TỌA ĐÀM “ HOẠT ĐỘNG THƯ PHÁP HIỆN NAY – THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN”
Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2020), trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của Triển lãm và Liên hoan Thư pháp "Thăng Long-Hà Nội", sáng ngày 06/10/2020, tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã diễn ra Tọa đàm "Hoạt động Thư pháp hiện nay-Thực trạng và định hướng phát triển". Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám; TS Phạm Văn Ánh, Phó Viện trưởng Viện Văn học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ths Lê Trung Kiên - Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, Đốc giáo Nhân mỹ học đường cùng đông đảo đại diện các câu lạc bộ, các nhà nghiên cứu, giảng dạy thư pháp, người viết thư pháp.
Ảnh: Các đại biểu dâng hương tại nhà Thái Học
Tại cuộc tọa đàm, ngoài báo cáo đề dẫn, đã có 12 đại biểu phát biểu ý kiến. Nội dung các phát biểu tập trung vào đánh giá thực trạng hoạt động thư pháp hiện nay, cả trên phương diện tích cực và hạn chế trong đào tạo; tổ chức triển lãm trưng bày; sự phối hợp giữa các câu lạc bộ thư pháp; thư pháp chữ Quốc ngữ; công tác tổ chức, khảo tuyển trong Hội chữ Xuân; việc huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động thư pháp; hoạt động thư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, vai trò của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Ảnh: Toàn cảnh buổi tọa đàm
Trên cơ sở thực tiễn hoạt động thư pháp thời gian qua, Tọa đàm đã đưa ra gợi ý một số định hướng cho phát triển của thư pháp thời gian tới: hướng tới sự chuyên nghiệp; hướng tới các giá trị tinh thần, cái đẹp của nghệ thuật thư pháp và phục vụ cộng đồng; tính bền vững của hoạt động thư pháp; các nguồn lực xã hội và sự phối hợp của các câu lạc bộ, người viết thư pháp, các tổ chức, doanh nghiệp; phát triển thư pháp theo hướng ứng dụng, đa dạng hóa hoạt động sáng tác để tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng…
Ảnh: TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát biểu tại tọa đàm
Đây là cuộc Tọa đàm đầu tiên do Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức về hoạt động thư pháp. Với sự đánh giá thẳng thắn, khách quan, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu tham dự, Tọa đàm đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng hết sức quan trọng. Đây là cơ sở quan trọng cho hoạt động thư pháp trong thời gian tới: sự chuyên nghiệp, phát triển bền vững, tinh thần phục vụ cộng đồng và sự kết nối các câu lạc bộ thư pháp, giữa thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ, giữa thư pháp Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Huế và các địa phương khác.
Ảnh: Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sân Thái Học