VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM – NGUỒN CẢM HỨNG SÁNG TÁC VÔ TẬN
Ngay sau Lễ phát động cuộc thi “Kí họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, đông đảo các bạn sinh viên thuộc ngành đào tạo kiến trúc, mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tìm cho mình những ý tưởng sáng tác.
Sinh viên phác thảo tác phẩm của mình trước công trình Khuê Văn Các
Khu di tích lịch sử gần nghìn năm tuổi đã mang đến cho các em thật nhiều cảm xúc để sáng tác. Có nhiều bạn lựa chọn kí họa những công trình kiến trúc đặc sắc tại di tích như Khuê Văn Các, Văn Miếu môn, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành, hay những linh vật như rồng, nghê, rùa, phượng… Cũng có bạn lại ấn tượng trước 82 bia Tiến sĩ - tác phẩm nghệ thuật quý giá mang dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử cùng sự tài hoa, khéo léo của người thợ chạm khắc đá xưa. Một nhóm bạn sinh viên đang kí họa không gian xanh của Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những cây cổ thụ lâu năm, những sắc hoa đủ màu. Còn với Lê Hà, sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại chọn cho mình một góc nhìn thật bình dị: “ấn tượng đầu tiên của em khi tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một không gian xanh và trong lành. Em mong bức kí họa của mình sẽ như một lời cảm ơn gửi tới các nhân viên nơi đây - những con người lao động cần cù mang lại màu xanh cho di tích”.
Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhiều hiện vật quý với những cây đa, cây đề cổ thụ, vườn hoa, thảm cỏ xanh mướt,… đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận đối với các em học sinh, sinh viên
Sinh viên say mê sáng tác tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhiều hiện vật quý với những cây đa, cây đề cổ thụ, vườn hoa, thảm cỏ xanh mướt,… đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận đối với các em học sinh, sinh viên. Cuộc thi “Kí họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám” tạo ra “sân chơi” mỹ thuật bổ ích và ý nghĩa nơi các bạn sinh viên được bay bổng trí tưởng tượng, thỏa sức sáng tạo, thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với di sản gần một nghìn năm tuổi mà ông cha đã để lại./.
An Nhiên