VUA LÝ NHÂN TÔNG QUA TRƯNG BÀY KHƠI NGUỒN ĐẠO HỌC
Tại nhà Thái học khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang có trưng bày “Khơi nguồn đạo học” kể về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của những danh nhân “khơi nguồn đạo học” cho nước Việt, trong đó có vua Lý Nhân Tông, bậc vua giỏi của triều Lý.
Vua Lý Nhân Tông (1066-1128) là vị vua thứ tư của triều Lý, là con trai của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan, là người có đóng góp to lớn cho hệ thống đào tạo và trọng dụng hiền tài.
Thông qua các tư liệu, hiện vật được trưng bày tại đây có thể thấy vua Lý Nhân Tông là người thông tuệ và sáng suốt, vị hoàng đế minh triết, sùng đạo Phật, coi trọng Nho giáo, đặc biệt có nhiều đóng góp to lớn cho việc giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của đất nước Việt Nam.
Vua Lý Nhân Tông là học trò đầu tiên vào học tại Văn Miếu. Sử cũ có chép: “Năm 1070, Thái tử Càn Đức đến Văn Miếu học giáo lý của Nho giáo. Ông là vị học trò đầu tiên được học tại Văn Miếu.”
Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nho học nước ta để chọn Minh kinh bác học. Người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh, được coi là người khai khoa của nước nhà. Năm 1076, vua lập Quốc Tử Giám - trường quốc học đầu tiên, chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám. Qua đó cho thấy, vua Lý Nhân Tông là người đã đặt nền móng cho sự phát triển Nho giáo ở Việt Nam, là người khởi đầu cho nền giáo dục khoa cử, trọng dụng hiền tài, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa nước nhà.
Năm 1077, vua lại cho tổ chức thi Lại viên, chọn nhân viên làm công việc giấy tờ trong các cơ quan của triều đình. Năm 1086, vua cho tổ chức khoa thi văn học đầu tiên và Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa này, được chọn vào làm việc tại Hàn lâm viện. Đến năm 1087, vua xuống chiếu thành lập Bí thư các làm nơi lưu trữ sách.
Bên cạnh việc khuyến khích giáo dục Nho học, Vua Lý Nhân Tông cũng là một Phật tử mộ đạo. Ông và Thái hậu Linh Nhân đã cho dựng nhiều chùa tháp trong nước, như: chùa Đại lâm Sơn, chùa An Lão, chùa Vĩnh Phúc…
Năm 1075, Vua Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản lĩnh 10 vạn quân chia làm 3 đạo đánh quân Tống (1075-1077). Chiến thắng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc.
Được người dân yêu quý, Lý Nhân Tông đã đưa đạo Phật nhập thế phục vụ đời sống xã hội, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện hiệu quả lao động trong nông nghiệp như đào kênh tưới tiêu, đắp đê chống lũ, cấm giết trâu bò để ăn thịt, làm kho chứa nông sản. Tại trưng bày, có giới thiệu đoạn ghi chép trong Việt sử lược (Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.1111): “Năm Đinh Tỵ (1077),.. Mùa thu tháng 9, đắp đê ở sông Như Nguyệt dài 67.380 bước. Cho đào kênh, vét sông, dẫn nước làm nông nghiệp, sửa chữa và xây dựng hệ thống đê ngăn lũ. Lý Nhân Tông cũng nhiều lần xuống chiếu cấm giết trâu ăn thịt, ai vi phạm sẽ bị trị tội theo pháp luật. Đoạn trích trong Đại Việt sử ký toàn thư, (tập 1, Nxb KHXH, 1988, tr.287) giới thiệu tại trưng bày ghi: “Kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu, láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.”
Ông tôn trọng các lễ nghi và thực hành tế lễ, coi trọng các nhà sư, đạo sĩ, nghệ sĩ và trí thức. Lý Nhân Tông còn trực tiếp sáng tác nhạc, thơ ca. Vua Lý Nhân Tông được đương thời ca ngợi như “tóm muôn hoa của thơ trời, nhạc phổ hoà âm thanh của nhà Phật”. Đời sống nghệ thuật dưới triều vua Lý Nhân Tông thật phong phú và đa dạng. m nhạc với ca từ đẹp đẽ, giai điệu ngân nga, trầm bổng, vũ điệu uyển chuyển, duyên dáng thể hiện rõ một đất nước rất thanh bình, thịnh trị.
Phong cách thiết kế hiện đại, hấp dẫn, thông qua các thông tin, tư liệu lịch sử, Trưng bày “Khơi nguồn đạo học” đã khắc hoạ một cách đầy đủ, rõ nét nhất cuộc đời, sự nghiệp của vua Lý Nhân Tông, cũng như những đóng góp to lớn của ông với nền giáo dục của nước nhà.
Tranh minh họa vua Lý Nhân Tông tại phòng Trưng bày do họa sĩ Nguyễn Thành Phong minh họa
Vua Lý Nhân Tông cũng là người tôn sùng đạo Phật, nên dưới triều thịnh trị của ông, vua đã cho xây nhiều chùa tháp, đúc chuông tạc tượng với mong muốn tạo nên nhiều thắng cảnh đẹp cho đất nước. Vua coi trọng các lễ nghi và thực hành tế lễ, tôn trọng các nhà sư, đạo sĩ, nghệ sĩ và trí thức…
Thúy Hồng