CÁC HOẠT ĐỘNG

VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM NƠI LAN TỎA TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC

 

         Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng với Di sản Tư liệu thế giới 82 bia Tiến sĩ luôn là nơi lưu giữ và lan tỏa truyền thống Hiếu học, Tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài của đất nước. Ngày nay những thông điệp của cha ông vẫn vẹn nguyên giá trị, là động lực để các thế hệ học trò phấn đấu, vững bước trên con đường học vấn, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

 

         Từ thế kỷ XI triều Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng để mở mang việc học, gây dựng nhân tài cho đất nước. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông lại cho khởi dựng bia Tiến sĩ, với mục đích biểu dương nhân tài, khuyến khích học tập cho đương thời và hậu thế… Vì sự học chính là cái gốc, là mấu chốt của mọi thành công, giúp cho xã hội hưng thịnh, là cơ sở để cho con người trở nên tử tế.

 

Bia Tiến sĩ – Di sản Tư liệu thế giới

 

 

         1304 vị Tiến sĩ được khắc tên trên 82 tấm bia luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Trong số các vị khoa bảng ấy có rất nhiều các vị danh nhân nổi tiếng như: Ngô Sĩ Liên (1417-1474), Lương Thế Vinh (1441-1496), Lê Quý Đôn (1726-1784)... Đặc biệt trên bia cũng ghi dấu nhiều dòng họ, địa phương nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, như: vùng Kinh Bắc có 98 vị Tiến sĩ có tên trên bia Tiến sĩ, làng Mộ Trạch, Hải Dương có 36 vị Tiến sĩ, dòng họ Thân 3 đời đỗ đại khoa ở xã Yên Ninh, Bắc Giang, dòng họ Ngô có 5 đời đỗ Tiến sĩ ở Vọng Nguyệt, Yên Phong… Những nhân tài ấy đều có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của họ xứng đáng là những tấm gương lớn cho các thế hệ mai sau noi gương và học tập.

 

         Ngày nay khi đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài 82 bia đá Tiến sĩ, các em học sinh sẽ bắt gặp các công trình kiến trúc với tên gọi có ý nghĩa truyền tải những thông điệp giáo dục sâu sắc. Ví như hai cửa nhỏ hai bên đông, tây cổng Đại Trung là: cổng Thành Đức và cổng Đạt Tài. Ý nghĩa của hai cổng nhỏ này thể hiện phương châm giáo dục của cha ông ta xưa kia. “Đức hạnh” và “Tài năng” là hai giá trị cao nhất của con người, muốn đạt được điều đó mỗi con người đều phải trải qua quá trình giáo dưỡng, học tập, rèn luyện nghiêm túc mới có thể đạt được. Phương trâm giáo dục của người xưa đó là đào tạo con người trở thành người “Đức Tài trọn vẹn”.

 

Cổng Thành Đức    

 

Cổng Đạt Tài

 

         Cổng Bí Văn và Súc Văn hai bên đông và tây của Khuê Văn Các cũng hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc: Bí Văn là “Văn chương trau truốt, sáng sủa”, Súc văn là “Văn chương hàm ý suc tích”. Gác Khuê Văn là công trình kiến trúc nghệ thuật xây dựng từ năm 1805 ca ngợi nền văn chương của nước nhà, nay đã được chọn làm biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến…

 

Khuê Văn Các ở chính giữa ở hai bên đông tây là cổng Bí văn và Súc văn

 

 

 

         Đó là những thông điệp rất nhân văn sâu sắc, mà người xưa đã gửi gắm vào tên gọi các công trình kiến trúc cổ kính, các hiện vật trong khu di tích. Các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay khi đến tham quan khu di tích sẽ có cơ hội tìm hiểu ý nghĩa những thông điệp ấy để tự thấm, tự cảm nhận và tự biết làm điều có ích cho xã hội , xứng đáng với các thế hệ cha ông.

         Mùa thi tới, Văn Miếu – Quốc Tử Giám chúc các em sẽ luôn tự tin, vững bước trên con đường mình đã chọn để tiến tới thành công trong tương lai.

 

Các em học sinh và phụ huynh dâng hương tưởng nhớ công ơn Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An tại Hậu Đường nhà Thái Học.

 

Phòng trưng bày khu Thái Học – nơi các em học sinh tìm hiểu về lịch sử khoa cử, cách thức thi cử của thời kì phong kiến.

 

Phòng Trải nghiệm với Di sản – nơi mà các bạn học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống khoa cử, cũng như chữ Hán – Di sản Hán Nôm trên bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Bạn học sinh tìm hiểu ý nghĩa của chữ Hiếu học – chữ Hán cổ khắc trên bia Tiến sĩ khoa thi năm 1763

 

Nơi lữu giữ ước nguyện là những tấm thiếp nho nhỏ các em học sinh có thể chia sẻ những ước mơ của mình một cách giản dị nhất.

 

“Xin chữ” là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mà các bạn trẻ đang kế thừa, mong các em sẽ hiểu và trân trọng truyền thống quý báu của cha ông để học tập nên người.

 

AV

 

 

 

 

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm