TÌM HIỂU GIÁM SINH QUA TRƯNG BÀY QUỐC TỬ GIÁM - TRƯỜNG QUỐC HỌC ĐẦU TIÊN
Giám sinh là tên gọi học trò học ở trường Quốc Tử Giám. Trưng bày Quốc Tử Giám – trường Quốc học đầu tiên tại nhà Đông vu, khu vực Đại Thành với những tư liệu, hình ảnh sẽ giúp du khách tìm hiểu về học trò trường Quốc Tử Giám - Trường quốc học đầu tiên của Việt Nam.
Theo phiên bản phục dựng mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại sự kiện: Tháng 4, mùa hạ. Lập nhà Quốc Tử Giám. Tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó. Như vậy, ngay từ khi thành lập dưới thời Lý, Quốc Tử Giám chỉ dành cho người có đủ trình độ vào học tập.
Đến thời Trần, theo các tư liệu trưng bày, năm 1235, Triều Trần cho con em các văn quan vào học tại Quốc Tử Giám. Năm 1236, Vua Trần Thái Tông “cho Phạm ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc Tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học”. Thời Trần, việc tuyển chọn Giám sinh được mở rộng cho các học trò ưu tú của các địa phương. Lệ Tập ấm (tuyển chọn con em quan lại) bắt đầu từ thời Trần. Thành phần học trò Quốc Tử Giám ngày càng mở rộng.
Dọc theo bức tường liên đại tại không gian trưng bày đến với khu vực giới thiệu Quốc Tử Giám dưới thời Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng, các tư liệu, hiện vật tại đây cho biết thời kỳ này học trò trường Giám được tuyển chọn từ nhiều nguồn. Giám sinh được chọn là con quan lại, địa phương cử lên, đỗ từ 1 đến 3 trường (kỳ) của thi Hội. Thời Lê sơ, năm 1484 quy định, học trò Quốc Tử Giám được tuyển chọn kỹ càng và phân thành 3 hạng: thượng xá sinh, trung xá sinh và hạ xá sinh.
Thời gian học tối thiểu 03 năm. Giám sinh tự học là chính. Mỗi tháng có một kỳ Tiểu tập, bốn tháng một kỳ Đại tập để kiểm tra đánh giá năng lực của học trò. Người nào có thành tích tốt sẽ được học quan đưa danh sách lên triều đình để bổ dụng chức quan khi cần. Trong các kỳ thi đại khoa, Giám sinh Quốc Tử Giám đã có nhiều người thi đỗ. Khoa thi năm 1721 có 3000 thí sinh, lấy đỗ được 25 người, trong đó có tới 13 vị tiến sĩ là Giám sinh. Khoa thi năm 1739 có tới 3000 sỹ tử tham gia nhưng chỉ có 8 người thi đỗ, thì có tới bốn người là Giám sinh.
Tại đây du khách còn được chiêm ngưỡng trang phục và đồ dùng học tập của Giám sinh. Giám sinh dùng mũ ô sa thấp, áo thanh cát có lót, không có lá phủ sau, có dây thao đơn cho thấy cuộc sống của Giám sinh đơn sơ, giản dị. Các đồ dùng học tập không thể thiếu của Giám sinh cũng như các học trò xưa đó là bút lông, nghiên mực, giấy viết, ống quyển.
Phiên bản phục dựng mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục
Thông tin tư liệu
Thông tin tư liệu
Trang phục Nho sinh
Hòm sách
LH