CÁC HOẠT ĐỘNG

TỌA ĐÀM “ VĂN HIẾN VIỆT NAM VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC”

Sáng ngày 24/10, tại nhà Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Quỹ Văn hiến Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “ Văn hiến Việt Nam và phát triển đất nước”.

Đến dự Tọa đàm có; GS.TS Đặng Vũ Minh- Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc-Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; TS Nguyễn Viết Chức-Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long; PGS.TS Lê Văn Toan-nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Đình Tấn-nguyên Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; GS.TS Lê Thị Quý-Chủ tịch Quỹ; GS.TS Đặng Cảnh Khanh-HĐ khoa học Quỹ; GS.TS Phạm Duy Đức, thành viên Ban quản lý Quỹ; Bà Nguyễn Tuyết Minh-Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học, doanh nhân, các cán bộ Quỹ Văn hiến.

 

(Ảnh: Ban chủ tọa điều hành Tọa đàm)

 

Các ý kiến phát biểu trong Tọa đàm tập trung làm rõ chủ đề “ Văn hiến Việt Nam và phát triển đất nước” : ý nghĩa sâu rộng và tầm quan trọng của văn hiến, kế thừa và gìn giữ những giá trị tinh hoa truyền thống tốt đẹp của cha ông, từ đó xây dựng và phát triển văn hiến Việt Nam phù hợp với sự phát triển ngày càng hiện đại của đất nước.

Trong lịch sử, văn hiến đã được nhiều nhà văn hóa Việt Nam đề cập đến, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã khẳng định : “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền Văn hiến đã lâu” ( Nguyễn Trãi-Bình Ngô Đại cáo). Trong bài văn bia ghi danh Tiến sĩ đỗ năm Quang Thuận thứ 4 (1463) có câu : “Kẻ sĩ may mắn được ghi tên trên bia đá này, phải làm cho danh đúng với thực, rèn luyện phẩm hạnh, gắng sức giữ lấy cái tâm đối với nền văn hiến”. Vào thế kỷ thứ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn khẳng định “ Ngã quốc hiệu vị văn hiến “ tức là nước ta là một nước văn hiến”,  các thế hệ người Việt phải gắng sức mà gìn giữ và phát triển nền văn hiến ấy. Thế kỷ XIX, nhà sử học Phan Huy Chú, trong bộ sách “ Lịch triều hiến chương loại chí “ cho rằng,  nước ta là “ Có nền văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại”. Chính nền văn hiến ấy là cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, giúp dân ta vượt thoát ra khỏi những thử thách của lịch sử. Gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam là trách nhiệm của chúng ta với dân tộc và các thế hệ tương lai.

 

(Ảnh: TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long phát biểu tại Tọa đàm)

 

Tại Tọa đàm TS Nguyễn Viết Chức-Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long chia sẻ: “Không có văn hiến đất nước không phát triển bền vững. Làm sao để gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam để đất nước chúng ta phát triển bền vững sánh vai với các cường quốc năm châu.”

Quỹ Văn hiến Việt Nam  được xây dựng với mục đích tập hợp các nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ cho các hoạt động gìn giữ và phát triển văn hiến Việt Nam.

Thúy Hồng

SỰ KIỆN NỔI BẬT

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM

Ngày 05 Tháng 11 Năm 2019

Khám Phá Sự Kiện


THAM QUAN VĂN MIẾU

Tư vấn và lộ trình để lên kế hoạch tốt hơn cho chuyến thăm của bạn

Xem thêm

NỘI QUY THAM QUAN

Những vấn đề cần lưu ý khi tham quan

Xem thêm

FAQS

Những câu hỏi thường gặp

Xem thêm