CÁC HOẠT ĐỘNG

Lịch sử hình thành và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn môn đồ xuất sắc nhất của Khổng Tử là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Tử), vẽ hình 72 người hiền, bốn mùa cúng tế, Hoàng Thái tử đến học.

Năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám, và cho quan lại biết chữ đến học. Các vua Trần đã cho mở mang thêm Quốc Tử Giám vào những năm 1243, 1253 và đổi tên là Quốc Học Viện, sau đó là Quốc Tử Viện. Năm 1433, vua Lê Thái Tổ cho phép tuyển chọn con cháu quan lại và thường dân tuấn tú vào học ở Quốc Tử Giám. Dưới triều Lê, Quốc Tử Giám đã được nâng lên thành trường đại học với qui mô lớn: Từ cửa chính Nam đi vào, hai bên là vườn bia Tiến sĩ, qua cửa Đại Thành vào sân Đại Bái; điện Đại Thành thờ Tiên thánh; Đông Vu, Tây Vu thờ các bậc Tiên Nho và Chu Văn An, điện Canh Phục để làm nơi túc yết, kho giữ đồ tế khí. Phía sau điện Đại Thành là nhà Thái Học, có giảng đường, kho chứa ván đã khắc thành sách. Bên Đông, bên Tây, mỗi bên 3 dãy, mỗi dãy 25 gian là nhà ở và học cho 300 nho sinh.

Năm 1802, nhà Nguyễn định đô ở Huế. Quốc Tử Giám trở thành trường học của phủ Hoài Đức. Năm 1805, dựng Khuê Văn các phía trước giếng Thiên Quang; sau đó xây điện Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử được xây dựng trên nền Quốc Tử Giám xưa. Năm 1947, điện Khải Thánh bị chiến tranh tàn phá.

Ngày 28-4-1962, Bộ Văn hoá quyết định xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích lịch sử văn hoá.

Ngày 25-4-1988, UBND thành phố quyết định thành lập: Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám có chức năng nhiệm vụ: Quản lý, tổ chức hoạt động văn hoá, khoa học, nghệ thuật, hướng dẫn khách tham quan và tu bổ tôn tạo di tích.

Từ 1991 nhiều công trình của Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã được tu bổ tôn tạo. Năm 2000 công trình xây dựng khu Thái Học đã hoàn thành để tôn vinh nền văn hoá dân tộc, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà Thái Học được xây dựng trên nền Quốc Tử Giám xưa để tôn vinh truyền thống văn hóa – giáo dục dân tộc. Tầng 2 Hậu đường là tượng các vị vua: Lý Thánh Tông lập Văn Miếu (1070), Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám (1076), Lê Thánh Tông dựng bia Tiến sĩ (1484). Tầng 1 Hậu đường là tượng Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, được phối thờ ở Văn Miếu từ năm 1370.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của nền văn hoá giáo dục Việt Nam thời phong kiến, khơi dậy tinh thần dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học và trọng đạo lý của dân tộc.

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm