CÁC HOẠT ĐỘNG

VUA LÝ THÁNH TÔNG QUA TRƯNG BÀY KHƠI NGUỒN ĐẠO HỌC

 

         Vua Lý Thánh Tông (1023-1072) là vị vua thứ ba của nhà Lý, sùng đạo Phật, trọng Nho giáo, có học vấn uyên thâm, coi trọng phát triển văn hóa, để cao tinh thần dân tộc. Vua chính là người đã cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 – mở nguồn đạo học Việt Nam.

 

         Thông qua các hiện vật, tư liệu lịch sử, trưng bày Khơi nguồn đạo học tại nhà Thái Học kể về cuộc đời, sự nghiệp của 3 vị vua và thầy giáo Chu Văn An, trong đó có vua Lý Thánh Tông - vị vua nhân từ, hiền đức của Việt Nam.

 

         Phần trưng bày về vua Lý Thánh Tông kể về công lao, đóng góp cho đất nước, dân tộc của Vua từ khi lên ngôi, như ban hành nhiều luật lệ, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, áp dụng chính sách gần dân, để cao tam giáo đồng nguyên… Vua Lý Thánh Tông rất mộ đạo Phật, giàu đức từ bi, dưới triều đại của ông đã cho xây dựng nhiều chùa, tháp nổi tiếng, trong đó có tháp Báo Thiên 12 tầng xây dựng vào năm 1057, được xem là một trong Tứ đại khí của An Nam, tượng trưng cho sức mạnh tinh thần của Đại Việt.

 

         Vua Lý Thánh Tông cũng chính là người sáng lập phái Phật giáo Thảo Đường với lý luận phát triển ý thức dân tộc, muốn độc lập, tự cường, chống lại sự xâm lăng văn hóa và bờ cõi từ giặc Tống phương Bắc.

 

         Tại khu vực trưng bày về vua Lý Thánh Tông có bức tranh minh họa cảnh Vua Lý Thánh Tông đang sưởi ấm bên bếp lửa hồng, lòng vẫn lo nghĩ cho muôn dân đang chịu đói rét, khổ cực ở ngoài cung. Bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Phong được lấy cảm hứng từ câu chuyện về lòng thương dân của vua được chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.

 

 

         Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”. Vua yêu dân như con, đã thực hiện nhiều biện pháp thể hiện sự thương yêu, kể cả đối với tù nhân, giảm thuế khóa và hình phạt, trả tự do cho cung nữ, quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là sản xuất nông nghiệp để tránh nạn đói kéo dài.

 

         Lý Thánh Tông không chỉ là vị vua hiền đức, mà còn là người có tài dùng người và binh pháp. Vốn là người thông tuệ, giỏi thao lược, vua đã củng cố được sự thống nhất lãnh thổ, bình định biên giới phía Nam Đại Việt (cuộc chiến với vua Chiêm Thành năm 1069). Sự kiện này được chép trong sử sách: “Vua Chiêm Thành bị bắt và xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội (đó là những vùng đất thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) .

 

         Lý Thánh Tông đặt dấu ấn trong lịch sử giáo dục khoa cử nho học Việt Nam bằng sự kiện cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070: “Dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây . Vua đã lấy giáo dục làm nền tảng cơ bản để xây dựng nước nhà trên cơ sở tư tưởng Nho giáo kết hợp với giáo lý Phật giáo. Nhờ tinh thần cởi mở của vua, Đại Việt đã xuất hiện một tầng lớp trí thức bác ái, hòa hợp cả về tôn giáo và chính trị.

 

         Với thiết kế hiện đại, đầy tính mỹ thuật, sáng tạo, sắp xếp khoa học, màu sắc hài hòa gợi cảm xúc cùng với nội dung cô đọng, súc tích, phần trưng bày về vua Lý Thánh Tông trong Trưng bày Khơi nguồn đạo học đã tái hiện lại chân thực chân dung một vị vua tài đức của dân tộc Việt Nam. Trưng bày đã thu hút sự quan tâm của du khách, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò to lớn của vua Lý Thánh Tông đối với đất nước, dân tộc, với nền giáo dục, văn hóa Đại Việt nói chung và với Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng.

AV

 

 

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm