TỌA ĐÀM
“XÂY DỰNG CÁC SẢN PHẨM VĂN HÓA PHỤC VỤ DU LỊCH GIAI ĐOẠN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TẠI CÁC BẢO TÀNG, DI TÍCH Ở HÀ NỘI”
Với mong muốn tạo một diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý văn hóa, du lịch, các nhà khoa học, công ty lữ hành và các đơn vị bảo tàng, di tích tại Hà Nội trong việc xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch sau khi mở cửa trở lại tại các bảo tàng, di tích, sáng ngày 11/11/2021, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại các bảo tàng, di tích ở Hà Nội”.
Đến dự tọa đàm có ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, TS.Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Hà Nội; lãnh đạo, cán bộ quản lý Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; đại diện các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch tại Hà Nội và các cơ quan báo đài Trung ương và Hà Nội.
(Ảnh: TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm phát biểu đề dẫn cho buổi Tọa đàm)
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Ông Lê Xuân Kiêu đã nhận định: “Dịch Covid khả năng không phải chỉ năm 2021 mà còn đến năm 2022 và hệ lụy còn kéo dài những năm sau đó, việc khách tham quan quay trở lại như lúc trước dịch sẽ còn mất nhiều thời gian. Nhu cầu của khách tham quan đã có những sự thay đổi rất rõ rệt, và khách đòi hỏi cao hơn, không chỉ đến di tích tham quan để chiêm ngưỡng những giá trị vật thể mà du khách muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể, do vậy phải giúp du khách tiếp cận được những giá trị của di tích thông qua các sản phẩm, hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, công nghệ cũng đòi hỏi các bảo tàng, di tích phải thay đổi trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đây là những nhân tố đòi hỏi các bảo tàng, di tích phải nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm phù hợp với điều kiện mới”.
Tọa đàm đã nhận được nhiều những ý kiến thiết thực chia sẻ kinh nghiệm của các bảo tàng, di tích trong việc vượt qua những khó khăn, thách thức khi phải đóng cửa trong một thời gian dài và xây dựng những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của du khách, thu hút du khách khi mở cửa trở lại. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với sản phẩm tour tương tác tham quan 360 độ, ứng dụng iMuseumvfa tham quan online ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục ra mắt sản phẩm tour “Đêm Thiêng liêng 3-Lửa Thanh xuân” tiếp nối thành công của tour “Đêm thiêng liêng 1 và 2” của Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò, sản phẩm “Tour day online”, giáo dục lịch sử online tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 ở di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay các sản phẩm hướng tới nhóm khách gia đình tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam,…
(Ảnh: TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ trong buổi Tọa đàm)
Khuyến nghị các bảo tàng, di tích trong xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, TS Lê Thị Minh Lý phát biểu: “Các bảo tàng, di tích cần đa dạng các sản phẩm văn hóa, tạo ra sản phẩm có bản sắc của mình, đừng na ná giống nhau. Các sản phẩm phải dựa trên kho tàng di sản của chúng ta. Nhìn từ phương pháp cũng phải trên di sản, dựa trên hiện vật của mình. Công nghệ, hay những giải pháp gì chăng nữa đừng quên rằng: sứ mệnh của bảo tàng, di tích là trực quan sinh động, là cảm xúc. Đối tượng khách của các bảo tàng, di tích là công chúng, là cộng đồng, là khách du lịch và trong các đối tượng khách thì trẻ em là ưu tiên. Bởi vì trẻ em là tương lai của chúng ta. Bởi thế bảo tàng, di tích nào cũng phải làm giáo dục, đó là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của các bảo tàng, di tích”.
Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các đơn vị lữ hành du lịch để có được các sản phẩm phù hợp hơn với du khách.
(Ảnh: ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa chia sẻ trong buổi Tọa đàm)
Từ góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, ông Phạm Định Phong đã có những chia sẻ giúp các bảo tàng, di tích và ngành văn hóa chủ động hơn trong đối phó với các nguy cơ: “Sắp tới trong việc sửa đổi luật di sản văn hóa sẽ có 2 vấn đề chúng tôi dự kiến đặt ra: đó là lập quỹ bảo tồn văn hóa. Khi mà chúng ta đang có nguồn thu tốt thì tại sao không để dành. Chúng ta sẽ nộp vào quỹ đó. Và từ quỹ đó để chi cho các hoạt động chuyên môn. Các đơn vị lập các dự án của tổ chức cá nhân, hay các dự án về bảo tồn, chúng ta sẽ có các nguồn từ điều hành quỹ cấp cho chúng ta vừa dễ thực hiện vừa công khai minh bạch. Thứ 2 là lập quỹ dự phòng ngay tại đơn vị có nguồn thu. Dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, vậy chúng ta phải nghĩ đến tỷ lệ trích nộp lại quĩ dự phòng ở các đơn vị cao hơn. Ví dụ định kỳ 5 năm hay 10 năm mà chúng ta không phải sử dụng trong lúc khó khăn, nguồn kinh phí đó sẽ tái đầu tư cho các công việc chuyên môn, cho các hạng mục tu bổ, tu sửa, mua sắm trang thiết bị”.
(Ảnh: Toàn cảnh buổi Tọa đàm)
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các bảo tàng, di tích đã phải đóng cửa trong một thời gian dài, gặp nhiều khó khăn, không có khách tham quan, không có nguồn thu từ vé và dịch vụ. Mặt khác, yêu cầu bảo quản hiện vật, bảo tồn di tích, duy tu, vận hành luôn đặt ra và đòi hỏi nguồn kinh phí, nhân lực rất lớn. Làm thế nào để khởi động lại và thu hút khách tham quan đến các bảo tàng, di tích sau khi mở cửa? Đó là trăn trở chung của rất nhiều các bảo tàng, di tích hiện nay. Những ý kiến trong Tọa đàm có ý nghĩa tham khảo để các bảo tàng, di tích định hướng trong xây dựng các sản phẩm của mình, ngày một đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của du khách và kết nối với nhau để tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị, góp phần cho sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô.
NH