CÙNG VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM CỔ VŨ TINH THẦN CÁC SĨ TỬ QUA TRIỂN LÃM TRANH “SĨ TỬ”
Chiều ngày 25/6/2024, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Nhau Studio – đơn vị giáo dục và đào tạo Nghệ thuật tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm tranh SĨ TỬ tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đến tham dự lễ khai mạc có: ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, họa sĩ Minh Đàm – Hiệp hội tranh màu nước quốc tế, họa sĩ Nguyễn Ngọc Linh – đại diện Nhau Studio cùng đông đảo du khách yêu tranh Thủ đô.
Với 69 bức tranh của 7 hoạ sĩ từ 2 bộ môn Màu nước ứng dụng và Giải phẫu học nghệ thuật của Nhau Studio, đây được xem như một sự kiện mang tính xã hội góp phần cổ vũ tinh thần của các “Sĩ tử”. Địa điểm tổ chức tại nơi được mệnh danh Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng khi hàng năm, vào mỗi mùa thi có rất nhiều “Sĩ tử” đến với nơi đây và gửi gắm những tâm tư nguyện vọng cho một hành trình quan trọng trong tương lai.
Đúng với tên gọi “SĨ TỬ”, triển lãm sẽ đem đến cho khán giả cái nhìn chân thực hình ảnh những “Sĩ tử” ngày nay, những lớp trẻ mà ta ví von là “mầm non tương lai” qua những bức tranh trực hoạ tại các trường Trung học phổ thông, các Trung tâm luyện thi… hay những hình ảnh về các môn học, các dụng cụ học tập gần gũi qua nét cọ nhẹ nhàng của màu nước. Tại không gian triển lãm, nơi chính là trường Quốc Tử Giám xưa, người xem có thể gợi nhớ đến những sĩ tử thời xưa, miệt mài đèn sách, dùi mài kinh sử trước khi bước vào trường thi, để cá chép vượt vũ môn hóa rồng.
Triển lãm diễn ra từ hôm nay đến hết ngày 10/07/2024. Đừng bỏ lỡ triển lãm thú vị này bạn nhé.
Quý vị đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu tại lễ khai mạc
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Linh – đại diện Nhau Studio phát biểu tại lễ khai mạc
Khách tham quan triển lãm
Tác phẩm “Hệ vô cực”
Tác phẩm “Trường học là nơi vui nhất” và “Xem thêm bài tập nâng cao”
Tác phẩm “Mọi lúc mọi nơi” và “Chăm chú nghe giảng”
An Nhiên