, Tư nghiệp đều là những bậc đại khoa, nổi tiếng về tài năng và đức độ. Có thể kể đến những bậc hiền tài làm Tế tửu, Tư nghiệp như Trạng nguyên Nguyễn Trực người Quốc Oai, Hà Nội; Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ người Thanh Trì, Hà Nội, hay Trạng nguyên Lương Thế Vinh người Nam Định, Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên người ở Hoài Đức, Hà Nội; Tiến sĩ Thân Nhân Trung người Bắc Giang, ... Sau này, từ thời Lê Trung hưng, đặc biệt là từ năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa 14 (1693) đời Lê Hy Tông, triều đình quy định, những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm. Thời kỳ này, do yêu cầu về canh tân giáo dục, phục hưng đất nước, nên việc tuyển chọn học quan của Quốc Tử Giám rất được chú trọng. Các vị quan đại thần có uy tín, học vấn uyên bác như Hộ bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan; Tham tụng, Thiếu bảo Kiều Quận công Nguyễn Công Thái, Bồi tụng, Công bộ Thương thư Trương Công Giai, Bồi tụng, Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Nghi; Bồi tụng, Hình bộ Tả thị lang Vũ Miên, Tham tụng, Binh bộ thượng thư Nhữ Đình Toản; Tham tụng, Công bộ Thượng thư Nguyễn Nghiễm, … được triều đình tin tưởng, bổ nhiệm giữ trọng trách Tế tửu, Tư nghiệp. Đội ngũ học quan này đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nên hàng loạt danh nho, danh thần cho đất nước như: Vũ Miên, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoản, Nguyễn Công Thái, Trần Danh Lâm, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Sĩ, Bùi Huy Bích, Phan Huy Ích, ….

Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa, nước nhà. Các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám luôn xứng đáng là tấm gương về trí tuệ, tài năng, tinh thần rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp kiến quốc và trồng người. Họ sẽ mãi là tấm gương để các thế hệ kính trọng, noi theo.

ThS.NCS Nguyễn Văn Tú

Phó Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám


LỊCH SỬ KHOA CỬ NHO HỌC VIỆT NAM

Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam mở đầu bằng khoa thi Tam trường để chọn Minh kinh Bác học vào năm 1075 dưới triều Vua Lý Nhân Tông. Người đỗ đầu kỳ thi này là Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Nối tiếp các năm 1086, 1152, 1165, 1185 và 1193 nhà Lý đều cho mở các khoa thi Tam trường để chọn người tài nhằm củng cố bộ máy chính quyền. Đến năm 1195, triều đình nhà Lý cho mở khoa thi Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo). Thi Tam giáo tồn tại cho đến năm 1247, đời vua Trần Thái Tông thì chấm dứt.

Dưới triều Trần (1225-1400), chế độ khoa cử phát triển, các khoa thi mở đều đặn, thể lệ rõ ràng hơn. Từ năm 1232, triều Trần mở khoa thi Thái học sinh chọn: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Năm 1247, đặt danh hiệu tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) cho 3 người trong hàng đệ nhất giáp. Đến năm 1374, triều đình mở khoa thi Đình ở Hoàng cung để chọn người đỗ Tiến sĩ, thay thế cho học vị Thái học sinh. Năm 1396, vua Trần Thuận Tông đặt lệ thi Hương lần đầu tiên để lấy đỗ Cử nhân và quy định cứ 7 năm một kỳ thi, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Thi Hội bắt đầu có từ thời Trần.

Trong 7 năm tồn tại ngắn ngủi (1400 - 1407), triều Hồ cũng có những quan tâm nhất định đối với nền giáo dục nước nhà và vẫn theo phép thi của triều Trần, nhưng qui định 3 năm mở một khoa thi. Năm 1400, triều Hồ tổ chức khoa thi Thái học sinh. Năm 1404, định thể thức thi chọn nhân tài: cứ tháng 8 năm trước thi Hương thì tháng 8 năm sau thi Hội, người đỗ được bổ Thái học sinh.

Dưới triều Lê sơ, khoa cử thịnh đạt và phát triển tới đỉnh cao trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Năm 1434, Vua Lê Thái Tông xuống chiếu định lệ thi Hương, thi Hội và qui định 3 năm mở một khoa thi.

Để được thi Hương, Nho sinh phải trải qua kỳ thi Khảo hạch tổ chức tại địa phương để loại bớt những người chưa thực sự đủ năng lực, đức hạnh. Thi Hương gồm 4 kỳ, đỗ kỳ trước mới được vào kỳ sau. Bốn kỳ thi Hương gồm: kỳ 1 thi Kinh nghĩa; kỳ 2 thi Chế, Chiếu, Biểu; kỳ 3 thi Thơ, Phú; kỳ 4 thi Văn sách. Thi Hương thường được tổ chức ở một bãi đất trống rất rộng như bãi ven sông hoặc những cánh đồng đã thu hoạch. Xung quanh trường thi được rào kín, ở chính giữa dựng một số nhà tranh dùng làm nơi chấm thi. Nho sinh đỗ thi Hương được gọi là Hương cống và được phép tham dự thi Hội.

Thi Hội có thể thức và nội dung như thi Hương, nhưng đòi hỏi trình độ cao hơn. Đỗ cả 4 kỳ thi Hội được tham dự thi Đình. Đỗ đầu thi Hội được gọi là Hội nguyên. Trường thi Hội cũng giống như trường thi Hương.

Thi Đình thường được tổ chức tại sân của Hoàng cung nên còn được gọi là Điện thí. Thí sinh làm một bài văn sách do vua ra đề hỏi về đạo trị nước, sử dụng hiền tài... Thi Đình để phân hạng đỗ cao thấp. Đỗ đầu thi Đình được gọi là Đình nguyên. Theo quy định của triều Lê, người đỗ được phân theo 3 hạng:

Hạng thứ nhất: Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, chỉ gồm 3 người (Tam khôi): Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng Nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).

Hạng thứ hai: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp)

Hạng thứ ba: Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ)

Tuy nhiên, có khoa thi chỉ có 3 người đỗ (như khoa thi năm 1592), có khoa thi đến 62 người đỗ (như khoa thi năm 1478), nên không phải tất cả các khoa thi đều có đủ các hạng, các danh hiệu, không phải cứ đỗ đầu (Đình Nguyên) thì được phong Trạng nguyên. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam chỉ có 46 người được phong danh hiệu Trạng nguyên.

Các khoa thi được tổ chức cho tất cả nho sinh trong cả nước, không phân biệt nơi học, tuổi, địa vị xã hội, số lần đã thi. Vì thế, có khoa thi Hội có đến 6.000 Hương cống ứng thí, có nhiều người đang làm quan cũng ứng thí, có người đỗ khi còn rất trẻ, có người đến 68 tuổi mới đỗ (như Quách Đồng Dần đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1634). Tuy nhiên, con nhà“xướng ca”,con nhà tội đồ của triều đình, con nhà bị coi là điêu ngoa, loạn luân và gian dối, người đang để tang cha, mẹ không được thi.

Triều Mạc, Lê Trung hưng sau này đều theo phép thi cử của triều Lê sơ.

Triều Nguyễn định đô ở Huế. Năm 1807, triều đình chính thức mở khoa thi Hương, đồng thời quy định cứ 3 năm một khoa thi Hương vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu; cùng 3 năm một khoa thi Hội vào các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Trường thi Hương mở ở nhiều nơi cho thí sinh một tỉnh hoặc một số tỉnh như các trường thi: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên, Gia Định, An Giang. Thi Hội và thi Đình ở kinh đô Huế. Triều Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, nhưng lấy thêm hạng Phó bảng dưới Tiến sĩ.

Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu từ năm 1075 và kết thúc vào năm 1919 đã trải qua 183 khoa thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị bao gồm cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng./.


VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM GIAI ĐOẠN TỪ 1945 ĐẾN 1988

 

Nhà Hữu vu

Nền cũ của Trường Giám (sau khi điện Khải Thánh bị phá hủy)

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội từ năm 1945 trở đi chỉ còn là nơi thờ tự nên hoạt động duy nhất được tổ chức tại Văn Miếu là tế lễ Khổng Tử và các tiên hiền, tiên Nho. Điều đáng chú ý là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đây chủ trì buổi tế Thu vào ngày 21/10/1945 và Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trì buổi tế Thu ngày 22/9/1946. Sự kiện này khẳng định vai trò và giá trị to lớn của Văn Miếu-Quốc Tử Giám đối với nền văn hóa của dân tộc trong hoàn cảnh mới của lịch sử.Từ sau tháng 9/1946, việc tổ chức tế lễ được thực hiện theo tinh thần dân chủ, tiến bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỗi năm chỉ tế một lần vào ngày sinh Khổng Tử (ngày 27 tháng 8). Các qui định về cách thức hành lễ đơn giản, chỉ cần lên xuống gối thay cho phủ phục; người dự lễ có thể mặc đồ âu phục; lễ vật cũng đơn giản, tiết kiệm, chỉ cần hoa, quả.Trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị hư hại nhiều. Giai đoạn đầu thời kỳ Toàn quốc Kháng chiến (1946-1947) khu đền Khải Thánh cũng như nhà Đông vu, Tây vu khu Điện Đại Thành đã bị phá hủy.Để bảo vệ Di tích Văn Miếu, một số người tâm huyết với nền văn hóa nước nhà đã đứng ra thành lập Văn Miếu học hiệp hội với mong muốn bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích. Văn Miếu học hiệp hội đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ di tích này cho đến ngày giải phóng Thủ đô (năm 1954).Năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, ngành Văn hóa Hà Nội đã tu sửa lại Văn Miếu, trùng tu hai dãy Đông vu, Tây vu ở hai bên sân Đại Bái.Ngày 28/04/1962, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Bộ Văn hoá xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.Ngày 25/04/1988, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thành lập, có trụ sở đặt ngay trong Di tích. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chức năng quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong giai đoạn mới, góp phần bảo tồn, xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc.


VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM GIAI ĐOẠN 1802 - 1945

 

Tứ trụ và cổng Văn Miếu

 Cổng Thái Học

 

Dưới thời Nguyễn, Thăng Long không còn giữ vị trí Kinh đô mà trở thành thủ phủ của phủ Hoài Đức (sau này thuộc trấn Bắc Thành). Văn Miếu trong thời kỳ này được gọi là Văn Miếu trấn Bắc Thành, sau đổi tên thành Văn Miếu Hà Nội, Quốc Tử Giám trở thành trường học của phủ Hoài Đức. Về sau, khu vực này được chuyển đổi thành đền Khải Thánh thờ cha, mẹ của Khổng Tử. Đối tượng thờ tự tại Văn Miếu Hà Nội thời gian này gồm: Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết thờ trong điện Đại Thành, Thất thập nhị hiền thờ tại hai dãy nhà Tây, Đông vu. Đền Khải Thánh là nơi thờ cha, mẹ của Khổng Tử. Tuy đã mất đi vị thế là Trung tâm giáo dục cao cấp của đất nước, nhưng Văn Miếu trấn Bắc Thành vẫn được triều Nguyễn quan tâm, trùng tu, tôn tạo.

Năm 1805, Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành đã dựng Khuê Văn Các tại Văn Miếu. Đây là công trình có kiến trúc đặc biệt, một lầu vuông hai tầng, có tám mái theo lối trùng diêm, được xây dựng trên một nền vuông cao lát gạch Bát Tràng. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, tầng trên là kiến trúc gỗ, mái lợp ngói ống, bốn mặt đều có 4 cửa sổ được trang trí hình tròn, xung quanh có những thanh gỗ con tiện tỏa ra các phía. Khuê Văn Các được ví như hình ảnh của sao Khuê, ngôi sao chủ về văn chương nhằm đề cao trung tâm giáo dục Nho học, góp phần làm tôn thêm giá trị văn hóa và mỹ thuật cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Năm 1808, sau khi xây dựng xong Văn Miếu ở kinh đô Huế, nhà Nguyễn đã hạ lệnh cho Văn Miếu các địa phương trong đó có Văn Miếu Bắc Thành thờ thần vị Tiên sư, không thờ tượng. Nơi nào có tượng thì chọn chỗ đất sạch mà chôn đi. Tại Văn Miếu Bắc Thành chỉ còn bài vị Khổng Tử và các vị Tiên hiền, tiên Nho.

Năm 1827, vua Minh Mệnh lệnh chuyển các bản in Ngũ kinh, Tứ thư Đại Toàn và Võ kinh trực giảnglưu giữ ở Văn Miếu Bắc Thành về Quốc Tử Giám Huế. Đến năm 1833, nhà Đại Bái và Điện Đại thành được sơn và sửa lại, tường bao quanh toàn khu Văn Miếu được xây dựng lại. Năm 1858, dựng hai dãy nhà bia Tiến sĩ bên Tả, Hữu vu, mỗi bên 11 gian. Năm 1863, Bố chánh Hà Nội là Hoàng giáp Lê Hữu Thanh cùng Án sát Đặng Tá quyên tiền xây dựng lại nhà bia, mỗi bên 2 tòa, mỗi tòa 11 gian để bảo vệ bia Tiến sĩ.

Sau hiệp ước Patenôtre (1888), người Pháp hoàn toàn nắm quyền cai trị Hà Nội. Giai đoạn 1888 - 1945 là giai đoạn nhiều biến động nhất trong lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Văn Miếu từng bị thực dân Pháp biến thành trại lính và trường bắn, có thời kỳ là khu cách ly cho những người bị mắc dịch tả tại Hà Nội. Đặc biệt, chính phủ bảo hộ Pháp đã cắt phần lớn đất phía Bắc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám để quy hoạch đường phố. Trước sự đấu tranh của nhân dân Hà Nội, quân đội Pháp mới trả lại Di tích này cho chính quyền sở tại quản lý và hoạt động tế lễ được khôi phục tại đây.

Trong thời gian từ 1888-1945, Văn Miếu đã trải qua các đợt trùng tu vào các năm 1888, 1897 - 1901 và 1904 – 1909. Đặc biệt, đợt trùng tu năm 1888 được coi là đợt trùng tu lớn cuối cùng ở Văn Miếu Hà Nội dưới thời phong kiến. Việc tu sửa này được ghi chép trên biển gỗ, hoành phi“Đại Thành môn”, “Vạn thế sư biểu”. Ngoài ra, để vỗ về người Việt, Công sứ toàn quyền Bắc Kỳ cấp kinh phí sửa chữa các gian thờ, mua sắm đồ tế khí và xin cho giữ lợi tức thu được trên 12.300m2 đất xung quanh để bảo quản và tu bổ Văn Miếu. Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương đã xếp hạng khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích lịch sử, văn hóa.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội dưới thời Nguyễn (1802-1845) trải qua nhiều thăng trầm, song Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn luôn được bảo vệ, giữ gìn, xứng đáng là Trung tâm giáo dục, văn hóa tiêu biểu của cả nước.


VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÊ TRUNG HƯNG

 

Thời Lê Trung hưng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục được nhà nước quan tâm, tu sửa, quy mô ngày càng hoàn thiện. Năm 1645, hiện trạng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được miêu tả qua Lê triều chiếu lệnh thiện chính như sau: “Điện Đại Thành ở Quốc Tử Giám (nhà Đại học của quốc gia) có tả hữu ở phía đông, phía tây và 4 nghi môn. Nhà Minh Luân có 2 giảng đường phía đông và phía tây, và cửa nghi môn Sùng Nho 4 mặt xây tường”. Hàng năm việc tu bổ, xây dựng thêm, lát gạch và dọn cỏ, theo lệ cũ do lính ở các huyện, xã và các phường ở hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức

 

Đến năm 1662, các công trình kiến trúc của Quốc Tử Giám nhiều chỗ bị sụt lở, dột nát. Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Thiếu bảo Phạm Công Trứ được giao nhiệm vụ trông coi việc sửa sang Quốc Tử Giám. Phạm Công Trứ cho xây dựng Phán Thuỷ Đường trên gò Kim Châu ở hồ Văn và làm 10 bài thơ vịnh để ghi lại cảnh đẹp. Cứ đến mùng Một và ngày rằm hàng tháng, học trò lại tập trung về Quốc Tử Giám học tập.

Mùa xuân năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760), triều đình cho sửa lại nhà Đại Bái và làm hai cột đá hình bút lông dựng phía trước. Đến tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762), chúa Trịnh Doanh cho tu sửa Quốc Tử Giám. Không lâu sau lần sửa chữa này, diện mạo của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Lê Quý Đôn mô tả lại trong sách Kiến văn tiểu lục khá cụ thể: “Cửa Đại Thành 3 gian 2 chái, lợp bằng ngói đồng. Đông vu và Tây vu mỗi dãy đều 7 gian. Đằng sau có cửa nhỏ 1 gian, điện Canh phục 1 gian 2 chái. Nhà bếp 2 gian. Kho tế khí 3 gian 2 chái, cửa Thái Học 3 gian có tường ngang lợp bằng ngói đồng. Nhà bia phía đông và phía tây mỗi dãy đều 12 gian. Kho để ván khắc in sách 4 gian. Ngoại nghi môn 1 gian xung quanh đắp tường. Cửa Hành mã ngoài tường ngang 3 gian. Nhà Minh Luân 3 gian 2 chái. Cửa nhỏ bên tả và bên hữu đều 1 gian, có tường ngang. Nhà giảng dạy ở phía đông và phía tây 2 dãy, mỗi dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá ở phía đông và phía tây đều 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người

Năm 1771, hai bia Hạ Mã được dựng phía trước Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hàm ý dù quan lại hay dân thường khi đi qua cửa Văn Miếu đều phải xuống ngựa đi bộ qua cửa Văn Miếu nhằm thể hiện sự tôn kính đối với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền. Cũng trong năm này, Quan coi Quốc Tử Giám đã cho giải toả nhà ở của dân xung quanh hồ Văn, mở rộng, trồng cây, lát đường. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở lại trang nghiêm như xưa. Năm 1785, Bùi Huy Bích lại cho trùng tu nhà Thái Học.

Dưới thời Lê Trung hưng, đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là Tế tửu. Ngoài Tế tửu và Tư nghiệp, học quan còn có Giáo thụ, Trực giảng, Học chính. Năm 1693, nhà vua cho phép các quan Quốc Tử Giám được ở ngay tại trường để tiện cho việc giảng dạy và quản lý Nho sinh. Từ năm 1721 đời Vua Lê Dụ Tông, Tế tửu và Tư nghiệp cũng tham gia giảng dạy. Ngoài ra, triều đình còn cử một vị quan đại thần chuyên lo công việc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chức vụ là Tri Quốc Tử Giám (Như Tri Quốc Tử Giám Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Công Thái). Quy chế giảng dạy và học tập của Quốc Tử Giám thời kỳ này về cơ bản vẫn giống như thời Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ dạy, học và bảo cử, Quốc Tử Giám còn thực hiện những việc liên quan đến việc khảo đính, biên soạn sách vở, đặc biệt là in ấn các sách kinh điển của Nho giáo để cung cấp cho các Nho sinh cả trong và ngoài Giám.

Dưới thời Lê Trung hưng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quan tâm tu bổ nhiều lần, điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với Nho giáo và với nền giáo dục của nước nhà.


VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÊ SƠ - MẠC

 

 

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi (1428), vương triều Lê chính thức được kiến lập và bắt đầu công cuộc ổn định, xây dựng, phát triển đất nước. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê sơ được quan tâm đặc biệt. Đây cũng là thời kỳ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền giáo dục khoa cử theo Nho giáo phát triển rực rỡ. Ngay trong những năm đầu lên ngôi, vua Lê Thái Tổ cho mở nhà học, lấy cỗ Thái lao (cỗ tam sinh: Trâu, bò, dê) để tế Khổng Tử. Vua Lê Thái Tổ đã cho chọn con cháu các quan và nhà thường dân tuấn tú vào Quốc Tử Giám làm Giám sinh và xuân thu nhị kỳ đích thân nhà vua làm chủ tế tại Văn Miếu.

Dưới thời vua Lê Thái Tông (1433-1442) và Lê Thánh Tông (1460-1497), Văn Miếu – Quốc Tử Giám được quan tâm đặc biệt. Vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484), triều đình cho đại trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khang trang to đẹp:“Đằng trước nhà Thái học dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: điện Đại Thành để thờ Tiên Thánh, Đông vũ và Tây vũ chia ra thờ các Tiên hiền, Tiên nho; điện Canh Phục để làm nơi túc yết. Một kho để chứa đồ tế khí và một phòng để làm nhà bếp; đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh Luân. Giảng đường phía đông và giảng đường phía tây thì để làm chỗ giảng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho Bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong ba xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian để làm chỗ nghỉ ngơi của học sinh”(Đại Việt sử ký toàn thư).

Cũng trong năm 1484, sau khi hoàn thành việc trùng tu, Vua Lê Thánh Tông cho dựng 10 bia đá ghi về các khoa thi Tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến 1484 cũng như tên họ, quê quán những người đỗ. Đây là sự kiện đặc biệt, khởi đầu cho lệ dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu. Nhà Vua chọn các nhà Nho tài năng soạn văn bia nhằm khích lệ, đề cao đạo học và những người hiền tài. Trên tấm bia dựng cho khoa thi năm 1442, khoa thi đầu tiên được dựng bia, Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí suy thì thế nước kém và suy vì thế không bậc thánh đế minh vương nào không chăm lo gây dựng nhân tài, đắp bồi nguyên khí”. Có thể coi đây là phương châm, tuyên ngôn về giáo dục của các triều đại phong kiến Việt Nam, cũng là phương châm giáo dục của mọi thời đại.

Dưới thời Lê, Quốc Tử Giám được nâng cấp thực sự trở thành một Trung tâm giáo dục Nho học cao cấp của nhà nước, có bộ máy quản lý hoàn chỉnh và cách thức tổ chức học tập bài bản. Quốc Tử Giám thời Lê còn được gọi là Thái học viện. Quy chế lựa chọn Giám sinh chặt chẽ, rõ ràng: Người thi Hội trúng ba kỳ thì sung vào Thượng xá sinh, trúng hai kỳ sung vào Trung xá sinh, trúng một kỳ sung vào hạng Hạ xá sinh. Mỗi xá 100 người, việc cất nhắc bổ dụng căn cứ theo ba hạng đó. Quy chế tuyển chọn vào Thái Học viện này được áp dụng cho cả thời gian về sau. Đặc biệt, triều đình cho phép tuyển lựa cả con em dân thường có tài, có triển vọng vào học để làm nguồn bổ sung cho bộ máy quản lý đất nước. Ngoài những người đủ tiêu chuẩn được chọn vào học ở Quốc Tử Giám, hàng năm đều có một số lượng lớn các Hương cống từ khắp các địa phương trong nước về Kinh đô theo học. Những người này chỉ cần làm thủ tục ghi tên là được đến nghe giảng bài, tập văn như các Giám sinh. Học trò Quốc Tử Giám mà có lúc đông đến hàng 6000 người.

Thời Lê sơ, đứng đầu Quốc Tử Giám là Tế Tửu, sau đến Tư nghiệp. Tế tửu và Tư nghiệp thường do các danh nho, đại thần tài năng, đạo đức trong sáng đảm nhiệm. Trực giảng, Bác sỹ, Giáo thụ, Trợ giáo là các chức quan giảng dạy. Sách học trong trường cơ bản là Tứ thư và Ngũ kinh, những sách kinh điển của Nho gia. Nội dung học tập ở Quốc Tử Giám chủ yếu dựa theo yêu cầu tuyển chọn của các kỳ thi Hội. Giám sinh tập trung vào việc luyện tập lối văn chương theo những hình thức, quy cách cố định, chuyên dùng cho việc thi cử. Ngoài ra, Giám sinh cũng được học thêm các thể loại văn khác như: Câu đối, văn tế... dùng trong đời sống hàng ngày để biểu lộ cảm nghĩ, mừng vui hay phúng viếng.

Quốc Tử Giám thời Lê sơ còn có nhiệm vụ bảo cử các Giám sinh với triều đình để bổ dụng làm quan. Hàng năm, vào 4 tháng trọng (tháng 2,5,8,11) quan Quốc Tử Giám khảo hạch Giám sinh, nếu trúng thì đề cử để Bộ Lại tuyển dụng khi cần. Quốc Tử Giám còn thực hiện những việc liên quan đến việc khảo đính, biên soạn sách vở, đặc biệt là in ấn các sách kinh điển Nho giáo để cung cấp cho các nho sinh trong cả nước.

Năm 1510, triều đình cho trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám với quy mô lớn. Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm: Điện Đại Thành và Đông vu, Tây vu là nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên hiền của đạo Nho, điện Canh Phục là nơi để đồ tế lễ, và nơi nhà vua thay y phục trước khi tiến hành lễ tế Khổng Tử, khu bia Tiến sĩ; nhà Minh Luân; hai dãy giảng đường bên đông và bên tây, phòng học của sinh viên ba xá; Kho chứa ván khắc in sách của trường Giám, nơi cung cấp sách học cho học sinh trường Giám và các trường ở phủ, lộ.

Năm 1527, nhà Mạc lên thay nhà Lê nhưng vẫn theo nếp cũ về giáo dục khoa cử Nho học của triều Lê sơ. Nhà Mạc cho dựng bia Tiến sĩ khoa thi năm 1529. Đến năm Đại Chính thứ 7 (1536), Mạc Đăng Doanh sai Đông quân Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc Tử Giám. Đây là lần trùng tu Văn Miếu-Quốc Tử Giám duy nhất của nhà Mạc nhưng sử sách không ghi rõ những công việc cụ thể trong đợt trùng tu này. Mùa xuân năm sau (1537), Mạc Đăng Doanh đến Văn Miếu làm lễ tế Tiên thánh, Tiên sư và thăm Quốc Tử Giám. Đến năm 1586, Lại bộ Thượng thư Nghĩa sơn hầu Trần Văn Tuyên dâng biểu xin tu sửa Quốc Tử Giám và 2 giải vũ ở điện Đại Thành, nghi môn, tiền nghi môn ở các giảng đường nhưng Mạc Mậu Hợp không đồng ý.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới thời Lê sơ - Mạc luôn được nhà nước quan tâm và coi trọng, và phát triển về mọi mặt.


VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÝ, TRẦN, HỒ

 

 

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học. Quốc Tử Giám được lập dưới thời Lý Nhân Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 (1076) là nơi để quan viên văn chức biết chữ và con em Hoàng gia, Đại thần ở Kinh đô đến học. Khi mới thành lập, quy mô của Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn khiêm tốn nhưng theo đà phát triển của vị thế Nho giáo trong xã hội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám dần được quan tâm, tu sửa mở rộng hơn. Đến thời Trần, dù Phật giáo vẫn còn phát triển mạnh, dù rất bộn bề bởi các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, nhưng các vua Trần vẫn quan tâm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám và việc giáo dục Nho học. Năm 1236, triều đình lấy Phạm Ứng Thần giữ chức Thượng thư kiêm Đề điệu Quốc Tử viện để trông nom công việc học tập tại Quốc Tử viện. Triều đình cho trùng tu Quốc Tử viện vào năm 1243, xuống chiếu tô tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử vào năm 1253 để thờ và cho vời nho sĩ trong nước đến Quốc Tử viện giảng Tứ thư, Lục kinh. Việc lập Quốc Tử viện (Giám (trường) được đổi thành viện) làm nơi học tập cho quan viên biết chữ ở các địa phương và con em nhà vua, quan đại thần ở kinh đô đánh dấu sự trưởng thành cũng như vai trò to lớn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời kỳ này. Văn Miếu thời Trần đã được tu sửa khang trang đẹp đẽ.

Năm 1272, nhà vua xuống chiếu cho tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách (Tứ thư, Ngũ kinh) giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (người đứng đầu trường Quốc Tử Giám). Dưới thời vua Trần Minh Tông (1314-1329), thầy giáo Chu Văn An (người làng Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) được triều đình cử giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ngoài Tư nghiệp ra, tại Quốc Tử Giám còn có học quan khác là Trợ giáo như Trợ giáo Đoàn Xuân Lôi…

Dưới thời Trần, Văn Miếu vẫn là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối và Thất thập nhị hiền. Sau này, triều đình cho phối thờ thêm Tư nghiệp Chu Văn An (1370), Trương Hán Siêu (1371) và Đỗ Tử Bình (1380). Đây là trường hợp đặc biệt, thể hiện rõ tư tưởng tự chủ, tự cường của Quốc gia Đại Việt bấy giờ, đồng thời cũng là nét rất riêng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thời Hồ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không có nhiều thay đổi.



CÁC TIỆN ÍCH


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm