NĂM DẦN KỂ VỀ LINH VẬT HỔ
TRONG VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM
Hổ là linh vật tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh với nhiều phẩm chất cao quý. Trong di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hình ảnh Hổ xuất hiện ở các vị trí khác nhau với tạo hình phong phú và mang nhiều ý nghĩa độc đáo.
Trong văn hóa Việt Nam, từ những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn cho đến ngoài đời thực, hổ luôn xuất hiện với dáng vẻ oai hùng, dũng mãnh. Có lẽ với khí chất mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực như vậy, nên hổ được chọn là linh vật tượng trưng cho tháng Dần – tháng đầu tiên mở ra vận hội mới cho cả một năm mới. Hổ từ xưa đã xuất hiện trong tín ngưỡng của người Việt như vị thần bảo vệ: tục thờ thần hổ, thờ ngũ hổ… Hình ảnh hổ đặc biệt xuất hiện rất nhiều trong mỹ thuật tạo hình như: tranh dân gian, tranh thờ tự, điêu khắc nơi chùa chiền, miếu, tự,...
Bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” bên phía tây cổng Văn Miếu, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hình ảnh linh vật Hổ xuất hiện tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” ngay trên cổng chính với thân hình to lớn, hùng dũng, khí thế bước chân xuống núi, đôi mắt mở to sáng rực, tai vểnh, móng sắc nhọn nhưng khuôn miệng lại mở rộng hiền hòa, không hề nhe nanh vuốt đe dọa. Theo quan niệm dân gian Hổ là linh vật biểu tượng cho vị thần bảo vệ và canh giữ (đình, đền, miếu…). Tuy nhiên, hình tượng hổ trên bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” tại cổng Văn Miếu – một trung tâm giáo dục cao cấp bậc nhất thời quân chủ lại được ví với bậc trí thức tài - đức, sẵn sàng mang đức độ, tài năng của mình ra giúp ích cho đất nước.
Hổ còn được xuất hiện trên Di sản Tư liệu Thế giới bia Tiến sĩ. Đặc tính của hổ được các nghệ nhân điêu khắc thể hiện một cách chân thực qua hình ảnh hổ ở vị trí diềm bia Tiến sĩ khoa thi năm 1604. Nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi đã mô tả hỉnh ảnh này rất sinh động: “Hổ đang lao mình về phía trước, hai chân trước chồm tới, hai chân sau giơ cao, đuôi vút ngược lên, đầu nghiêng, tai vểnh”. Đây quả thực là hình ảnh rất sống động, thể hiện bàn tay khéo léo và khối óc quan sát tinh tế của người nghệ nhân xưa.
Hình tượng Hổ trang trí trên diềm bia Tiến sĩ khoa thi năm 1604
Ở cuối diềm bia Tiến sĩ dựng cho khoa thi năm 1643, hình ảnh hổ cũng xuất hiện trong đồ án “Thanh long - bạch hổ”. Theo quan niệm định vị không gian của Đạo giáo: bên trái là “Thanh long”, bên phải là “Bạch hổ”. Đây là đồ án mang ý nghĩa cát tường, Thanh long (con rồng xanh) tạo ra cuộc sống tốt đẹp, may mắn; Bạch hổ (con hổ trắng) lại giúp duy trì và bảo vệ những thứ tốt đẹp này. Đó là một trong những cách thức trang trí đăng đối trên diềm bia Tiến sĩ, vừa thể hiện tính mỹ thuật cao, vừa thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Đồ án “Bạch hổ” trang trí bên phải trên diềm chân bia Tiến sĩ khoa thi năm 1643
Phong cách tả thực về hình ảnh con hổ cũng được các nghệ nhân thể hiện rất tinh tế qua hình ảnh con hổ trên góc tấm bia dựng cho khoa thi năm 1650. Hổ với đôi mắt to tròn và hai chiếc răng nanh sắc, tư thế hổ ngồi như thu người lại vẫn giữ được sự oai hùng và mãnh liệt vốn có của vị chúa sơn lâm này.
Hình ảnh con hổ trang trí trên góc bia Tiến sĩ khoa thi năm 1650
Như vậy, dù ở vị trí nào thì hình ảnh linh vật Hổ luôn được thể hiện rất mạnh mẽ, oai linh và sống động. Từ ý nghĩa hổ là biểu tượng của sức mạnh, của vị thần bảo vệ trong dân gian, hình ảnh hổ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được cách điệu ví với hình ảnh của bậc trí giả khao khát cống hiến sức lực, trí tuệ giúp đời, giúp nước. Đó cũng là một ý nghĩa độc đáo về hình tượng hổ ở Thăng Long - Hà Nội.
Hình ảnh con hổ đã đi vào nền văn hoá Việt Nam rất phong phú, đa dạng và đặc sắc. Điều đó chứng tỏ vị trí quan trọng của hình tượng hổ trong đời sống văn hóa của người Việt. Năm Nhâm Dần 2022, với niềm tin, khát vọng hòa bình và tinh thần đoàn kết, sáng tạo sẽ giúp chúng ta vượt qua đại dịch, hướng tới sự phát triển bền vững, hạnh phúc./.
Bích Phương-Anh Vân