THAM QUAN “BIA ĐÁ KỂ CHUYỆN” - TÌM HIỂU VỀ NHỮNG VÙNG ĐẤT KHOA BẢNG
Trưng bày “Bia đá kể chuyện” giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về các địa phương có người đỗ đại khoa, các dòng họ khoa bảng và truyền thống hiếu học trên khắp mọi miền đất nước.
82 bia Tiến sĩ là những di vật có giá trị lịch sử vô cùng đặc biệt, thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, là niềm tự hào của nền văn hóa giáo dục dân tộc Việt Nam. Những tấm bia này không chỉ ghi lại tên tuổi của các bậc danh nho, mà còn phản ánh không khí học hành, thi cử sôi nổi, cũng như sự đóng góp của từng địa phương và dòng họ đối với truyền thống khoa bảng của đất nước. Mỗi tấm bia như một pho "sử đá" đồ sộ, kể lại những câu chuyện về hành trình học vấn, những khát vọng cống hiến và phát triển của các thế hệ đi trước.
Tại khu vườn bia Tiến sĩ, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trưng bày “Bia đá kể chuyện” giúp du khách khám phá truyền thống khoa bảng của các địa phương và dòng họ trong lịch sử. Điểm nhấn nổi bật là sơ đồ thống kê số lượng Tiến sĩ theo từng địa phương – một công cụ trực quan sinh động, giúp người xem hình dung rõ nét diện mạo nền khoa cử của các địa phương trên cả nước.
Sự phân bố trên sơ đồ cho thấy rõ các trung tâm khoa bảng lớn nhất đương thời chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dẫn đầu là Hà Nội với 372 vị Tiến sĩ, tiếp đến là Hải Dương (197), Bắc Ninh (173), Thanh Hóa (128), Hưng Yên (107), Hà Tĩnh (69) và Nghệ An (44). Nhiều tỉnh khác như Thái Bình (51), Vĩnh Phúc (41), Hải Phòng (35), Nam Định (31), Hà Nam (16), Ninh Bình (6) cũng góp phần làm nên truyền thống hiếu học đáng trân trọng.
Cách thể hiện bằng màu sắc không chỉ tạo hiệu ứng thị giác nổi bật mà còn khắc họa sinh động sự lan tỏa của tinh thần học vấn từ vùng này sang vùng khác. Những con số ấy là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn của cha ông ta. Mỗi tên Tiến sĩ được khắc trên bia là một câu chuyện riêng, và khi cộng hưởng lại, tạo thành một di sản quý giá về tinh thần hiếu học và ý chí lập thân lập nghiệp của người Việt xưa.
Trưng bày không chỉ kể những câu chuyện thành danh, mà còn mang đến cảm xúc tự hào cho khách tham quan. Bác Nguyễn Gia Thanh (Vụ Bản, Nam Định) là một trong những vị khách có cảm xúc như vậy, bác chia sẻ: “Ban đầu khi tham quan bia Tiến sĩ, tôi chỉ thấy chữ Hán và không hiểu nhiều. Nhưng sau khi đọc thông tin tại khu trưng bày, tôi biết được rất nhiều điều. Tôi rất tự hào khi biết quê hương mình là vùng đất học, có nhiều người đỗ Tiến sĩ.”
Bằng việc đặt sơ đồ trong không gian vườn bia – nơi lưu giữ chính những tấm bia có khắc tên các vị Tiến sĩ – trưng bày đã tạo ra một sự kết nối trực tiếp giữa hình ảnh, tư liệu và hiện vật gốc, giúp du khách không chỉ đọc – mà còn hiểu và cảm được mạch chảy của truyền thống khoa bảng Việt Nam suốt hàng thế kỷ.
Trưng bày thông tin những địa phương có Tiến sĩ được khắc tên trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử GIám
Học sinh tham quan học tập tìm hiểu bia Tiến sĩ
Bác Nguyễn Gia Thanh đến từ Vụ Bản, Nam Định đang tìm hiểu thông tin về Tiến sĩ của quê hương mình
LH