KHAI MẠC TRIỂN LÃM “ĐỐI THOẠI VỚI DÒNG TRANH GỖ NHẬT BẢN UKIYO-E” TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Sáng 23/1, tại Tiền đường, nhà Thái học, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra khai mạc Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”. Triển lãm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” và Quỹ Japan Foundation tổ chức.
Đến dự lễ khai mạc có TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Ths Nguyễn Thế Sơn, Khoa các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội; Nhà nghiên cứu, hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, Nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, Hoạ sĩ Phạm Khắc Quang, Hoạ sĩ Tuệ Thư, Họa sĩ Cẩm Nhung (Zó project), Hoạ sĩ thiết kế Trương Thuỷ, cùng nhiều khách mời yêu thích và quan tâm nghệ thuật hội họa.
Triển lãm trưng bày 38 tác phẩm của 34 tác giả là các hoạ sĩ trẻ. Các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt vừa quen vừa mới lạ thông qua góc nhìn đương đại từ những sáng tạo cá nhân trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang,..
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” hết sức đặc biệt. Mỗi bức tranh tại triển lãm đều có sự đối thoại, đó là sự đối thoại giữa hai nền văn hoá liên quan đến nội dung, cách thức thể hiện, chất liệu; tạo nên sự kết nối giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Nhật Bản. Hy vọng triển lãm sẽ là món quà đặc biệt cho công chúng Thủ đô và du khách trong dịp Tết Nguyên đán, tiếp nối mạch cảm xúc để Văn Miếu - Quốc Tử Giám định hướng trở thành không gian sáng tạo, là nơi hội tụ những nhóm sáng tạo, cá nhân, từ đó trên nền tảng những giá trị truyền thống có những giá trị mới trong điều kiện của cuộc sống đương đại.”
Chia sẻ thêm về Triển lãm, Ths Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển của Triển lãm cho biết: “ “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” là kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hoá mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hoá khác. Hoạt động thực hành “sáng tạo truyền thống” cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật”.
Triển lãm góp phần quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 12/3/2024 tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ khai mạc Triển lãm.
TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc tại Triển lãm
Ths Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển của Triển lãm chia sẻ tại lễ khai mạc Triển lãm
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”
Du khách tham quan Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”
Du khách thích thú chụp ảnh tác phẩm trưng bày tại Triển lãm.
Tác phẩm “Giao” của tác giả Bùi Thảo My lấy cảm hứng từ tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” và “Kamisuki” (Chải tóc), thể hiện sự giao thoa văn hoá giữa hai nước Việt – Nhật thông qua hình ảnh đời thường nhưng cũng rất tình của hai người phụ nữ của mỗi quốc gia.
Du khách chiêm ngưỡng tác phẩm “Công thành danh toại” của tác giả Đỗ Vũ Minh Ngọc.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ “Vinh quy bái tổ” và bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Thuý Hồng