CÁC HOẠT ĐỘNG

HỌC QUAN QUỐC TỬ GIÁM QUA TRƯNG BÀY QUỐC TỬ GIÁM – TRƯỜNG QUỐC HỌC ĐẦU TIÊN

 

    Trưng bày Quốc Tử Giám – Trường quốc học đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của trường Quốc Tử Giám xưa qua các triều đại. Nội dung trưng bày có phần giới thiệu tới công chúng các vị học quan của Quốc Tử Giám.

    Qua các tài liệu, hiện vật trưng bày cho thấy trong suốt hơn 700 năm hoạt động kể từ Lý, Trần cho đến hết thời Hậu Lê, Quốc Tử Giám luôn thực hiện theo mục tiêu đào tạo ra những bậc trí sĩ vừa có đức vừa có tài phục vụ cho đất nước. Đảm trách công việc giảng dạy, đào tạo tại Quốc Tử Giám là những học quan đạo cao đức trọng.

    Các bảng thông tin tư liệu tại trưng bày cho biết dưới thời Lý, từ khi thành lập Quốc Tử Giám năm 1076, chưa thấy trong chính sử ghi chép về học quan đứng đầu ngôi trường quan trọng này. 

    Tại khu vực trưng bày Quốc Tử Giám thời Trần (1226-1400), phiên bản mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm 1272, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu: “Tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu Kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách”. Như vậy, có thể thấy đến năm 1272, học quan đứng đầu Quốc Tử Giám là Tư nghiệp, là “người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu Kinh sách”. 

    Cùng với tranh vẽ và bảng thông tin tại đây đã giúp du khách tìm hiểu một trong các vị Tư nghiệp đầu tiên của Quốc Tử Giám, một nhà giáo tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam được ghi chép rõ ràng là Chu Văn An (1292-1370). Bức tranh mô tả Chu Văn An trong dáng vẻ một nhà nho giản dị, học vấn uyên thâm, người thầy nghiêm trang, đang trước tác những điều tâm huyết với học trò. Chu Văn An được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (1314-1329). Thông tin cho biết, ông là người thầy đạo cao đức trọng, nổi tiếng học vấn tinh thông, dạy Thái tử Trần Vượng…

    Trong 7 năm (1400-1407) của triều Hồ, đứng đầu Quốc Tử Giám vẫn là quan Tư nghiệp. 

    Thông tin tư liệu trên bức tường niên đại và Modun khu vực trưng bày Quốc Tử Giám thời Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng, cho thấy giai đoạn này triều đình tuyển chọn một đội ngũ học quan đông đảo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại Quốc Tử Giám. Năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434) Lê Thái Tông bắt đầu đặt chức quan Tế tửu đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những người được bổ nhiệm chức Tế tửu đều là những nhà khoa bảng. 

    Theo Hồng Đức Quan chế, Tế tửu thuộc hàm Tòng tứ phẩm. Theo sách Lịch triều Hiến chương loại chí, chức trách của tế tửu là: “..Phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho học trò trường Giám tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”. Như vậy, Tế tửu ngoài chức trách là học quan của Quốc Tử Giám còn làm nhiệm vụ trông coi Văn Miếu, thực hiện việc cúng tế xuân, thu nhị kỳ theo quy định tế lễ tại Văn Miếu. Tư nghiệp giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. 

    Sau Tế tửu, Tư nghiệp là đội ngũ Học quan gồm Giáo thụ, Trợ giáo, ngũ kinh bác sỹ…. Tất cả họ đều là các bậc danh Nho, các quan đại thần, đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa giáo dục Việt Nam.

      Thời Mạc, chức học quan Quốc Tử Giám vẫn theo nếp cũ của nhà Lê sơ, vua nhà Mạc rất quan tâm đến Quốc Tử Giám, thường xuyên đến nhà Thái học vừa dâng hương Tiên thánh. 

    Từ thời Lê Trung hưng, đặc biệt là từ năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa 14 (1693) đời Lê Hy Tông, triều đình quy định, những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm.

    Sang đến thời Nguyễn, Kinh đô đặt tại Huế. Quốc Tử Giám Thăng Long lúc này trở thành trường học của phủ Hoài Đức, sau bị dỡ bỏ để xây điện Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử.

    Các vị học quan Quốc Tử Giám là những tấm gương về trí tuệ, tài năng, mẫu mực về đạo đức, tinh thần rèn luyện, cống hiến đóng góp lớn lao cho nền giáo dục nước nhà.

 

Thông tin viết về việc lập Quốc Tử Giám

 

 

 

Đoạn trích sách Đại Việt sử ký toàn thư chép việc Vua Trần Thái Tông xuống chiếu tìm người tài làm việc tại Quốc Tử Giám năm 1272

 

Tư liệu, hình ảnh Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An

 

Bảng giới thiệu về Quốc Tử Giám triều Lê- Mạc - Lê Trung hưng: học quan được tuyển chọn từ những quan đại thần có năng lực, am hiểu Nho học.

 

LH

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm