NHỮNG LẦN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐẾN THĂM VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ luôn quan tâm văn hóa, giáo dục, đến việc trọng dụng nhân tài. Trên cương vị Chủ tịch nước, mặc dù rất bận rộn nhưng Người đã dành thời gian đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ba lần (1945, 1960 và 1962), trong đó, lần đầu tiên vào ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công.
Ngày 21 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ tế Thu tại Văn Miếu. Tham dự buổi lễ ngoài các thành viên trong Hội Tư văn (Văn miếu học hiệp hội), còn có Cố vấn Vĩnh Thụy, Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng. Nghi thức tế lễ vẫn như truyền thống, nhưng điểm mới là: Lễ vật không phải lễ Tam sinh (bò-dê-lợn) mà chỉ có hương hoa, oản quả.
Lần thứ hai vào ngày 29/1/1960, Tết Nguyên Đán năm Canh Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Người xem bia và đọc bia ghi danh các vị Tiến sĩ. Trên tấm bia của khoa thi năm 1442 có câu” Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Từ truyền thống coi trọng các bậc hiền tài trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển trong điều kiện mới của đất nước. Lúc sinh thời, Người thường nói, phải “tìm người tài đức”, vì “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều bậc tài đức đã tham gia gánh vác công việc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Vào mùng 5 Tết Nguyên đán năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám và trò chuyện với cụ phụ lão yêu thơ của Thủ đô Hà Nội. Trong chương trình, có các tiết mục ngâm thơ và hát ca mừng Xuân mới. Người đã ứng khẩu đọc hai câu thơ tặng các cụ phụ lão Thủ đô:
“Tuổi già nhưng chí không già
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”
Trước khi rời Di tích, Người đi xem những di vật quý giá trong nhà Bái đường như bức hoành phi “Cổ kim nhật nguyệt”, chuông Bích Ung của Nguyễn Nghiễm (Thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du)
Hôm nay, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta cùng nhớ lại những lần Người đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nơi biểu tượng cho đạo học Việt Nam và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: hiếu học, hiếu nghĩa, coi trọng các bậc hiền tài... Thực hiện mong ước của Người, những thế hệ đi sau sẽ tiếp nối mạch nguồn văn hóa của dân tộc để đất nước Việt Nam hòa bình, hạnh phúc, cùng sánh vai các cường quốc năm châu.
Đỗ Thị Tám