CÁC HOẠT ĐỘNG

KHAI MẠC TRIỂN LÃM VÀ LIÊN HOAN THƯ PHÁP  “THĂNG LONG – HÀ NỘI”

Thăng Long - Hà Nội, nơi lắng hồn sông núi, kết tinh, hội tụ tinh hoa văn hóa từ ngàn xưa luôn mang đến rất nhiều cung bậc cảm xúc khi nói về Kinh đô - Thủ đô yêu dấu. Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020), kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, chiều 2/10, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Lễ Khai mạc Triển lãm và liên hoan thư pháp chủ đề “Thăng Long ­- Hà Nội” tại khu Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ảnh: Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Tham dự khai mạc triển lãm có bà Đặng Thị Bích Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, TS. Phan Đăng Long - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hà Nội, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng đông đảo thành viên các CLB thư pháp và công chúng yêu nghệ thuật thư pháp.

Ảnh: Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các Câu lạc bộ thư pháp tham gia Triển lãm

Được tổ chức tại hai không gian là khu Thái Học và khu Vườn Ươm của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Triển lãm và liên hoan Thư pháp “Thăng Long - Hà Nội” giới thiệu tới công chúng hơn 100 tác phẩm thư pháp và thư họa nhằm tôn vinh một nét đẹp văn hóa, một môn nghệ thuật hấp dẫn, thú chơi được nhiều người yêu thích. Triển lãm và liên hoan Thư pháp hướng tới kết nối các câu lạc bộ thư pháp trên địa bàn Hà Nội, các nhà thư pháp từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam với hai loại hình Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp Quốc ngữ.

Ảnh: Các tác phẩm thư pháp được trưng bày tại Triển lãm

Nội dung các tác phẩm thư pháp được viết dựa trên một số tác phẩm văn học tiêu biểu về Thăng Long – Hà Nội từ năm 1010 cho đến nay của các nhà chính trị, nhà văn hóa, các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tiến sĩ khoa bảng… với  các chủ đề: ca ngợi con người và cảnh đẹp Thăng Long - Hà Nội; giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội; giáo dục và đào tạo nhân tài tại Quốc Tử Giám…

 

Ảnh: Màn trình diễn thư pháp của các thư pháp gia

Tại Lễ khai mạc, công chúng còn có cơ hội chiêm ngưỡng những màn trình diễn Thư pháp độc đáo của các thư pháp gia Hán Nôm và Quốc ngữ cùng thi triển bức thư pháp gồm 12 chữ “Thăng Long – Hà Nội vi vạn đế vương chi thượng đô” và thư pháp gia Nguyễn Quang Duy với bức thư pháp đề chữ “Thăng Long”.

Ảnh:Bà Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Vân Anh – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Với chuỗi các hoạt động trình diễn, tặng chữ, giao lưu giữa du khách và các câu lạc bộ thư pháp… được tổ chức trong nhiều ngày giúp cho công chúng được thưởng lãm những tác phẩm Thư pháp hấp dẫn và các hoạt động có ý nghĩa, góp phần tôn vinh một nét đẹp văn hóa, giới thiệu đến công chúng một môn nghệ thuật truyền thống, thú chơi được nhiều người yêu thích.”

Bà Trần Thị Vân Anh cũng cho rằng Triển lãm là hoạt động hết sức ý nghĩa để chào mừng những ngày lễ lớn của Thủ đô, phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám và góp phần tạo ra một sân chơi lành mạnh cho hoạt động thư pháp.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 2/10 đến hết ngày 10/10 tại khu Thái Học và khu Vườn Ươm, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.

Một số hình ảnh:

Ảnh: Các tác phẩm thư pháp được giới thiệu tại Triển lãm

Ảnh: Các tác phẩm thư pháp được giới thiệu tại Triển lãm

Ảnh: Màn trình diễn thư pháp của thư pháp gia

Ảnh: Màn trình diễn thư pháp của thư pháp gia

Ảnh: Tiết mục văn nghệ tại Lễ khai mạc

An Nhiên

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm