QUỐC TỬ GIÁM VÀ GIÁO DỤC KHOA CỬ THỜI TRẦN QUA TRƯNG BÀY QUỐC TỬ GIÁM – TRƯỜNG QUỐC HỌC ĐẦU TIÊN
Quốc Tử Giám được lập năm 1076, là nơi đào tạo nhân tài của nước ta, từ đó ngôi trường không ngừng được mở rộng và phát triển. Dưới triều Trần (1226-1400), Quốc Tử Giám được trùng tu, các quy chế thi cử dần được hoàn thiện, trí thức nho giáo được coi trọng, ngày càng nhiều các danh nhân tiêu biểu xuất hiện trong giai đoạn này.
Một phần trưng bày Quốc Tử Giám dưới triều Trần (1226-1400) tại Trưng bày “Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên
Thông qua các tư liệu, hiện vật được trưng bày trong Trưng bày Quốc Tử Giám – Trường Quốc học đầu tiên tại khu nhà Đông Vu, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã cho chúng ta thấy rõ hơn về sự phát triển của trường Quốc Tử Giám và nền giáo dục khoa cử qua từng triều đại, trong đó có giai đoạn nhà Trần (1226-1400).
Lần theo các dòng niên đại lịch sử được bố trí trong trưng bày, chúng ta có thể thấy các dấu mốc lịch sử khoa cử quan trọng trong giai đoạn này. Năm 1232, nhà Trần cho mở khoa thi lấy “Thái học sinh’, từ đó quy định cứ 7 năm lại mở một khoa thi. Thể lệ thi cử được quy định theo Tứ trường: trường nhất thi ám tả cổ văn; trường nhì thi kinh nghĩa, thơ, phú; trường ba thi chế, chiếu, biểu; trường bốn thi văn sách.
Năm 1243, vua Trần Nhân Tông cho tu sửa Quốc Tử Giám và đổi gọi là Quốc học viện. Năm 1247, nhà Trần bắt đầu đặt danh hiệu Tam khôi để chỉ 3 người đỗ ở hạng thứ nhất (xuất sắc nhất) của kỳ thi, theo thứ bậc cao thấp là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Những tư liệu lịch sử trích trong Đại Việt sử ký toàn thư về Quốc Tử Giám triều dưới Trần
Bên cạnh những hiện vật phục chế như sách cổ, hình vẽ minh họa, thì những trích đoạn trong sử sách bằng chữ Hán đều được dịch nghĩa tiếng Việt bố trí bên dưới đã giúp người xem dễ dàng tiếp cận với các tư liệu lịch sử xưa, mang lại cảm giác chân thực và mạch lạc.
Đặc biệt thông qua tài liệu lịch sử trích trong Đại Việt sử ký toàn thư trên các bảng thông tin, chúng ta thấy chính sách khoa cử dưới triều Trần còn phát triển ở các vùng biên giới xa xôi. Dưới triều vua Trần Thái Tông (1225-1258), triều đình tổ chức thi theo 02 vùng, “Kinh” và “Trại”: Sĩ tử ở các miền kinh trấn gọi là “Kinh”, sĩ tử ở vùng Thanh Hóa - Nghệ An gọi là “Trại”, do đó, trong một khoa thi lấy 2 Trạng nguyên: Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên. Đây là một hình thức khuyến học rất độc đáo nhằm thúc đẩy việc học, việc thi ở cả vùng đất xa kinh thành. Vùng đất Thanh Hóa - Nghệ An xưa kia chính là biên giới phía Nam của quốc gia Đại Việt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256), mùa xuân tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên; Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên. Đến năm Bính Dần, niên hiệu Thiệu Long thứ 9 (1266), tháng 3 lại mở khoa thi chọn học trò, ban đỗ Kinh Trạng nguyên Trần Cố, Trại trạng nguyên Bạch Liêu”.
Tư liệu về việc chọn 2 Trạng nguyên: Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên dưới triều vua Trần Thái Tông (1225-1258)
Sau hai khoa thi này triều đình không áp dụng chính sách này nữa, vì vậy đây là hai khoa thi duy nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam có hai Trạng nguyên: Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên. Việc sử dụng chính sách này đã có tác dụng khuyến khích học tập mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt là ở những vùng đất biên cương của đất nước.
Năm 1272, vua Trần Thánh Tông cho tuyển dụng các học quan đưa vào Quốc Tử Giám để giảng dạy. Học sinh trường Giám được tuyển chọn từ con em quan lại, và mở rộng cho cả các học trò ưu tú của các địa phương.
Tranh vẽ thầy giáo Chu Văn An
Trên bức tường niên đại của phòng trưng bày có một bức tranh vẽ một người thầy giáo đang cầm bút viết, trên bàn bày một chồng sách, kế đó là bình hoa sen – loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao, chân chính. Đó chính là hình ảnh thầy giáo Chu Văn An - người thầy giáo đạo cao đức trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam. Ông được nhà Trần bổ nhiệm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám và là thầy dạy của 2 thái Tử nhà Trần. Ông có nhiều đóng góp cho việc đào tạo nhân tài của đất nước. Năm 1370, thầy Chu Văn An mất, đã được vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trinh, cho phối thờ tại Văn Miếu. Đó là hình thức vinh danh cao nhất của nhà Trần dành cho người thầy giáo lỗi lạc của Việt Nam.
Dưới sự quan tâm bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích học tập của triều đình, nhà Trần đã có một thế hệ tinh hoa của Nho giáo tham gia vào các công việc của triều chính, đóng góp vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Họ đều là những danh nhân tiêu biểu được sử sách ngợi ca, như: Lê Văn Hưu (1230-1322), Nguyễn Hiền (1234-?), Chu Văn An (1292-1370), Phạm Sư Mạnh (1300- 1377), Lê Quát… Thân thế, sự nghiệp của những vị danh nhân này đều được giới thiệu cô đọng, xúc tích trên những bảng tư liệu trong phòng trưng bày.
Thông qua phần trưng bày Quốc tử Giám trong giai đoạn này, chúng ta thấy vương triều Trần rất coi trọng giáo dục, khoa cử: mở rộng Quốc Tử Giám, khuyến khích học tập, thi cử. Đặc biệt việc đưa ra những chính sách giáo dục phát triển cả những vùng biên cương trọng yếu của đất nước đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của triều đình: xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, củng cố nhân tài ở các vị trí trọng yếu để bảo vệ và kiến thiết đất nước.
AV