NGHIÊN MỰC NHÀ THÁI HỌC
Năm tháng và những biến cố thăng trầm sau hơn 900 năm lịch sử đã xóa lấp hoàn toàn các công trình kiến trúc của Quốc Tử Giám - Trung tâm đào tạo cao cấp nhất Việt Nam thời quân chủ. Nhưng cùng với thời gian, bốn chiếc nghiên mực đá của nhà Thái Học vẫn vững chãi, tồn tại cho đến ngày nay ở di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Nghiên đá có kích thước 70cm x 38cm x 24 cm, trên có khắc bốn chữ Hán “Thái Học đường nghiên” tức là nghiên mực của nhà Thái Học. Trước năm 2000, cả bốn chiếc nghiên đều được đặt tại sân Thái Học, trên nền cũ của Quốc Tử Giám xưa. Sau khi Công trình Thái học được xây dựng, hai chiếc được chuyển sang lưu giữ trước cửa Điện Đại Thành, 2 chiếc còn lại được đặt ở hai bên hương án tượng thờ Khổng Tử, bên trong Điện Đại Thành.
Cho đến nay, hiện chưa tìm thấy tài liệu nào khẳng định bốn chiếc nghiên mực này được tạo tác từ khi nào? Tuy nhiên, bốn chữ Thái Học đường nghiên được đặt theo tên “Thái Học viện” - Tên gọi của Trường Quốc Tử Giám thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) đã phần nào hé lộ niên đại của những hiện vật quý này. Nghiên được tạo tác theo khối trụ, có kích thước lớn, vững chãi, mang dáng dấp giống những hiện vật mang tính biểu trưng, thường được đặt tại nơi làm việc của các vương triều xưa.
Cùng với những cây đa, cây đề cổ thụ, bốn chiếc nghiên mực Nhà Thái học đã chứng kiến biết bao năm tháng học tập, thi cử và thành đạt của nhiều thế hệ Giám sinh được đào tạo tại Quốc Tử Giám. Đây là những hiện vật vô cùng quí giá minh chứng cho sự tồn tại của Trường Quốc Tử Giám - Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam.
Ảnh cận cảnh nghiên mực đá
Ảnh: Nghiên đá đặt tại sân Thái Học trước khi tu sửa năm 2000