CÁC HOẠT ĐỘNG

QUỐC TỬ GIÁM THỜI LÊ - MẠC QUA NHỮNG HIỆN VẬT TRƯNG BÀY

    Không gian trưng bày « Quốc Tử Giám – trường Quốc học đầu tiên » tại nhà Đông vu, khu Đại Thành với hơn 200 tài liệu hiện vật giới thiệu tới du khách lịch sử Quốc Tử Giám và khoa cử tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài thời quân chủ.

    Tại khu vực giới thiệu Quốc Tử Giám thời Lê -Mạc, các thông tin, hình ảnh và hiện vật đã tái hiện việc dạy, việc học, các vị học quan, học trò, nội qui học tập của  trường Quốc Tử Giám  trong giai đoạn từ năm 1428 đến năm 1789.

 

Khu vực trưng bày Quốc Tử Giám thời Lê Sơ – Mạc – Lê Trung Hưng

 

Bản đồ Hồng Đức

 

    Các phiên bản mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại sự kiện năm 1483 vua Lê Thánh Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám, lúc này Quốc Tử Giám được gọi là nhà Thái Học: “Tháng giêng, mùa xuân. Sửa nhà Thái Học. Hồi đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ của nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu thốn. Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho sửa rộng thêm ra. Đằng trước nhà Thái học dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành để thờ tiên thánh; đông vũ và tây vũ chia ra thờ các tiên hiền và tiên nho; điện Canh phục để làm nơi túc yết; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng học để làm nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh luân. Giảng đường phía đông và giảng đường phía tây thì để làm chỗ giảng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong ba xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghỉ ngơi của học sinh; bên đông, bên tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm”; và sự kiện năm 1511, vua Lê Tương Dực sai Nguyễn Văn Lang trùng tu Sùng Nho điện ở Quốc Tử Giám và hai giải vũ, nhà Minh Luân, nhà bếp, phòng kho và làm mới hai nhà bia Tiến sĩ. 

 

 Các phiên bản mộc bản Khâm định Việt sử thông giám cương mục

 

    Bức tranh mô tả rất sinh động quang cảnh bình văn tại trường Quốc Tử Giám. Những cuộc bình văn tại nhà Giám được tổ chức rất long trọng, theo đúng lễ nghi quy định của triều đình. Học trò nào có bài văn sách hay sẽ đứng lên đọc cho cả trường cùng nghe. Thông thường các kỳ bình văn này được tổ chức rất trọng thể, có mời các quan đại thần trong triều và các nhà khoa bảng đến dự. Các kỳ bình văn là cơ hội vô cùng quý giá cho các Giám sinh trường Quốc Tử Giám và các nho sinh khác. Bên cạnh những lời nhận xét, góp ý, khen hay chê của các vị quan, đây còn được coi như một phương pháp để rèn tập các sĩ tử thành tài, khơi gợi sự sáng tạo qua đó thúc đẩy việc dạy và học của thầy trò trường Giám ngày một tốt hơn.

 

 Bức tranh mô tả rất sinh động quang cảnh bình văn tại trường Quốc Tử Giám.

 

    Những hiện vật phục chế quần áo và đồ dùng của Nho sinh sẽ giúp du khách hình dung được trang phục của học trò xưa. Nho sinh dùng mũ ô sa thấp, áo thanh cát có lót, không có lá phủ sau, có dây thao đơn. Đồ dùng học tập của Giám sinh còn có bút lông, ống quyển, nghiên mực, giấy Dó.

 

Những hiện vật phục chế quần áo và đồ dùng của Nho sinh

 

 

    Hiện vật phục chế sách Luận ngữ là một trong các sách học của Giám sinh trường Quốc Tử Giám. Sách học được dùng trong Quốc Tử Giám gồm có Tứ thư, Luận ngữ. Tài liệu giảng dạy và học tập ban đầu được triều đình “ban cấp bản in sách Ngũ kinh của Nhà nước cho Quốc Tử Giám”(1467). Sau, Quốc Tử Giám được tổ chức khắc, in sách để cấp cho các Nho sinh trong và ngoài trường Giám. Mộc bản của Quốc Tử Giám có khắc dòng chữ “Quốc Tử Giám tàng bản”.

    Bức tranh Vinh quy bái tổ, cùng tổ hợp Mô - đun với hình ảnh bia Tiến sĩ và màn hình cảm ứng đã gửi tới du khách những thông tin về giáo dục thời Lê. Dưới triều Lê, lần đầu tiên những người thi đỗ được ban rất nhiều ân huệ như lệ truyền lô, lệ vinh quy bái tổ và đặc biệt tên tuổi, quê quán còn được khác ghi trên bia đá dựng tại Văn Miếu để lưu danh và khích lệ tinh thần học tập cho muôn đời sau.

 

 Bức tranh Vinh quy bái tổ, cùng tổ hợp Mô - đun

 

 

Khách tham quan trưng bày

 

 

LH

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm