CÁC HOẠT ĐỘNG

TRIỂN LÃM “DẤU XƯA VĂN HIẾN” TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM

 

         Chiều 25/12, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám kết hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật “Dấu xưa văn hiến” tại nhà Thái Học, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Triển lãm giới thiệu 18 tác phẩm của 8 nghệ sĩ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng với bút pháp mới về những giá trị văn hiến.

 

Toàn cảnh buổi Lễ khai mạc Triển lãm “Dấu xưa văn hiến”

 

         Đến dự buổi khai mạc có ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám; các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các bảo tàng, di tích; đại diện các phòng, ban của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội; các tác giả tham gia triển lãm cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông và đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật.

 

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi lễ khai mạc.

 

         Triển lãm “Dấu xưa văn hiến” là kết tinh của niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc nói chung và với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng của 8 nghệ sĩ trẻ - những người luôn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc. Triển lãm giới thiệu 18 tác phẩm của 8 nghệ sĩ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng với bút pháp mới về những giá trị văn hiến. 

 

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận tới các họa sĩ tham gia triển lãm 

 

         Mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với khách tham quan. Qua triển lãm, người xem hiểu thêm, cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hoá của các thế hệ trước lưu lại cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay.

 

          “Dấu xưa văn hiến” cùng với nhiều triển lãm, trưng bày khác được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ đem lại cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới. Đó là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với di sản quý giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hóa của dân tộc.

 

         Triển lãm mở cửa phục vụ hàng ngày, từ 8h00 đến 17h00 tại nhà Tiền đường khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đến hết ngày 05/02/2023. 

 

         Một số hình ảnh tại triển lãm "Dấu xưa văn hiến":

 

 
Đại diện ban tổ chức và lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm.

 

 


Tác giả, họa sĩ Vũ Xuân Đông giới thiệu tác phẩm "Cổ thư" với đại biểu tham quan triển lãm.

 

 


Các quý vị đại biểu tham quan triển lãm.
 

 


Đông đảo quý khách tham dự tham quan triển lãm.

   

 


Tác phẩm "Cổ thư 1 và Cổ thư 2" của tác giả Vũ Xuân Đông được sáng tác trên chất liệu hộp đồng và sơn mài có thể tương tác với người xem. Tác phẩm được trưng bày như một cuốn sách mở ra cho ta hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt như kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đời sống sông nước, hoa văn cổ, mây nước cỏ cây xưa… Cuốn sách như một dòng sông, một áng mây trôi tan vào không gian cổ kính của Văn Miếu. 

 


 
Tác phẩm "Bóng nước" của tác giả Phạm Hùng Anh sáng tác theo loại hình khắc gỗ.

 

 


Tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" của tác giả Lê Thị Thanh  tạo hình bằng bút pháp tổng hợp: in độc bản, in nổi, in lưới cho ta thấy một Văn Miếu - Quốc Tử Giám đặc biệt được tạo hình bởi những hoa văn, kiến trúc tiêu biểu. 


 


Tác phẩm sơn dầu "Tình khúc" của họa sĩ Vũ Mười 


 


Những sáng tác của tác giả, họa sĩ Khúc Đình Dương 

   

 


Hai tác phẩm "Độc hành" của nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang bằng chất liệu sắt hàn, thể hiện hình tượng con người mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại, sống động. Người xem có thể thấy trong hai tác phẩm này bóng dáng của chữ Đại và chữ Nhân, những giá trị cao đẹp mà người xưa thường hướng tới. Cách thể hiện của tác giả như một minh chứng cho thấy con người luôn hướng đến sự hoàn thiện cả về nhân cách, cuộc sống và xã hội. 

 


Tác phẩm "Hồn xưa lưu dấu" của tác giả Nguyễn Tuấn Dũng 

AV

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm