DI TÍCH

LÊ THÁNH TÔNG – VỊ VUA TRỌNG HỌC, CẦU HIỀN

         Sử sách ca ngợi vua Lê Thánh Tông (1442-1497) là bậc minh quân, người “sùng chuộng Nho thuật, nâng đỡ nhân tài”. Nhà vua chú trọng đến giáo dục, củng cố và phát triển Quốc Tử Giám, đều đặn tổ chức các kỳ thi tuyển dụng nhân tài, dựng bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

 

         Lê Thánh Tông (1442-1497) tên húy Tư Thành, là vị vua thứ năm của nhà Hậu Lê. Ông là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông.

 

         Ngay từ nhỏ,  ông đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, rất chịu khó đọc sách. Sử chép “Vua bẩm sinh ra đã biết, mà sớm khuya không lúc nào rời sách vở, tài năng lỗi lạc trời cho, mà chế tác lại càng đặc biết lưu tâm, ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chắm không hề biết mỏi”.

 

         Khi lên ngôi vua vào năm  1460, hoàng đế Lê Thánh Tông nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của nhân tài trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

 

(Ảnh: Tượng thờ vua Lê Thánh Tông tại tầng 2, hậu đường nhà Thái Học

Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

 

         Dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình được định hạn rõ ràng và thực hiện nghiêm chỉnh. Năm 1462, ông định lệ thi Hương, cứ ba năm thi một lần. Đây là bộ máy tuyển chọn nhân tài từ cấp cơ sở, nhằm chọn ra những sĩ tử xuất sắc nhất từ các địa phương. Thi Hương gồm 4 kỳ: Kỳ thứ nhất thì Tứ thư, kinh nghĩa gồm 5 bài. Kỳ thứ hai thì chiếu, chế, biểu dùng cổ thể hay tứ lục. Kỳ thứ ba thi thơ, dùng Đường luật, phú dùng cổ thể hay Ly Tao, văn tuyển, từ 300 chữ trở lên. Kỳ thứ tư thi một bài văn sách, đầu đề  hỏi về kinh, sử hay việc đương thời, hạn 1000 chữ.

 

         Bắt đầu từ khoa thi năm 1466, vua định lệ ba năm một lần thi Hội. Nhà vua chọn cử các vị quan có học vấn uyên thâm, thanh liêm, chính trực để giữ những chức vụ trọng yếu trong các kỳ thi đại khoa. Phép thi Hội qui định: kỳ 1 thi Kinh nghĩa; kỳ 2 thi Chế, Chiếu, Biểu; kỳ 3: thi Thơ, Phú; kỳ 4: Thi Văn Sách. Thể thức giống thi Hương nhưng ở cấp độ cao hơn. 

 

         Theo sử sách hầu hết với các kỳ thi Đình, vua Lê Thánh Tông đều đích thân ngự ở điện Kính Thiên ra đề văn sách hỏi về đạo trị quốc. Vua thân hành khảo xét nếu thấy không thực tài sẽ bị loại, tự mình phân chia thứ bậc. Trong thời gian trị vì, hoàng đế Lê Thánh Tông đã tổ chức 12 khoa thi đại khoa, lấy đỗ 502 vị  tiến sĩ, nhiều hơn bất kỳ một triều đại nào. Nhiều bậc danh sĩ xuất thân từ khoa bảng như: Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo, Vũ Tuấn Chiêu, Phạm Đôn Lễ…đã có nhiều đóng góp to lớn cho nước nhà. Nhà sử học Phan Huy Chú trong tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí đã ca ngợi: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp… Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém”. 

 

         Bên cạnh việc đều đặn tổ chức các kỳ thi tuyển chọn nhân tài, vua Lê Thánh Tông còn chăm lo đến công tác đạo tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Năm Đinh Hợi, Quang Thuận thứ 8 (1467), bắt đầu đặt Ngũ kinh bác sĩ. Bấy giờ các Giám sinh học Kinh thi, Kinh thư thì nhiều, học Lễ ký, Chu dịch, Xuân thu thì ít, cho nên đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, mỗi người chuyên nghiên cứu một kinh để dạy học trò. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục xuất hiện các giáo quan chuyên dạy một Kinh (trong Ngũ kinh), bên cạnh các chức Tế tửu, Tư nghiệp, Trực giảng, Giáo thụ của Quốc Tử Giám. 

 

         Năm 1483, vua Lê Thánh Tông cho mở rộng nhà Thái Học, dựng Minh Luân đường, Giảng đường, kho Bí thư để in sách học cho học trò. Năm sau, triều đình định lệ bổ dụng sinh viên ba xá, mỗi xá 100 người đều được cấp tiền kho mỗi tháng: Hạ xá sinh 8 tiền. Trung xá sinh 9 tiền. Thượng xá sinh 10 tiền. Nhà vua cũng cho xây kho Bí thư và Ký túc xá ngay trong khuôn viên trường để các Giám sinh tiện việc theo học. Vua rất quan tâm đến đời sống Giám sinh, thường vi hành tìm hiểu đời sống của họ xem có thiếu thốn gì không để hỗ trợ kịp thời.

 

         Cũng năm 1484, vua lại hạ lệnh dựng bia Đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu để vinh danh nhân tài: “Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ học tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 thời vua cha Lê Thái Tông. Đồng thời vua y lời tâu của Quách Đình Bảo cho đổi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thành Tiến sĩ cập đệ, chánh bảng thành Tiến sĩ xuất thân, phụ bảng thành đồng Tiến sĩ xuất thân”.

 

         Ngoài việc được khắc tên trên bia tiến sĩ, các vị tân khoa còn được dự lễ xướng danh, ghi tên bảng vàng, được vua ban dự yến, mũ áo cân đai, ngựa quý để vinh quy bái tổ. Sự đãi ngộ và trọng  nhân tài cầu hiền của vua Lê Thánh Tông có tác dụng khích lệ, cổ vũ rất lớn đối với các bậc trí sĩ trong nước. Sử thần Vũ Quỳnh khi nhận xét về vua Lê Thánh Tông trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nói: “Người hiền tài chọn được nhiều hơn cả đời vua. Văn võ đều dùng, tùy theo sở trường của từng người. Vì thế, có thể sửa dựng chính sự, chế tác lễ nhạc, hiệu lệnh văn chương rõ ràng, có thể cho người sau noi theo”. 

 

         Vua Lê Thánh Tông được đời sau ca ngợi là một vị vua anh minh, lỗi lạc. Ông cùng với các  trí thức đương thời đã tạo nên bầu không khí sinh hoạt tinh thần, văn hóa nghệ thuật sôi động, xây dựng một nền văn hiến với nhiều giá trị để lại cho hậu thế.

        AV


VUA LÝ NHÂN TÔNG – NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA

 

         Luôn được sử sách nhắc đến là một vị Hoàng đế anh minh, văn võ song toàn, có công lớn trong việc bảo vệ biên cương, mở mang, phát triển nền văn hoá, giáo dục của đất nước, Vua Lý Nhân Tông (1066-1128) là người đã cho mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (năm 1075) và lập trường Quốc Tử Giám Thăng Long (năm 1076). Tuy nhiên, ít ai biết rằng vị Hoàng đế uy nghiêm, công trạng lẫy lừng này lại là một nhạc sĩ tài hoa. Những sáng tác âm nhạc đa dạng của ông đã làm rực rỡ thêm cho đời sống âm nhạc Đại Việt và đặt nền móng cho nền nhã nhạc cung đình nước nhà sau này.

 

         Vua tên huý là Càn Ðức sinh vào tháng Giêng năm Bính Ngọ, Long Chương Thiên Tự năm thứ 1 (năm 1066). Ông là con trai của vua Lý Thánh Tông và nguyên phi Ỷ Lan, tức Linh Nhân hoàng hậu.

   

         Vua có dung mạo dị thường, Đại Việt sử lược chép: “Ngài là người có xương trán nổi lên như mặt trời, ấy là dáng của bậc Thiên tử  và tay thì dài quá đầu gối”. Bản thân tư chất thông minh, kiến thức Phật, Nho, Đạo uyên thâm bác học, tinh thông tài nghệ. Sử sách đều ghi nhận ông có “trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi triều Lý” (trích Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển III, tr 109).

 

Ảnh: Tượng đồng vua Lý Nhân Tông (1066-1128) tại nhà Thái Học, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

         Đặc biệt nhà Vua “rất giỏi về âm luật, những ca khúc mà nhạc công tập đều do vua trước tác ra” (Đại Việt sử lược, quyển II, trang 53). Hiện nay, tại chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, Hà Nam còn lưu giữ một tấm bia "Tháp Sùng Thiện Diên Linh” (khắc năm Tân Sửu - 1121). Trên đó có bài văn bia của Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật chép lại khá chi tiết những câu chuyện lý thú, cảnh sinh hoạt nghệ thuật của Vua Lý Nhân Tông. Đây là nguồn sử liệu quý giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về vị Hoàng đế đam mê sáng tác âm nhạc, nghệ thuật tài hoa này.

 

 

Ảnh: Trích đoạn Văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm Tân Sửu - 1121) do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật biên soạn

(In trong sách Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, năm 1977)

 

 

         Từ nhỏ, Vua Lý Nhân Tông đã ham học nhạc, xem cung nữ Chiêm Thành mua hát, lại kế thừa những tinh hoa nghệ thuật của Đại Việt. Ông làm thơ hay, viết đẹp, ưa Phật pháp và yêu chuộng âm nhạc. Trong bài văn bia, Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật ca ngợi: Nhà Vua “đúc lời đẹp như đá vàng, sáng hơn tinh đẩu; đặt tên hay cho điện tháp, chiếu dọi xưa nay, sành phép viết để thông thần, vận bút vua đến tuyệt diệu. Thế chữ tự rồng bay phượng múa, phép viết từ tay ngọc viết ra, hình chữ như loan liệng thước bay, thể chữ do lòng vua thể nghiệm”(Trích Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, năm 1977, tr 406).

 

         Thơ ca của Hoàng đế như “tóm muôn hoa của thơ trời, nhạc phổ hoà âm thanh của nhà Phật”. Vua lại là người “tinh tường âm nhạc nước ngoài, phiên dịch cốt yếu của mọi nghệ thuật”[1]. Nhờ am hiểu “đến nơi đến chốn” âm nhạc của nước ngoài thời đó (Chiêm Thành, Trung Hoa, Ấn Độ), nhà vua không chỉ dừng lại ở chỗ “chuyển dịch” tức phiên dịch lại những khúc nhạc nước ngoài ấy, mà còn sáng tác nhiều bản nhạc, khúc ca và vũ điệu mới cho nhạc công và cung nữ tập múa và ca hát. Tác phẩm “Tiên tử xuống mây, véo von tiếng hát, ngợi ca công lớn tiền vương và khúc Sáo băng dời chỗ uyển chuyển dáng hình, chúc tụng ơn sâu giáo hoá”[2].

 

         Chất âm nhạc trong các tác phẩm của Hoàng đế bay bổng, mê hoặc như từ trong cõi thần tiên. Ở đó có hình bóng các tiên nữ ôm đàn ca hát, thấp thoáng như có cả hình bóng các vũ nữ Chiêm Thành uyển chuyển trong các điệu múa. Âm nhạc “lưng trời tiếng hát mây bay, hoà sáo vang thêm ân sáng”, thật khiến “đưa đời người lên cõi Hồ thiên, đặt dân chúng vào nơi lạc quốc”.

 

         Ngoài âm nhạc, Vua Lý Nhân Tông rất thích tổ chức các ngày hội, vừa để biểu dương công đức Phật pháp, vừa để gây không khí vui chơi vào dịp đất nước được an bình thịnh trị. Thời đại Ông trị vì, hội đua thuyền, hội hoa đăng, múa rối nước vào ngày rằm trung thu được tổ chức hàng năm. Sân khấu múa rối nước được nhà vua cho làm bằng mô hình “rùa vàng đội ba ngọn núi”[3] cho nhân dân cùng xem...

 

         Đời sống nghệ thuật Đại Việt bấy giờ rất phong phú. Âm nhạc với ca từ đẹp đẽ, giai điệu ngân nga, trầm bổng, vũ điệu uyển chuyển, duyên dáng; các lễ hội đa dạng, nhiều màu sắc được tổ chức khắp từ chốn cung đình đến dân gian đều phản ánh khung cảnh đất nước thanh bình, thịnh trị.

 

         Tất cả những thành tựu này đã góp phần tô điểm rực rỡ thêm đời sống văn hóa, nghệ thuật của nước Đại Việt. Hơn nữa có thể nói: những bản nhạc, vũ điệu, ca khúc biểu diễn trong cung đình do Vua Lý Nhân Tông sáng tác cách đây hơn 900 năm chính là một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của Nhã nhạc sau này.

AV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Trích Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, năm 1977, bài văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm Tân Sửu - 1121) tr 406)

[2] Trích Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, năm 1977, bài văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm Tân Sửu - 1121) tr 406

[3] Văn bia ghi chép việc vua Lý Nhân Tông cho làm mô hình “rùa vàng đội ba ngọn núi” làm sân khấu biểu diễn rối nước tại kinh thành Thăng Long vào dịp rằm Trung thu được tổ chức hàng năm (xem Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, 1977, bài văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm Tân Sửu - 1121) tr 403-404)


 

TƯỢNG THẦY CHU VĂN AN TẠI KHU THÁI HỌC

 

    Chính giữa Hậu đường của khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám có một bức tượng đặc biệt, đó là tượng Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An làm bằng đồng, cao 2m3, nặng khoảng 3 tấn, do các nghệ nhân làng đúc đồng nổi tiếng Ngũ Xã đúc vào năm 2003.

 

 

    Thầy Chu Văn An (1292 – 1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn là người thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Ông nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách và mở trường dạy học. Đến thời vua Trần Minh Tông (1314-1329) đã mời Thầy ra Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, chăm lo giáo dục, đào tạo nhân tài và rèn cặp các vị Thái tử. Sau khi mất, vua Trần Nghệ Tông cảm phục tài năng và đức độ của Thầy Chu Văn An đã ban tước là Văn Trinh công, tên thụy là Khang Tiết và cho phối thờ tại Văn Miếu.

 

 

    Khu Thái Học được hoàn thành vào năm 2000 là công trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2003, Thầy đã được làm tượng và thờ tại đây. Nhà điêu khắc Lê Quốc Bảo là tác giả của pho tượng. Tác giả đã nghiên cứu rất kỹ về Thầy Chu Văn An. Ông đã dồn tâm huyết để hoàn thành pho tượng lột tả được nhân cách, thần thái và phong cách của Danh sư Chu Văn An. Tượng mang dáng vẻ của người khoảng 60 tuổi, đầu đội mũ Đinh, trên mũ có gắn viên ngọc của các bậc hiền triết. Vốn là quan văn nên khuôn mặt Thầy xương xương nho nhã, râu mỏng và thưa, mày đang chau lại vì quan tâm thời cuộc. Vầng trán Thầy cao rộng, hình lá gan úp thể hiện là người tư duy trực cảm mạnh mẽ. Mũi giọt mật của bậc hiền sĩ là người thông thái. Hai tai đều đặn, thùy tai đẫy đà, vành tai thành quách rõ ràng biểu hiện của người quân tử. Phía sau lưng ghế có chạm trổ hình cây vũ trụ. Đây là pho tượng nhận được nhiều sự quan tâm của du khách khi đến thăm khu Di tích.

    Cuộc đời và sự nghiệp của Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An có ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong chiều dài lịch sử. Ngày nay, Thầy trở thành biểu tượng cho một người Thầy có kiến thức uyên bác, đạo đức sáng ngời, cả cuộc đời Thầy đã dành cho việc dạy chữ, dạy người, các thế hệ người Việt Nam luôn tôn kính và ngưỡng vọng.

 


VUA LÊ THÁNH TÔNG (1442 - 1497)

 Lê Thánh Tông huý Hạo, tự là Tư Thành, lên ngôi năm 1460, khi mới 18 tuổi, ở ngôi 38 năm với 2 lần đặt niên hiệu là Quang Thuận và Hồng Đức.

      Lê Thánh Tông là vị vua anh minh quyết đoán, văn võ kiêm toàn, anh hùng tài lược. Dưới thời Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt đạt đến sự phát triển rực rỡ về mọi mặt. Ông đặc biệt chú ý đến phát triển văn hóa và giáo dục của đất nước. Dưới thời Lê Thánh Tông, nhiều công trình lớn được soạn thảo như Luật Hồng Đức, Hồng Đức bản đồ, Đại Việt sử ký toàn thư… Giáo dục và thi cử thời Lê Thánh Tông được xem là thịnh đạt, quy định rõ ràng nhất trong lịch sử giáo dục và khoa cử thời quân chủ. Lê Thánh Tông tổ chức 12 khoa thi và lựa chọn được 502 vị Tiến sĩ. Năm 1483, Lê Thánh Tông đã cho tu sửa lại Văn Miếu, mở rộng Quốc Tử Giám. Đặc biệt, năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng những tấm bia Tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm mục đích biểu dương những người hiền tài, qua đó khuyến khích dân chúng học tập. Lê Thánh Tông vượt khỏi tầm nhà chính trị, nhà vua, trở thành một nhà văn hoá lớn.

         Đây là ba vị vua đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phát triển nền giáo dục Nho học Việt Nam.

      Tượng thờ 3 vị vua tại tầng trên nhà Hậu đường khu Thái học của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được làm bằng đồng đều do nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã, Hà Nội đúc năm 2003. Mỗi pho tượng cao 1,4m, nặng chừng 1 tấn.


VUA LÝ NHÂN TÔNG (1066 - 1128)

 Lý Nhân Tông huý là Càn Đức, là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Linh Nhân Hoàng thái hậu (tức Nguyên phi Ỷ Lan), ở ngôi 56 năm (1072 - 1128).

      Lý Nhân Tông là vị vua sáng suốt, hiếu nhân, thông âm luật, chế ca nhạc, là vị vua giỏi của thời Lý. Ông là người mộ đạo Phật, nhưng lại chăm lo mở mang nền Nho học Việt Nam. Vua Lý Nhân Tông (tức Thái tử Lý Càn Đức) là người học trò đầu tiên vào học tại Văn Miếu (1070).

      Sau khi lên ngôi được 3 năm, năm 1075, Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đó là khoa Minh kinh bác học và Nho học tam trường để kén chọn nhân tài. Một năm sau đó, năm 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám,"chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám".

      Việc mở khoa thi đầu tiên năm 1075 và lập Quốc Tử Giám năm 1076 là những sự kiện quan trọng, đặt cơ sở cho sự ra đời của chế độ giáo dục, khoa cử Nho học ở Việt Nam.


VUA LÝ THÁNH TÔNG (1023 - 1072)

        Lý Thánh Tông huý là Nhật Tôn, là con trưởng của vua Lý Thái Tông. Năm 1028, được phong làm Đông cung Thái tử. Khi Lý Thái Tông băng hà, ông lên ngôi báu, ở ngôi 17 năm (1054 - 1072).

      Lý Thánh Tông là vị vua sáng, có tinh thần tự lập, tự cường, đặt quốc hiệu Đại Việt với mong ước xây dựng một nước Việt hùng mạnh. Sử sách chép ông là vị vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người ở xa, an ủi người gần, hậu lễ dưỡng liêm, tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong, phía Nam bình Chiêm, phía Bắc đánh Tống, uy vũ hiển hách bên ngoài.

      Năm 1070, nhận rõ vai trò quan trọng của Nho giáo đối với việc củng cố và xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu. Sự kiện này được Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa thu tháng 8 dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”.

      Trong lịch sử Việt Nam, Lý Thánh Tông được đánh giá là bậc vua hiền. Ông mất năm 1072, thọ 50 tuổi.


TƯ NGHIỆP QUỐC TỬ GIÁM CHU VĂN AN

  Chu Văn An (1292-1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tước Văn Trinh công, thụy Khang Tiết. Ông là người làng Quang Liệt, huyện Thành Đàm, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

     Tương truyền, từ nhỏ Chu Văn An đã nổi tiếng là người học giỏi, ham đọc sách, tính tình cương trực, luôn sửa mình giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan, mà mở trường Huỳnh Cung ở quê nhà để dạy học. Học trò theo học rất đông, có nhiều người sau đỗ đạt làm quan lớn trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, từng được giữ chức Nhập nội hành khiển thời Trần. Học trò của ông đều luôn kính trọng ông, bởi ông là người thanh liêm cương trực, đạo cao đức trọng. Học trò dù ở địa vị Tể tướng hay Thượng thư, khi đến thăm thày vẫn kính cẩn giữ lễ học trò, những ai được ông cho vào hỏi thăm thì thường quỳ ở dưới để nghe chỉ bảo. Học trò nào ra làm quan mà không giữ mình trong sạch, đều bị ông đuổi ra không tiếp.

     Dưới thời Trần Minh Tông (1314 - 1329), Chu Văn An được mời ra Kinh đô giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông nom việc rèn tập sĩ tử tại Quốc Tử Giám và tế lễ tại Văn Miếu, đồng thời dạy Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau trở thành vua Trần Hiến Tông). Trong thời gian này, ông đã viết sách Tứ thư thuyết ước để dạy cho học trò.

     Thời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), tình hình chính trị rối ren, quyền thần lộng hành, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian thần. Rất tiếc, Vua không nghe theo, ông treo mũ từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, xã Kiệt đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

     Năm 1370, Chu Văn An qua đời, thọ 79 tuổi. Vua Trần Nghệ Tông vô cùng thương tiếc, ban tên thụy Khang Tiết và cho phối thờ ở Văn Miếu. Sau này sử thần Ngô Sĩ Liên có nhận xét về ông trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Những nhà Nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải là không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn... Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thuỵ hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”

     Năm 2003, nhà nước đã cho đúc tượng Danh sư Chu Văn An và thờ ở tầng 1 nhà Hậu đường khu Thái Học. Tượng được làm bằng đồng, nặng khoảng 3 tấn (kể cả ngai)./.


Á THÁNH MẠNH TỬ (371 - 289tcn)

Thường gọi là Mạnh Tử, tự Tử Dư. Mạnh Tử người đất Trâu nước Lỗ, thời Chiến quốc, là dòng dõi công tộc Manh tôn, cha mất sớm, mẹ họ Cừu, thường gọi là bà Mạnh Mẫu. Bà là tấm gương mẫu mực của bậc làm mẹ, nổi tiếng vì sự tích muốn dạy con thành người tốt mà ba lần phải dời nhà. Mạnh Kha được thu nhận vào trường học của Tử Tư. Bấy giờ các nước chư hầu của nhà Chu khuynh loát xâm đoạt  lẫn nhau, thiên hạ đại loạn, kẻ sĩ bôn tẩu để thực hành mưu kế hợp tung liên hoành. Mạnh Kha chu du đến các nước Tê, Lương, đem hết tâm huyết đề cao đạo đức xã hội thời Đường Ngu tam đại. Mạnh Tử chủ trương thuyết "tính thiện", coi Nhân nghĩa là tiêu chuẩn để phân biệt vương đạo và bá đạo trong đường lối trị nước của kẻ cầm quyền. Ông là đại diện xuất sắc của Nho gia đã nêu cao tư tưởng "Dân vi quý", coi chính sự hà khắc còn hung bạo hơn hổ báo (Hà chính bạo ư hổ). Cũng với quan điểm đó, Mạnh Tử có lập trường lên án chiến tranh, đòi hỏi tầng lớp thống trị phải thực hành đường lối nhân chính. Tác phẩm chủ yếu là tập Mạnh Tử gồm 7 thiên, ghi lại những cuộc biện thuyết hùng hồn của Mạnh Tử, với lời văn nhiều hình ảnh sinh động, có ảnh hưởng lớn trong việc truyền bá phát huy học thuyết của Khổng Phu Tử, được các thế hệ nhà Nho đời sau suy tôn là bậc á Thánh (á là bậc thứ hai)


THUẬT THÁNH TỬ TƯ (492 - 431tcn)

Tự Tử Tư, con của Khổng Lý (tự Bá Ngư). Cháu đích tôn của Khổng tử, học trò của Tăng Sâm. Tử Tư được coi là người thừa kế chính thống của học thuyết Khổng tử. Sách Trung dung do Tử Tư biên soạn là tác phẩm danh tiếng tiêu biểu cho nhân sinh quan của triết học Nho gia. Những lời bình luận của Tử Tư về tâm, tính được coi là tinh tế, có sức gợi mở. Tư tưởng của Tử Tư :"Bất thiên, bất dịch, trung dung chi đạo" (không thiên lệch, không thay đổi, ấy là đạo trung dung) có vị trí quan trọng trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc.Tử Tư từng đi chu du giảng học ở nước Tống, nước Vệ, đem tinh hoa của học thuyết Khổng tử truyền bá rộng khắp, đương thời mến mộ. Nho gia thường gọi Tử Tư là Thuật thánh vì ông là người có công truyền  thuật tư tưởng sự nghiệp của Khổng Phu Tử.


TÔNG THÁNH TĂNG TỬ (505 - 436 tcn)

Tức Tăng Tử, tự Tử Tư, người thành Nam Vũ thời Xuân Thu. Trong số học trò của Khổng tử, Tăng Sâm không phải là người thông minh mẫn tuệ nhất, nhưng hiểu biết cặn kẽ, chắc chắn, lĩnh hội sâu sắc đạo lý xuyên suốt của học thuyết Khổng tử. Đạo "Trung thứ" của Khổng tử được Tăng Sâm phát huy tiếp nối truyền thụ cho Tử Tư. Khi Khổng tử qua đời, Tăng Sâm mới 27 tuổi, tự mình tu dưỡng học vấn, nổi tiếng với câu nói: "Mỗi nhật tam tỉnh ngô thân" (hàng ngày ba lần kiểm xét bản thân mình). Đại học và Hiếu kinh là hai tác phẩm do Tăng Sâm ghi lại lời Khổng tử dạy học trò. Người đời coi học phái Tăng Tử bảo tồn được tinh tuý của học thuyết Khổng tử.


PHỤC THÁNH NHAN TỬ (513 - 482 tcn)

Tự Tử Uyên, cũng thường gọi là Nhan Uyên, người nước Lỗ thời Xuân Thu, học trò của Khổng tử,  cùng với Tăng Sâm, được coi là hai học trò xuất sắc nhất của Khổng môn. Nhan Uyên bẩm tính thông minh, hiếu học, nghe một biết mười, chưa từng giận dữ với một ai, không phạm lỗi lầm đến lần thứ hai. Hoàn cảnh túng thiếu, "một nắm cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp", Nhan Hồi có tiếng là người an bần lạc đạo, hợp ý Khổng tử trong số các học trò. Người đời sau coi Nhan Hồi là người thừa kế lý tưởng của đạo thống Khổng môn. Nhan Hồi mất khi mới 32 tuổi, được Nho gia suy tôn là bậc "thánh", lại gọi là Phục thánh vì theo sự đánh giá của Khổng tử, Nhan Hồi là người có đức nhân, biết "sửa mình khôi phục lễ" (Khắc kỷ phục lễ vi nhân) được xếp hàng đầu trong Tứ phối.


KHỔNG TỬ

Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà triết học và là nhà giáo dục tiểu biểu của Trung Quốc cổ đại.

       Cha của Khổng Khâu là Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra ông. Nhiều sử sách ghi rằng, ông sinh trong gia cảnh nghèo, có ông tổ ba đời thuộc dòng quý tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Năm lên ba, Khổng Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Do quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác, ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Khổng Tử hết sức đề cao việc học tập, ông là người “học không biết mỏi, dạy không biết chán”. Tương truyền, ông có đến 3000 học trò, trong đó có 72 Hiền triết.

          Năm 30 tuổi, Khổng Tử cùng học trò đi chu du nhiều nước để truyền bá tư tưởng của mình. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại Tư khấu (coi việc hình pháp). Sau này do bị ly gián, gièm pha, ông bèn từ quan, trở về tiếp tục dạy học và biên soạn sách.

          Khổng Tử đã biên soạn và san định Kinh Thi, Thư, Lễ, nhạc, Dịch và Kinh Xuân Thu. Những trước tác của ông đã trở thành kinh điển của Nho giáo, được truyền bá và lưu truyền cho đến ngày nay. Về cơ bản, tư tưởng của Khổng Tử là bảo thủ, muốn duy trì và phát triển thế lực của giai cấp quý tộc cũ đang mất dần thực quyền, bị các đại phu và thế lực quý tộc mới chèn ép. Trung tâm học thuyết của ông là chữ “Nhân” với một phạm vi bao quát rộng lớn được tùy trường hợp mà giải thích khác nhau. Nhân gần với Lễ, là những quy phạm đạo đức lễ nghi để duy trì quan hệ trong xã hội. Có thể coi Lễ là phương thức giúp người ta đạt tới Nhân. Nhân và Lễ gắn bó với nhau và đó cũng là chuẩn đích trên con đường hoàn thiện phẩm cách của người Nho sỹ - quân tử. Khổng Tử chú trọng nhấn mạnh và đề cao thuyết chính danh, tam cương, ngũ thường làm kim chỉ nam hành động cho con


GIỚI THIỆU CHUNG

Hiện nay tại khu di tích có hệ thống tượng phong phú cả về niên đại và chất liệu. Đó là bộ tượng Khổng Tử, Tứ Phối (Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử)  đặt tại điện Đại Thành. Năm pho tượng của Khổng Tử và Tứ phối, được bày trang trọng theo vị thế của từng nhân vật: Khổng Tử ở chính giữa; lớp trong bên trái là Nhan Tử, bên phải là Tăng Tử; lớp ngoài bên trái là Tử Tư, bên phải là Mạnh Tử. Các pho tượng đặt ở tư thế ngồi, chân buông ngay ngắn về phía trước.

Tầng 1 nhà Hậu Đường khu Thái Học là nơi đặt tượng thờ thầy giáo Chu Văn An, một trong những vị Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám. Tầng 2 nhà Hậu Đường là nơi đặt tượng thờ ba vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông là những vị vua có công sáng lập Văn Miếu năm 1070, mở nguồn Nho học nước nhà. Cả bốn pho tượng đương đại đặt tại nhà Hậu Đường khu Thái Học đều được đúc bằng đồng, do các nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã, Hà Nội làm vào năm 2003.



CÁC TIỆN ÍCH


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm