VUA LÊ THÁNH TÔNG QUA TRƯNG BÀY KHƠI NGUỒN ĐẠO HỌC
Lê Thánh Tông là vị vua anh minh quyết đoán, văn võ kiêm toàn. Dưới thời Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt đạt đến sự phát triển rực rỡ về mọi mặt, đặc biệt về văn hóa và giáo dục. Năm 1484 vua Lê Thánh Tông khởi xướng lệ dựng bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu nhằm biểu dương Nho sĩ hiển đạt, khuyến học; khẳng định vai trò và giá trị nhân tài; răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý; khuyến khích điều lành, ngăn ngừa điều ác.
Thông qua các hiện vật, tư liệu lịch sử, trưng bày Khơi nguồn đạo học tại nhà Thái Học đã kể về cuộc đời, sự nghiệp của các vị danh nhân, trong đó có vua Lê Thánh Tông - một bậc minh quân tài giỏi bậc nhất thời quân chủ của Việt Nam.
Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) tự là Tư Thành, húy Hạo, là con thứ tư của vua Lê Thái Tông. Thuở nhỏ, ông được nuôi dưỡng tại chùa Huy Văn gần Văn Miếu. Năm 1460, khi ông 18 tuổi, được các đại thần đón vào cung, suy tôn làm vua. Đại Việt sử ký toàn thư miêu tả về Lê Thánh Tông như sau: "Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước".
Theo dòng niên biểu lịch sử được bố trí rất khoa học và dễ hiểu tại phòng trưng bày đã cho chúng ta thấy những việc làm và chính sách của vua Lê Thánh Tông dành cho giáo dục rất quy củ và nghiêm cẩn. Năm 1462, Lê Thánh Tông định lệ thi Hương, thi Hội cứ 3 năm tổ chức một kỳ, năm trước thi Hội, năm sau thi Đình. Thi Đình nhà vua đích thân ra đề bài Văn sách, thường hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương. Việc định lệ và tổ chức các kỳ thi được quy củ, nghiêm túc để thu hút nho sinh từ mọi vùng miền. Ông cho tổ chức thường xuyên các kỳ thi Đình để tuyển chọn quan lại, hoặc các kỳ thi tuyển chọn học quan cho các trường học ở địa phương vào các năm 1466 và 1473.
Bức tranh minh họa sự kiện vua Lê Thánh Tông hạ lệnh cho dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu
Bức tranh tại Trưng bày gợi cho ta về sự kiện dựng bia tiến sĩ vào năm 1484. Tư liệu lịch sử cho biết, Mùa xuân năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484), vua Lê Thánh Tông khởi xướng lệ dựng bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu, truy dựng từ khoa thi năm 1442, nhằm biểu dương Nho sĩ hiển đạt, khuyến học; khẳng định vai trò và giá trị nhân tài; răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý; khuyến khích điều lành, ngăn ngừa điều ác. Bức tranh mô tả cảnh vua Lê Thánh Tông giao cho các quan đại thần tổ chức việc dựng bia, kén đá tốt làm bia, khắc tên Tiến sĩ vào bia đá. Tiến sĩ còn được dự lễ xướng danh, ghi tên bảng vàng, được ban mũ áo, vinh quy, được bổ nhiệm các chức vụ trong triều đình.
Những thông tin trong trưng bày còn cho chúng ta thấy vua Lê Thánh Tông còn là một nhà cải cách và tổ chức xã hội tài giỏi và có tầm nhìn xa. Năm 1483, ông đã cho cải cách bộ máy hành chính, xây dựng Bộ luật Hồng Đức với nhiều điểm tiến bộ, gồm 722 điều luật, tạo cơ sở ổn định để phát triển đất nước. Ông đề cao chữ hiếu trong mọi tầng lớp quan lại và bài trừ nạn tham nhũng, lười biếng. Nhà vua chú trọng đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và ổn định biên giới. Năm 1490, ông cho phát hành tập bản đồ thể hiện đầy đủ 13 xứ thừa tuyên và 1 phủ Trung đô. Nhà vua cũng giao cho sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1479.
Năm 1483 vua Lê Thánh Tông ban hành "Bộ luật Hồng Đức".
Với những hình ảnh sinh động đan xen với các pano thông tin ngắn gọn súc tích, trưng bày về phần vua Lê Thánh Tông đã cuốn hút người xem, đặc biệt là các bạn trẻ. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những mã QR hình vuông được bố trí dưới những dòng thông tin, như khơi gợi sự tò mò muốn khám phá, tìm hiểu của các bạn trẻ. Chỉ cần dùng máy điện thoại thông minh quét mã là các em đã ra ngay những thông tin còn ẩn dấu qua những mã QR nhỏ xinh này.
Qua những thông tin mã Qr này chúng ta còn hiểu sâu hơn về những khoa thi được tổ chức dưới triều vua Lê Thánh Tông, hay chi tiết những nghi thức ban mũ áo, ban yến tiệc, lễ vinh quy dành cho những Tiến sĩ đỗ đạt hay thông tin về những vị danh nhân tiêu biểu xuất hiện dưới triều vua Lê Thánh Tông… Những thông tin đó phản ánh một nền giáo dục thịnh trị dưới triều vị vua tài giỏi này.
Có thể nói, phần trưng bày về vua Lê Thánh Tông trong Trưng bày “Khơi nguồn đạo học" đã tái hiện lại chân thực chân dung một vị vua anh minh lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Triều đại của vua Lê Thánh Tông đã đạt được nhiều thành tựu về văn hóa, giáo dục. Đặc biệt vua Lê Thánh Tông đã coi trọng giáo dục, đưa giáo dục làm quốc sách hàng đầu, là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước.
NL