NGÀY KHAI GIẢNG NHỚ LỄ KHAI TÂM XƯA
Tháng 8 mùa thu yên bình, quyến rũ trôi qua nhường chỗ cho những ngày tháng 9 rộn rã, tưng bừng với không khí của ngày tựu trường. Trong những ngày này, tiếng trống khai trường rộn rã vang lên khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đánh dấu cho một năm học mới. Khai trường là ngày lễ của các em học sinh, của các thầy cô giáo, ngày các bạn học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè. Đặc biệt hơn đối với các bạn lớp 1 bỡ ngỡ, rụt rè đặt những bước chân đầu tiên đến cổng trường để bắt đầu một hành trang mới.
Lễ khai giảng của trường THPT Văn Hiến, Hà Nội năm học 2016 - 2017
Với học trò xưa, ngày đầu được cha mẹ đưa đến gặp thầy đồ xin học cũng là một ngày trọng đại được gọi là lễ khai tâm. Khai tâm là dậy cho trẻ em mở cái tâm cho thông, có giữ được cái tâm thông thì trí tuệ mới sáng suốt, mới nhìn ra lẽ phải trái của sự vật. Trẻ em lên 6 -7 tuổi bắt đầu đi học, cha mẹ chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ Khai tâm cho đứa trẻ.
Thầy đồ dạy học
Nguồn: Sưu tầm
Trước đó, cha mẹ đã đến xin phép thầy đồ rồi xem ngày tốt để đưa con đến lớp. Đến ngày đã định, cha mẹ dẫn con ăn mặc chỉnh tề, mang theo lễ vật gồm khay trầu, rượu, hoa quả, đèn hương, nếu nhà nào khá giả thì có thêm mâm xôi, 5 đến 10 trứng vịt luộc cùng con gà trống thiến luộc chín đến nhà thầy. Thầy nhận lời, sắp lễ vật, thắp hương tế cáo trời đất, sau đó cùng cha mẹ đứa trẻ ngồi chuyện trò uống trà, uống rượu, coi tử vi của đứa trẻ rồi đặt tên cho nó một cái tên mới thay cho cái tên cũ, vì ở quê xưa hay kiêng kỵ nên người ta thường đặt những cái tên không được hay. Thầy đồ thường dựa vào sách vở kinh điển hoặc dựa vào các bộ nét cấu tạo chữ Hán để đặt tên cho học trò mới.
Từ hôm đó cho đến vài tháng đầu, thầy đồ dạy cho trẻ những thói quen tốt, những phép tắc thông thường, cách ứng xử khi giao tiếp như cách trả lời khi có người hỏi, cách thức đi thưa về trình. Trong mấy tháng đầu, thầy đồ viết bài trên giấy đóng thành tập cho học trò, mỗi ngày học vài ba chữ. Những học trò lớn phải có nhiệm vụ giúp thầy, hướng dẫn những học trò nhỏ học thuộc lòng những chữ mà thầy đã cho. Những học trò lớn còn giúp các trò nhỏ tập viết ban đầu, viết bằng thanh tre nhỏ chấm nước lã viết trên bảng con bằng gỗ, viết trên lá chuối hoặc viết trên khay cát (làm như vậy cho đỡ tốn giấy, vì hồi ấy giấy khan hiếm và rất đắt). Khi nào các trò đã viết thuận tay, thuộc mặt chữ thì thầy mới cho tập đồ trên giấp vở. Đây là lớp vỡ lòng hay còn gọi là lớp khai tâm.
Truyền thống coi trọng đạo học của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa, thấm sâu vào từng gia đình, nối tiếp qua các thế hệ và là mạch nguồn chảy mãi đến mai sau.
LH