KHAI MẠC TRIỂN LÃM ĐA SẮC - HANOI ART FAIR
Chiều ngày 26/03/2025, Hà Nội Art Fair: Hội Làng Nghệ Hà Nội “Đa sắc” đã chính thức khai mạc tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang đến một không gian nghệ thuật độc đáo, nơi nghệ thuật không chỉ được trưng bày mà còn trở thành nhịp cầu kết nối giữa nghệ sĩ và công chúng.
Sự kiện do 12 họa sĩ và studio nghệ thuật với sự đồng hành trong vai trò đơn vị đồng tổ chức của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo nghệ thuật đến công chúng. Triển lãm mở cửa từ 16h ngày 26/3 đến hết ngày 31/3 tại nhà Thái Học, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
BTC trao giấy chứng nhận cho 12 nghệ sĩ và studio có tác phẩm tham gia Triển lãm
Sự “Đa sắc” của nghệ thuật qua chất liệu và đề tài
Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một thế giới riêng, nơi sắc màu, đường nét và cảm xúc hòa quyện để kể những câu chuyện sống động về con người, thiên nhiên và cuộc sống. Sự đa dạng không chỉ đến từ nội dung mà còn thể hiện rõ qua từng chất liệu đặc trưng.
Trong không gian triển lãm, mỗi bức tường thể hiện những phong cách hội họa khác nhau, bởi mỗi bức tường là một bộ tranh của những tác giả khác nhau. Trong đó, những tác phẩm màu nước với màu sắc trong trẻo và uyển chuyển mang lại cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế, trong khi sơn dầu với những lớp màu dày dặn lại tạo chiều sâu và cảm xúc mạnh mẽ. Xen lẫn trong đó là những tác phẩm ký họa đầy cảm xúc, ghi lại khoảnh khắc chân thực với những nét bút linh hoạt, sinh động. Màu Parker trên giấy vẽ tạo nên những tương phản sắc nét, khắc họa thế giới dưới góc nhìn đầy cá tính. Giấy Dó – một chất liệu truyền thống mang linh hồn của dân tộc – lại mở ra những biểu đạt mộc mạc nhưng sâu lắng, lưu giữ vẻ đẹp của thời gian qua những bức vẽ về thiên nhiên, hoa cỏ cây lá.
Bộ tác phẩm “Vẻ đẹp miền cao qua nét cọ màu nước” của Hoạ sĩ Lục Thum.
Không chỉ đa dạng về chất liệu, các tác phẩm còn phong phú về đề tài: có tranh ghi lại nét đẹp đời thường, có tranh tái hiện thiên nhiên trữ tình, cũng có những tác phẩm đào sâu vào tâm tư con người. Dù là cảnh vật hay chân dung, mỗi bức tranh đều chứa đựng tâm huyết và phong cách riêng của người nghệ sĩ, phản ánh góc nhìn độc đáo về thế giới xung quanh.
Bộ tác phẩm Hoa sen của Hoạ sỹ Đỗ Hiền
Nghệ thuật không khoảng cách
Quầy trải nghiệm của các nghệ sỹ và studio trong khuôn khổ chương trình
Hội Làng Nghệ Hà Nội “Đa Sắc” mở ra một không gian nghệ thuật gần gũi ngay tại khu vực sân Thái Học, nơi 12 quầy trải nghiệm của các họa sĩ và studio nghệ thuật được bố trí như những “ngôi nhà” mở, chào đón công chúng bước vào thế giới sáng tạo. Tại đây, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng các tác phẩm mà còn có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với các họa sĩ, lắng nghe những câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm và khám phá những ý tưởng, cảm hứng trong quá trình sáng tác.
TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm phát biểu trong buổi khai mạc Triển lãm Đa Sắc
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám xúc động chia sẻ: Qua triển lãm Đa sắc cho thấy Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là một Di tích văn hoá - lịch sử, mà còn trở thành không gian văn hóa sáng tạo, là cầu nối từ truyền thống tới nghệ thuật đương đại, tiếp bước cho vẻ đẹp văn hoá dân tộc được gìn giữ và phát huy bởi các tài năng trẻ.
Du khách tham quan Triển lãm
Triển lãm “Đa Sắc” không chỉ tôn vinh sự phong phú trong nghệ thuật qua các chất liệu, mà còn khẳng định Văn Miếu – Quốc Tử Giám là không gian sáng tạo, nơi kết nối nghệ thuật với di sản. Qua mỗi tác phẩm, những giá trị văn hóa truyền thống được tiếp nối, lan tỏa, hòa quyện cùng hơi thở đương đại, tạo nên một dòng chảy nghệ thuật sống động. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là biểu tượng của tri thức mà còn là điểm hẹn của những sáng tạo nghệ thuật, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống hôm nay.
TL