TRƯNG BÀY QUỐC TỬ GIÁM - TRƯỜNG QUỐC HỌC
Hiện nay tại nhà Đông vu, khu Điện Đại Thành, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám có trưng bày với chủ để: “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”. Hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những bức ảnh màu lần đầu tiên được công bố cùng với những hiện vật khảo cổ rất quý giá đã minh chứng cho sự ra đời của Quốc Tử Giám. Thông qua những hiện vật, những tài liệu về các sự kiện, các nhân vật điển hình, tiêu biểu nhất của mỗi thời kỳ, trưng bày chuyển tải thông điệp tôn vinh việc dạy và học tại Quốc Tử Giám, tôn vinh lịch sử giáo dục khoa cử và trọng dụng nhân tài của cha ông ta.
Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” được chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Trưng bày trong nhà sẽ đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử.
Ngay khi bước vào không gian trưng bày, du khách được chiêm ngưỡng bức tường niên đại trải dài trong trưng bày giống như một dòng sông tái hiện chặng đường hình thành và phát triển của Quốc Tử Giám gắn với nền giáo dục khoa cử Việt Nam theo từng mốc niên biểu lịch sử từ thời Lý đến ngày nay. Gắn với mỗi giai đoạn phát triển, Quốc Tử Giám lại ghi dấu ấn bởi các danh nhân văn hóa hay sự kiện tiêu biểu tại ngôi trường này.
Khởi đầu của bức tường niên đại nói về quá trình dời đô của Lý Thái Tổ, kết thúc mở ra là cả một tấm gương lớn trên bức tường đối diện được xử lý để trông như mặt nước. Tấm gương có hai hàm ý, một là: các danh nhân là tấm gương để chúng ta soi vào noi theo, hai là: gương còn tượng trưng cho nước – gắn với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gắn với Thăng Long có nhiều ao hồ. Trong di tích có các hồ nhỏ được phân bố theo cấu trúc rất chặt chẽ, có giếng Thiên Quang phản chiếu ánh sáng mặt trời và sao Khuê. Sự hiện diện ảo ảnh của nước làm cho trưng bày hiện đại hơn, đánh thức sự tìm tòi khám phá của du khách.
Nói về ý tưởng thiết kế phần trưng bày trong nhà, ông Patrick Hoarau - chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế trưng bày cho biết: “Kịch bản trưng bày thể hiện theo trình tự dòng thời gian. Trục thời gian đó giống như một dòng sông gắn liền với những dòng chảy đưa chúng ta đến những thời điểm, giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển về mặt tri thức”.
Cũng tại không gian trưng bày, du khách được cung cấp thông tin về các kỳ thi của khoa cử Việt Nam: Thi Hương, thi Hội, thi Đình; về buổi bình văn tại trường Quốc Tử Giám cũng như lễ vinh quy bái tổ được tái hiện qua các bức vẽ của họa sĩ Nguyễn Thành Phong.
Trong không gian trưng bày còn có hoạt động tương tác: viết chữ trên “Bảng magic” được đặt ở phía cuối gần bức tường nước. Du khách có thể dùng bút lông viết, và những chữ họ viết trên “bảng magic” sẽ hiện diện và là một phần tạm thời của trưng bày, những chữ này sẽ biến mất trong vòng vài phút. Phía đối diện là “ống nhòm”, nếu du khách nhòm vào sẽ thấy hình ảnh 3D của bia Tiến sĩ.
Đối diện tường niên đại là hệ thống cửa của tòa nhà. Ngay sau cánh cửa là các mô-đun được bố trí vào khoảng xen giữa các cửa, là một phần bổ trợ cho bức tường niên đại. Trong khu vực mô-đun có phần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải các thông tin cho du khách bằng hai màn hình cảm ứng. Ông Patrick Hoarau cho biết: “Không gian trưng bày trong nhà được thiết kế ở dãy Đông vu, khu thứ tư của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Tòa nhà có rất nhiều cửa ra vào, bởi vậy chúng tôi đã chọn phương án thiết kế để khách tham quan bước vào từ cửa nào cũng có thể hiểu được không gian trưng bày này.” Du khách có thể tự tra cứu thông tin, hình ảnh về khu di tích, hiện vật bia Tiến sĩ. Các thông tin về nhân vật hay chuyện kể về một số nhân vật cũng được tích hợp vào mã QR, nhờ đó, du khách có thể quét mã QR để nghe kể chuyện về nhân vật có trong mô-đun.
Ngay sau dãy nhà Đông vu là trưng bày ngoài trời. Đây là không gian gợi nhớ người xem về cuộc đời của một nho sinh với mái trường tại làng quê, cảnh thi cử nơi kinh thành và rồi lại trở về quê hương vinh quy bái tổ. Nội dung phần này là bổ trợ cho phần trưng bày trong nhà, để khách thăm quan tiếp cận đầy đủ về trường Quốc Tử Giám và hiểu về hành trình đi học, đi thi của nho sinh. Tổng hợp cả hai phần trưng bày làm sáng rõ vị trí, vai trò và những đóng góp của Quốc Tử Giám, các thế hệ thầy, trò trường Giám đối với nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời trung đại và tạo nên Văn Miếu-Quốc Tử Giám - biểu tượng của văn hóa giáo dục Việt Nam ngày nay.
Bên cạnh đó, không gian trưng bày ngoài trời còn được thiết kế để tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống như trải nghiệm, tìm hiểu về quy trình làm giấy dó; in tranh truyền thống “vinh quy bái tổ”; … Tất cả những hoạt động này tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt với khách tham quan khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” ngay trong không gian của di tích, giúp cho công chúng dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu hơn về sự dạy và học trong hơn 700 năm của trường Quốc Tử Giám, cùng nền giáo dục, khoa cử, tuyển chọn nhân tài dưới thời quân chủ ở Việt Nam.
Nhà Đông vu, khu Điện Đại Thành
Bức tường niên đại
Các mô-đun được bố trí sau các cánh cửa
Bảng Magic
Lớp học trường làng tại không gian trưng bày ngoài trời
Mô phỏng lều chõng, trường thi
Trải nghiệm cưỡi ngựa vinh quy
LH