CÁC HOẠT ĐỘNG

NHÀ GIÁO - THÁM HOA VŨ THẠNH (1664- 1727)

Thầy Vũ Thạnh (1664- 1727) người làng Đan Loan, huyện Đường An, nay là thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, ham học, giỏi văn chương; năm 22 tuổi, đỗ Đình nguyên, Thám hoa khoa Ất Sửu, năm Chính Hoà thứ 6 (1685), làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Bồi tụng.

Trải qua hơn 40 năm làm quan, hơn 30 năm trực tiếp giảng dạy, Nhà giáo - Thám hoa Vũ Thạnh đã đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều người đỗ đại khoa, giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình.

Năm 1698, sau khi từ quan, Thám hoa Vũ Thạnh về mở trường dạy học ở  Hào Nam (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Học trò khắp nơi về theo học rất đông. Nhiều khi lớp học không chứa hết, học trò phải mượn thuyền nan ghé sát hồ để nghe được lời thầy giảng. Khi dạy học, Thầy Vũ Thạnh luôn đề cao tư duy, sự sáng tạo của học trò. Thày chủ trương cải cách văn phong, bỏ lối viết sáo rỗng, tán tụng hư danh mà đi sâu vào cách viết hàm súc về những vấn đề thiết thực của cuộc sống.

Cùng với trường của Tiến sĩ Nguyễn Đình Trụ (xã Nguyệt Áng, nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội), trường Hào Nam đã trở thành một trường tư có tiếng của đất Thăng Long lúc bấy giờ.

Các vị đại biểu tới Hội thảo Thám hoa Vũ Thạnh tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân

Hội thảo Thám hoa Vũ Thạnh con người và sự nghiệp 

Không chỉ có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, văn hóa của đất nước với nhiều tên tuổi học trò nổi tiếng và những áng văn, thơ, bia ký lưu giữ trên khắp các tỉnh thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa...), Thầy Vũ Thạnh còn  trực tiếp dạy dỗ em và con trai thành đạt. Khoa thi Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712), em trai Thầy là Vũ Huyên và con trai Vũ Huy đều đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Bởi vậy, dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Đồng triều tam Tiến sĩ; Nhất nhật lưỡng vinh quy” (nghĩa là: cùng một triều vua mà gia đình có ba người đỗ Tiến sĩ, một ngày trong họ có hai người cùng vinh quy).

Tên tuổi của Thầy được khắc ghi trên tấm bia Tiến sĩ khoa thi 1685 đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và mãi lưu giữ trong lòng Dân tộc như một tấm gương nhà giáo tiêu biểu của giáo dục  Việt Nam thế kỷ 17-18./.

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm