CÁC HOẠT ĐỘNG

LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 521 NĂM NGÀY MẤT CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG (1497 - 2018)

Sáng ngày 16 tháng 3 năm 2018 (Tức ngày 29 tháng Giêng Âm lịch) Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương để tưởng nhớ 521 năm Ngày mất của Vua Lê Thánh Tông (1497 - 2018).

  Đây là sự kiện được tổ chức với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với đức Vua Lê Thánh Tông - vị “Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay”, người đã khởi xướng lệ dựng Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu năm 1484 với mục đích đề cao hiền tài và lưu truyền hậu thế. Hiện nay tượng thờ Vua Lê Thánh Tông được đặt trên tầng hai tòa nhà Hậu Đường, khu Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

 Buổi lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính trước tượng thờ của Vua Lê Thánh Tông với sự tham dự của Ban Giám đốc cùng các cán bộ và người lao động Trung tâm. Chủ trì buổi lễ dâng hương có TS Lê Xuân Kiêu –Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Lễ Dâng hương góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ Trung tâm trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ảnh: Tượng Vua Lê Thánh Tông tại tầng 2 nhà Hậu Đường, khu Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám

 

Vua Lê Thánh Tông tự là Tư Thành, húy Hạo, con thứ tư của vua Lê Thái Tông, ở ngôi 38 năm với hai lần đặt niên hiệu là Quang Thuận và Hồng Đức.

Ông là vị vua anh minh quyết đoán, văn vũ kiêm toàn. Dưới thời Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt đạt đến sự phát triển rực rỡ về mọi mặt. Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền đạt đến mức hoàn bị từ trung ương đến địa phương. Bộ luật Hồng Đức là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất trong lịch sử luật pháp phong kiến Việt Nam mà ngày nay còn giữ được. Thời Lê Thánh Tông, Hồng Đức bản đồ - bộ bản đồ đầu tiên của quốc gia Đại Việt được hoàn thành. Vua Lê Thánh Tông là người sáng lập Hội Tao Đàn, minh oan và cho thu tập di cảo của Nguyễn Trãi. Dưới thời ông, nhiều công trình có tầm cỡ đã được khởi thảo: Đại Việt sử ký toàn thư, Thiên Nam dư hạ tập...bản thân ông cũng đã để lại một di sản thơ văn phong phú. Hiện còn trên 300 bài thơ chữ Hán của ông được chép trong cuốn Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy...

Ảnh: Dâng hương trước hương án Vua Lê Thánh Tông

“Sử thần Vũ Quỳnh nói:Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài, đại lược võ giỏi văn hay mà cái học của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các sách lịch, toán, những việc thánh thần, không có gì không bao quát tinh thông. Văn thơ thì vượt trên cả những khuôn mẫu của các văn thần. Cùng với bọn Nguyễn Trực, Vũ Vĩnh Mô, Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Đảo Cử, Đàm Văn Lễ biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ, tự đặt hiệu là Thiên Nam động chủ, Đạo Am chủ nhân. Lại sùng chuộng Nho thuật, nâng đỡ nhân tài. Khoa thi chọn kẻ sĩ không phải chỉ có một khóa, lệ định 3 năm một lần thi lớn là bắt đầu từ vua. Người hiền tài chọn nhiều hơn cả đời xưa. Văn võ đều dùng, tùy theo sở  trường của từng người. Vì thế, có thể sửa dụng chính sự, chế tác lễ nhạc hiệu lệnh văn chương rõ ràng, có thể cho người sau noi theo”(Trính Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ, tập 2 – Nxb. KHXH, 1998. Trg. 519).

Giáo dục và thi cử dưới thời Lê Thánh Tông được xem là thịnh đạt nhất trong lịch sử giáo dục và khoa cử thời phong kiến. Năm 1463, định lệ 3 năm mở 1 kỳ thi Hội, từ năm 1463 đến năm 1496 dưới thời Lê Thánh Tông triều đình đã tổ chức được 12 khoa thi, lấy đỗ 502 vị Tiến sĩ, nhiều hơn bất kỳ số Tiến sĩ của một triều vua nào, trong đó có những người nổi tiếng như Lương Thế Vinh, Phạm Đôn Lễ, Vũ Tuấn Chiêu...ngoài khoa thi Tiến sĩ định kỳ, nhà vua còn cho tổ chức các khoa thi Hoành từ, Nhã sĩ, Đông các...

Năm 1483, vua Lê Thánh Tông cho trùng tu Văn Miếu, mở rộng Quốc Tử Giám. Từ thời kỳ này, vào học tại Quốc Tử Giám còn có các con em thường dân tuấn tú trong cả nước, gọi là Giám sinh.

Năm 1484, vua Lê Thánh Tông khởi xướng lệ dựng bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu, truy dựng từ khoa thi 1442. Nhận thấy sự cần thiết phải biểu dương nhân tài để khuyến khích Nho phong sĩ khí cho đương thời và hậu thế. Vua bèn sai Thượng thư bộ Lễ Quách Đình Bảo chịu trách nhiệm soát lại danh sách thứ bậc của các Tiến sĩ thi đỗ từ khoa thi đầu tiên của Triều Lê là khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đời Lê, đến khoa thi năm ấy là khoa Giáp Thìn, Hồng Đức 15 (1484). Giao cho các quan đại thần Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào cử v.v...chia nhau soạn bài ký để khắc vào bia, Trung thư giám chính tự Nguyễn Tùng, Thái Thúc Liêm, điển thư Phan Lý viết chữ, Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại viết chữ triện. Các quan bộ Công vâng mệnh kén thợ, chọn đá v.v.. Công việc chuẩn bị trước sau mấy tháng, đến ngày 15 tháng 8 năm ấy (tháng 9 năm 1484) chính thức làm lễ dựng bia. Đó là đợt đầu tiên, tất cả gồm 10 tấm, được dựng lên ở trong vườn trước sân nhà Văn Miếu – Quốc Tử Giám với nghi thức long trọng, đánh dấu sự khởi đầu của Hệ thống Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long.

Lê Hương

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm