Mảng Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam (1075 – 1919)
Khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu từ năm 1075 với khoa thi Tam trường để kén Minh kinh bác học. Năm 1232, triều Trần mở khoa thi Thái học sinh lấy đỗ: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Năm 1247 lại đặt tam khôi cho 3 người đỗ Đệ nhất giáp là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Năm 1347 mở khoa thi Đình lấy đỗ Tiến sĩ. Năm 1396 đặt lệ thi Hương lần đầu ở các địa phương lấy đỗ Cử nhân và qui định 7 năm một kỳ thi, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Thi Hội cũng bắt đầu có từ đấy. Triều Hồ theo phép thi của triều Trần cũng qui định 3 năm mở một khoa thi. Triều Lê khoa cử thịnh đạt. Năm 1434, vua Lê Thái Tông xuống chiếu định lệ thi Hương, thi Hội và qui định 3 năm mở một khoa thi. Triều Mạc, Lê trung hưng và triều Nguyễn sau này đều theo phép thi cử của triều Lê. Triều Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, nhưng lấy thêm hạng Phó bảng dưới Tiến sĩ.
Về thể thức, thi Hương và thi Hội đều phải qua 4 kỳ, đỗ kỳ trước mới được vào kỳ sau, nhưng nội dung thi Hội ở trình độ cao hơn. Phép thi qui định: kỳ 1 thi Kinh nghĩa; kỳ 2 thi Chế, Chiếu, Biểu; kỳ 3: Thi Thơ, Phú; kỳ 4: Thi Văn sách. Cuối cùng là kỳ thi Đình. Sĩ nhân làm một bài văn sách do Vua ra đề, hỏi về đạo trị nước và sử dụng hiền tài...
Với 183 khoa thi đại khoa đó tuyển chọn được 2898 nhà khoa bảng: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng.