TRƯNG BÀY “QUỐC TỬ GIÁM-TRƯỜNG QUỐC HỌC ĐẦU TIÊN” TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Ngày 20/12 tới, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ tổ chức khai mạc Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trưng bày giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những bức ảnh mầu lần đầu tiên được công bố cùng với những hiện vật khảo cổ rất quý giá minh chứng cho sự ra đời của Quốc Tử Giám.
Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” được chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Phần trưng bày trong nhà sẽ đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử với khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đỉnh cao là thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn, và sự hồi sinh của di tích thời đương đại. Gắn với mỗi giai đoạn phát triển, Quốc Tử Giám lại ghi dấu ấn bởi các danh nhân văn hóa hay sự kiện tiêu biểu tại ngôi trường này. Trưng bày ngoài trời là khu vực vườn phía sau dãy Đông vu. Đây là không gian giúp người xem gợi nhớ về cuộc đời của một nho sinh với mái trường tại làng quê, cảnh thi cử nơi kinh thành và rồi lại trở về quê hương vinh quy bái tổ.
Toàn cảnh tòa nhà Đông vu– Nơi diễn ra trưng bày trong nhà của Triển lãm “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”.
Nói về ý tưởng thiết kế phần trưng bày trong nhà, ông Patrick Hoarau - chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế trưng bày cho biết: “Không gian trưng bày trong nhà được thiết kế ở dãy Đông vu, khu thứ tư của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Tòa nhà có rất nhiều cửa ra vào, bởi vậy chúng tôi đã chọn phương án thiết kế để khách tham quan bước vào từ cửa nào cũng có thể hiểu được không gian trưng bày này.”
Một phần nội dung trưng bày trong nhà.
Bức tường nước được nhóm thiết kế thể hiện trong trưng bày. Ông Patrick Hoarau, trưởng nhóm thiết kế chia sẻ: “Nước là một yếu tố quan trọng trong di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong Văn Miếu có rất nhiều hồ, hồ được tạo ra, phân bố một cách chặt chẽ có dụng ý. Vì vậy nước là yếu tố quan trọng, bức tường nước trong trưng bày nhằm thể hiện yếu tố quan trọng đó.”
Một góc trưng bày ngoài trời tái hiện hình ảnh lều chõng đi thi của sĩ tử xưa.
Ông chia sẻ thêm: “Trưng bày ngoài trời kể về cuộc đời của một sĩ tử từ khi rời làng đi học, rồi đi thi, vinh quy bái tổ quay về làng… Nhóm thiết kế đã lên ý tưởng để đưa ra những sắp đặt thích hợp nhất ở không gian này.”
Khu vực trưng bày ngoài trời cũng là không gian cho các hoạt động trải nghiệm mang đặc trưng của di tích như :viết Thư pháp, câu đối…
Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” được diễn ra ngay trong không gian của di tích, sẽ giúp cho công chúng dễ dàng tiếp cận và hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa của trường Quốc Tử Giám.
AV