CÁC HOẠT ĐỘNG

 Xin chữ, xin câu đối Tết đã là nét đẹp nhiều đời. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mỗi nhà lại trân trọng viết những chữ mang ý nghĩa tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Bình an, Vạn sự như ý..., cẩn thận ngẫm nghĩ soạn những câu đối mừng xuân mới, nêu cao nền nếp gia phong, cầu chúc tăng phúc, tăng thọ, tiến lộc, tiến tài, cầu mong một năm thịnh đạt.

Trang trí trong  nhà đón Tết xưa, trang trọng nhất là câu đối đỏ. Chữ (đại tự) và câu đối tươi rói mực tàu trên nền giấy đỏ, ấm áp, trang nghiêm nhưng cũng không kém phần rực rỡ. Nếu trong nhà có “người có chữ” có thể tự soạn (hoặc chọn) và có thể nhờ người “chữ tốt” viết chữ hoặc câu đối mình ưng trên giấy đỏ để dán trước cửa, dán lên cột. Nếu cầu kỳ hơn thì mang lễ vật đến tận nhà người Nho học có danh tiếng để xin chữ, câu đối. Tất cả đều gửi gắm một niềm vui, một ước vọng, một hy vọng trong năm mới. Và không chỉ có thế, tục xin chữ đầu năm còn nuôi dưỡng tinh thần hiếu học và âm thầm chảy truyền thống Tôn sư - Trọng đạo.

Nhưng vật đổi sao dời, thời thế đổi thay. Đến thời nhà thơ Vũ Đình Liên, những năm 1930, các ông đồ chữ tốt đã không còn được ưu ái trọng vọng bởi Tây học đang thắng thế Hán họcÔng đồ vẫn ngồi đấy nhưng Giấy đỏ buồn không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu. Rồi chiến tranh binh lửa kéo dài giữa thế kỷ 20 càng khiến chữ Hán lùi vào dĩ vãng.

  Đất nước đổi mới, chữ Hán dù đã không còn những giá trị ứng dụng trực tiếp như một hệ thống tự vị chính thống nhưng những giá trị, ý nghĩa văn hóa mà nó chứa đựng dần được khơi thông trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc truyền thống. Những năm trước, trong buổi hỗn mang kinh tế thị trường ngày đầu mở cửa, “phố ông đồ” chập chững nhếch nhác và tự phát bên bờ tường Văn Miếu. Ông đồ thực, ông đồ “hư” lẫn lộn. Nhưng người Hà Nội dần “nhớ lại” và phục dựng những nét đẹp của tục xin chữ đầu xuân, Việc viết chữ cho công chúng cũng trật tự, quy củ hơn. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm thu hút cả người Thủ đô và du khách bởi Hội chữ Xuân. “Lều chõng” tham gia Hội chữ quây quần tập trung trong khu vực hồ Văn. Các “Ông đồ” được một ban giám khảo có uy tín sát hạch cẩn thận qua nhiều vòng khảo thí nên các sản phẩm chữ ngày càng đẹp hơn, mang ý nghĩa sâu sắc hơn.

( Ảnh: Ông đồ viết chữ tại Hồ Văn, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018) 

  Mỗi năm một chủ đề tôn vinh một nét đẹp truyền thống: Khuyến học, Uống nước nhớ nguồn, Tôn sư trọng đạo..., năm nay chủ đề Hội chữ Xuân 2018 được chọn là Hiền tài. Nhắc đến hai chữ Hiền tài, người ta nhớ đến câu nổi tiếng của Thân Nhân Trung trong bài ký đề bia Văn Miếu từ năm 1442: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Người tài được quý trọng sẽ mang lại sự phát triển thịnh vượng. Ý nghĩa của việc trọng dụng người tài cho đến nay vẫn không hề suy giảm. Hiền tài ngày nay càng đáng coi trọng và phát triển nếu muốn đất nước đi lên và bền vững trong thế giới toàn cầu hóa.

Hiền tài xưa là những người thông kinh thuộc sử, có tài hộ dân, giúp nước. Hiền tài ngày nay (phải) là những công dân toàn cầu góp tài năng không chỉ cho những lĩnh vực phát triển của quốc gia dân tộc mà còn cho cả nhân loại trong việc giải quyết những vấn đề chung: nghèo đói, bệnh tật, thất học, bất công... Chữ xuân Hiền tài muốn nói lên ước vọng khuyến tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia để đưa thế nước lên cao, làm cho đất nước hưng thịnh, nhân dân hạnh phúc..

 

                                                                                            Ngữ Thiên

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm