CÁC HOẠT ĐỘNG

KHAI MẠC TRIỂN LÃM THƯ PHÁP “HƯƠNG SẮC THĂNG LONG” TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

 

        Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, chiều 3/11, tại nhà Thái học, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề: “Hương sắc Thăng Long”.

        Triển lãm nhằm tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Thăng Long - Hà Nội với những giá trị văn hóa riêng có của đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến dưới sự thể hiện của nghệ thuật thư pháp.

        Đến dự triển lãm có TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, TS Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân mỹ học đường, Thư pháp Xuân Như - Vũ Thanh Tùng, Giám tuyển Triển lãm; cùng đông đảo công chúng yêu mến thư pháp.

        Triển lãm trưng bày 36 tác phẩm thư pháp của 18 tác giả đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có 02 nữ tác giả trẻ.

        Các tác phẩm chủ yếu được viết theo lối truyền thống với các thể chữ Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo; bên cạnh đó là một số tác phẩm có lối thể hiện mới mẻ, đột phá trong cách thể hiện nét chữ và bố cục.

        Phát biểu khai mạc triển lãm, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Chúng tôi mong muốn nghệ thuật hoạt động thư pháp trong đời sống sẽ ngày càng phong phú, đa dạng trở thành cơ hội, nơi kết nối các tác giả thư pháp. Thông qua triển lãm Hương sắc Thăng Long sẽ từng bước nâng cao trình độ thư pháp, sự thưởng thức các giá trị thư pháp, trở thành động lực cho những người yêu nghệ thuật thư pháp trong thời gian tới.

        Chia sẻ thêm về các tác phẩm thư pháp, Giám tuyển Xuân Như - Vũ Thanh Tùng phát biểu: “36 tác phẩm của 18 tác giả với gần 100 bức viết được lựa chọn trong số gần 200 bức đã phần nào thể hiện được độ chín của từng tác giả khi đã dần định hình được lối viết, phong cách rất riêng, rất đặc biệt với Hà Nội. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm hôm nay với chủ đề Hương sắc Thăng Long đi vào chiều sâu, mang tính cổ điển, qua đó một lần nữa khẳng định những tiêu chí nghệ thuật thư pháp kinh điển vẫn sẽ mãi luôn là xương sống, huyết mạch, là nền tảng cơ bản của thư pháp truyền thống cho những ai yêu mến thư pháp và muốn theo đuổi con đường bộ môn nghệ thuật này.

        Triển lãm cũng đã dành một phần không gian cho nghệ thuật sắp đặt với 365 cuốn tập phỏng cổ viết nội dung trích từ “Khuyến học văn” (Bài văn khuyến học) của vua Lê Thánh Tông, một tác gia lớn của văn học trung đại Việt Nam.

        Triển lãm diễn ra đến hết ngày 3/12/2024 tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

        Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ khai mạc Triển lãm.

 

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc Triển lãm

 

Giám tuyển Xuân Như - Vũ Thanh Tùng chia sẻ thêm về các tác phẩm thư pháp

 

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tặng hoa cho các tác giả có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm

 

Đại biểu tham quan và nghe thuyết minh về Triển lãm

 

Du khách tham quan Triển lãm

 

Triển lãm thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ

 

Thúy Hồng 

 

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm