HỘI THẢO “TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO VÀ TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG HỌ NGUYỄN ĐĂNG Ở HOÀI THƯỢNG, TIÊN DU, BẮC NINH”
Sáng ngày 13/10, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và Truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh”, tại nhà Thái học di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Ảnh: Lễ dâng hương các bậc Tiên Thánh, Tiên Hiền
Tham dự Hội thảo có ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, TS. Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học, TS. Nguyễn Hữu Mùi – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS. Đặng Kim Ngọc - Ủy viên BCH TW Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông Nguyễn Hữu Mạo – Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Ảnh: Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ “Hôm nay, với tinh thần đó, chúng ta tề tựu trong không gian cổ kính và ấm cúng này, cùng Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, người đã đại đăng khoa cách đây đúng 334 năm, vào năm Quý Hợi (1683), người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Đăng “Tứ danh hương” trên quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá khoa bảng. Hội thảo không chỉ góp phần làm sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp của một nhà khoa bảng, về truyền thống hiếu học của dòng họ mà còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ tấm gương sáng của bậc tiền nhân danh vọng, góp phần bảo tồn di sản cha ông, từ đó động viên, khích lệ thế hệ trẻ noi gương, tiếp nối, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hiến của dân tộc, quê hương, dòng họ”.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo
Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), quê ở Hoài Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 33 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quí Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông.
Nguyễn Đăng Đạo từng đảm nhiệm các chức: Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư,... Ông cũng được trao trọng trách dẫn đầu đoàn sứ bộ sang triều Thanh đòi lại ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang. Khi mất, ông được phong tặng Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công, đồng thời được sắc phong làm Phúc thần phối thờ ở đình làng Hoài Bão.
Với 27 bài tham luận của các nhà khoa học gửi tới Hội thảo, tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung sau:
1. Quê hương, dòng họ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo
2. Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo - Con người và sự nghiệp
3. Bảo tồn và phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng, thôn Hoài Thượng, Bắc Ninh
Ảnh: TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm tặng tặng phẩm cho dòng họ và chính quyền xã Liên Bão
Tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận một số nội dung:
1. Nhân cách Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo;
2. Đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực hoạt động, trên các vị trí ông đã đảm nhiệm.
3. Vai trò, vị trí của các vị đại khoa dòng họ Nguyễn Đăng đối với Quốc Tử Giám;
4. Giá trị di sản dòng họ Nguyễn Đăng trong điều kiện hiện nay.
Ảnh: Một góc Trưng bày tại Hội thảo
Một phần không gian của Hội thảo sẽ sử dụng để trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Trưng bày giới thiệu tới Hội thảo và công chúng gần 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật cùng nhiều hiện vật như: thư tịch chữ Hán, gánh sách, hòm sách, bút nghiên,…có liên quan nhằm giúp người xem hình dung thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, các nhà khoa bảng họ Nguyễn Đăng và truyền thống hiếu học của dòng họ.